Soạn bài Bác sĩ Y-éc-xanh giúp các em học sinh lớp 3 hiểu rõ ý nghĩa bài đọc, cũng như nội dung chính để nhanh chóng trả lời các câu hỏi trong SGK Tiếng Việt 3 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 126, 127, 128, 129.
Bạn đang đọc: Soạn bài Bác sĩ Y-éc-xanh (trang 126)
Bên cạnh đó, cũng giúp thầy cô nhanh chóng soạn giáo án Tập đọc Bác sĩ Y-éc-xanh – Tuần 34 của Bài 29 Chủ đề Trái đất chúng mình theo chương trình mới. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để chuẩn bị thật tốt cho tiết học.
Soạn bài Bác sĩ Y-éc-xanh Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn bài phần Đọc: Bác sĩ Y-éc-xanh
Khởi động
Giới thiệu với bạn về một người làm nghề y mà em biết.
Trả lời:
– Mẹ em có một người bạn làm bác sĩ. Cô là một bác sĩ giỏi và và luôn tận tâm với nghề. Cô làm việc rất cần mẫn, cẩn thận và lành nghề.
– Hằng ngày, trong quá trình làm việc, cô đỡ sinh cho rất nhiều sản phụ. Cô hiền dịu an ủi động viên sản phụ, giúp các bà mẹ đỡ đau đớn trong cơn chuyển dạ sinh con, cô trân trọng, yêu thương đón đỡ từng em bé ra đời.
– Với dáng người mảnh dẻ, tâm hồn hiền lành và trí tuệ giỏi giang, cô Châu luôn nêu cao y đức cao quý của một bác sĩ trẻ.
– Em rất quý mến và tự hào về cô.
Bài đọc
BÁC SĨ Y-ÉC-XANH
Bà khách ước ao được gặp bác sĩ Y-éc-xanh phần vì ngưