Sáng kiến kinh nghiệm lớp 6: Phương pháp dạy các biện pháp tu từ (2 mẫu)

Sáng kiến kinh nghiệm lớp 6: Phương pháp dạy các biện pháp tu từ (2 mẫu)

Mời quý thầy cô cùng tham khảo mẫu Sáng kiến kinh nghiệm: Phương pháp dạy các biện pháp tu từ được Download.vn đăng tải trong bài viết dưới đây.

Bạn đang đọc: Sáng kiến kinh nghiệm lớp 6: Phương pháp dạy các biện pháp tu từ (2 mẫu)

Tài liệu bao gồm 2 mẫu sáng kiến kinh nghiệm một số phương pháp dạy các biện pháp tu từ. Qua đó giúp quý thầy cô có thêm nhiều tư nhiều tham khảo, tích lũy kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Nội dung chi tiết, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây.

Sáng kiến kinh nghiệm
Phương pháp dạy các biện pháp tu từ

I. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài:

Trong những năm gần đây, cùng với việc đổi mới mục tiêu và nội dung dạy học, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm đã được đặt ra một cách bức thiết. Bởi vì yêu cầu của việc dạy học hiện đại là tăng cường hoạt động tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh. Việc đổi mới dạy học để có được hoạt động học tập chủ động tích cực, sáng tạo ấy, người thầy lấy học sinh làm trung tâm trong môn Ngữ văn sẽ đem lại hứng thú cho cả thầy lẫn trò. Học trò được bộc lộ bản thân, được đánh giá ở nhiều phía, như vậy thầy sẽ hiểu được thực chất về trò để từ đó có phương pháp thích hợp nhằm đem lại hiệu quả cao trong dạy học. Mặt khác, chính sự đổi mới phương pháp đó sẽ tạo cho học sinh có nề nếp làm việc khoa học, rèn luyện được sự mạnh dạn, tự tin; bồi dưỡng năng lực giao tiếp.

Vậy để giáo dục có hiệu quả và đạt chất lượng cao, trong quá trình giảng dạy người thầy cần biết lựa chọn phương pháp dạy tối ưu nhất, phù hợp với phương pháp đổi mới, phù hợp với mục tiêu và nội dung của bài học. Song để đi đến thành công giáo dục đòi hỏi người giáo viên phải biết và không ngừng nổ lực phấn đấu, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, đầu tư thích đáng vào công việc của mình.

Việc đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu quan trọng nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, đổi mới phải phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh. Để đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả, học sinh và giáo viên không thể chỉ bằng lòng với những gì có sẵn trong sách giáo khoa hoặc tài liệu hướng dẫn giảng dạy. Việc tìm tòi, nghiên cứu, sử dụng các tư liệu trong dạy học nói chung và Ngữ văn nói riêng là điều vô cùng cần thiết.

Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn nói chung và phần Tiếng Việt nói riêng qua hơn mười năm thực hiện đổi mới và thay sách giáo khoa, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giúp các em học sinh THCS đặc biệt là các em khối lớp 6 dễ hiểu, dễ nắm bắt kiến thức về các biện pháp tu từ. Vấn đề mà chắc hẳn không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều đồng nghiệp khác cũng đang quan tâm. Nên tôi mạnh dạn đưa đưa ra sáng kiến: Phương pháp dạy học các biện pháp tu từ phân môn Tiếng Việt cấp THCS. Hy vọng rằng với những kinh nghiệm nhỏ bé rút ra từ thực tiễn của bản thân tôi trong hơn mười năm giảng dạy sẽ góp phần nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả dạy môn Ngữ văn nói chung và giảng dạy kiến thức về các biện pháp tu từ nói riêng.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài:

2.1. Đối với học sinh:

– Giúp học sinh THCS nắm được khái niệm về các biện pháp tu từ từ vựng bằng cách hệ thống được vốn kiến thức về các biện pháp tu từ trong chương trình THCS.

– Trên cơ sở nắm vững khái niệm các em sẽ biết phân biệt rõ ràng điểm giống và khác nhau giữa các biện pháp tu từ và có phương pháp phân tích các biện pháp tu từ một cách cụ thể.

2.2. Đối với giáo viên:

– Đây sẽ là cuốn tài liệu quan trọng để giúp học sinh dễ nắm bắt hơn kiến thức về các biện pháp tu từ.

– Giáo viên có thể vận dụng khi soạn bài về các biện pháp tu từ khi lên lớp.

3. Đối tượng nghiên cứu:

– Học sinh trường khối lớp 6, 9 trường THCS …………………

4. Giới hạn phạm vi nghiên cứu:

– Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu đưa ra cách tối ưu nhất giúp học sinh THCS đặc biệt là học sinh khối lớp 6 nắm được kiến thức về các phép tu từ từ vựng.

– Đề tài thực nghiệm trên hai lớp khối lớp 6,9 năm học 20….-20…., 20….-20…. trường THCS …, xã ……….., huyện ………… tỉnh ……………. .

5. Phương pháp nghiên cứu:

Xuất phát từ lí luận, áp dụng vào thực tiễn, từ thực tiễn rút ra bài học kinh nghiệm, dựa vào mục tiêu giảng dạy đổi mới và thực tiễn dạy bộ môn Ngữ văn ở Trường THCS …………………, huyện …………………… tỉnh ……………………, tôi đã vạch ra kế hoạch thực hiện đề tài này. Khi thực hiện tôi dùng các Phương pháp nghiên cứu sau:

– Nghiên cứu lí luận văn học

– Phương pháp điều tra sư phạm.

– Phương pháp thực nghiệm sư phạm.

II. PHẦN NỘI DUNG

1. Cơ sở lí luận:

Trong quá trình dạy học môn Ngữ văn đặc biệt là dạy phân môn Tiếng Việt phần các biện pháp tu từ, tôi nhận thấy học sinh, đặc biệt là học sinh khối 6 hiểu khái niệm còn chung chung chưa đi sâu tìm hiểu giá trị biểu đạt và vận dụng chưa linh hoạt các phép tu từ này vào tìm hiểu và tạo lập văn bản, trong giao tiếp… Một số học sinh còn lẫn lộn giữa các phép tu từ với nhau dẫn đến hiểu sai, vận dụng sai.

Để học sinh nhận biết, tìm hiểu đúng giá trị nghệ thuật và vận dụng có hiệu quả các phép tu từ này đòi hỏi người giáo viên phải hướng học sinh một cách cụ thể, tỉ mỉ gần gũi với tư duy, nhận thức của các em về cách nhận biết, cách tìm hiểu giá trị nghệ thuật cách vận dụng các phép tu từ vào nói, viết. Nghĩa là gắn với những hiểu biết từ thực tế cuộc sống và những hiểu biết cơ bản mà các em đã phân tích tìm hiểu ở phần văn bản. Như vậy quá trình dạy học phân môn tiếng Việt sẽ thu hút được sự chú ý của học sinh, học sinh sẽ nhận biết chắc hơn, hiểu sâu hơn về giá trị nghệ thuật của mỗi phép tu từ, tránh nhầm lẫn giữa phép tu từ này với phép tu từ kia. Đồng thời cũng một lần nữa củng cố thêm kiến thức về văn học, về cuộc sống và luyện cho học sinh cách viết lời văn trau chuốt, có hình ảnh, hàm súc, có tính biểu cảm cao.

Trong chương trình Ngữ văn THCS phần Tiếng Việt có các bài học về biện pháp tu từ, nội dung sáng kiến này tôi chỉ đề cập đến những bài sau:

Lớp 6: Bài 19, 21: So sánh

Bài 22: Nhân hóa

Bài 23: Ẩn dụ

Bài 24: Hoán dụ

Lớp 7: Bài 13: Điệp ngữ

Bài 14: Chơi chữ

Lớp 8: Bài 28, 29: Lựa chọn trật tự từ trong câu ( Đảo ngữ).

Lớp 9: SGK lớp 9 đề cập đến việc vận dụng lại các biện pháp tu từ đã học để phân tích biện pháp tu từ qua các đoạn văn, đoạn thơ. Trong sáng kiến này tôi chỉ lựa chọn những biện pháp tu từ có khả năng áp dụng rộng rãi để phân tích, từ đó giúp người đọc hiểu được thấu đáo vấn đề. Biết vận dụng các biện pháp tu từ đó để phân tích được đoạn thơ, bài thơ.

Trong quá trình giảng dạy vận dụng sáng kiến này, tôi thấy học sinh dễ tiếp thu kiến thức hơn, có kỹ năng hơn khi nhận diện các biện pháp tu từ.

2. Thực trạng:

2.1. Thuận lợi – khó khăn:

– Thuận lợi: Đối tượng học sinh THCS ………………… đa số các em đều ngoan, có ý thức học tập tốt. Tài liệu tham khảo, dụng cụ học tương đối đầy đủ. Đặc biệt hiện nay có mạng In- tơ-nét rất thuận lợi cho việc tìm và tham khảo tài liệu phục vụ cho việc dạy và học.

– Khó khăn: Một số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp nhận kiến thức văn học của các em còn hạn chế. Một số em kinh tế gia đình còn khó khăn nên một buổi đi học một buổi về phụ giúp gia đình chưa có thời gian dành cho việc học ở nhà, vì thế ảnh hưởng đến việc nắm bắt kiến thức.

2.2. Thành công và hạn chế:

– Thành công: Khi áp dụng đề tài này các em dễ nắm bắt kiến thức, tạo cho các em hứng thú học tập, tiếp thu kiến thức về các biện pháp tu từ.

– Hạn chế: một số học sinh còn mơ hồ, chưa nhận diện chính xác các biện pháp tu từ.

2.3. Mặt mạnh – mặt yếu:

– Mặt mạnh: đề tài đã đưa ra phương pháp để dạy, để các em nhận diện tiếp thu các biện pháp tu từ trong phân môn tiếng Việt cấp THCS. Ngoài ra còn có thể áp dụng tích hợp với phân môn Tập làm văn và khi học các tác phẩm Văn học .

– Mặt yếu: Việc tiếp thu kiến thức ở mỗi học sinh khác nhau nên kết quả học tập có em đạt kết quả chưa cao.

3. Giải pháp , biện pháp:

3.1. Mục tiêu của giải pháp:

– Hệ thống hóa lại kiến thức về các biện pháp tu từ, chỉ ra cách phân biệt điểm giống và khác nhau giữa các biện pháp tu từ. Đồng thời đưa ra phương pháp giúp học sinh phân tích được các biện pháp tu từ trong một câu, một đoạn văn, đoạn thơ.

– Những kiến thức được trình bày trong sáng kiến này có nội dung cơ bản về biện pháp tu từ về các bài từ lớp 6 đến lớp 9 đã nêu ở phần cơ sở lí luận và cả việc hướng dẫn các bước cụ thể để phân tích biện pháp tu từ. Căn cứ vào hướng dẫn của SGV và SGK, sáng kiến này còn có thể giúp giáo viên Ngữ văn đỡ mất thì giờ trong việc tìm tài liệu soạn bài.

3.2. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp:

Phương pháp dạy cụ thể:

1. So sánh:

1.1. So sánh: là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ví dụ: Trẻ em như búp trên cành

Bao gồm: Vế A (Trẻ em) , từ so sánh ( như), vế B ( búp trên cành)

Giáo viên hỏi: Tại sao tác giả lại so sánh “Trẻ em” với “Búp trên cành”?

Trẻ em và búp trên cành cũng là các sự vật đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển. Từ những đặc điểm về màu sắc, về trạng thái non tơ của “Búp trên cành” đã giúp người đọc liên tưởng tới đặc điểm tươi trẻ, tràn trề sức sống của trẻ em.

Như vậy so sánh nghĩa là đem cái chưa biết, chưa rõ đối chiếu với cái đã biết để qua cái đã biết mà nhận thức, hình dung được cái chưa biết. Khi dạy bài này, bước đầu tiên giáo viên hướng dẫn học sinh phát hiện phép so sánh thông qua cấu trúc của nó. Cấu trúc của phép so sánh bao giờ cũng có hai vế:

– Vế A là vế nêu tên sự vật, sự việc được so sánh.

– Vế B nêu tên sự vật , sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc nói ở vế a, giữa hai vế thường có:

– Từ ngữ chỉ phương diện so sánh

– Từ ngữ so sánh hoặc có thể vắng từ ngữ chỉ phương diện so sánh, hoặc vắng từ ngữ so sánh , hoặc cả hai.

Sau khi tìm hiểu giáo viên cho học sinh rút ra mô hình của phép so sánh rất đa dạng để học sinh, đặc biệt là học sinh yếu, trung bình để nhận biết. Mỗi dạng giáo viên lấy nhanh hoặc cho học sinh lấy nhanh một ví dụ để minh họa.

Ví dụ: Dạng đầy đủ của một phép so sánh:

Rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.

Rõ ràng trong ví dụ này có đầy đủ cấu tạo của phép so sánh, giáo viên cho học sinh phát hiện các vế của một phép so sánh, phương diện so sánh, từ so sánh và điền vào mô hình sau:

Vế A

(sự vật được so sánh)

Phương diện

so sánh

Từ ngữ

so sánh

Vế B

(dùng để so sánh)

Rừng đước

(A)

dựng lên cao ngất

(x)

như

(y)

hai dãy trường thành vô tận (B)

Từ mô hình trên cho ta thấy một phép so sánh đầy đủ. Nếu gọi vế A là A, vế B là B, phương diện so sánh là x, từ ngữ so sánh là y, thì có thể diễn tả cách hiểu một biện pháp so sánh như sau:

Ax = By (nếu là so sánh ngang bằng)

Ax = Bx; Ax > Bx; Ax

Từ ngữ so sánh (yếu tố y) trong cấu tạo của so sánh là những từ xác định kiểu so sánh: là, như, bằng, giống như, bao nhiêu … bấy nhiêu, v.v. (so sánh ngang bằng) hay, chẳng bằng, không bằng, hơn, kém, v.v (so sánh không ngang bằng).

Như vậy dựa vào mục đích và các từ so sánh người ta chia phép so sánh thành hai kiểu:

– So sánh ngang bằng: Phép so sánh ngang bằng thường được thể hiện bởi các từ so sánh sau đây: là, như, y như, tựa như, giống như hoặc cặp đại từ bao nhiêu, bấy nhiêu. Ví dụ ( ví dụ này tham khảo tài liệu Dạy học Tiếng Việt THCS của tác giả Hoàng Xuân Tâm- Bùi Tất Tươm): Gió đông là chồng lúa chiêm.

Phải biết vụ lúa chiêm gieo cấy vào đầu mùa lạnh, gặt vào đầu mùa nóng mới hiểu gió đông (phương đông chứ không phải mùa đông) vào mùa nóng quan hệ khăng khít (x) với giai đoạn trưởng thành, sinh sôi và chín rộ của lúa chiêm. Từ đó mới hiểu được hình ảnh so sánh là (y) chồng lúa chiêm (B) khi nói về gió đông (A).

Mục đích của so sánh nhiều khi không phải là tìm sự giống nhau hay khác nhau mà nhằm diễn tả một cách hình ảnh một bộ phận hay đặc điểm nào đó của sự vật giúp người nghe, người đọc có cảm giác hiểu biết sự vật một cách cụ thể sinh động. Vì thế phép so sánh thường mang tính chất cường điệu

Ví dụ: Cao như núi, dài như sông (Tố Hữu)

– So sánh không ngang bằng (so sánh hơn kém): Trong so sánh không ngang bằng từ so sánh được sử dụng là các từ : hơn, hơn là, kém, kém gì, chẳng bằng…

Ví dụ: Những ngôi sao thức ngoài kia A: những ngôi sao thức

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con B: mẹ thức;

y: chẳng bằng: x : ?

Những ngôi sao thức ngoài kia chẳng vất vả bằng, chẳng có tình yêu như mẹ đã thức vì chúng con.

Ngoài ra giáo viên còn chỉ cho các em muốn chuyển so sánh không ngang bằng sang so sánh ngang bằng người ta thêm một trong các từ phủ định: Không, chưa, chẳng… vào trong câu và ngược lại.

Ví dụ: Trò chơi dân gian quyến rũ tôi hơn những công thức toán học.

Trò chơi dân gian quyến rũ tôi không hơn những công thức toán học.

Lưu ý: HS Khi phương diện so sánh (x) bị lược trong ngôn bản thì việc xác định không phải lúc nào cũng dễ, nhất là khi từ so sánh là bị lược.

Ví dụ: Gió đông là chồng lúa chiêm.

Phải biết vụ lúa chiêm gieo cấy vào đầu mùa lạnh, gặt vào đầu mùa nóng mới hiểu gió đông (phương đông chứ không phải mùa đông) vào mùa nóng quan hệ khắng khít (x) với giai đoạn trưởng thành, sinh sôi và chín rộ của lúa chiêm. Từ đó mới hiểu được hình ảnh so sánh là (y) chồng lúa chiêm (B) khi nói về gió đông (A).

Như vậy căn cứ vào vấn đề phân tích và dựa vào mô hình trên cũng có thể chia ra các hình thức so sánh sau đây:

– Yếu tố y là từ như (tựa như, chừng như …)

Ví dụ:

Đôi ta làm bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng

(Ca dao)

– Yếu tố y là từ hô ứng bao nhiêu, bấy nhiêu.

Ví dụ:

Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu

(Ca dao)

– Yếu tố y là từ là.

Ví dụ:

Chúng chị là hòn đá tảng trên trời
Chúng em chuột nhắt cứ đòi lung lay

(Ca dao)

Nếu thay là bằng như thì nội dung cơ bản không thay đổi, chỉ thay đổi về sắc thái ý nghĩa từ sắc thái khẳng định chuyển sang giả định.

– Trong thơ ca nhờ cấu trúc cân đối và do sự cô đọng của ngôn ngữ thơ nên nhiều khi yếu tố y cũng vắng mặt.

Ví dụ:

Người ngồi đó lớn mênh mông
Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non.

(Tố Hữu)

Trước tiên cần xác định được đối tượng của so sánh:

– So sánh đồng loại:

+ So sánh người với người:

Ví dụ:

Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo
Khi tới trường cô giáo như mẹ hiền

(Lời bài hát)

+ So sánh vật với vật:

Ví dụ: … trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. (Sông nước Cà Mau)

– So sánh khác loại:

+ So sánh vật với người:

Ví dụ:

Ngôi nhà như trẻ nhỏ
Lớn lên với trời xanh

(Đồng Xuân Lan)

+ So sánh cái cụ thể với cái trừu tượng và ngược lại:

Ví dụ:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

(Ca dao)

Trong bài học so sánh, SGK Ngữ văn 6 tập hai không phân biệt hai loại so sánh: so sánh lôgic và so sánh tu từ. Định nghĩa và nội dung miêu tả trong bài là so sánh tu từ, tức biện pháp tu từ so sánh.

Trong cấu tạo biện pháp so sánh, điều quan trọng nhất là phải hiện diện cả hai vế: vế được so sánh và vế dùng để so sánh.

Phương diện so sánh là một mặt nào đó của đối tượng muốn miêu tả bằng so sánh. Đó là nhận xét về hình thể, về một phẩm chất, về một hoạt động hay một trạng thái của đối tượng. Những điều ấy hoàn toàn có thể diễn đạt bằng một vị từ (tính từ, động từ), một ngữ vị từ hay bằng một cụm C-V.

Ví dụ ( ví dụ tham khảo tài liệu Dạy học Tiếng Việt THCS của tác giả Hoàng Xuân Tâm- Bùi Tất Tươm):

Đứa bé như cái nấm. = Đứa bé lùn.

Trăng như cái đĩa. = Trăng tròn.

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. = Non xanh nước biếc đẹp.

Tay tre như những sợi tóc. = Tay tre nhiều và rối.

Sông ngòi, kênh rạch như mạng nhện. = Sông ngòi, kênh rạch bủa

giăng chi chít.

Dế Choắt như một gã nghiện. = Dế Choắt người gầy gò và dài

lêu nghêu.

Giá trị của những ví dụ về so sánh trên là ở cách chọn các đối tượng dùng để so sánh: cái nấm, cái đĩa, tranh họa đồ, những sợi tóc, mạng nhện, một gã nghiện. Các đối tượng ấy đã gợi tả rất hiệu quả tính chất, hình thể của đối tượng được so sánh: lùn, tròn, đẹp, nhiều và rối, bủa giăng chi chít, người gầy gò và dài lêu nghêu.

1.2. Tác dụng của so sánh

– So sánh tạo ra những hình ảnh cụ thể sinh động. Phần lớn các phép so sánh đều lấy cái cụ thể so sánh với cái không cụ thể hoặc kém cụ thể hơn, giúp mọi người hình dung được sự vật, sự việc cần nói tới và cần miêu tả.

Ví dụ: Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. (Ca dao)

– So sánh còn giúp cho câu văn hàm súc gợi trí tưởng tượng của ta bay bổng. Vì thế trong thơ thể hiện nhiều phép so sánh bất ngờ.

Ví dụ: Tàu dừa chiếc lược chải vào mây xanh

Cách so sánh ở đây thật bất ngờ, thật gợi cảm. Yếu tố (3) bị lược bỏ. Người đọc người nghe tha hồ mà tưởng tượng ra các mặt so sánh khác nhau làm cho hình tượng so sánh được nhân lên nhiều lần.

1.3. Bài tập bổ sung: Sau khi cho học sinh nắm vững các kiến thức ta có thể cho các em làm thêm các bài tập bổ sung để giúp các em nhận diện kiểm tra được kiến thức của các em một cách chính xác hơn vì các bài tập trong SGK có thể các em dựa vào sách giải mà không nắm kiến thức.

