Nghị luận về câu nói “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người” (Dàn ý + 3 mẫu)

Nghị luận về câu nói “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người” (Dàn ý + 3 mẫu)

Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc tài liệu Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người”, sẽ giúp ích cho học sinh trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia.

Bạn đang đọc: Nghị luận về câu nói “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người” (Dàn ý + 3 mẫu)

Tài liệu này bao gồm dàn ý chi tiết và 3 bài văn mẫu lớp 12 Nghị luận về câu nói “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người”. Kính mời thầy cô và bạn đọc cùng tham khảo.

Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người”

    Dàn ý nghị luận về câu nói của Robert Frost

    I. Mở bài

    Giới thiệu câu nói của Robert Frost: “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người”.

    II. Thân bài

    1. Giải thích

    – “Trong rừng có nhiều lối đi”: Cuộc sống có nhiều con đường, nhiều cách thức, nhiều lựa chọn khác nhau để đến đích – thành công.

    – “Lối đi chưa có dấu chân người”: Lối đi còn mới mẻ mà chính chúng ta là người tiên phong khai phá, đó là lối đi đề cao sự sáng tạo, sự mạo hiểm và dũng cảm đối đầu với thử thách.

    – “Tôi chọn”: Chủ động lựa chọn, quyết định dấn thân vào con đường mới mẻ.

    => Như vậy, câu nói của Robert Frost đề cao tư duy sáng tạo, khả năng đột phá và sự dũng cảm dám dấn thân của con người.

    2. Bình luận và chứng minh

    – Nguyên nhân mà con người cần lựa chọn lối đi chưa có dấu chân người:

    • Mỗi người là một cá thể độc lập có nhận thức, quan điểm khác nhau.
    • Cuộc sống luôn chứa đựng những cơ hội mở ra những lối đi mới mẻ.

    – Thuận lợi: Lối đi không có dấu chân người còn nhiều khó khăn buộc con người phải dũng cảm đối đầu, sáng tạo phát huy. Qua đó, con người hiểu được bản lĩnh của chính mình.

    – Khó khăn: Một sự lựa chọn mạo hiểm với nhiều bất chắc, vì không có những người đi trước rút kinh nghiệm.

    – Lựa chọn lối đi riêng ở: trong học tập, trong công việc, trong nghiên cứu khoa học…

    – Ý nghĩa:

    • Giúp cho con người chủ động, linh hoạt hơn trong cuộc sống.
    • Đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.

    3. Bài học nhận thức

    – Chọn lối đi riêng không phải là lối đi lập dị cũng không có nghĩa là mù quáng như con thiêu thân lao vào ánh lửa.

    – Con người cần nhận thức: phải chủ động, sáng tạo và không ngại khó khăn, gian khổ mới có thể thành công với lối đi riêng.

    – Học sinh cần tìm ra cách học sáng tạo.

    III. Kết bài

    Quan điểm của Robert Frost thật sự đúng đắn, đem đến cho chúng ta bài học về sự lựa chọn cách sống.

    Nghị luận về câu nói của Robert Frost – Mẫu 1

    Nhạc sĩ Đức Huy đã có những ca từ ý nghĩa: “Tìm một con đường tìm một lối đi ngày qua ngày đời còn nhiều vấn nghi”. Đó không chỉ là một lời khắc khoải của một người nghệ sĩ mà còn là niềm trăn trở cho tất cả ai trong kiếp nhân sinh này. Lựa chọn cho mình một lối đi là điều không dễ vì vậy nhà văn Lỗ Tấn đã từng viết: “Kì thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Cũng giống như câu nói của Robert Frost: “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người”. Đó là những gợi ý cho chúng ta trong việc lựa chọn con đường đi đến ngày mai.

    Trước hết, chúng ta phải hiểu được “lối đi” là con đường dẫn đến với đích – đến với thành công. Trong câu của nhà văn Lỗ Tấn: “người ta đi mãi thành đường” muốn nói đến những lối đi đã cũ, cách làm đã cũ. Con đường này sẽ thuận lợi và dễ dàng khi vì đã có người khai phá. Còn đối với “lối đi chưa có dấu chân người” mà Robert Frost lựa chọn đó là lối đi còn mới mẻ, lối đi cần đến sự sáng tạo và mạo hiểm cũng như sự dũng cảm để đương đầu với thử thách. Như vậy, mượn cách nói giàu hình ảnh, hai tác giả nêu lên những con đường khác nhau để bước đến thành công trong cuộc sống. Mỗi con đường đem tới cho ta những thuận lợi và khó khăn riêng, con đường của Lỗ Tấn thiên về cái có sẵn dựa vào kinh nghiệm, còn con đường của Robert Frost đề cao tư duy sáng tạo.

    Đi trên một con đường cũ luôn cho chúng ta cảm giác an toàn, đó là một con đường thuận lợi vì người đi trước đã đúc rút kinh nghiệm thay mình và như thế con đường đi đến thành công sẽ được rút ngắn. Nơi sa mạc hoang vu chỉ có một dấu chân đi qua thì không thể gọi là đường vì biết đâu đó là dấu chân của kẻ lạc lối đã bị chết khát. Nếu muốn đến với thảo nguyên xanh, người lữ hành phải đi theo lối có nhiều bước chân. Tuân thủ điều này cơ hội sống sót của khách lữ hành sẽ rất cao. Một học sinh tự mày mò tìm kiếm đáp án có thể cuối cùng cũng tìm ra nhưng thời gian phải bỏ ra là rất lớn. Nếu học sinh đó được sự hướng dẫn của những người đi trước như thầy cô thì sẽ dễ dàng tìm ra đáp án nhanh chóng.

    Nhưng lối đi này không hẳn hoàn toàn là những điều tốt đẹp vì con người không còn nhiều cơ hội để tìm ra cái mới, không có cơ hội để khám phá bản thân. Đi trên một lối mòn của cuộc đời rất dễ rơi vào tình trạng mất cảm hứng – biểu hiện của lối “sống mòn”. Một học sinh chỉ biết làm theo người khác một cách máy móc thì mãi mãi chỉ là cái bóng của họ. Trong rừng có nhiều lối đi, ai cũng phải công nhận điều đó nếu ta đi tìm “linh dược” theo bước chân của người đi trước đôi khi sẽ trở về trắng tay bởi chẳng còn gì. Vậy nếu lựa chọn “lối đi không có dấu chân người” thì sao? Lối đi không có dấu chân người đối khi vẫn còn nhiều trở ngại và khó khăn. Nhưng nhờ những điều ấy buộc chúng ta phải dũng cảm để đối đầu, phải sáng tạo để phát huy mọi khả năng tiềm ẩn bên trong mà lúc bình thường không thể khám phá ra. Chính qua lối đi này, con người hiểu được bản lĩnh, ý chí của chính mình và có thể gặt hái được thành công rực rỡ mang dấu ấn của một người tiên phong. Trong lịch sử, có rất nhiều những tấm gương tiêu biểu mà chúng ta không thể không nhắc đến. Lý Tự Trọng khi bị bắt và kết án tử hình vào năm mười bảy tuổi đã để lại cho thế hệ trẻ một tuyên ngôn sống với câu nói nổi tiếng: “Tôi chưa đủ tuổi thành niên nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của tôi chỉ là con đường cách mạng”. Anh chính là biểu tượng cho tinh thần cách mạng của thế hệ thiếu niên thời đại Hồ Chí Minh. Không thể không nhắc đến, vị chủ tịch kính yêu của dân tộc Việt Nam – chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã không đi theo con đường của các bậc tiền bối như Phan Bội Châu hay Phan Châu Trinh mà lựa chọn cho mình một con đường cứu nước riêng: đi sang các nước phương Tây xem nước họ như thế nào rồi về giúp nhân dân mình. Rõ ràng lịch sử đã chứng minh con đường ấy là hoàn toàn đúng đắn.

    Như vậy, hai con đường trên thực chất đã bổ sung cho nhau, con người có được thành công chỉ khi vừa biết kế thừa những kinh nghiệm của người đi trước. Từ đó, trên lối đi an toàn sẵn có lại biết sáng tạo và phát huy tư duy mới mẻ của bản thân.

    Còn với một học sinh, tôi ý thức được rằng phải kế thừa con đường của cha anh đã đi và không ngừng học hỏi tiếp thu sáng tạo để cho mình một lối đi mới mẻ thể hiện được bản lĩnh của thanh niên Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tôi chợt nhớ đến câu nói của một triết gia: “Nếu như cuộc đời của một con người chia làm hai phần, vậy nửa phần đầu của cuộc đời chính là không do dự còn nửa phần sau của cuộc đời chính là không hối hận”.

    Câu nói của hai tác giả là lời chỉ dẫn về những lựa chọn con đường nào cũng có thuận lợi và khó khăn riêng. Chúng ta cần con đường của người đi trước để tránh sai lầm nhưng cũng cần dũng cảm để khai phá cho mình một con đường mới nhưng không mù quáng. Và chọn con đường nào hãy lắng nghe trái tim bạn mách bảo: “Hãy theo đuổi con đường mà bạn có thể đi với tình yêu và sự tôn kính dù nó có hẹp và quanh co đến mức nào” (Henry David Thoreau).

