Sinh học 10 Bài 14: Giảm phân

Sinh học 10 Bài 14: Giảm phân

Giải bài tập Sinh 10 Bài 14: Giảm phân sách Cánh diều giúp các em học sinh lớp 10 hiểu được kiến thức về quá trình giảm phân, một số nhân tố ảnh hưởng đến quá trình giảm phân. Đồng thời biết cách trả lời được các bài tập Sinh 10 trang 86 →90.

Bạn đang đọc: Sinh học 10 Bài 14: Giảm phân

Giải Sinh 10 Bài 14 Cánh diều là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho giáo viên và các em học sinh tham khảo, đối chiếu với lời giải hay, chính xác nhằm nâng cao kết quả học tập của các em. Vậy sau đây là nội dung chi tiết soạn Sinh 10 Bài 14: Giảm phân, mời các bạn cùng theo dõi và tải tại đây.

Giải Sinh học 10 Bài 14: Giảm phân

    I. Quá trình giảm phân và thụ tinh

    Câu 1 trang 86

    Giảm phân là gì?

    Lời giải

    Giảm phân là hình thức phân chia của các tế bào sinh dục chín để tạo thành các giao tử có bộ nhiễm sắc thể giảm đi một nửa so với tế bào mẹ ban đầu.

    Câu 2 trang 86

    Quan sát hình 14.1 và trả lời câu hỏi:

    a) Để tạo ra 4 tế bào con, cần mấy lần phân chia từ một tế bào ban đầu?

    b) Hãy so sánh bộ nhiễm sắc thể ban đầu và bộ nhiễm sắc thể của các tế bào là sản phẩm của các lần phân chia đó?

    Lời giải

    – Để tạo ra 4 tế bào con, cần 2 lần phân chia liên tiếp (gồm giảm phân I và giảm phân II) từ một tế bào ban đầu.

    – So sánh bộ nhiễm sắc thể ban đầu và bộ nhiễm sắc thể của các tế bào là sản phẩm của các lần phân chia đó: Sau khi kết thúc 2 lần phân chia, bộ NST của các tế bào con có số lượng giảm đi một nửa so với số lượng NST trong tế bào ban đầu.

    Câu 3 trang 87

    Quan sát hình 14.2 và cho biết trước khi bắt đầu giảm phân I, nhiễm sắc thể trong nhân tế bào ở trạng thái đơn hay kép. Đặc điểm này có ý nghĩa gì?

    Lời giải

    – Trước khi bắt đầu giảm phân I, sau khi nhiễm sắc thể được nhân đôi ở pha S của kì trung gian, nhiễm sắc thể trong nhân tế bào ở trạng thái kép gồm hai chromatid đính với nhau ở tâm động.

    – Ý nghĩa của sự nhân đôi nhiễm sắc thể tạo nhiễm sắc thể kép trước khi tiến hành giảm phân: Đây là lần nhân đôi duy nhất của nhiễm sắc thể trong giảm phân để đảm bảo cho mỗi tế bào con có bộ nhiễm sắc thể giảm đi một nửa so với tế bào mẹ ban đầu.

    Câu 4 trang 87

    Quan sát hình 14.3, cho biết:

    a) Giảm phân I có các kì nào? Nhiễm sắc thể biến đổi như thế nào ở kì đầu I?

    b) Nhận xét về sự sắp xếp của nhiễm sắc thể ở kì giữa I và sự di chuyển của nhiễm sắc thể ở kì sau I.

    c) Kết quả của giảm phân I là gì? Hãy so sánh số lượng nhiễm sắc thể của tế bào lúc bắt đầu giảm phân và lúc kết thúc giảm phân I.

    d) Kết quả của giảm phân II là gì? So sánh bộ nhiễm sắc thể của tế bào được tạo ra sau giảm phân I và giảm phân II.

    Lời giải

    a)

    – Giảm phân I gồm 4 kì: kì đầu I, kì giữa I, kì sau I, kì cuối I.

    – Sự biến đổi của nhiễm sắc thể tại kì đầu I: Ở kì đầu I, nhiễm sắc thể kép bắt đôi với nhau thành từng cặp tương đồng (tiếp hợp) và có thể xảy ra trao đổi chéo giữa các choromatid của các nhiễm sắc thể tương đồng. Các nhiễm sắc thể dần co xoắn.

    b)

    – Nhận xét về sự sắp xếp của nhiễm sắc thể ở kì giữa I: Ở kì giữa I, các nhiễm sắc thể kép trong cặp tương đồng được xếp thành 2 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

    – Nhận xét về sự di chuyển của nhiễm sắc thể ở kì sau I: Mỗi nhiễm sắc thể kép trong cặp tương đồng di chuyển về một cực của tế bào.

    c)

    – Kết quả của giảm phân I là từ 1 tế bào 2n ban đầu tạo ra 2 tế bào con mang bộ NST n kép.

    – So sánh số lượng nhiễm sắc thể của tế bào lúc bắt đầu giảm phân và lúc kết thúc giảm phân I: Từ lúc bắt đầu giảm phân đến lúc kết thúc giảm phân, số nhiễm sắc thể đã giảm đi một nửa (từ 2n NST kép thành n NST kép).

    d)

    – Kết quả của giảm phân II là tạo ra 4 tế bào con mang bộ nhiễm sắc thể n đơn.

    – So sánh bộ nhiễm sắc thể của tế bào được tạo ra sau giảm phân I và giảm phân II: Bộ NST của tế bào trong giảm phân I và giảm phân II có số lượng bằng nhau, nhưng ở giảm phân I là nhiễm sắc thể kép còn ở giảm phân II là nhiễm sắc thể đơn.

    Câu 5 trang 88

    Lập bảng so sánh quá trình nguyên phân và quá trình giảm phân theo gợi ý trong bảng 14.

    Lời giải

    Bảng 14.1. So sánh quá trình nguyên phân và quá trình giảm phân

    Điểm

    Nội dung so sánh

    Nguyên phân

    Giảm phân

    Khác nhau

    Kết quả

    Từ 1 tế bào mẹ ban đầu tạo ra 2 tế bào con mang bộ nhiễm sắc thể giống tế bào mẹ.

    Từ 1 tế bào ban đầu tạo ra 4 tế bào con mang bộ nhiễm sắc thể giảm đi một nửa so với tế bào mẹ.

    Diễn ra

    ở loại tế bào

    Tất cả các tế bào trừ tế bào sinh dục chín.

    Tế bào sinh dục chín.

    Các giai đoạn

    Kì trung gian, phân chia nhân (gồm 4 kì là kì đầu, kì giữa, kì sau, kì cuối) và phân chia tế bào chất.

    Kì trung gian, giảm phân I (kì đầu I, kì giữa I, kì sau I, kì cuối I), giảm phân II (kì đầu II, kì giữa II, kì sau II, kì cuối II).

    Hiện tượng

    tiếp hợp

    và trao đổi chéo

    Không có hiện tượng tiếp hợp và trao đổi chéo.

    Có hiện tượng tiếp hợp và có thể trao đổi chéo giữa các chromatid của các nhiễm sắc thể tương đồng ở kì đầu I.

    Sắp xếp nhiễm sắc thể trên thoi phân bào

    – Ở kì giữa, các NST kép tập trung thành 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

    – Ở kì giữa I, các nhiễm sắc thể kép trong cặp nhiễm sắc thể tương đồng tập trung thành hai hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

    – Ở kì sau II, các NST kép tập trung thành 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

    Các nhiễm sắc thể tách nhau ở tâm động

    Xảy ra ở kì sau.

    Không xảy ra ở kì sau I nhưng xảy ra ở kì sau II.

    Số lần

    phân bào

    1 lần.

    2 lần.

    Đặc điểm của tế bào sinh ra so với tế bào ban đầu

    Tế bào sinh ra có bộ nhiễm sắc thể 2n đơn giống nhau và giống hệt tế bào mẹ ban đầu.

    Tế bào sinh ra có bộ nhiễm sắc thể n đơn giảm đi một nửa so với tế bào mẹ ban đầu.

    Giống nhau

    – Đều là hình thức phân bào có sự tham gia của thoi phân bào.

    – Đều có một lần nhân đôi DNA ở kì trung gian trước khi phân bào.

    – Sự phân chia nhân đều diễn ra theo các kì: kì đầu, kì giữa, kì sau, kì cuối.

    – Nhiễm sắc thể đều trải qua những biến đổi tương tự như: tự nhân đôi, đóng xoắn, phân li, tháo xoắn. Màng nhân và nhân con đều tiêu biến vào kì đầu và xuất hiện vào kì cuối, thoi phân bào đều tiêu biến vào kì cuối và xuất hiện vào kì đầu.

    – Diễn biến các kì của giảm phân II giống với nguyên phân.

    Câu 6 trang 88

    Giao tử tham gia vào quá trình tạo ra cơ thể mới có bộ nhiễm sắc thể như thế nào so với tế bào sinh dưỡng? Chúng được hình thành như thế nào?

    Lời giải

    – Giao tử tham gia vào quá trình tạo ra cơ thể mới có bộ nhiễm sắc thể (n đơn) giảm đi một nửa so với số lượng nhiễm sắc thể (2n đơn) trong tế bào sinh dưỡng.

    – Sự hình thành giao tử:

    + Sự hình thành giao tử đực: Tế bào mầm sinh tinh phát triển thành tinh bào bậc một → Tinh bào bậc một tiến hành giảm phân tạo ra tinh tử (tiền tinh trùng) → Các tinh tử hình thành nên giao tử đực (tinh trùng). Từ một tế bào mầm sinh tinh tạo ra 4 tinh trùng.

    + Sự hình thành giao tử cái: Tế bào mầm sinh trứng phát triển thành noãn bào bậc một → Noãn bào bậc một tiến hành giảm phân tạo ra 1 tế bào trứng và 3 thể cực → Tế bào trứng hình thành nên giao tử cái, các thể cực tiêu biến. Từ một tế bào mầm sinh trứng chỉ tạo ra 1 trứng.

    Câu 7 trang 88

    Quan sát hình 14.4, so sánh các giai đoạn của sự phát sinh giao tử đực và sự phát sinh giao tử cái ở động vật?

    Lời giải

    * Giống nhau:

    – Đều xảy ra với các tế bào mầm sinh dục.

    – Đều trải qua các giai đoạn: phát triển, giảm phân, hình thành giao tử.

    * Khác nhau:

    Giai đoạn

    Sự phát sinh giao tử đực

    Sự phát sinh giao tử cái

    Phát triển

    Tế bào mầm sinh tinh phát triển thành tinh bào bậc 1.

    Tế bào mầm sinh trứng phát triển thành noãn bào bậc 1.

    Giảm phân I

    Tinh bào bậc 1 qua giảm phân I cho 2 tinh bào bậc 2 có kích thước bằng nhau.

    Noãn bào bậc 1 qua giảm phân I cho 1 noãn bào bậc 2 có kích thước lớn và 1 thể cực có kích thước nhỏ.

    Giảm phân II

    Mỗi tinh bào bậc 2 qua giảm phân II cho 2 tinh tử có kích thước bằng nhau.

    Noãn bào bậc 2 qua giảm phân II cho 1 tế bào trứng có kích thước lớn và 1 thể cực có kích thước nhỏ.

    Hình thành giao tử

    Từ một tế bào mầm sinh tinh tạo ra 4 tinh tử, cả 4 tinh tử đều phát triển thành 4 tinh trùng.

    Từ một tế bào mầm sinh trứng chỉ tạo ra 1 trứng còn 3 thể cực có kích thước nhỏ sẽ bị tiêu biến.

    Câu 8 trang 89

    Quan sát hình 14.5 và cho biết sự thụ tinh là gì. Hợp tử có bộ nhiễm sắc thể như thế nào so với các giao tử và tế bào sinh dưỡng của cơ thể bố mẹ?

    Lời giải

    – Khái niệm thụ tinh: Thụ tinh là quá trình giao tử đực đơn bội (n) kết hợp giao tử cái đơn bội (n) tạo nên hợp tử lưỡng bội (2n).

    – Về mặt số lượng nhiễm sắc thể, hợp tử có bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (2n) gấp đôi bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n) trong các giao tử và giống bộ nhiễm sắc thể trong tế bào sinh dưỡng của cơ thể bố mẹ.

    Câu 9 trang 89 

    Dựa vào hiểu biết của mình về sự thụ tinh, hãy giải thích về nguồn gốc của các nhiễm sắc thể trong mỗi cặp nhiễm sắc thể tương đồng trong tế bào của cơ thể sinh vật lưỡng bội?

    Lời giải

    Giao tử đực chứa bộ nhiễm sắc thể đơn bội có nguồn gốc từ bố, giao tử cái chứa bộ nhiễm sắc đơn bội có nguồn gốc từ mẹ. Thụ tinh là quá trình giao tử đực đơn bội (n) kết hợp giao tử cái đơn bội (n) tạo nên hợp tử lưỡng bội (2n), hợp tử sẽ phát triển thành phôi rồi phát sinh thành cơ thể mới. Như vậy, trong mỗi cặp nhiễm sắc thể tương đồng trong tế bào của cơ thể sinh vật lưỡng bội, 1 chiếc có nguồn gốc từ bố và 1 chiếc có nguồn gốc từ mẹ.

    II. Một số nhân tố ảnh hưởng đến quá trình giảm phân

    Câu 10 

    Theo em, có những yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình giảm phân?

    Lời giải

    Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giảm phân gồm:

    – Nhân tố bên trong: di truyền, hormone sinh dục, tuổi thành thục sinh dục,… Trong đó, nhân tố di truyền quy định thời điểm bắt đầu giảm phân và số lần giảm phân; hormone sinh dục ở động vật kích thích giảm phân hình thành giao tử;…

    – Nhân tố bên ngoài: nhiệt độ, hóa chất, các bức xạ, chế độ dinh dưỡng, sự căng thẳng,… Trong đó, các nhân tố như nhiệt độ, hóa chất, các bức xạ,… có tác động ức chế quá trình giảm phân; chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, chất chống oxi hóa có thể vô hiệu hóa một số chất gây đột biến đảm bảo quá trình giảm phân diễn ra bình thường; căng thẳng dẫn đến phân bào giảm phân sớm;…

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *