Chúng tôi xin giới thiệu Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về ý kiến “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng”, giúp ích cho học sinh ôn tập trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Bạn đang đọc: Nghị luận về ý kiến “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng”
Tài liệu này gồm dàn ý chi tiết và 3 bài văn mẫu lớp 12 Nghị luận về ý kiến “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng”, kính mời thầy cô và quý bạn đọc cùng tham khảo.
Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về ý kiến “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng”
Dàn ý nghị luận về ý kiến
I. Mở bài
– Giới thiệu ý kiến cần nghị luận: “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng”
II. Thân bài
1. Giải thích
– “bất an”: từ để diễn tả trạng thái tâm lý luôn luôn cảm thấy lo lắng sợ hãi mơ hồ và không lúc nào cảm thấy bình yên trong tâm hồn.
– “hiểm họa”: ta có thể hiểu là những mối đe dọa lớn, là những tai họa hiểm nguy có thể đe dọa đến sự sống cá nhân hay sự tồn vong của một cộng đồng quốc gia dân tộc.
=> Những nguy cơ của thế giới hiện đại luôn tồn tại nhưng chúng ta vẫn cần tin tưởng vào triển vọng của một thế giới ở tương lai.
2. Bình luận
a. Thế giới ta đang sống đang chứa đầy những điều bất an và vô vàn hiểm họa:
– Những mâu thuẫn xung đột giao tranh quân sự.
– Sự nổi dậy của người mẹ thiên nhiên với những thiên tai dữ dội khủng khiếp.
– Dịch bệnh với những biến chủng mới.
b. Con người vẫn có quyền hy vọng vào tương lai tươi sáng
– Lãnh đạo cao cấp của các nước trên thế giới đang nỗ lực phấn đấu vì một thế giới hòa bình.
– Khoa học – kĩ thuật phát triển.
– Y học đạt được nhiều thành tựu to lớn, vượt bậc.
3. Bài học nhận thức
– Đó là một ý kiến đúng đắn sâu sắc giúp chúng ta nhìn nhận thực tại của thế giới cũng như triển vọng của nhân loại.
– Là một công dân của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình và luôn nêu cao giá trị nhân văn, thế hệ trẻ chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng nỗ lực học tập để có thể góp công sức vào đấu tranh ngăn chặn hiểm họa đe dọa cuộc sống con người.
III. Kết bài
– Ý kiến trên đầy nhân văn, nó giúp chúng ta biết sống vì cộng đồng và luôn lạc quan nhìn về phía trước.
Nghị luận về ý kiến – Mẫu 1
Chúng ta đang sống trong thế kỉ 21, thế kỉ của công nghệ thông tin và tri thức nhân loại với những phát minh khoa học đã đưa con người tới kỷ nguyên của ánh sáng. Nhưng ngược lại con người cũng đang lãnh nhận những hậu quả do sự phát triển đem lại. Chính vì lẽ đó, có ý kiến cho rằng: “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng”. Quan niệm trên đã gợi lên trong mỗi chúng ta những suy tư trăn trở.
Trước hết, từ “bất an” dùng để diễn trạng thái tâm lý luôn luôn cảm thấy lo lắng sợ hãi mơ hồ và không lúc nào cảm thấy bình yên trong tâm hồn. Còn “hiểm họa” được hiểu là những mối đe dọa lớn, là những tai họa hiểm nguy có thể đe dọa đến sự sống của cá nhân hay sự tồn vong của một cộng đồng quốc gia dân tộc. Như vậy, chúng ta có thể hiểu vấn đề cốt lõi mà câu nói trên muốn đặt ra đó là: Những nguy cơ nào đe dọa đến thế giới trong hiện tại và những triển vọng nào của thế giới đang chờ đợi ở tương lai?
Có thể thấy, thế giới mà chúng ta đang sống đang tiềm ẩn đầy những bất an với vô vàn hiểm họa. Bởi nó đang xuất hiện những mâu thuẫn gay gắt về sắc tộc, tôn giáo và lợi ích kinh tế chính trị quốc phòng giữa các nước và từ đó xảy ra những cuộc giao tranh quân sự và khủng bố trên khắp thế giới. Đó là cuộc giao tranh kéo dài giữa hai miền Nam – Bắc của Triều Tiên. Hay sự tranh chấp về vấn đề biển Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên hòn đảo Điếu Ngư. Đặc biệt phải kể đến sự xuất hiện và bùng phát nhiều hành động khủng bố do các phần tử quá khích thuộc tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã gây ra những cuộc đánh bom, bạo động khiến cho nhiều người dân phải thiệt mạng. Nói đến sự bất an và hiểm họa của thế giới hiện tại không thể không nói đến sự nổi giận của người mẹ thiên nhiên. Khi con người tàn phá môi trường tự nhiên thì những hậu quả để lại thật khôn lường. Chúng ta không thể quên được những trận động đất ở Nhật Bản hay những trận bão tuyết ở Mỹ. Hay gần đây nhất, Trung Quốc đang phải đối mặt với trận lũ lụt khủng khiếp. Tất cả những điều đó khiến cho con người luôn sống trong một tâm trạng bất an và mang trong mình nỗi sợ hãi thường trực. Bên cạnh sự nổi giận của mẹ thiên nhiên, bên cạnh những xung đột vũ trang thì thực trạng bệnh dịch cũng đang nằm trong những hiểm họa đe dọa toàn thế giới. Có những chứng bệnh âm thầm đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người. Đặc biệt là sự bùng phát trở lại của nhiều dịch bệnh như AIDS, EBOLA… Trong những ngày vừa qua, thế giới đã chứng kiến một đại dịch toàn cầu: dịch Covid-19 đã cướp đi sự sống của hàng triệu con người. Những dịch bệnh ấy là nguyên nhân gây tổn thất lớn đến kinh tế, giao lưu văn hóa và thậm chí còn đe dọa đến mạng sống của con người.
Tuy nhiên, giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng tốt đẹp của nhân loại. Bởi các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước đang chung sức nỗ lực phấn đấu vì một thế giới hòa bình hợp tác và phát triển. Lãnh đạo của các nước phát triển cũng có những chính sách hỗ trợ các nước đang phát triển và chậm phát triển. Đặc biệt đến thế kỉ 21 có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ để con người ứng dụng vào mọi hoạt động từ sản xuất đến tiêu dùng. Nhiều phát minh tiến bộ đã được ra đời trở thành công cụ hỗ trợ cho con người cũng như góp phần giảm thiểu tối đa hậu quả do thiên tai gây nên. Cuối cùng những thành tựu lớn về ý tế hiện đại cũng có thể giúp cho con người sáng chế ra những vắc-xin phòng ngừa bệnh tật và chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo. Đó chính là cơ sở để con người có quyền tin tưởng vào một tương lai ngày một tốt đẹp hơn.
Như vậy, ý kiến trên thật đúng đắn, giúp chúng ta nhìn rõ thực tại của thế giới cũng như những triển vọng trong tương lai. Là một công dân của đất nước Việt Nam – một dân tộc yêu hòa bình, luôn vươn tới những giá trị nhân văn cao đẹp, thế hệ học sinh chúng tôi luôn tự nhủ phải không ngừng học tập phấn đấu để nâng cao cả tri thức và lẫn điều kiện vật chất góp công sức nhỏ bé vào việc đấu tranh ngăn chặn những hiểm họa đe dọa con người. Đồng thời giúp thế giới có được những triển vọng tốt đẹp ở tương lai.
Có thể nói ý kiến: “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng” là một ý kiến sâu sắc mang ý nghĩa nhân văn. Nó giúp mỗi con người chúng ta biết sống vì cộng đồng, sống có trách nhiệm với đồng loại và luôn lạc quan hướng về phía trước. Tôi và bạn hãy cùng nhau phấn đấu để hướng tới để một thế giới giống như lời bài hát:
“Trái đất này là của chúng mình
Vàng trắng đen tuy khác màu da
Bạn yêu ơi, chúng ta là hoa quý
Đầy hương thơm nắng tô màu tươi thắm
Màu hoa nào – Cũng quý cũng thơm!
Màu da nào – Cũng quý cũng thơm!”
Nghị luận về ý kiến – Mẫu 2
Trong cuộc sống hiện đại luôn tiềm ẩn những nguy cơ không thể lường trước được. Nhưng con người vẫn có quyền tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, cũng giống như ý kiến: “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng”.
Chỉ một chữ “bất an” nhưng lại dùng để diễn trạng thái tâm lý luôn luôn cảm thấy lo lắng sợ hãi mơ hồ và không lúc nào cảm thấy bình yên trong tâm hồn. Đối với từ “hiểm họa” được hiểu là những mối đe dọa lớn, là những tai họa hiểm nguy có thể đe dọa đến sự sống của cá nhân hay sự tồn vong của một cộng đồng quốc gia dân tộc. Như vậy, ý kiến trên muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Thế giới mà con người đang sống với những nguy cơ luôn tiềm ẩn nhưng không vì thế mà chúng ta thôi tin tưởng vào một tương lai tươi sáng và tốt đẹp.
Thế giới hiện đại với những mâu thuẫn gay gắt về sắc tộc, tôn giáo và lợi ích kinh tế chính trị quốc phòng giữa các nước và từ đó xảy ra những cuộc giao tranh quân sự và khủng bố trên khắp thế giới. Thế giới đã từng kiến những cuộc chiến như: Cuộc chiến tranh quân sự ở Ukraine hay cuộc tranh chấp quyết liệt trên dải Gaza của Israel và Palestine. Ngay cả với Việt Nam- một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng cũng phải đối đầu với cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông. Nhưng không chỉ có con người mà ngay cả thiên nhiên dường như cũng đang gây ra nỗi bất an. Hàng loạt những hiện tượng thiên nhiên bất thường xảy ra chính là hậu quả của biến đổi khí hậu. Những trận động đất ở Tứ Xuyên hay sóng thần ở Nhật Bản. Những trận bão tuyết ở nước Mỹ hay hạn hán ở Việt Nam. Dù ở đâu, nhưng con người đều phải đối mặt với sự phẫn nộ của mẹ thiên nhiên. Nhưng đó là hậu quả tất yếu của việc tàn phá môi trường tự nhiên của con người. Ngoài ra, dịch bệnh cũng là một điều đáng lo ngại. Những chủng vi-rút mới liên tiếp xuất hiện khiến cho con người điêu đứng vì dịch bệnh. Chắc có lẽ sẽ không quên được những ngày tháng vừa qua của năm 2020, khi đại dịch Covid-19 đã khiến cho hàng triệu người phải bỏ mạng, hàng triệu người rơi vào thất nghiệp… Tất cả những điều kể trên đã đe dọa đến chính cuộc sống của con người, khiến chúng ta không thể không cảm thấy bất an và lo sợ.
Nhưng không vì thế mà chúng ta mất đi niềm tin vào cuộc sống. Trong khi các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước đang chung sức nỗ lực phấn đấu vì một thế giới hòa bình hợp tác và phát triển. Đặc biệt đến thế kỉ 21 có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ để con người ứng dụng vào mọi hoạt động từ sản xuất đến tiêu dùng. Nhiều phát minh tiến bộ đã được ra đời trở thành công cụ hỗ trợ cho con người cũng như góp phần giảm thiểu tối đa hậu quả do thiên tai gây nên. Cuối cùng những thành tựu lớn về ý tế hiện đại cũng có thể giúp cho con người sáng chế ra những vắc-xin phòng ngừa bệnh tật và chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo. Khi đó, con người hãy tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn đang ở phía trước.
Là một công dân của đất nước Việt Nam – một dân tộc yêu hòa bình, luôn vươn tới những giá trị nhân văn cao đẹp, thế hệ học sinh chúng tôi luôn tự nhủ phải không ngừng học tập phấn đấu để nâng cao cả tri thức và lẫn điều kiện vật chất góp công sức nhỏ bé vào việc đấu tranh ngăn chặn những hiểm họa đe dọa con người. Đồng thời giúp thế giới có được những triển vọng tốt đẹp ở tương lai.
Như vậy, ý kiến trên thật sự đúng đắn và sâu sắc. Nó đem lại cho chúng ta bài học nhận thức cần phải có những biện pháp khắc phục những hiểm họa cũng như một niềm tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của nhân loại.
Nghị luận về ý kiến – Mẫu 3
Đi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, con người phải đối mặt với nhiều hiểm họa. Tuy nhiên: “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng”. Ý kiến trên đã để lại trong chúng ta nhiều suy tư trăn trở.