    Nghị luận về câu nói của Robert Frost – Mẫu 2

    Lựa chọn cho mình một lối đi trong cuộc sống quả thật không dễ dàng vì vậy Robert Frost từng nói: “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người”. Quan điểm trên đem lại cho chúng ta một bài học quý giá.

    Trước hết, “lối đi” là con đường là cách thức dẫn chúng ta bước đến đích. Còn “lối đi chưa có dấu chân người” nghĩa là lối đi còn mới mẻ mà chính ta là người tiên phong khai phá. Đó là lối đi đề cao sự sáng tạo và mạo hiểm, người lựa chọn nó phải dám đương đầu với thử thách, khó khăn. Khi Robert Frost nói rằng “tôi chọn” là muốn thể hiện một thái độ chủ động lựa chọn dấn thân vào con đường mới mẻ. Như vậy, câu nói trên muốn đề cao tư duy sáng tạo, khả năng đột phá và sự dũng cảm dám dấn thân của con người.

    Mỗi con người là một cá thể độc lập, có những suy nghĩ và quan điểm khác nhau. Còn cuộc sống bao giờ cũng phong phú, luôn chứa đựng những cơ hội cũng như thách thức mở ra những lối đi riêng, những ngả đường mới. Mặt khác, cuộc sống cũng luôn luôn biến đổi không ngừng. Nếu không tìm ra những con đường mới mẻ cho bản thân, chúng ta sẽ trở nên lạc hậu. Từ đó mà đích đến thành công ngày càng xa cách hơn. Khi chúng chúng ta lựa chọn một lối đi “không có dấu chân người” nghĩa là chúng ta phải chấp nhận rằng ở đó sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách. Điều đó buộc mỗi người phải có đủ dũng cảm để đối mặt và vượt qua. Chính nhờ vậy, mà con người mời khẳng định được dấu ấn của mình trong cuộc sống này. Đây cũng là một sự lựa chọn mạo hiểm với nhiều bất chắc, vì không có những người đi trước rút kinh nghiệm.

    Trong cuộc sống, có biết bao những con người vĩ đại trở thành những “bậc công thần khai thiên lập quốc” góp phần cho sự phát triển của văn minh nhân loại. Trong quá khứ, Thomas Edison chính là một tấm gương tiêu biểu về sự chọn lựa con đường đi không có “dấu chân người”. Phát minh vĩ đại nhất của ông chính là chiếc bóng đèn đã mở ra một kỉ nguyên của văn minh cho thế giới. Nếu như Edison không có niềm đam mê cũng như khát khao sáng tạo, có lẽ ông đã không kiên trì để rồi có được thành công như vậy. Ở hiện tại, chắc hẳn chúng ta đều biết đến cái tên Steve Jobs là một tỷ phú, một ông trùm kinh doanh và sáng chế người Mỹ. Ông là đồng sáng lập viên, chủ tịch và cựu tổng giám đốc điều hành của hãng máy tính Apple; ông cũng từng là tổng giám đốc điều hành của xưởng phim hoạt hình Pixar (hãng sở hữu nhiều giải oscar cho phim hoạt hình hay nhất như Đi tìm Nemo, Gia đình siêu nhân, Chú chuột đầu bếp, WALL-E, Up và Câu chuyện đồ chơi 3; sau đó ông trở thành thành viên trong ban giám đốc của công ty Walt Disney sau khi Disney mua lại Pixar. Họ đều là những tấm gương tích cực đã tìm cho mình một con đường mới mẻ để bước đến thành công.

    Chọn cho mình một lối đi riêng không phải là một lối đi lập dị cũng không có nghĩa là mù quáng như con thiêu thân lao vào ánh lửa. Mỗi người cần tự nhận thức được phải luôn chủ động, sáng tạo và không ngại khó khăn, gian khổ mới có thể thành công với lối đi riêng. Là một học sinh, tôi muốn lựa chọn một “lối đi không có dấu chân người” từ những điều nhỏ nhất. Ví như tìm ra một cách giải mới cho một bài toán khó, sáng tạo ra những bài văn thật hay khác với những kiểu mẫu… Quan trọng nhất đó là sự chủ động và sáng tạo trong phương pháp học tập để có thể gặt hái được thành tích tốt trong kỳ thi sắp tới. Chính từ những điều nhỏ ấy mà từ đó tôi đã rèn luyện được bản lĩnh và sự tự tin.

    Như vậy, câu nói của Robert Frost là hoàn toàn đúng đắn khi đưa ra một lời chỉ dẫn về cách lựa chọn con đường bước đến thành công.

    Nghị luận về câu nói của Robert Frost – Mẫu 3

    Henry David Thoreau từng nói rằng: “Hãy theo đuổi con đường mà bạn có thể đi với tình yêu và sự tôn kính dù nó có hẹp và quanh co đến mức nào”. Câu nói trên khiến ta nhớ đến một quan điểm cũng khá tương đồng của Robert Frost: “Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người”.

    Quả thật, trong rừng sâu rộng lớn có vô vàn lối đi khác nhau. Có lối đi đã in hằn dấu chân của con người cũng có lối đi chưa có ai bước đến. Và “tôi chọn” nghĩa là tôi chủ động lựa chọn cho mình một “lối đi chưa có dấu chân người”. Lối đi ấy là một lối đi mới mẻ cần có sự sáng tạo với nhiều thử thách khó khăn luôn thường trực ở phía trước.

    Khi phân tích đến đây, tôi chợt nhớ đến một câu nói của nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn: “Kỳ thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Hai câu nói trên đã thể hiện được hai quan điểm hoàn toàn khác nhau. Nếu câu văn của Lỗ Tấn muốn nói đến những con đường quen thuộc in hằn nhiều dấu chân người thì câu nói của Robert Frost lại muốn nói đến những con đường mới mẻ, chưa có ai đặt chân đến.
    Cuộc sống luôn tiềm ẩn những sự biến động không ngừng. Giống như nhà triết học cổ đại người Hy Lạp Heraclitus đã từng khẳng định: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Chúng ta chỉ thực sự tìm ra giá trị của bản thân khi dám dấn thân vào một con đường mới mẻ. Những bạn trẻ mới bước vào cuộc sống với mong muốn khởi nghiệp nên tìm đến những con đường mới mẻ để thử sức chứ không phải là bắt chước theo những người đi trước. Vì chắc chắn bạn sẽ không có được danh tiếng và uy tín như những người đã thành công. Một người nghệ sĩ cũng luôn phải ý thức sáng tạo ra cái mới cũng giống như nhà văn Nam Cao đã từng phát biểu trong tác phẩm của mình: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…” (Đời thừa). Rõ ràng việc đi theo một con đường mới sẽ giúp mỗi người không chỉ chạm tay đến thành công mà còn tìm ra được giá trị đích thực của bản thân.

    Một gương mặt tiêu biểu cho những con người dám lựa chọn một lối đi chưa có dấu chân người: Bill Gates là một doanh nhân người Mỹ – chủ tịch tập đoàn Microsoft, hãng phần mềm khổng lồ mà ông cùng với Paul Allen đã sáng lập ra. Ông luôn nằm trong top những nhân vật giàu nhất thế giới với sự ngưỡng mộ của nhiều người. Không chỉ trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam cũng vậy. Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1984, lĩnh vực nghiên cứu – sáng tạo) là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam. Anh đã phát minh ra công nghệ nền tảng mà dựa vào đó có thể chế tạo các cấu trúc 3D (3 chiều) có kích thước micro (1/1000000m) của vật liệu polymer tự hủy sinh học cho các ứng dụng trong việc phân phối vắc xin/thuốc trong cơ thể và các ứng dụng cấy ghép trong y học. Hay Lê Đình Hiếu (sinh năm 1988, lĩnh vực hoạt động xã hội): Sáng lập Học viện Đào tạo phương pháp tư duy và kỹ năng sống G.A.P; sáng lập dự án Hear.Us.Now dạy tiếng Anh và tin học cho người khiếm thính. Mỗi năm dự án của anh hỗ trợ từ 100 đến 200 suất học miễn phí cho người khiếm thính. Còn cả Vòng Bính Long (sinh năm 1984, lĩnh vực nghiên cứu – sáng tạo). Đồng tác giả 6 bằng sáng chế về vật liệu polymer-nano ứng dụng trong y học. Họ đều là những con người trẻ đến từ nhiều nơi trên mọi miền tổ quốc, họ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng họ có một điểm chung là dám lựa chọn cho mình một lối đi riêng và đều đã đạt được những thành công nhất định.

    Tuy nhiên, chọn một lối đi không có dấu chân người không phải là chọn một lối đi lập dị. Chúng ta cũng cần xác định bản thân khi đã lựa chọn lối đi ấy thì cần kiên trì và cố gắng để đạt được thành công. Với một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi ý thức được rằng phải kế thừa con đường của cha anh đã đi và không ngừng học hỏi tiếp thu sáng tạo để cho mình một lối đi mới mẻ thể hiện được bản lĩnh của thanh niên Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

    Có ai đó đã từng nói: “Điều quan trọng không phải ở vị trí ta đang đứng mà ở hướng ta đang đi”. Quả vậy, cách lựa chọn con đường của Robert Frost không phải là duy nhất nhưng luôn là một con đường hợp lý nếu muốn bước đến thành công.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *