Giải Sinh 10 bài 1 Chân trời sáng tạo giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo để trả lời các câu hỏi nội dung bài học và luyện tập vận dụng bài Giới thiệu khái quát chương trình môn Sinh học trang 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11.
Bạn đang đọc: Sinh học 10 Bài 1: Giới thiệu khái quát chương trình môn Sinh học
Sinh 10 bài 1 Chân trời sáng tạo: Giới thiệu khái quát chương trình môn Sinh học được biên soạn với các lời giải chi tiết, đầy đủ và chính xác bám sát chương trình sách giáo khoa. Giải Sinh học 10 bài 1 là tài liệu cực kì hữu ích hỗ trợ các em học sinh lớp 10 trong quá trình giải bài tập. Bên cạnh đó các em xem thêm nhiều tài liệu khác tại chuyên mục Sinh 10 Chân trời sáng tạo.
Sinh 10 Bài 1: Giới thiệu khái quát chương trình môn Sinh học
Trả lời câu hỏi Hình thành kiến thức mới Sinh 10 bài 1
I. Đối tượng, lĩnh vực nghiên cứu và mục tiêu môn Sinh học
Câu 1: Hãy đặt ra các câu hỏi liên quan đến hiện tượng trong Hình 1.2.
Lời giải
Một số câu hỏi liên quan đến hiện tượng trong Hình 1.2:
– Mô tả cấu tạo của hoa.
– Đặc điểm nào của hoa thu hút bướm đến hút mật?
– Hiện tượng bướm hút mật ở hoa có ý nghĩa gì đối với hoa và đối với loài bướm.
– Bướm đã sử dụng bộ phận nào để hút mật hoa?
– Hoạt động này diễn ra trong giai đoạn phát triển nào của cây?
– Hãy đưa ra các phương thức phát tán ở thực vật có hoa.
– Nếu diệt hết các loại sâu bướm trên Trái đất, điều gì sẽ xảy ra?
Câu 2: Hãy sắp xếp các câu hỏi đã đặt ra vào những nội dung sau:
a) Hình thái và cấu tạo cơ thể.
b) Hoạt động chức năng của cơ thể.
c) Mối quan hệ giữa các cá thể với nhau.
d) Mối quan hệ giữa cả thể với môi trường.
e) Quá trình tiến hoá của sinh vật.
Lời giải
Sắp xếp các câu hỏi:
a) Câu hỏi về hình thái và cấu tạo cơ thể:
– Bộ phận dùng để hút mật hoa của bướm là gì?
– Những đặc điểm nào của hoa giúp thu hút bướm đến hút mật?
b) Câu hỏi về hoạt động chức năng của cơ thể:
– Hoạt động hút mật của bướm có vai trò như thế nào?
c) Câu hỏi về mối quan hệ giữa các cá thể với nhau:
– Hoa và bướm có mối quan hệ như thế nào?
d) Câu hỏi về mối quan hệ giữa cá thể với môi trường:
– Nếu tiêu diệt hết bướm thì có thể gây ra những ảnh hưởng gì đối với môi trường?
e) Câu hỏi về quá trình tiến hóa của sinh vật:
– Cơ quan hút mật hoa của bướm đã tiến hóa như thế nào để phù hợp với loài hoa mà chúng lấy mật?
– Hoa đã có cấu tạo thích nghi như thế nào để bướm có thể dễ dàng hút mật và gián tiếp giúp cho quá trình thụ phấn xảy ra?
Câu 3: Hãy kể tên một số lĩnh vực của ngành Sinh học. Nhiệm vụ chính của mỗi lĩnh vực đó là gì?
Lời giải
Một số lĩnh vực của ngành Sinh học và nhiệm vụ chính của mỗi lĩnh vực đó là:
– Di truyền học: Nghiên cứu về tính di truyền và biến dị ở các loài sinh vật.
– Sinh học phân tử: Nghiên cứu về cơ sở phân tử của các cơ chế di truyền như nhân đôi DNA, phiên mã, dịch mã, cũng như các hoạt động của tế bào.
– Sinh học tế bào: Nghiên cứu về cấu tạo và các hoạt động sống của tế bào. Từ đó, giúp tạo ra nhiều giống vật nuôi, cây trồng bằng các phương pháp khác nhau như gây đột biến, lai tế bào sinh dưỡng, chuyển gen,…
– Vi sinh vật học: Nghiên cứu các đặc điểm hình thái, cấu tạo, phân bố, các quá trình sinh học cũng như vai trò, tác hại của các loài vi sinh vật đối với tự nhiên và con người.
– Giải phẫu học: Nghiên cứu về hình thái và cấu tạo bên trong cơ thể sinh vật.
– Sinh lí học: Nghiên cứu các quá trình diễn ra bên trong cơ thể sinh vật sống thông qua hoạt động của các cơ quan và hệ cơ quan.
– Động vật học: Nghiên cứu về hình thái, giải phẫu, sinh lí, phân loại và hành vi của động vật cũng như vai trò và tác hại của chúng đối với tự nhiên và con người.
– Thực vật học: Nghiên cứu về hình thái, giải phẫu, sinh lí, phân loại thực vật; vai trò tác hại của thực vật đối với tự nhiên và đối với con người.
– Sinh thái học và môi trường: Nghiên cứu mối quan hệ tương tác qua lại giữa các cá thể sinh vật với nhau và với môi trường sống của chúng, sự thay đổi của các yếu tố môi trường và những vấn đề liên quan đến môi trường.
– Công nghệ sinh học: Sử dụng tế bào sống và các quá trình sinh học để tạo ra sản phẩm sinh học cần thiết cho con người.
Câu 4: Để trả lời các câu hỏi đã đặt ra theo yêu cầu ở Câu 1, ta cần tìm hiểu lĩnh vực nào của ngành Sinh học?
Lời giải
Để trả lời các câu hỏi đã đặt ra theo yêu cầu ở Câu 1, ta cần tìm hiểu lĩnh vực của ngành Sinh học là: Giải phẫu học, động vật học, thực vật học, sinh thái học và môi trường.
Câu 5: Học tập môn Sinh học mang lại cho chúng ta những lợi ích gì?
Lời giải
Những lợi ích khi học tập môn Sinh học:
– Giúp hiểu rõ hơn sự hình thành và phát triển của thế giới sống, các quy luật của tự nhiên để từ đó giữ gìn và bảo vệ sức khỏe; biết yêu và tự hào về thiên nhiên, quê hương, đất nước; có thái độ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên; ứng xử với thiên nhiên phù hợp với sự phát triển bền vững.
– Giúp hình thành và phát triển năng lực sinh học, gồm các thành phần năng lực như: nhận thức sinh học; tìm hiểu thế giới sống; vận dụng kiến thức; kĩ năng đã học vào thực tiễn.
– Rèn luyện thế giới quan khoa học, tinh thần trách nhiệm, trung thực và nhiều năng lực cần thiết.
Vận dụng: Em thể hiện tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước bằng những hành động cụ thể nào?
Lời giải
Một số hành động thể hiện tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước:
– Bảo vệ môi trường sống, vứt rác đúng nơi quy định.
– Tích cực tham gia các hoạt động vì lợi ích cộng đồng như: trồng cây xanh, nhặt rác ở bãi biển,…
– Ra sức học tập, nâng cao trình độ bản thân, tham gia nghiên cứu khoa học để đề ra các giải pháp, các sản phẩm có ích cho môi trường và xã hội.
– Tuyên truyền cho bạn bè, người thân trong gia đình cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi, nâng cao tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước.
– “Tắt khi không sử dụng”, tránh gây lãng phí nguồn điện và nước khi không sử dụng.
II. Vai trò của sinh học
Câu 6: Hãy nêu một vài thành tựu cụ thể chứng minh vai trò của ngành Sinh học đối với sự phát triển kinh tế – xã hội.
Lời giải
Một vài thành tựu cụ thể chứng minh vai trò của ngành Sinh học đối với sự phát triển kinh tế – xã hội:
– Tạo ra các sinh vật mang gene người để sản xuất hormone, protein…
– Cấy ghép tế bào gốc: cấy ghép tế bào gốc cho bệnh nhân suy tim nặng do nhồi máu cơ tim cấp.
– Tạo các giống cây trồng sạch bệnh, cho năng suất và chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.
– Phân tích các Protein/Proteome huyết thanh người mở ra hướng chẩn đoán trong y dược học góp phần trong công cuộc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
– Tạo đường chức năng có giá trị dinh dưỡng và phòng bệnh cho các đối tượng mắc bệnh tiểu đường, béo phì, rối loạn tiêu hoá,…
Giải Sinh 10 Bài 1 Chân trời sáng tạo
Câu 1
Trong tương lai, với sự phát triển của ngành Sinh học, con người có triển vọng chữa khỏi các bệnh hiểm nghèo như ung thư, AIDS,… hay không? Tại sao?
Lời giải
Trong tương lai, với sự phát triển của ngành Sinh học, con người có triển vọng rất cao sẽ chữa khỏi bệnh hiểm nghèo như ung thư, AIDS,… vì trong tương lai, sự phát triển của sinh học sẽ nghiên cứu ra các phương pháp chữa trị mới, các loại thuốc để chữa các bệnh này. Hiện nay con người đã chế ra được các loại thuốc, vacxin để phòng ngừa được một số bệnh ung thư. Ngoài ra các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều phương pháp để chữa các căn bệnh này ở giai đoạn đoạn đầu như: hóa trị, xạ trị,… Việc tìm ra phương pháp để chữa khỏi triệt để những bệnh này là những điều sẽ xảy ra trong một tương lai không xa.
Câu 2
Tại sao nói “Thế kỉ XXI là thế kỉ của ngành Công nghệ sinh học”?
Cách trả lời 1:
“Thế kỷ XXI là thế kỷ của ngành Công nghệ sinh học” vì ở thế kỉ XXI, ngành Công nghệ sinh học đang rất phát triển và có nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp (tạo ra các chế phẩm nông nghiệp; các cây trồng, vật nuôi chống chịu bệnh,..), trong y học (vaccine, kháng thể, hormone,…), trong bảo vệ môi trường (tạo ra các loại nhựa phân hủy sinh học, nhiên liệu sinh học,…)…
Cách trả lời 2:
Thế kỉ XXI là thế kỉ của ngành Công nghệ sinh học vì:
– Công nghệ sinh học đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ trên nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội, không chỉ ở trong nước mà còn ở bình diện quốc tế.
– Nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm của ngành Công nghệ sinh có tính ứng dụng cao và đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội được mọi người tin dùng và sử dụng như: tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất và chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, các loại enzyme trong việc tạo ra những sinh phẩm phục vụ điều trị bệnh, và những chế phẩm vi sinh ứng dụng trong xử lý môi trường.