Sáng kiến kinh nghiệm: Đưa trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp cho học sinh Tiểu học giúp thầy cô tham khảo, để đưa ra biện pháp hữu hiệu đưa các trò chơi dân gian vào các tiết học Ngoài giờ lên lớp cho thật sôi động, tạo hứng thú cho học sinh.
Bạn đang đọc: Sáng kiến kinh nghiệm: Đưa trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp cho học sinh Tiểu học
Các trò chơi dân gian không chỉ giúp cho trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, tính khéo léo mà còn giúp các em biết yêu quý các bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, thầy cô có thể tham khảo thêm biện pháp rèn kỹ năng đọc, ứng dụng trò chơi vận động nhằm phát triển thể lực cho học sinh Tiểu học. Mời thầy cô cùng theo dõi bài viết:
Đưa trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp cho học sinh Tiểu học
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng mang trong mình ký ức về tuổi thơ với những trò chơi dân gian những câu hát đồng dao vui nhộn, nó như là một bức tranh tươi đẹp mà dù có lớn lên ta cũng khó có thể quên được. Trò chơi dân gian không đơn thuần là loại hình trò chơi mà chứa đựng trong đó là bản sắc dân tộc mang đậm truyền thống văn hóa Việt Nam.
Trò chơi dân gian không những nâng cánh cho tâm hồn trẻ thơ giúp cho trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, tính khéo léo mà còn giúp các em gắn liền mối quan hệ bạn bè, biết yêu quý các bản sắc văn hóa dân tộc. Trò chơi dân gian xuất phát từ lâu đời nó gắn liền với cuộc sống của người dân lao động, với những trò chơi đơn giản, dễ chơi mang âm điệu của những bài đồng dao hòa quyện trong tiếng cười khúc khích của trẻ thơ làm trò chơi trở nên sinh động, nhí nhảnh.
Ngay từ thuở xa xưa trò chơi dân gian đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy đời sống văn hóa tinh thần cho người dân Việt Nam với các trò chơi như: Bịt mắt bắt dê, Kéo co, Ô ăn quan, Đấu vật,… bên cạnh đó người dân tộc thiểu số của nước ta cũng có những trò chơi dân gian khá đa dạng và thú vị mang đậm bản sắc dân tộc như: Đi cà kheo, Ném còn, Bắn nỏ, Giã bánh dày,…tất cả những trò chơi dân gian ấy như là một văn hóa sinh hoạt không thể thiếu trong những ngày lễ hội hay các hoạt động được tổ chức trong sinh hoạt, vui chơi.Nhưng liệu rằng những bản sắc văn hóa dân tộc những trò chơi dân gian ấy có còn đồng hành cùng học sinh ngày nay không, khi mà nước ta đang ngày càng phát triển, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, với thế giới ảo mà thế hệ ngày nay đang dần đánh mất đi những truyền thống văn hóa tươi đẹp mà cha ông để lại.
Như chúng ta cũng đã biết, ngoài nhiệm vụ chính là học tập thì hoạt động chủ đạo của học sinh là vui chơi giải trí, trẻ luôn thích tìm tòi và khám phá ra những điều mới lạ, nhưng để trẻ tìm về cội nguồn mà cha ông ta để lại cần phải có những hoạt động đưa trò chơi dân gian vào tiết học ngoại khóa cho học sinh để giúp các em có cái nhìn tốt đẹp hơn về truyền thống văn hóa dân tộc. Xuất phát từ những vai trò quan trọng của các hoạt động vui chơi và đặc biệt khơi gợi cho các em về tình yêu quê hương đất nước, tôi nhận thấy việc đưa các trò chơi dân gian vào tiết học ngoài giờ lên lớp là vô cùng quan trọng và cần thiết vì nó không chỉ giúp các em giải tỏa áp lực sau mỗi giờ học căng thẳng mà còn giáo dục học ý thức, tình cảm, biết hòa đồng với bạn bè, tinh thần đoàn kết, đặc biệt là giáo dục học sinh tình yêu quê hương, đất nước.
Ngày nay, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin các em học sinh đang dần bị lôi cuốn vào thế giới ảo với những trò chơi điện tử, trò chơi trên mạng mà các em đang dần quên đi những nét đẹp dân gian với những trò chơi lành mạnh. Ngoài giờ học trên trường thời gian còn lại một số em thường có thói quen chơi game, xem tivi…có những trường hợp các em quên cả việc học, việc ăn uống. Ngồi chơi và xem tivi lâu sẽ ảnh hưởng đến đôi mắt và cột sống của các em không những thế mà nhiều em không vận động sẽ dẫn đến tình trạng béo phì.
Vì vậy, việc tổ chức các trò chơi dân gian vào tiết học ngoài giờ lên cho học sinh tiểu học là vô cùng quan trọng, giúp cho các em trở nên năng động, khéo léo hơn không những thế mà giúp các em rèn luyện thể chất và sự nhanh nhẹn hoạt bát.
Các trò chơi dân gian thường được đưa vào trường như: Kéo co, Nhảy bao bố, Ô ăn quan, Ném còn, Bắn bi, Đập niêu… Trò chơi dân gian có đặc điểm quan trọng là được tổ chức ngoài trời, giúp các em gắn bó với môi trường tự nhiên, hòa đồng với thiên nhiên từ đó các em biết yêu quý thiên nhiên hơn. Ngoài việc tạo sân chơi bổ ích vui vẻ, việc đưa trò chơi dân gian vào tiết học ngoại khóa không những giúp các em rèn luyện các kỹ năng trong cuộc sống, mà còn giúp các em hòa đồng với nhau, biết nhường nhịn nhau hơn, tạo tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong lớp học. Như vậy, việc đưa các trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp sẽ giúp các em có những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh, tạo cho các em hứng thú để học tập và sống hồn nhiên hơn, hình thành đức tính tốt đẹp, hạn chế tật xấu, góp phần giáo dục các em về truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Để truyền thống văn hóa dân tộc thấm dần vào tâm hồn trẻ thơ không còn cách nào hay hơn là đưa trò chơi dân gian vào các tiết học Ngoài giờ lên lớp, vì trò chơi dân gian là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, là nguồn sữa nuôi dưỡng thế giới tinh thần, là cầu nối tâm thức mọi mặt về cuộc sống xã hội. Tổ chức trò chơi dân gian cho các em trong tiết học Ngoài giờ lên lớp là phương tiện hình thành và phát triển tình cảm, đạo đức, mở rộng nhận thức, giúp giáo dục tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước.
Là một Giáo viên đang giảng dạy môn Thể dục và là một Phụ trách đội tại Trường ……………, tôi nhận thấy việc đưa các trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp cho học sinh Tiểu học là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc như: Không gian, thời gian và tính tích cực từ học sinh…vậy để đem lại hiệu quả tốt nhất cần phải lên kế hoạch và đưa ra những phương pháp tổ chức tạo được tính tích cực của học sinh. Trên thực tế đó, tôi đã chọn đề tài: “Đưa trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp cho học sinh Tiểu học” tại Trường ……………, nhằm giáo dục các em được phát triển các kỹ năng của bản thân một cách toàn diện nhất.
2. Mục đích nghiên cứu
Nhằm tổ chức các hoạt động bổ ích sau mỗi giờ học căng thẳng, tạo sân chơi lành mạnh giúp các em phát huy khả năng sáng tạo của bản thân, nâng cao ý thức, biết hòa đồng với bạn bè và yêu thiên nhiên hơn, góp phần giáo dục học sinh phát triển một cách hoàn thiện nhất cả về tri thức lẫn thể chất.
Việc đưa các trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp không những trang bị cho các em hình thành được các kiến thức, sự hiểu biết, các kỹ năng về trò chơi mà giáo dục các em về tình yêu quê hương đất nước.
Thông qua việc nghiên cứu này, tôi muốn tìm ra các phương pháp, hình thức tổ chức hiệu quả nhất góp phần vào việc tổ chức trò chơi dân gian cho các em học sinh giúp các em nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không những thế mà còn giáo dục học sinh thực hiện tốt theo chủ đề năm học: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại Trường ………
3. Nhiệm vụ của đề tài
Đề tài “Đưa trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp cho học sinh Tiểu học” nhằm thực hiện các nhiệm vụ sau:
Nghiên cứu rõ thực trạng và đưa ra các biện pháp mới nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong việc đưa trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp cho học sinh Tiểu học.
– Hệ thống lại các trò chơi dân gian phù hợp với từng lứa tuổi học sinh để áp dụng vào tiết học.
– Đề xuất những vấn đề còn bất cập và tiến hành khảo nghiệm.
4. Phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp nghiên cứu, thực nghiệm sư phạm:
+ Luôn quan sát, kiểm tra đánh giá quá trình tham gia các hoạt động của học sinh căn cứ vào đó có những bước điều chỉnh sao cho phù hợp nhằm đạt kết quả cao nhất.
+ Tổng kết kinh nghiệm, quá trình thực nghiệm của giáo viên trong việc tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
+ Thường xuyên dự giờ các tiết ngoại khóa, trao dồi kinh nghiệm bổ sung kỹ năng cho bản thân, chọn lọc nhằm đưa ra những phương pháp tối ưu nhất.
– Phương pháp thống kê, đối chiếu:
+ Thống kê quá trình trước khi nghiên cứu và sau khi thực nghiệm, so sánh đối chiếu kết quả qua từng quá trình thực hiện.
– Phương pháp nghiên cứu thực tế:
+ Nghiên cứu thực tế qua việc tổ chức các hoạt động Ngoài giờ lên lớp cho học sinh
Tiểu học tại Trường …………….
+ Qua việc khảo sát, đánh giá quá trình thay đổi của học sinh sau mỗi buổi sinh hoạt.
– Phương pháp quan sát:
+ Luôn quan sát, học hỏi cách tổ chức hoạt động của liên đội bạn, sàng lọc áp dụng cho liên đội mình.
+ Trong quá trình tổ chức các hoạt động cho học sinh, người quản trò cần quan sát tính tích cực của học sinh để luôn có hướng đi mới nhằm tạo được tính hứng thú cho học sinh sau mỗi tiết học.
– Phương pháp đàm thoại: Thường xuyên trao đổi, giải đáp những thắc mắc của học sinh, thực hiện hòm thư hỏi – đáp nếu học sinh không tiện nói ra những khó khăn, trăn trở của bản thân, từ đó phát hiện những ưu, nhược điểm trong cách tổ chức để kịp thời có những thay đổi và đưa ra biện pháp nhằm mang lại hiệu quả cho các hoạt động tiếp theo.
– Phương pháp xin ý kiến chuyên gia: Đề xuất với Ban giám hiệu các kế hoạch tổ chức hoạt động cho học sinh, tham khảo ý kiến của Hội đồng đội, trao đổi cách tổ chức của các liên đội bạn nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu nhất trong cách tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh.
5. Đối tượng nghiên cứu
Sau khi tìm hiểu thực tế tại trường, đặc biệt là tâm sinh lí của các em học sinh Tiểu học ham thích sự vui nhộn, luôn khám phá những điều mới mẻ nên sau mỗi giờ học căng thẳng các em luôn muốn tìm tòi những trò chơi giúp các thoải mái, nhưng nếu chỉ lặp đi lặp lại những trò chơi cũ các em sẽ thấy nhàm chán và thiếu đi sự lôi cuốn. Vì thế mà đối tượng nghiên cứu đề tài này tôi chọn là “Đưa trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp cho học sinh Tiểu học” và đặc biệt là học sinh lớp 4, lớp 5 đang tham gia học tại Trường ……………. Qua đó xác định rõ hai đối tượng cần nghiên cứu là:
– Giáo viên: là đối tượng tham khảo, nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm tổ chức các trò chơi dân gian mang tính hiệu quả cho lớp.
– Học sinh: là đối tượng lĩnh hội và tiếp thu các hình thức tổ chức hoạt động ngoại khóa và đặc biệt là các trò chơi dân gian do nhà trường tổ chức.
6. Giới hạn, phạm vi nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu dựa trên tính đặc thù của các trò chơi, tính ứng dụng phù hợp với các điều kiện tự nhiên và phù hợp với từng đối tượng học sinh. Do đó giới hạn nghiên cứu phải dựa vào tính thực tế việc tổ chức có mang lại hiệu quả qua từng buổi tổ chức hoạt động. Đề tài đưa ra những giải pháp, hình thức tổ chức phù hợp và chỉ giới hạn trong việc đưa trò chơi dân gian vào tiết học Ngoài giờ lên lớp cho học sinh
Tiểu học.
7. Tính mới của đề tài
Qua quá trình tìm hiểu và tham khảo các đề tài trước có nghiên cứu về vấn đề này nhưng còn hạn chế ở một số mặt như:
– Chưa đảm bảo tính thực tế, chưa sáng tạo trong cách vận dụng các kỹ năng vào thực tiễn.
– Các phương pháp đưa ra chưa góp phần nâng cao quá trình tổ chức hoạt động.
Tính mới của đề tài:
– Nội dung đưa ra nhằm giáo dục những kỹ năng cần thiết cho học sinh.
– Đề tài thể hiện những thực trạng trong thực tế và đưa ra những biện pháp nhằm khắc phục các vấn đề còn vướng mắc.
PHẦN NỘI DUNG
1. Cơ sở lý luận
Mỗi quốc gia dân tộc đều có những nét văn hóa riêng mang giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền, trong đó trò chơi dân gian như là một nét riêng biệt của dân tộc ta. Nước ta hiện có 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều sở hữu những trò chơi dân gian độc đáo, trò chơi dân gian như gắn liền với đời sống của người dân lao động, đặc biệt trò chơi dân gian mang lại cho trẻ thơ một thế giới thú vị và đầy màu sắc. Trải qua bao thế hệ, được lưu truyền từ đời này sang đời khác nó như là mối dây gắn kết con người ta gần lại nhau hơn, mang lại niềm vui của bao thế hệ Việt Nam xưa.
Có thể nói, trò chơi dân gian là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta vì nó hội tụ tính nghệ thuật, văn minh, lành mạnh. Nói đến trò chơi dân gian người ta thường nghĩ nó là loại hình trò chơi dành cho trẻ con, nhưng không hẳn vậy, nó bao gồm mọi lứa tuổi: Thiếu nhi, thanh niên, trung niên và cả người cao tuổi. Chính sự đa dạng ấy tạo nên nét đa dạng trong truyền thống văn hóa của dân tộc.
Nước ta đang ngày càng hội nhập với các nước khác trên thế giới cả về kinh tế, văn hóa lẫn nghệ thuật, trong đó thế giới internet đang bùng nổ dẫn đến tình trạng các trò chơi dân gian đang dần bị mai một bởi sự xuất hiện của các trò chơi điện tử, mạng xã hội, các thiết bị công nghệ thông tin. Còn chăng chỉ ở một vài nơi chưa được tiếp xúc với mạng internet, với các thiết bị điện tử thì các em còn chơi các trò chơi dân gian xưa, nhưng nó cũng biến thể và biến tướng đi nhiều chứ không còn đơn thuần như xưa. Sự xuất hiện trò chơi dân gian trong trường học và đặc biệt là ở lứa tuổi tiểu học giúp các em như được sống lại nét văn hóa xưa, mang lại cho các em niềm vui niềm tự hào dân tộc, và điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn của giá trị truyền thống dân tộc như vẫn tồn tại trong đời sống hiện tại.
Trò chơi dân gian mang giá trị văn hóa, khoa học được lưu truyền qua nhiều thế hệ của dân tộc Việt Nam, việc lưu trữ và phát triển một không gian văn hóa đặc sắc, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh chính là nền tảng để phát triển nền văn hóa và giáo dục của nước ta. Vậy nên cần có những tư duy sáng tạo thay đổi cái nhìn của thế hệ ngày nay, đặc biệt là các em ở lứa tuổi Tiểu học, các em đang ở lứa tuổi tìm tòi khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới xung quanh. Khi trò chơi dân gian được đưa vào nhà trường, tự thân nó đã có mục đích nhưng không đơn thuần chỉ mang tính giải trí, mà sâu xa đó là việc giáo dục qua mỗi trò chơi, vậy không phải trò chơi nào cũng có thể đưa vào nhà trường mà nó phải đảm bảo tính giáo dục, có chọn lọc và đặc biệt phải phù hợp với lứa tuổi học sinh. Tốt nhất nên lựa chọn những trò chơi mang tính cộng đồng giúp học sinh thể hiện sự khéo léo của bản thân mà còn nâng cao được nhận thức của bản thân.
Học sinh Tiểu học chủ yếu nằm ở lứa tuổi từ 6 đến 10, đây là lứa tuổi mà có nhiều sự thay đổi tâm sinh lý diễn ra trong giai đoạn này, vì vậy việc đánh thức tri giác, trí nhớ, trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo của các em là vô cùng quang trọng. Đời sống cảm xúc của các em ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động nhận thức của trẻ, đặc biệt với nét hồn nhiên ngây thơ vốn có, trẻ luôn hướng mình tới những niềm vui và cảm xúc tích cực. Những hoạt động của trẻ hầu như chỉ mang tính bắt chước, với bản tính hiếu động, hành vi kiểm soát bản thân chưa cao, nhiều trẻ dễ mất đi sự tập trung, vậy trò chơi dân gian được tổ chức trong trường cần phải được lựa chọn phù hợp với đối tượng học sinh, luôn thực hiện với phương châm “Học mà chơi”, đặc biệt là luôn mang tính giải trí cao.
Vậy làm thế nào để học sinh cảm thấy yêu thích trò chơi dân gian sau mỗi tiết học Ngoài giờ lên lớp, thiết nghĩ nhà trường và đặc biệt Giáo viên quản trò cần lựa chọn những trò chơi phù hợp không chỉ phổ biến suông mà nên tổ chức như là một hoạt động thường niên để các em thỏa sức khám phá những điều mới lạ và thể hiện sự khéo léo sáng tạo của bản thân, vì thế mà trò chơi dân gian không chỉ mang tính giải trí mà còn giáo dục học sinh biết yêu thích bản sắc văn hóa dân tộc và biết yêu thiên nhiên đất nước hơn.
….
>> Tải file để tham khảo toàn bộ sáng kiến kinh nghiệm!