Sáng kiến kinh nghiệm: Giúp trẻ mẫu giáo làm quen với chữ cái

Sáng kiến kinh nghiệm: Giúp trẻ mẫu giáo làm quen với chữ cái

Sáng kiến kinh nghiệm: Giúp trẻ mẫu giáo làm quen với chữ cái với mục tiêu nhằm sử dụng một số biện pháp sư phạm giúp trẻ nhận biết 29 chữ cái, luyện cách phát âm chuẩn và hứng thú tham gia vào hoạt động.

Bạn đang đọc: Sáng kiến kinh nghiệm: Giúp trẻ mẫu giáo làm quen với chữ cái

Tài liệu giúp các thầy cô tìm thấy các kiểu bài làm quen với chữ cái ở chương trình mới để thấy được sự thay đổi so với chương trình cũ. Nâng cao chất lượng dạy và học ở môn Làm quen chữ cái nhằm làm giàu vốn từ cho trẻ. Giáo dục trẻ tình yêu quê hương, đất nước, con người qua các tiết học hay và bổ ích. Sau đây là nội dung chi tiết, mời quý thầy cô cùng tham khảo.

Sáng kiến kinh nghiệm
Giúp trẻ mẫu giáo làm quen với chữ cái

PHẦN I: MỞ ĐẦU

I. Đặt vấn đề

Như chúng ta đã biết hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ Mẫu giáo. Bên cạnh hoạt động vui chơi hoạt động học tập đang được hình thành ở trẻ. Song khác với học sinh phổ thông, hoạt động học tập chưa phải là hoạt động bắt buộc của trẻ mẫu giáo vì chúng chưa có đủ những yếu tố cần thiết để tham gia vào hoạt động học tập với với ý nghĩa đầy đủ của nó. Hoạt động học tập của trẻ mẫu giáo thường bị chi phối bởi hoạt động vui chơi “chơi mà học, học bằng trải ngiệm”. Trẻ học chủ yếu dưới hình thức chơi. Do đó việc tổ chức dạy học cho trẻ là một công việc phức tạp, khó khăn đòi hỏi là giáo viên mầm non phải có những kiến thức nhất định về lý luận dạy học ở Mầm Non để tránh sự phổ thông quá trình dạy học cho trẻ.

Bản thân tôi là một giáo viên được nhà trường phân công công tác giảng dạy ở độ tuổi 5 – 6 tuổi. Qua những năm trực tiếp giảng dạy tôi nhận thấy rằng trẻ làm quen với chữ cái không phải là việc dễ làm, nó đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, chịu khó biết vận dụng những biện pháp linh hoạt, sáng tạo trong quá trình lên lớp để trẻ lĩnh hội đầy đủ kiến thức của bộ môn, để từ đó trẻ có sự tập trung chú ý và thực sự có hứng thú, có tính kỷ luật trong học tập.

Đặc biệt, môn học “làm quen chữ cái” ở trẻ 5 – 6 tuổi là môn học giúp trẻ hình thành, phát triển năng lực và thái độ cần thiết cho việc học tiếng việt lớp 1. Song việc dạy trẻ làm quen với chữ cái cần phải thể hiện phương pháp đặc trưng của giáo dục mầm non.

Trong quá trình thực hiện chuyên đề bản thân tôi còn gặp rất nhiều khó khăn: Một số cháu mới đi học năm đầu tiên nên chưa mạnh dạn nhiều cháu còn nói ngọng nói lắp, nhận thức của trẻ chênh lệch nhau nên việc truyền thụ kiến thức gặp rất nhiều khó khăn

Việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học, hứng thú đợi chờ ngày đến trường phổ thông là việc cần thiết nhằm giúp trẻ mẫu giáo vượt qua bước ngoặt quan trọng chuyển từ hoạt động vui chơi là chủ đạo sang hoạt động học tâp (trong trường phổ thông) là chủ đạo. Tuy nhiên giáo viên mầm non luôn nhớ: dạy trẻ làm quen với chữ cái chứ không phải đưa chương trình tiếng việt lớp 1 xuống dạy trước ở mẫu giáo lớn, mà phương pháp dạy trẻ làm quen với chữ cái phải dựa trên cơ sở sử dụng các yếu tố vui chơi, các nhiệm vụ sáng tạo cũng như hoạt động học tập của trẻ. Dựa trên những kế hoạch, sự chỉ đạo của nhà trường là giáo viên mầm non trực tiếp giáo dục chăm sóc trẻ qua những năm thực hiện chuyên đề mầm non mới người giáo viên phải làm gì để đạt được các yêu cầu cao hơn nữa, nắm vững nội dung nâng cao kiến thức trong hoạt động cho trẻ làm quen với chữ cái một cách nhẹ nhàng thoải mái và có hiệu quả chuẩn bị cho trẻ tâm thế vững vàng để bước vào lớp một. Chính vì thế tôi mạnh dạn chọn đề tài “Một số biện pháp giúp trẻ 5 – 6 tuổi học tốt môn làm quen chữ cái tại trường Mầm non …….”

II. Mục đích ( mục tiêu ) nghiên cứu.

Tìm ra một số phương pháp, biện pháp giúp trẻ 5 – 6 tuổi học tốt môn làm quen chữ cái, nhằm đưa ra một số phương pháp giúp việc tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen chữ cái ở trường mầm non thêm phong phú và hiệu quả.

Khắc phục những hạn chế trong hoạt động tổ chức cho trẻ “làm quen với chữ cái” nhằm nâng cao chất lượng cho trẻ 5 – 6 tuổi làm quen chữ cái được tốt hơn.

PHẦN II: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. Cơ sở lý luận của vấn đề.

Trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non, việc hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Ở trường mầm non, trẻ được làm quen với 29 chữ cái của tiếng việt. Từ đó trẻ nhận biết mặt chữ, phát âm đúng chữ cái, nghe phát âm tìm được chữ cái, nhìn vào chữ cái đọc được âm tương ứng. Ngoài ra, trẻ còn được đọc một số câu thơ, ca dao, đồng dao có chứa âm của chữ cái nhằm hoàn thiện bộ máy phát âm và khả năng ngôn ngữ mạch lạc, nói đúng ngữ âm tiếng việt.

Ngoài ra hoạt động làm quen với chữ cái còn giúp trẻ biết cầm bút, ngồi đúng tư thế khi tô, viết. Do đó việc cho trẻ làm quen với chữ cái là một hoạt động rất quan trọng trong chương trình giáo dục trẻ 5 – 6 tuổi. Hoạt động này không chỉ giúp hình thành những cơ sở ban đầu của kĩ năng nói tiếng mẹ đẻ còn giúp trẻ có những hiểu biết và kĩ năng cơ bản, hỗ trợ trực tiếp và tích cực cho bộ môn tiếng Việt ở trường Tiểu học. Vì vậy, có thể nói, việc hướng dẫn trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi làm quen với chữ cái là cơ hội tốt để chuẩn bị hành trang vững chắc giúp trẻ bước vào lớp một thuận lợi.

II. Thực trạng vấn đề.

– Trường Mầm non ……. là một trường nằm ở một buôn khó khăn của huyện Krông Ana, học sinh 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đa số là dân lao động nghèo.

Tình hình của lớp: Tổng số trẻ trong lớp: 32, dân tộc: 32, nữ dân tộc: 16

Trong quá trình giảng dạy tôi thấy tỉ lệ trẻ nhận biết, phát âm và cách tô còn rất thấp. Vì vậy, tôi thường xuyên chú trọng tổ chức cho trẻ tham gia vào các hoạt động phát triển vốn từ cho trẻ theo các chủ đề, chủ điểm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện tôi đã gặp một số thuận lợi và khó khăn sau:

1. Thuận lợi, khó khăn

1.1. Thuận lợi

Được sự quan tâm tạo điều kiện của Phòng GD&ĐT huyện cùng Ban giám hiệu nhà trường, ban lãnh đạo xã nhà và sự quan tâm nhiệt tình của thôn trưởng, thôn phó nơi địa bàn tôi đang công tác.

Ban giám hiệu nhà trường đã thường xuyên sắp xếp tạo điều kiện cho tôi được tham dự các buổi tập huấn bồi dưỡng chuyên môn và đi dự giờ các đợt lên chuyên đề hoạt động phát triển ngôn ngữ cũng như chuyên đề của các môn học khác do Phòng GD&ĐT huyện tổ chức.

Cơ sở vật chất lớp học tương đối đầy đủ. Đồ dùng đồ chơi sạch sẽ bảo đảm an toàn cho trẻ.

Bản thân là giáo viên có trình độ chuẩn về chuyên môn, nhiệt tình yêu nghề mến trẻ. Có trình độ sử dụng vi tính, tạo các bài giảng điện tử thu hút trẻ hứng thú tham gia vào hoạt động làm quen chữ cái tích cực.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp trong trường, nhất là những đồng nghiệp có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm trong nghề.

Được sự tín nhiệm và tin cậy của phụ huynh học sinh khi gửi con em mình đến trường, lớp.

1.2. Khó khăn:

Số trẻ trong lớp 100% là con em dân tộc thiểu số, nề nếp học tập cũng như kiến thức của trẻ còn hạn chế, sử dụng tiếng mẹ đẻ là chủ yếu, vốn từ tiếng Việt còn nghèo nàn nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức trong hoạt động làm quen với chữ cái. Đa số trẻ còn nhút nhát, rụt rè chưa mạnh dạn tham gia vào các hoạt động ở trường, lớp. Trẻ hạn chế về tiếng Việt, nói năng chưa lưu loát…

Phụ huynh phần lớn là lao động nghèo, chưa có ý thức cao trong việc đưa con em mình đến trường lớp học, ít quan tâm đến trẻ, phụ huynh chưa nhận thức hết tầm quan trọng của độ tuổi mẫu giáo còn xem nhẹ việc học ở độ tuổi này. Cho con nghỉ học đi theo bố mẹ lên rẫy, chưa chịu khó chỉ thêm cho ở nhà. Một số phụ huynh lại nôn nóng trong việc học chữ của trẻ nên đã bày dạy trước, tập viết trước nên dẫn đến việc tiếp thu bài của tiết học không đồng đều, trẻ tỏ ra kiêu căng vì mình đã biết rồi nên không chú ý đến tiết học, còn khi viết do phụ huynh bày trước ở nhà nên sai nét chữ cho trẻ, những thực trạng trên gây khó khăn trong việc truyền thụ kiến thức của cô và khả năng tiếp thu của trẻ đó là sự bất cập giữa gia đình và nhà trường.

Giáo viên còn lúng túng, chưa phát huy hết khả năng sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động như: nội dung tích hợp còn cứng nhắc, chưa chú trọng đến kỹ năng cầm bút, tư thế ngồi của trẻ. Vì vậy, trẻ chưa hoàn toàn chủ động và hứng thú lĩnh hội tri thức khi tham gia hoạt động.

Từ những thực trạng đã nêu trên với kinh nghiệm thực tế và tâm huyết của một giáo viên mầm non, tôi mạnh dạn đưa ra “Một số biện pháp giúp trẻ 5 – 6 tuổi học tốt môn làm quen chữ cái tại trường mầm non …….”.

Năm 20..- 20.. và năm học 20.. -20.. khảo sát thực trạng về hoạt động cho trẻ làm quen với chữ cái của trẻ 5- 6 tuổi vào cuối năm học 20..- 20.., và kết quả khảo sát đầu năm học 20..- 20… Kết quả đạt như sau:

Nội dung khảo sát Kết quả kiểm tra cuối năm học20..20.. Kết quả khảo sát đầu năm học 20..20..
Kết quả đạt Kết quả chưa đạt Kết quả đạt Kết quả chưa đạt

Trẻ nhận biết cách phát âm 29 chữ cái

20/34 =58,9 %

14/34=41,1%

21/32= 65,6 %

11/32=34,4 %

Trẻ nhận biết đúng 29 mặt chữ cái

18/34 = 53 %

16/34 = 47 %

17/32=53,1%

15/32=46,9 %

Trẻ tô viết trùng khít lên chấm mờ hoàn thành vở tập tô sạch sẽ

19/34 = 55,9%

15/34 = 44,1%

18/32=56,25%

14/32 =43,75%

Kỹ năng tô viết, tư thế ngồi, cách cầm bút

21/34=61,8%

13/34=38,2%

20/32= 62,5%

12/32=37,5%

III. Các giải pháp đã tiến hành để giải quyết vấn đề:

Để việc giúp cho trẻ 5-6 tuổi học tốt môn làm quen chữ cái đạt được kết quả cao nhất tôi đã sử dụng các giải pháp sau:

Giải pháp 1: Tạo môi trường làm quen chữ cái. Để đạt hiệu quả cao tôi đã thực hiện các biện pháp sau:

Biện pháp 1: Dạy trẻ làm quen với chữ cái trên tiết học

Để tiết học làm quen chữ cái được thành công và trẻ hiểu bài, một yêu cầu đặt ra đối với giáo viên khi cho trẻ làm quen với chữ cái, kiến thức khi truyền thụ đến trẻ phải ngắn gọn, dễ hiểu, tránh rập khuôn, luôn sáng tạo đổi mới. Vì thế trước khi lên lớp một tiết dạy làm quen với chữ cái tôi phải chuẩn bị đồ dùng chu đáo, nghiên cứu bài soạn kỹ lưỡng.

Ví dụ: Khi cho trẻ làm quen chữ cái “e” tôi tiến hành các bước như cho trẻ xem đoạn clip mẹ và bé đi chơi công viên và dẫn dắt giới thiệu từ “Mẹ và bé” cho trẻ đọc từ “Mẹ và bé” dưới hình ảnh, cho trẻ tìm chữ cái đã học trong từ “Mẹ và bé” đồng thời cho trẻ tìm 2 chữ cái giống nhau cuối cùng là tôi giới thiệu chữ cái mới “e”

Trong quá trình tổ chức hoạt động, tôi vận dụng linh hoạt các phương pháp giáo dục sao cho phù hợp với thực tế khả năng trẻ.

Ví dụ: Sau khi cho trẻ làm quen chữ “e” như ví dụ trên, nhưng khi hướng dẫn chữ cái “ê” tôi không lập lại phương pháp trên mà tôi cho trẻ đoán, sau đó mới giới thiệu chữ cái mới là “ê”. Qua việc thực hiện này tôi thấy trẻ tích cực hoạt động hơn, không cảm thấy nhàm chán.

Ngoài ra, khi cho trẻ làm quen với chữ cái gần giống nhau, để giúp trẻ dễ ghi nhớ mặt chữ, tôi dùng hình ảnh gần gũi trong thực tế để gắn với chữ cái.

Ví dụ: Khi cho trẻ làm quen chữ cái “o, ô, ơ ” tôi gắn câu thơ “o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ già mang râu…”

Song song với việc làm quen với mặt chữ tôi còn phải hướng trẻ cách cầm bút đúng, cách mở sách, cách tô sao cho đúng, tô trùng khít chữ như khi tô các con phải ngồi ngay ngắn lưng thẳng, đầu hơi cúi, cầm bút bằng tay phải bằng ba đầu ngón tay, mở sách từ từ nhẹ nhàng không làm rách, quăn mép sách. Ví dụ: tô chữ o các con đặt bút chì từ đỉnh giữa chữ o tô từ trái qua phải theo dấu chấm mờ thành một vòng tròn khép kín…

Thực hiện việc này tuy đơn giản nhưng phải có nghệ thuật. Nét mặt, cử chỉ của cô khi hướng dẫn trẻ phải linh hoạt tạo sự gần gũi với trẻ, giải thích rõ ràng, không ê a kéo dài, cô ý thức tư thế và giọng nói, phát âm của cô luôn chuẩn để trẻ làm đúng.

Muốn cho tiết học được thành công, trẻ hứng thú thì việc chú ý đến giáo dục cá nhân cũng rất cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực cho trẻ làm quen với chữ cái. Giáo dục cá nhân sẽ giúp cô giáo củng cố, bổ sung các kiến thức, kỹ năng, cách phát âm, nhận mặt chữ, cách tô theo đúng quy trình của trẻ. Trong quá trình dạy trẻ làm quen chữ cái tôi luôn tìm hiểu khả năng và đặc điểm tâm lý của từng trẻ. Từ đó xây dựng các biện pháp giáo dục cho phù hợp .

Ở lớp có một số trẻ chưa mạnh dạn, tự tin vào bản thân, ít giơ tay phát biểu.

Cô có khuyến khích cũng không giơ tay phát biểu, bên cạnh đó cô thường sợ mất thời gian nên thường gọi những trẻ mạnh dạn, những trẻ trả lời lưu loát chứ ít quan tâm đến những trẻ nhút nhát. Vì thế trẻ đã nhút nhát lại càng nhút nhát hơn, và ít có cơ hội trả lời các câu hỏi của cô hơn. Tôi thường xuyên gần gũi, quan tâm đến trẻ nhút nhát, đặc biệt trong giờ học tôi hay khen trẻ trước cả lớp mặc dù cháu làm chưa đúng lắm, động viên khích lệ trẻ khi trẻ gặp khó khăn trong học tập. Đầu tiên tôi cho trẻ những câu hỏi dễ, sau đó mức độ khó tăng dần, cho trẻ được nói nhiều hơn.