Để có thể hiểu rõ được ý nghĩa của ý kiến trên, trước hết chúng ta cần hiểu rõ được “bất an” và “hiểm họa” là gì. “Bất an” dùng để diễn trạng thái tâm lý của con người, khi họ luôn luôn cảm thấy lo lắng sợ hãi mơ hồ và không lúc nào cảm thấy bình yên trong tâm hồn. Còn “hiểm họa” được hiểu là những mối đe dọa lớn, là những tai họa hiểm nguy có thể đe dọa đến sự sống của cá nhân hay sự tồn vong của một cộng đồng quốc gia dân tộc. Một thế giới đầy những bất an và hiểm họa là điều mà không chỉ trong hiện tại mới có, mà từ xa xưa con người cũng đã phải đối mặt. Chỉ có điều nó khác nhau về mức độ mà thôi. Cho dù như vậy nhưng không vì thế mà phải đánh mất đi niềm tin vào tương lai.
Cuộc sống này có biết bao nhiêu nguy hiểm đang rình rập chúng ta? Những cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên trút xuống cho con người cũng bởi vì chính bàn tay họ đã tàn phá môi trường tự nhiên. Không chỉ là động đất, sóng thần hay hạn hán lũ lụt. Mà đó còn là sự nóng lên của toàn cầu. Hàng loạt những hiện tượng cực đoan liên tiếp xảy ra: mưa đá, lũ lụt… Và rồi mỗi ngày trôi qua là một ngày con người phải đối mặt với biết bao nhiêu khó khăn. Không chỉ của riêng mình mà còn là khó khăn của quốc gia, dân tộc. Những cuộc nội chiến liên miên không điểm kết để tranh chấp lãnh thổ. Những cuộc xung đột sắc tộc hay nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn diễn ra ở thì hiện tại – thì mà đáng ra chỉ có sự văn minh và tiến bộ. Một điều đáng sợ hơn cả đã cướp đi tính mạng của con người là bệnh tật. Những căn bệnh như ung thư, HIV/AIDS… đến giờ vẫn chưa có thuốc chữa. Không chỉ vậy, ngày trong cuộc sống hàng ngày, con người cũng luôn tìm cách hãm hại nhau. Những vụ án giết người, cướp của ngày càng nhiều trong xã hội. Những người làm cha mẹ nhẫn tâm bỏ rơi con cái của mình. Những vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nhiều xuất hiện nhiều trên báo chí… Vậy phải chăng, thế giới này đã đầy rẫy những hiểm họa?
Thật vậy, thế giới thực sự đầy những khó khăn, nguy hiểm. Con người phải biết tự nhận thức được điều đó và luôn học cách thích nghi, đương đầu với mọi thứ. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta mất đi niềm tin, hy vọng vào một cuộc sống bình yên tốt đẹp hơn trong tương lai. Nó đến từ sự cố gắng của từng con người cũng như toàn xã hội. Mà trước hết là từ sự cố gắng của bộ máy chính trị, những người đứng đầu đất nước đang có những chính sách giải quyết đúng đắn hợp lý. Ngoài ra, khi khoa học kĩ thuật phát triển kéo theo y học phát triển sẽ giải quyết được vấn đề bệnh tật. Có lẽ không lúc nào mà thế giới huy động toàn bộ nguồn lực y học để tìm kiếm ra vắc-xin như lúc này, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành. Những thành công bước đầu đã cho chúng ta một niềm tin về tương lai dịch bệnh được khống chế hoàn toàn. Khi khoa học phát triển, năng suất lao động cũng tăng cao khiến cho nền kinh tế được đẩy mạnh phát triển hơn nữa… Với tất cả những lí do trên, mỗi người hãy có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp phía trước.
Là một công dân của đất nước Việt Nam – một dân tộc yêu hòa bình, luôn vươn tới những giá trị nhân văn cao đẹp, thế hệ học sinh chúng tôi luôn tự nhủ phải không ngừng học tập phấn đấu để nâng cao cả tri thức và lẫn điều kiện vật chất góp công sức nhỏ bé vào việc đấu tranh ngăn chặn những hiểm họa đe dọa con người. Đồng thời giúp thế giới có được những triển vọng tốt đẹp ở tương lai.
Tóm lại, ý kiến: “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng” đã thể hiện được những giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi chúng ta có quyền tin tưởng đến một tương lai tốt đẹp và hạnh phúc hơn và hãy không ngừng cố gắng vì điều đó.