Bài 1. Phép so sánh sau đây có gì đặc biệt:

Mẹ già như chuối và hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

(Ca dao)

* Gợi ý: Chú ý những chỗ đặc biệt sau đây:

– Từ ngữ chỉ phương diện so sánh bị lược bỏ

Vế (B) là chuẩn so sánh không phải có một mà có ba: chuối và hương – xôi nếp mật – đường mía lau là nhằm mục đích ca ngợi người mẹ về nhiều mặt, mặt nào cũng có nhiều ưu điểm đáng quý.

Bài 2. Tìm và phân tích phép so sánh (theo mô hình của so sánh) trong các câu thơ sau:

a) Ngoài thềm rơi chiếc la đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.

(Trần Đăng Khoa)

b) Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con chèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay.

(Đỗ Trung Quân)

Gợi ý: Chú ý đến các so sánh

a) Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

b) Quê hương là chùm khế ngọt

Quê hương là đường đi học

2. Nhân hóa:

2.1. Nhân hóa: là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật, … bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người.

Ví dụ: Cây dừa

Sải tay

Bơi

Ngọn mùng tơi

Nhảy múa

(Trần Đăng Khoa)

2.2. Tác dụng của phép nhân hoá

Phép nhân hoá làm cho câu văn, bài văn thêm cụ thể, sinh động, gợi cảm; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật, … trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

Ví dụ: Bác giun đào đất suốt ngày

Hôm qua chết dưới bóng cây sau nhà.

(Trần Đăng Khoa)

2.3. Các kiểu nhân hóa: Có các kiểu nhân hóa sau:

– Dùng từ ngữ vốn gọi người ( chú, chị, cô,…) để gọi sự vật:

Ví dụ: Chú gà trống nhà em thật đáng yêu.

Hoặc: Dế Choắt ra cửa, hé mắt nhìn chị Cốc. Rồi hỏi tôi :

– Chị Cốc béo xù đứng trước cửa nhà ta đấy hả ?

(Tô Hoài)

– Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động tính chất của vật:

Ví dụ:

+ Dùng các động từ thuộc về hoạt động của con người để miêu tả sự tồn tại và vận động của trời – núi – trăng – hoa:

Vì mây cho núi lên trời
Vì chưng gió thổi hoa cười với trăng

+ Dùng các tính từ miêu tả, các động từ hành vi của người, khoác lên cho các đối tượng không phải người:

Lúa đã chen vai đứng cả dậy – Trần Đăng

Hoặc: Súng vẫn thức. Vui mới giành một nửa,

Nên bâng khuâng sương biếc nhớ người đi (Tố Hữu)

– Trò chuyện, xưng hô với vật như đối với người:

Ví dụ:

+ Coi các đối tượng không phải là người mà như là người và tâm tình nói chuyện với chúng.

… Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?

(Ca dao)

+ Trò chuyện với sự vật, hô-gọi sự vật như trò chuyện với con người, hô gọi con người:

Núi cao chi lắm núi ơi?
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương.

(Ca dao)

Tuy nhiên khi phân tích một biện pháp nhân hóa, học sinh thường lúng túng khi xác định vế nhân hóa và vế được nhân hóa. Vế nhân hóa là vế tạo nên hiện tượng nhân hóa, đó là các từ ngữ vốn được dùng để nói về (gọi, tả, kể, nhận định) con người. Vế nhân hoá thường làm vị ngữ hay phụ ngữ miêu tả (định ngữ trang trí) cho vế được nhân hóa.

Ví dụ:

Muôn nghìn cây mía múa gươm
Kiến hành quân đầy đường

(Trần Đăng Khoa)

Vế nhân hóa là các từ ngữ: múa gươm, hành quân.

Vế được nhân hóa là: muôn nghìn cây mía và kiến.

Nhờ cách dùng múa gươm và hành quân (là các từ ngữ miêu tả hoạt động của người) mà muôn nghìn cây mía và kiến được nhân hóa.

Do có chức năng nhận thức và chức năng biểu cảm-cảm xúc cho nên nhân hóa được sử dụng rộng rãi.

Trong sinh hoạt hàng ngày ta thường nghe nói: điếu cày kêu (sòng sọc), con đường lượn vòng, cái bụng muốn đi (mà) cái chân không muốn bước…

Trong lời nói nghệ thuật ta thường gặp nhân hóa: gió khóc, gió rền rĩ, trăng chiếu mơ màng, sông thì thầm mấy khúc hùng ca xưa cũ, khăn thương nhớ ai, đèn thương nhớ ai…

Ngoài ra nhân hoá chỉ có thể được hiện thực hóa trong một ngữ cảnh nhất định:

Ví dụ:

Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù, tre xung phong vào xe tăng, đại bác, tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!

(Thép Mới)

2.4. Bài tập bổ sung: Tương tự như ở biện pháp so sánh ta cho các em làm những bài tập bổ sung để kiểm tra kiến thức.

Bài 1. Tìm phép nhân hoá và nêu tác dụng của chúng trong những câu thơ sau:

Trong gió trong mưa
Ngọn đèn đứng gác
Cho thắng lợi, nối theo nhau
Đang hành quân đi lên phía trước

(Ngọn đèn đứng gác- Chính Hữu)

Gợi ý:

Chú ý cách dùng các từ vốn chỉ hoạt động của người như: Đứng gác, nối theo nhau, hành quân, đi lên phía trước.

Bài 2: Xác định phép nhân hóa và cho biết nó thuộc kiểu nhân hóa nào?

Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất ?
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt trên vai

(Ca dao)

Em hỏi cây kơ nia
Gió mày thổi về đâu
Về phương mặt trời mọc…

(Bóng cây kơ nia)

Gợi ý: Trò chuyện tâm sự với vật như đối với người

3. Ẩn dụ:

3.1. Ẩn dụ: là gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Khi dạy bài này, giáo viên cần phân tích làm rõ mối quan hệ giữa ẩn dụ và so sánh đã học ở tiết trước để học sinh dễ hình dung. Ẩn dụ thực chất là một kiểu so sánh ngầm trong đó yếu tố so sánh giảm đi chỉ còn yếu tố làm chuẩn so sánh được nêu lên. Muốn có phép ẩn dụ thì giữa hai sự vật hiện tượng được so sánh ngầm phải có nét tương đồng quen thuộc nếu không sẽ trở nên khó hiểu.

Ẩn dụ là một loại so sánh ngầm, trong đó ẩn đi sự vật, sự việc được so sánh (Vế A) , phương diện so sánh, từ so sánh chỉ còn sự vật, sự việc được dùng so sánh (Vế B) Vậy muốn tìm được phép ẩn dụ và hiểu được cái hay, hàm súc của ẩn dụ thì phải xuất phát từ từ ngữ ẩn dụ (Vế B) để tìm đến vế A (Sự vật, sự việc được so sánh) . Thông thường học sinh chỉ tìm được phép ẩn dụ mà ít tìm được giá trị nghệ thuật của nó, nếu tìm được cũng chỉ sơ sài, chung chung, nhiều khi còn sai lệch về nội dung. Để khắc phục được điều đó, giáo viên cần hướng dẫn học sinh hiểu được các phép ẩn dụ.

Ví dụ:

Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Bến được lấy làm ẩn dụ để lâm thời biểu thị người có tấm lòng thuỷ chung chờ đợi, bởi những hình ảnh cây đa, bến nước thường gắn với những gì không thay đổi là đặc điểm quen thuộc ở những có người có tấm lòng thuỷ chung.

Ẩn dụ chính là một phép chuyển nghĩa lâm thời khác với phép chuyển nghĩa thường xuyên trong từ vựng. Trong phép ẩn dụ, từ chỉ được chuyển nghĩa lâm thời mà thôi.

Ví dụ:

Giá đành trong nguyệt trên mây
Hoa sao hoa khéo đọa đày thân hoa.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Hoa (B) mang ý nghĩa ẩn dụ, chỉ người phụ nữ có nhan sắc (A).

3.2. Tác dụng của ẩn dụ

Ẩn dụ làm cho câu văn thêm giàu hình ảnh và mang tính hàm súc. Sức mạnh của ẩn dụ chính là mặt biểu cảm. Cùng một đối tượng nhưng ta có nhiều cách thức diễn đạt khác nhau. (thuyền – biển, mận – đào, thuyền – bến, biển – bờ) cho nên một ẩn dụ có thể dùng cho nhiều đối tượng khác nhau. Ẩn dụ luôn biểu hiện những hàm ý mà phải suy ra mới hiểu. Chính vì thế mà ẩn dụ làm cho câu văn giàu hình ảnh và hàm súc, lôi cuốn người đọc người nghe.

Ví dụ: Trong câu : Người Cha mái tóc bạc.

Nếu thay Bác Hồ mái tóc bạc thì tính biểu cảm sẽ mất đi.

3.3. Các kiểu ẩn dụ: Vì ẩn dụ có ý nghĩa hàm súc nên có thể phân 4 kiểu, dạng ẩn dụ thường gặp:

– Ẩn dụ hình thức được hình thành trên cơ sở nét tương đồng về hình thức giữa các đối tượng. Con đường hình thành ẩn dụ hình thức có thể xuất phát từ nét tương đồng giữa hình thức của sự vật, hiện tượng và con người

Ví dụ: Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Ở đây, tất nhiên không có ngọn lửa nào. Chữ lửa (B) trong văn cảnh dùng để biểu thị màu đỏ của hoa lựu (A). Có thể chưa trông thấy hoa lựu bao giờ, chưa biết hoa lựu màu đỏ, nhưng đọc câu thơ trên vẫn có thể suy ra như vậy, vì có thành ngữ quen thuộc “đỏ như lửa”. Câu thơ gợi được một cảnh thật rực rỡ: đầu tường, màu đỏ của hoa lựu tạo nên những bông hoa lửa lập lòe! Chính cách dùng ẩn dụ lửa lựu của Nguyễn Du làm cho ta cảm nhận những bông hoa lửa từ màu đỏ của hoa lựu.

– Ẩn dụ cách thức được hình thành trên cơ sở nét tương đồng về cách thức hành động giữa các đối tượng. Ẩn dụ cách thức đã đem lại cho người đọc bao cảm xúc sâu xa.

Ví dụ:

Về thăm nhà Bác làng sen,
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng

(Nguyễn Đức Mậu)

Nhìn “hàng râm bụt” với những bông hoa đỏ rực tác giả tưởng như những ngọn đèn “thắp lên lửa hồng”. Hành động thắp ở đây ý chỉ hoa nở.

– Ẩn dụ phẩm chất (dựa vào sự tương đồng về phẩm chất giữa các sự vật hiện tượng). Hay nói cách khác: có thể được dùng theo lối chuyển nghĩa lấy tên gọi chung thay tên riêng hoặc lấy tên riêng thay tên chung.

Ví dụ:

Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm

(Đêm nay Bác không ngủ – Minh Huệ)

Lấy hình tượng Người Cha để gọi tên Bác Hồ.

– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (dựa vào sự tương đồng về cảm giác). Hay nói cách khác là những ẩn dụ trong đó B là một cảm giác vốn thuộc một loại giác quan dùng để chỉ những cảm giác A vốn thuộc các loại giác quan khác hoặc cảm xúc nội tâm. Nói gọn là lấy cảm giác A để chỉ cảm giác B.

Ví dụ: Đoạn văn “…Chao ôi, trông con sông, vui sướng thấy nắng giòn tan. Sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng…”

Giáo viên có thể hỏi HS: Trong cuộc sống, từ “giòn tan” thường dùng chỉ đặc điểm cụ thể của những vật nào?

Giòn tan: Dùng chỉ đặc điểm của những vật cứng cụ thể khi bị gãy, vỡ như bánh, gỗ, kính… Chứ không dùng để chỉ hiện tượng tự nhiên như “Nắng”.

Giáo viên lại hỏi tiếp: Theo em, Cụm từ: “ nắng giòn tan” có gì đặc biệt so với cách nói thông thường?

– Đây là một ẩn dụ chuyển đổi cảm giác của nhà văn Nguyễn Tuân (Từ vị giác, thính giác sang thị giác).

Hoặc Ví dụ: bài tập 3 trang 70 Ngữ văn 6 tập hai cho chúng ta những ví dụ rất tốt về ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.

Câu a) và câu b): Chảy là hoạt động của dòng chất lỏng (tiêu biểu là nước). Đối với hiện tượng chảy, ta cảm nhận bằng các giác quan: thị giác, xúc giác, thính giác (nếu dòng chảy gây tiếng động đủ nghe thấy). Trong các câu “Mùi hồi chín chảy qua mặt”, “Ánh nắng chảy đầy vai”, mùi hồi và ánh nắng, qua ẩn dụ, được cảm nhận như những dòng chất lỏng chảy mơn man trên da thịt. Mùi hồi được cảm giác chảy rất rõ với động tác ngẩng mặt lên để dòng hương chảy qua và nhất là khi có một làn gió nhẹ thổi qua cánh rừng hồi.

* Lưu ý: Khi dạy phép ẩn dụ, giáo viên cũng nhấn mạnh thêm: Ẩn dụ được dùng nhiều trong lời ăn tiếng nói hàng ngày làm cho lời nói hội thoại mang đậm đà màu sắc biểu cảm, cảm xúc. Ví dụ: Khi mẹ nựng con thường hay nói : cún con, cục vàng…Hoặc sử dụng nhiều ẩn dụ chuyển đổi cảm giác như: Ví dụ: Giọng chua, nói đau, màu nóng… Cho học sinh tìm thành ngữ ẩn dụ để khi cần các em biết vận dụng vào trong giao tiếp hàng ngày, trong lập văn bản để tăng thêm giá trị hàm súc cho lời nói. Ví dụ: Nuôi ong tay áo, gậy ông đập lưng ông, chuột sa chỉnh gạo, con nhà lính tính nhà quan.

3.4. Bài tập bổ sung:

Bài 1: Phân tích nghệ thuật ẩn dụ trong câu thơ sau:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn” (Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)

* Gợi ý:

– Nghĩa đen: Bánh trôi nước về màu sắc và hình dáng

– Nghĩa bóng : Hình ảnh về vẻ đẹp người phụ nữ có làn da trắng và thân hình đầy đặn .

Khi phân tích ta làm như sau : Cách sử dụng nghệ thuật ẩn dụ của nhà thơ thật tài tình vì qua hình ảnh cái bánh nhà thơ đã gợi cho người đọc hình dung được một hình ảnh khác thật sâu săc kín đáo đó là hình ảnh … (nghĩa bóng). Từ đó gợi cảm xúc cho người đọc về người phụ nữ xưa …

Bài 2: Chỉ ra biện pháp tu từ và phân tích giá trị biểu cảm trong hai câu thơ sau:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ (Viễn Phương – Viếng lăng Bác)

* Gợi ý:

– Phép tu từ ẩn dụ: Mượn hình ảnh mặt trời để chỉ Bác Hồ

– Cách sử dụng nghệ thuật ẩn dụ của nhà thơ thật tài tình vì qua hình ảnh “mặt trời” là một vầng thái dương “nghĩa đen”, tác giả tạo ra một hình ảnh so sánh ngầm sâu sắc, tế nhị làm cho người đoc suy nghĩ và hình dung ra được hình ảnh của Bác Hồ (nghĩa bóng) một con người rực rỡ và ấm áp như mặt trời dẫn dắt dân tộc ta trên con đường giành tự do và độc lập xây dựng tổ quốc công bằng dân chủ văn minh từ đó tạo cho người đọc một tình cảm yêu mến khâm phục vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc chúng ta.

4. Hoán dụ:

4.1. Hoán dụ: là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. Ví dụ: Đầu bạc tiễn đầu xanh (Người già tiễn người trẻ: dựa vào dấu hiệu bên ngoài).

Trong SGK chỉ ra bốn kiểu hoán dụ, tuy nhiên trong thực tế ta phải hiểu rằng có hai kiểu hoán dụ lớn là hoán dụ từ vựng và hoán dụ tu từ (trong đó hoán dụ tu từ được phân ra thành nhiều loại nhỏ), các kiểu hoán dụ trong SGK là hoán dụ tu từ. Trong quá trình dạy giáo viên có thể chú ý thêm cho học sinh về điều này hoặc có thể nắm kĩ hơn để khỏi nhầm lẫn.

Hoán dụ từ vựng: là trường hợp đơn giản nhất của hoán dụ, trong đó tên gọi của một khách thể thường là tên riêng, được chuyển sang chỉ một khách thể khác.

Hoán dụ tu từ thường được cấu tạo dựa vào những mối liên hệ lôgic khách quan.

4.2. Các kiểu hoán dụ: Có bốn kiểu hoán dụ thường gặp:

– Lấy một bộ phận để gọi toàn thể:

Ví dụ: Liên hệ giữa công cụ lao động và bản thân sức lao động hoặc kết quả của lao động:

Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

(Hoàng Trung Thông)

Bàn tay ( công cụ kì diệu của lao động) làm liên tưởng đến sức sáng tạo phi thường của sức lao động.

Hoặc:

Đầu xanh đã tội tình gì?
Má hồng đến quá nữa thì chưa thôi

(Nguyễn Du)

Đầu xanh (bộ phận cơ thể) biểu thị con người ở độ tuổi trẻ trung, mới bước vào đời (toàn thể). Má hồng (bộ phận cơ thể) biểu thị người đàn bà sống kiếp lầu xanh (toàn thể)

– Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng:

Ví dụ:

Áo nâu liền với áo xanh
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên.

(Tố Hữu)

Hai câu thơ này nhà thơ Tố Hữu viết về người lao động của nước ta thời kì Cách mạng tháng 8. Thời ấy, y phục đặc trưng của người nông dân là áo nâu, của người công nhân là áo xanh.

Khi phân tích ví dụ giáo viên có thể hỏi: Các từ in đậm trong câu thơ chỉ ai ?

Dùng áo nâu để chỉ người nông dân, áo xanh chỉ người công nhân, nông thôn chỉ những người sống ở nông thôn , thị thành chỉ những người sống ở thành thị.

Giáo viên hỏi tiếp: Giữa áo nâu, áo xanh, nông thôn, thị thành với sự vật được chỉ có mối quan hệ như thề nào ?

Dùng dấu hiệu, vật chứa đựng của sự vật để gọi sự vật.

Hoặc:

Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh

(Tố Hữu)

Trái đất (vật chứa đựng) biểu thị đông đảo nhân dân (vật được chứa đựng).

Liên hệ giữa vật chứa đựng và vật bị chứa đựng. Trong đời sống hằng ngày ta sử dụng rất nhiều như: cả hội trường đứng dậy vỗ tay, cả làng đổ ra xem … –

– Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng:

Ví dụ:

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Một, Ba chỉ số lượng cụ thể nhưng trong trường hợp này được dùng thay cho số ít và số nhiều.

Hoặc:

Kháng chiến ba ngày đêm không nghỉ
Bắp chân đầu gối vẫn săn gân

(Tố Hữu)

Bắp chân đầu gối vẫn săn gân (cụ thể) biểu thị tinh thần kháng chiến dẻo dai.

Mục đích chủ yếu của hoán dụ là nhấn mạnh vào một dấu hiệu, một thuộc tính nào đó của đối tượng được nói đến (dấu hiệu hoặc thuộc tính được dùng làm cái đại diện, cái thay thế cho đối tượng). Còn chức năng chủ yếu của hoán dụ là nhận thức và biểu cảm – cảm xúc. Nó khắc sâu đặc điểm tiêu biểu cho đối tượng được miêu tả. Nó được dùng rộng rãi trong lời nói nghệ thuật và trong nhiều phong cách.

– Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật:

Ngày Huế đổ máu
Chú Hà nội về
Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè.

(Tố Hữu)

Đổ máu là dấu hiệu của chiến tranh”. Có thể hiểu Ngày Huế đổ máu là ngày Huế nổ ra chiến sự.

Hoặc:

Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

Áo chàm ( y phục) ở đây dùng để chỉ người Việt Bắc.

4.3. Bài tập bổ sung: Tìm và phân tích các hoán dụ trong các ví dụ sau:

– Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

(Ca dao)

– Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá… (Chế Lan Viên)

– “ áo rách” là hoán dụ lấy quần áo (áo rách) để thay cho con người (người nghèo khổ). Còn“áo gấm” cũng là hoán dụ lấy quần áo (áo gấm) để thay cho con người( người giàu sang, quyền quí).

– “Viên gạch hồng” là hoán dụ lấy đồ vật (viên gạch hồng) để biểu trưng cho nghị lực thép, ý chí thép của con người. (Bác Hồ vĩ đại). Còn “ Băng giá” là hoán dụ lấy hiện tượng tiêu biểu (cái lạnh ở Pa-ri) để gọi thay cho mùa (mùa đông).

* Lưu ý: Khi dạy các biện pháp tu từ ở lớp 6, tôi thấy các em đa số còn chưa phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa các biện pháp tu từ. Sau đây là một số kỹ năng giúp các em phân biệt các biện pháp tu từ này:

So sánh và ẩn dụ: Cả hai đều dựa vào sự giống nhau giữa hai đối tượng nhưng:

– Một đằng thì đặt cả hai đối tượng ra để đối chiếu (so sánh)

– Một đằng thì dùng ngay tên cái đối tượng dùng để so sánh kia mà gọi tên đối tượng được so sánh, tên thật của đối tượng được so sánh thì ẩn đi (ẩn dụ).

……………

Tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *