Phong cách ngôn ngữ khoa học là gì? Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học như thế nào? Là câu hỏi được rất nhiều bạn học sinh lớp 10 và lớp 12 quan tâm. Bởi đây là một trong các câu hỏi trọng tâm xuất hiện trong các bài kiểm tra, bài thi THPT Quốc gia.
Bạn đang đọc: Phong cách ngôn ngữ khoa học
Chính vì vậy trong bài viết dưới đây Download.vn xin giới thiệu đến các bạn toàn bộ kiến thức về phong cách ngôn ngữ khoa học, đặc trưng và một số bài tập của phong cách ngôn ngữ khoa học. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức để nhanh chóng biết cách làm bài.
Phong cách ngôn ngữ khoa học
I. Phong cách ngôn ngữ khoa học là gì?
Phong cách ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ dùng trong phạm vi giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học, tiêu biểu là trong các văn bản khoa học.
II. Các loại văn bản khoa học
+ Gồm 3 loại:
– VBKH chuyên sâu: dùng để giao tiếp giữa những người làm công việc nghiên cứu trong các ngành khoa học [chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận,…]
– VBKH và giáo khoa: giáo trình, sách giáo khoa, thiết kế bài dạy,… Nội dung được trình bày từ thấp đến cao, dễ đến khó, khái quát đến cụ thể, có lí thuyết và bài tập đi kèm,…
– VBKH phổ cập: báo, sách phổ biến khoa học kĩ thuật… nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học cho mọi người, không phân biệt trình độ -> viết dễ hiểu, hấp dẫn.
III. Đặc trưng của Ngôn ngữ khoa học
– Là ngôn ngữ được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học.
+ Dạng viết : sử dụng từ ngữ khoa học và các kí hiệu, công thức, sơ đồ…
+ Dạng nói : yêu cầu cao về phát âm, diễn đạt trên cơ sở một đề cương. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học:
a. Tính khái quát, trừu tượng
– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học sử dụng các thuật ngữ khoa học để biểu thị các khái niệm khoa học khái quát, trừu tượng.
– Tính khái quát, trừu tượng của phong cách ngôn ngữ khoa học còn thể hiện ở kết cấu của văn bản (chia thành các phần, chương, mục, đoạn) ; thể hiện ở hệ thống luận điểm khoa học từ lớn đến nhỏ, từ cấp độ cao đến cấp độ thấp, từ khái quát đến cụ thể (hoặc ngược lại).
b. Tính lí trí, lô gích
Tính lí trí, lô gích của văn bản khoa học không chỉ thể hiện ở nội dung khoạ học mà còn thể hiện ở phương tiện ngôn ngữ.
– Từ ngữ trong các văn bản khoa học chỉ được dùng với một nghĩa ; không dùng từ đa nghĩa hoặc dùng từ theo nghĩa bóng và ít dùng các phép tu từ.
– Câu văn trong văn bản khoa học là một đơn vị thông tin, đơn vị phán đoán lô gích, đòi hỏi có tính chính xác cao, chặt chẽ, được xây dựng dựa trên cú pháp chuẩn và thông tin chính xác.
– Tính lí trí, lô gích cũng thể hiện ở việc cấu tạo đoạn văn, văn bản. Các câu, các đoạn trong văn bản phải được liên kết chặt chẽ và mạch lạc. Mối liên hệ giữa các câu, các đoạn, các phần phải phục vụ cho lập luận khoa học.
c. Tính khách quan, phi cá thể
Ngôn ngữ trong văn bản khoa học (nhất là văn bản khoa học chuyên sâu, văn bản khoa học giáo khoa) rất hạn chế sử dụng những biểu đạt có tính chất cá nhân. Do vậy, từ ngữ và câu văn trong văn bản khoa học có màu sắc trung hoà, ít biểu lộ sắc thái cảm xúc.
IV. Trắc nghiệm phong cách ngôn ngữ khoa học
Câu 1 : Văn bản khoa học gồm mấy loại chính?
A. 2 loại
B. 3 loại
C. 4 loại
D. 5 loại
Câu 2 : Loại văn bản nào không thuộc vào văn bản khoa học?
A. Văn bản chuyên sâu.
B. Văn bản khoa học phổ cập.
C. Văn bản văn học.
D. Văn bản khoa học giáo khoa.
Câu 3 : Văn bản khoa học phổ cập nhằm mục đích gì?
A. Nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học cho đông đảo bạn đọc.
B. Giao tiếp với người làm nghiên cứu cho các ngành khoa học.
C. Đưa các kiến thức khoa học đến gần với học sinh, sinh viên.
D. Trình bày nội dung từ dễ đến khó, từ cao đến thấp, phù hợp với học sinh từng cấp.
Câu 4 : Một bài báo cáo khoa học thuộc loại văn bản khoa học nào?
A. Văn bản khoa học chuyên sâu.
B. Văn bản khoa học giáo khoa.
C. Văn bản khoa học phổ cập.
D. Văn bản văn học.
Câu 5 : Điền từ vào […] trong đoạn văn dưới đây sao cho phù hợp nhất?
“Ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ đựơc dùng trong các văn bản […](kể cả giao tiếp và truyền thụ kiến thức khoa học: Khoa học tự nhiên: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học; Khoa học xã hội và nhân văn: Lịch sử, Địa lí, Triết học, Giáo dục, chân lí)”
A. Nghệ thuật.
B. Khoa học.
C. Văn học.
D. Chính luận.
Câu 6 : Luận văn, luận án, chuyên án, chuyên luận, tiểu luận, báo cáo khoa học…thuộc văn bản khoa học nào?
A. Không thuộc văn bản khoa học nào.
B. Văn bản khoa học phổ cập.
C. Văn bản khoa học chuyên sâu.
D. Văn bản khoa học giáo khoa.
Câu 7 : Phong cách ngôn ngữ khoa học có những đặc trưng nào?
A. Tính khái quát, trừu tượng.
B. Tính lí trí, logic.
C. Tính khách quan, phi cá thể.
D. Cả 3 đều đúng.
Câu 8 : “ Sáng ngày 16-04-2014, một chiếc tàu của Hàn Quốc chở theo hơn 400 người đã bị chìm tại vùng biển phía Tây Nam nước này, các cơ quan chức đã có các biện pháp tìm kiếm cứu nạn. Theo thông tin ban đầu có 200 người mất tích. Công tác cứu hộ, cứu nạn đang được triển khai.”
Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên là:
A. Phong cách ngôn ngữ chính luận
B. Phong cách ngôn ngữ báo chí.
C. Phong cách ngôn ngữ khoa học.
D. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.