Với những trẻ hiếu động: Trẻ thường nghịch ngợm trong giờ học không hề để ý gì đến lời cô giảng, điều đó dẫn đến trẻ không thuộc bài, không nhớ chữ cái cũng như cấu tạo của chữ cái và cách tô chữ cái…Tôi thường cho trẻ tham gia vào các hoạt động tĩnh nhưng có giới hạn thời gian. Trong giờ học tôi chú ý đến những trẻ đó hơn hay gọi những trẻ đó trả lời, dùng nhiều hình thức gây hứng thú hấp dẫn thu hút trẻ vào các hoạt động.

Biện pháp 2: Dạy trẻ làm quen với chữ cái bằng các trò chơi

Muốn trẻ hiểu bài nhanh nhớ lâu, thì trẻ phải được trực tiếp tham gia vào các hoạt động. Tôi đã sưu tầm, sáng tác được một số trò chơi khi cho trẻ làm quen với chữ cái để trẻ tăng hứng thú, cũng cố kỹ năng cụ thể như sau:

– Trò chơi: Rung chuông vàng.

+ Chuẩn bị: Một số thẻ chữ cái đã học

+ Cách chơi: Có thể tổ chức theo nhóm, cả lớp, trong hoạt động học, hay hoạt động chiều. Cô tập trung trẻ ngồi theo đội hình chữ U, hàng ngang hay vòng tròn. Cô phát âm âm vị của các chữ cái đã học, trẻ tìm chữ cái đúng với âm vị cô vừa phát âm. Hoặc khi cô rung chuông, tất cả trẻ cầm thẻ chữ giơ lên, ai chọn sai sẽ ngồi ra ngoài, bạn nào còn lại sau cùng sẽ chiến thắng.

– Trò chơi: Gạch chân chữ cái đã học :

+ Chuẩn bị: Các hình ảnh và bài thơ, từ dưới tranh.

+ Cách chơi: Trong thời gian một bài hát đội nào gạch đúng chữ cái cô yêu cầu và gạch được nhiều chữ cái thì đội đó thắng cuộc .

– Trò chơi: Cánh cửa thần

+ Chuẩn bị: Thẻ chữ cái, cánh cửa thần. Chọn hai trẻ nhanh nhẹn đứng khép “2 cánh cửa thần”

+ Cách chơi: Trẻ cầm trên tay một thẻ chữ cái đi đến gần cửa và gọi: “Cửa thần ơi, hãy mở ra” trẻ khép cửa hỏi: “Chữ gì? Chữ gì” Nếu trả lời nói đúng tên chữ cái cầm trên tay thì cửa sẽ mở ra và trẻ đó được đi vào. Và yêu cầu trẻ chỉ được qua cửa khi nói đúng tên chữ cái cầm trên tay.

– Trò chơi: Côn trùng hái lá

+ Luật chơi: Trẻ hái đúng trong vòng 3 phút, đội nào hái được nhiều chiếc lá có chữ cái là đội thắng cuộc.

+ Cách chơi trẻ đóng vai một số côn trùng chạy đến cây dùng miệng hái những chiếc lá có chữ cái theo yêu cầu của cô mang về đổ vào rổ của đội mình, đội nào hái được nhiều hơn thì đội đó thắng cuộc.

– Trò chơi: Vòng quay kỳ diệu

+ Cách chơi: Cô gắn thẻ chữ vào vòng quay như hình minh hoạ, cho trẻ lên quay khi kim chỉ vào chữ nào trẻ phát âm nói cấu tạo chữ đó.Việc tổ chức trò chơi làm quen với chữ cái phải theo một “chương trình” xuyên suốt, cô giáo là người dẫn chương trình kết hợp khéo léo các trò chơi, có khoảng thời gian cho trẻ thư giãn bằng các trò chơi linh động xen kẽ, để trẻ cảm thấy thoải mái, và tích cực tham gia. Bằng các trò chơi mới trẻ sẽ hứng thú khám phá những điểm mới của bài học, tạo được sức hút mạnh mẽ của trẻ vào bài học và giúp trẻ khắc sâu trí nhớ về cấu tạo chữ được làm quen. Cho nên với mỗi tiết dạy tôi luôn tìm tòi, sáng tạo những trò chơi mới, cách chơi mới ứng dụng với các hình thức khác nhau, thường xuyên thay đổi trò chơi để tạo sự mới lạ hứng thú với trẻ.

Biện pháp 3: Dạy trẻ làm quen với chữ cái thông qua hoạt động trải nghiệm

Ở trẻ mầm non hoạt động trải nghiệm có nhiều thế mạnh để trẻ nhận biết và phát âm đúng chữ cái. Vì trong hoạt động này, trẻ được tiếp xúc trực tiếp với các sự

vật hiện tượng, được hành động với đối tượng hoặc được làm trực tiếp…nhờ đó mà tích lũy được vốn từ phong phú, đa dạng và tích cực.

Trong các hoạt động trải nghiệm, giáo viên mầm non có vai trò định hướng, hỗ trợ, đánh giá, uốn nắn, sửa sai cho trẻ. Tùy thuộc vào từng hoạt động trải nghiệm, giáo viên đưa ra các tình huống có vấn đề để trẻ trải nghiệm với các tình huống đó.

Ví dụ: Hoạt động trải nghiệm “Tham quan, nhổ cỏ, tưới nước tại vườn rau của lớp”. Cho trẻ quan sát vườn rau. Giáo viên đưa ra các tình huống hỏi trẻ để trẻ trả lời và thực hành. Để vườn rau luôn luôn tốt tươi các con phải làm gì? (tưới nước, làm cỏ..). Vậy bạn nào đi lấy nước tưới cho luống rau có chứa chữ cái M là rau muống hoặc C là rau cải …? Bạn nào nhổ cỏ luống rau có chứa chữ cái T là rau mồng tơi hoặc chữ D là rau dền…. Như vậy trẻ đã quan sát, nhận biết được chữ cái để thực hiện các tình huống cô đưa ra, sau đó được thực hành nhổ cỏ hoặc tưới nước cho luống rau. Từ đó, trẻ rất hứng thú và kiến thức, kỹ năng sẽ hình thành một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Do vậy, tại các trường mầm non, các cô giáo đã cho trẻ trải nghiệm thông qua hoạt động ngoài trời, các hoạt động khám phá khoa học, hoạt động trải nghiệm tham quan, dã ngoại, giao lưu,…

Ví dụ: Ở chủ đề “thế giới thực vật” trong hoạt động khám phá khoa học, giáo viên cho trẻ hoạt động trải nghiệm: “Làm thợ cắm hoa”, hoặc ở chủ đề “Tết và mùa xuân”, hoạt động giao lưu, giáo viên tổ chức cho trẻ trải nghiệm “Kể chuyện, múa hát..”

Hoạt động trải nghiệm không chỉ giúp hình thành kiến thức mới mà quan trọng hơn là tạo cho trẻ có niềm say mê tìm hiểu, thích khám phá và biết cách lĩnh hội những kiến thức mới, cách hình thành kỹ năng mới. Ngoài ra, nó còn giúp học sinh thấu hiểu ý nghĩa của sự lao động, sáng tạo khi làm ra một sản phẩm nào đó.

Biện pháp 4: Dạy trẻ làm quen với chữ cái ở mọi lúc mọi nơi

Như chúng ta đã biết, trẻ mẫu giáo ghi nhớ của trẻ không chủ định, trẻ chóng nhớ nhưng mau quên. Do đó việc dạy trẻ làm quen với chữ cái không dừng lại trên tiết học mà phải thường xuyên ở mọi lúc mọi nơi, các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày để củng cố thêm kiến thức kỹ năng đã học

Ví dụ như:

+ Giờ đón trẻ: Khi trẻ đến lớp có thể cho trẻ tìm ảnh của mình gắn đúng vào tên của mình có trong bảng “Bé đến lớp, bé ở nhà ” Hoặc cho trẻ gắn ký hiệu vào bảng thời tiết. Ví dụ: Mưa thì phải gắn chữ m, nắng thì phải gắn chữ n….Có thể cho trẻ luyện phát âm qua đọc thơ, đọc đồng dao như luyện phát âm chữ g cho trẻ đọc bài đồng dao “Nu na nu nống”

+ Giờ hoạt động góc:Các góc chơi đều có môi trường chữ, cô cho trẻ tự tìm hiểu như làm các bài tập gắn, viết và gài chữ theo mẫu. Như góc thư viện trẻ gắn những chữ cái đã học và cùng phát âm.

+ Giờ hoạt động ngoài trời:Tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dân gian có đọc đồng dao như trò chơi “Rồng rắn lên mây” trong lúc đọc các từ ”Rồng, rắn, lúc lắc …” các cháu phải cong lưỡi vì có chữ: l và r qua đó trẻ sẽ phát âm chuẩn hơn. Hoặc chơi trò chơi “Bật qua rãnh”, nhảy lò cò … bật vào ô nào thì đọc to chữ cái trong ô đó.

Cô cho trẻ xếp các hột, hạt, hòn sỏi thành các chữ đã học, hay dùng phấn viết lên sân những chữ đã học rồi cùng phát âm.

+ Giờ ăn: Khi đến giờ ăn tôi giới thiệu các món ăn và giải thích các món ăn như món cá gồm có hai chữ cái ghép lại đó là chữ c và a và dấu sắc. Cho trẻ nhận bát, thìa ký hiệu bằng các chữ cái.

+ Giờ ngủ: Trước khi ngủ cô có thể ngâm thơ, kể chuyện cho trẻ nghe để trẻ có thể phát triển lời nói .

+ Giờ hoạt động chiều: Cô cho trẻ tô chữ in mờ, chữ in chữ rỗng và tìm cắt chữ trong hoạ báo dán thành sách làm bộ sưu tập .

Biện pháp 5: Lấy trẻ làm trung tâm vào việc dạy trẻ làm quen với chữ cái:

Để phát huy tính tích cực của trẻ ở môi trường trong lớp học giáo viên thường xuyên cho trẻ hoạt động trong các góc chơi, đặc biệt là góc thư viện. Đây là nơi trẻ được tiếp xúc nhiều với chữ cái, và rèn luyện kỹ năng tiền biết đọc, biết viết của trẻ như: cách lật giở sách, cách đưa mắt từ trái sang phải khi đọc, hoặc các từ mới như: tên truyện, tên các trang bìa, tên các album tự tạo….với các mẫu chữ khác nhau.

VD 1: Cô tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động với truyện thơ tranh chữ to có sẵn, tự tạo… trẻ được xem tranh, tập kể chuyện, tập “đọc” chữ to trong truyện…và như vậy một lần nữa trẻ mở rộng vốn từ, phát triển ngôn ngữ, trẻ như được hoà nhập với thế

giới của người lớn. Khi trẻ tiếp xúc với các loại sách, báo, tạp chí…có nhiều kiểu chữ

khác nhau ở bất kỳ nơi nào trẻ cũng rất tự tin và có thể tự mình khám phá nội dung.

VD 2: Cô tổ chức cho trẻ cùng làm album và truyện tranh chữ to theo chủ điểm. Nếu là chủ điểm “Phương tiện giao thông” cô và trẻ sưu tầm album về các loại PTGT: xe máy, xe ô tô, tàu hỏa,…Tôi yêu cầu trẻ tìm các chữ trong hoạ báo cắt và ghép từ “xe máy”, “xe ô tô”…dán dưới hình ảnh các loại PTGT tương ứng. Một đều tôi luôn lưu ý nhắc trẻ là phải ghép chữ lần lượt từ trái sang phải, hết chữ này đến chữ khác, và sau đó tôi yêu cầu trẻ phát âm các chữ cái.

Để trẻ hứng thú tích cực tham gia vào hoạt động tôi hướng trẻ tham gia vào góc học tập, hướng cho trẻ làm tranh:

VD 1: Cho trẻ sưu tầm các chữ có trong hoạ báo, lịch cũ,…trẻ cắt, tô màu và cùng ghép chữ với cô để tạo thành các tuýp chữ, các tiêu đề xung quanh lớp mỗi khi thay đổi chủ điểm. Với chủ điểm “PTGT ”, cô yêu cầu trẻ ghép chữ mà trẻ sưu tầm được …Trong suốt quá trình hoạt động tích cực như vậy, bản thân trẻ lại một lần nữa khắc sâu chữ cái.

Trẻ được tham gia hoạt động tích cực như vậy, trẻ rất hứng thú và biết trân trọng những sản phẩm mình là ra. Đặc biệt các chữ cái mà trẻ tự tay sưu tầm được, thực tế cho thấy trẻ nhớ chữ cái rất lâu.

Không nghững hoạt động ở các góc giáo viên còn hướng trẻ tham gia vào các trò chơi học tập, trò chơi vận động như “Mèo và chim sẻ”, “Bánh xe quay”, “Bán hàng”… Vui chơi là người bạn đường của tuổi thơ, vui chơi luôn đem lại cho trẻ sự thoải mái, thỏa mãn, phấn chấn. Trò chơi học tập, trò chơi vận động đối với trẻ mầm non được sử dụng vừa là phương tiện củng cố tri thức, rèn luyện kỹ năng, nó có tác dụng kích thích cho trẻ phát huy tính tích cực, tính sáng tạo trong hoạt động nhận thức nhờ các tình huống chơi hấp dẫn.

Trò chơi học tập có ý nghĩa rất quan trọng, nó là phương tiện để phát triển trí

tuệ, giáo dục một số phẩm chất đạo đức cho trẻ. Trong lĩnh vực phát triển trí tuệ, trò chơi học tập chính là một phương tiện phát triển ngôn ngữ, sự tập trung chú ý của trẻ mầm non nói chung và làm quen với chữ cái nói riêng. Trong quá trình chơi, trẻ phải sử dụng các giác quan của mình để thực hiện các thao tác chơi, nhiệm vụ chơi. Chính quá trình chơi đó đã giúp trẻ tích cực nhận thức được nội dung chơi và giúp trẻ sử dụng vốn từ để giải quyết vấn đề một cách phong phú hơn. Việc sử dụng trò chơi học tập, trò chơi vận động với hoạt động cho trẻ làm quen với chữ cái để giúp trẻ hứng thú với việc học chữ mới, ôn lại các chữ cũ và khắc sâu hơn, bên cạnh đó, trẻ còn được chơi, quên đi nhiệm vụ chính là học, giúp trẻ tránh buồn chán và mệt mỏi, ngoài ra chính những trò chơi đó sẽ giáo dục trẻ những kỹ năng số cho trẻ..

Biện pháp 6: Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy trẻ làm quen với chữ cái:

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy trẻ làm quen với chữ cái là một nội dung mới, tuy nhiên tôi cũng đã mạnh dạn học hỏi chị em đồng nghiệp, rút kinh nghiệm và tạo nhiều giáo án làm quen chữ cái trên phần mềm powerPoint.

Trẻ được làm quen và nhận biết, phát âm các chữ cái, được tham gia vào các trò chơi trên máy tính như sử dụng chuột bấm chuột di chuột để chọn chữ. Kết hợp với những âm thanh sống động kích thích trẻ tham gia vào hoạt động tốt nhất. Vì vậy khi tiếp cận với máy tính trẻ rất thích. Vì thế ngoài tiết dạy theo kiểu truyền thống tôi còn sử dụng máy tính để soạn giáo án điện tử đề dạy trẻ. Tuỳ từng bài tôi có thể sử dụng phần mềm giáo án điện tử đã có sẵn. Nhưng có bài tôi không thể dùng được phần mềm có sẵn tôi soạn giáo án điện tử bằng các cách như sau:

+ Dùng máy chụp hình hoặc Scan hình ảnh từ ngoài vào dùng phần mềm Photoshop để cắt xén, chỉnh sửa.

+ Tạo hiệu ứng cho các nhân vật cử động.

+ Đi quay phim lấy những hình ảnh sống động đưa vào chương trình Powerpoint để trình chiếu.

Ví dụ: Khi dạy trẻ tiết chữ cái u, ư trong chủ điểm ngành nghề.

– Tôi lựa chọn nội dung và phương pháp, hình thức tổ chức sau đó kết hợp với phần mềm tin học đã được cài đặt sẵn trong máy cùng với khai thác tài liệu trên mạng Internet để lựa chọn hình ảnh, phông nền, kiểu chữ cho phù hợp với chủ đề và nội dung bài dạy.

– Xây dựng bài giảng điện tử bằng cách tạo ra các sile trình chiếu và kết hợp với hình ảnh, hiệu ứng âm thanh phù hợp với từng sile chiếu hình.

– Cho trẻ xem hình ảnh, chơi trò chơi tìm hình ảnh qua ô chữ để trẻ được ôn chữ cái đã học. Sau khi mở hết ô chữ thì hình ảnh xuất hiện.

– Trẻ nhận xét tranh sau đó đọc từ dưới tranh cùng cô. Trẻ được tri giác chữ cái mới bằng hiệu ứng cho chữ xuất hiện .

– Phần luyện tập: Trẻ được cô giáo hướng dẫn theo nhóm sử dụng máy tính qua trò chơi, ghép nét chữ, tạo ra chữ cái và tìm chữ còn thiếu trong từ dưới tranh.

Ngoài ra tôi ứng phần mềm powerPoint để hướng dẫn trẻ thực hiện các bài tập trong vở bé tập tô đem lại hiệu quả khá cao, qua tiết học trẻ tích cực hoạt động, trẻ được quan sát rõ hình ảnh và làm mẫu trên màn hình, đảm bảo tất cả các trẻ đều được quan sát tốt, các nét viết của chữ cái được chuyển động làm cho trẻ thích thú, mới lạ, đa số trẻ đã viết và thực hiện tốt các yêu cầu trong vở Bé tập tô do bộ Giáo dục ban hành.

Giải pháp 2: Lồng ghép tích hợp các môn học khác. Để giải pháp này đạt kết quả cao tôi đã sử dụng các biện pháp sau:

Cô giáo là người xác định chủ đề lên kế hoạch tổ chức lồng ghép tích hợp các môn học một cách hợp lý để trẻ phát huy hứng thú khuyến khích trẻ tích cực chủ động say mê trong tiết học

Việc dẫn dắt bằng ngôn ngữ thì sự khéo léo linh hoạt sáng tạo ứng xử sư phạm của cô giáo trong một tiết dạy phải nhanh nhạy để mang lại sự chú ý cao cho trẻ, cô giáo phải kết hợp nhuần nhuyễn các bộ môn khác vào chi tiết học làm quen chữ cái sao cho phù hợp với chủ đề chủ điểm.

Biện pháp 1: Tích hợp hoạt động làm quen với chữ cái vào môn làm quen văn học.

Khi vào một tiết học làm quen học làm quen chữ cái tôi thường tích hợp bộ môn văn học vì nó phù hợp với bộ môn chữ cái. Đây là bộ môn mà Bộ giáo dục chọn làm chuyên đề mũi nhọn cùng lúc với chữ cái. Khi tích hợp một câu chuyện hay một bài thơ có các nhân vật, sự vật, con vật có tên gọi trong đó có chứa chữ cái mà cô sẽ cho trẻ làm quen.

Ví dụ: Câu chuyện “Sự tích hồ gươm” cô kể cho trẻ nghe câu chuyện sau đó

đưa tranh “Rùa vàng” ra cho trẻ lên rút chữ cái đã được học. Hôm nay cô sẽ dạy các con cữ cái v và r.

Biện pháp 2: Tích hợp hoạt động làm quen với chữ cái vào hoạt động tạo hình

Trong mỗi tiết học của trẻ thường xen kẽ động và tĩnh mà trong tiết học trẻ được hoạt động nhiều rồi thì bộ môn tạo hình rất phù hợp với trạng thái tĩnh.

Tôi cho trẻ cắt dán tô màu chữ theo yêu cầu của cô hoặc trẻ được cắt dán, xé dán chữ cái.

Ví dụ: Ở chủ đề “thế giới thực vật” cho trẻ làm quen với chữ cái h, k. Tôi tích hợp hoạt động tạo hình trong trò chơi “ Ai nhanh nhất”

– Cách chơi: Chia trẻ làm 3 nhóm chơi, nhóm 1: cô yêu cầu trẻ tô màu hoa có chứa chữ cái h, nhóm 2: cô yêu cầu trẻ cắt, dán hoa có chứa chữ cái k, nhóm 3: cô cho trẻ tô màu lá có chứa chữ cái h, k. Nhóm nào thực hiện đúng và nhiều chữ cái mà cô yêu thì đội đó sẽ dành được những phần quà có chứa chữ cái g, y.

Biện pháp 3: Tích hợp hoạt động làm quen với chữ cái vào môn giáo dục âm nhạc

Như chúng ta đã biết bộ môn âm nhạc vào là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với trẻ, làm tâm hồn trẻ tươi vui rộn ràng và hứng khởi.Vì vậy tôi thường chọn những bài hát phù hợp với từng loại tiết và phù hợp từng chủ điểm.

Ví dụ: Nhóm chữ o, ô, ơ tôi cho trẻ hát và vận động bài “Chữ o tròn” “Chữ o tròn” như vầng trăng đêm rằm chiêu sáng. Chữ ô là ô cô dạy chúng em… Hay chủ điểm “Phương tiện giao thông ” cho trẻ hát bài: “Em đi chơi thuyền”. Qua những bài hát đó tăng thêm sự chú ý ở trẻ.

Biện pháp 4: Tích hợp hoạt động làm quen với chữ cái vào môn khám phá khoa học

Một trong những bộ môn được tích hợp nhiều nhất là môn khám phá khoa học. Mà muốn cho trẻ làm quen chữ cái một cách hiệu quả phải có tranh ảnh, mô hình vật thật có chứa các chữ cái mà cô sẽ cho trẻ làm quen.

Ví dụ: Khi dạy một tiết chữ cái i, t, c. Chủ điểm “Thế giới động vật” Tôi cho trẻ tìm hiểu chữ M qua từ “Con mèo” trẻ được quan sát con mèo và sẽ biết thêm về đặc điểm bên ngoài của con mèo từ đó làm tăng thêm hứng thú cho trẻ. Hoặc trò chơi “Thi gắn chữ cái ” nếu trẻ cầm một cái nào đó lên chữ cái đó tôi gắn các hoa quả, hoa

lá, hay các con vật hoặc phương tiện giao thông phù hợp chủ điểm tăng thêm sự hiểu biết vừa nhớ được chữ cái vừa khắc sâu được hình ảnh về thế giới xung quanh.

Biện pháp 5: Tích hợp hoạt động làm quen với chữ cái vào hoạt động giáo dục thể chất.

Ví dụ: Trong hoạt động “Bật chụm, tách chân qua 5 ô”, chủ đề Quê hương – đất nước – Bác Hồ” tôi vẽ các ô vuông, bên trong mỗi ô viết một chữ cái: u, ư, e, ê. Trẻ thực hiện động tác và kết hợp đọc chữ cái trong ô.

Trong hoạt động này, tôi dùng hình thức thi đua giữa hai đội. Kết thúc giờ hoạt động, đội nào thắng sẽ lên nhận hoa có gắn chữ cái, l, m, n….

Giải pháp 3: Công tác phối kết hợp.

Để làm tốt được công tác giảng dạy mà đặc biệt là môn học làm quen với chữ cái đạt hiệu quả cao đó là tôi luôn phối kết hợp với phụ huynh.

Ngoài giờ học trên lớp, các kiến thức kỹ năng về chữ cái phải được ôn luyện ở nhà.Vậy làm thế nào để tuyên truyền với phụ huynh một cách thuyết phục, đạt kết quả cao, phối kết hợp thật tốt? Đây cũng là vấn đề không đơn giản. Trong công tác tuyên truyền với phụ huynh tôi đã thực hiện các biện pháp sau:

Biện pháp 1: Phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Để hoạt động làm quen với chữ cái đạt hiệu quả cao thì sự thống nhất giữa nhà trường và gia đình là hết sức cần thiết.

Hằng ngày tôi thường xuyên thông báo với phụ huynh về chương trình hoạt động ở lớp cũng như sự phát triển của trẻ để phụ huynh kết hợp ôn luyện cho trẻ tại nhà

Giới thiệu các loại sách vở mà trẻ được học ở lớp để phụ huynh kham khảo

Lên kế hoạch chương trình dạy, nội dung dạy dán vào bảng tuyên truyền với phụ huynh ở ngoài cửa lớp để phụ huynh theo dõi biết được tuần này học đến chữ gì để về ôn luyện cho con mình.

Trong các buổi họp phụ huynh, tôi thông báo thống nhất về nội dung hoạt động của nhà trường và lớp học. Báo cáo kết quả khảo sát đầu năm học về năng lực của trẻ cũng như khả năng tham gia hoạt động làm quen với chữ cái cho phụ huynh được biết.

Trao đổi về một số nhược điểm của trẻ: cách phát âm, nhận mặt chữ cái, cách cầm bút tô chữ, tư thế ngồi… Từ đó, phụ huynh có thể uốn nắn thêm cho trẻ.

Vận động phụ huynh ủng hộ những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để làm ra nhiều đồ dùng đồ chơi phục vụ cho trẻ.

Trao đổi với phụ huynh về những nhược điểm về cách phát âm, nhận mặt chữ, cách cầm bút, cánh tô để phụ huynh nắm được. Từ đó trở đi phụ huynh luôn kết hợp chặt chẽ với giáo viên trong các vấn đề nuôi và dạy trẻ.

Biện pháp 2: Phối kết hợp với cán bộ thôn buôn

Không chỉ nhà trường và gia đình cùng chung tay nuôi dạy trẻ mà toàn xã hội tất cả mọi người đều phải quan tâm để thấy được tầm quan trọng của ngành học mầm non cần hình thành và phát triển ngôn ngữ cho trẻ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì vậy cô giáo phải làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, phối kết hợp với các cán bộ trong buôn như: thôn trưởng, thôn phó, hội trưởng phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên…tuyên truyền về việc để giúp trẻ nhận biết được nhiều và phát âm đúng chữ cái cho trẻ bằng nhiều hình thức như : nhắc nhở bố mẹ về dạy cho các cháu ôn luyện chữ cái đã học trong tuần, hỏi trẻ về những chữ cái đã học trong ngày, đố trẻ đoán đúng những chữ cái có ở trong các từ chỉ tên đồ dùng, đồ chơi. Cho trẻ chắp ghép các chữ cái rời tạo thành từ đơn giản của bố mẹ cho sẵn.

IV. Tính mới của giải pháp

1. Về trẻ:

Lấy trẻ làm trung tâm cho các hoạt động làm quen với chữ cái, giúp trẻ nhận biết chính xác và phát âm chuẩn 29 chữ cái thông qua các trò chơi trải nghiệm, lồng ghép mọi lúc, mọi nơi…

Trẻ được trải nghiệm thực tế qua nhiều hoạt động làm quen chữ cái dưới nhiều hình thức khác nhau, đa dạng phong phú về hoạt động.

Trẻ hứng thú tham gia vào các hoạt động làm quen chữ cái, mạnh dạn, tự tin. Phát triển ngôn ngữ nói rõ ràng mạch lạc.

Khả năng tập trung chú ý cao, tư thế ngồi, cầm bút, phát âm chữ cái chuẩn.

2. Về giáo viên:

Tìm hiểu, vận dụng triệt để các môn học khác vào hoạt động làm quen chữ cái, đầu tư sưu tầm các trò chơi làm quen chữ cái từ ngoài chương trình giúp trẻ hứng thú học tập.

Tự tin có nhiều sáng tạo hơn khi dạy trẻ trong các hoạt động làm quen chữ cái, phương pháp lên lớp có sáng tạo, linh hoạt hơn, giúp trẻ tham gia vào các hoạt động một cách tích cực hơn, biết kết hợp xen kẽ các hình thức cũng như lồng ghép trong phương pháp giảng dạy, tận dụng những cái mới lạ vào các hoạt động để các cháu hứng thú hơn.

Tạo nhiều cơ hội cho trẻ yếu tham gia vào hoạt động, khuyến khích động viên trẻ ở mọi lúc mọi nơi, chú ý đến đặc điểm cá nhân…

3. Về phụ huynh:

Phụ huynh quan tâm, hỗ trợ các hoạt động làm quen chữ cái cũng như các môn học khác của trẻ tại lớp, đã hỗ trợ giáo viên về nhà dạy thêm cho các cháu đọc chữ cái, nói tiếng Việt.

Đa số phụ huynh đã có sự nhận biết đúng đắn về tầm quan trọng trong việc cho trẻ làm quen với 29 chữ cái trước khi vào lớp 1. Đây là điều cần thiết nhất để trẻ chuẩn bị tâm thế vững vàng trước khi bước vào lớp 1.

Phụ huynh đã tích cực phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc thu gom đồ dùng, đồ chơi, phế liệu giúp các cháu trải nghiệm nhiều hơn với hoạt động làm quen chữ cái cho trẻ cũng như những hoạt động khác ở trường mầm non.

………..

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *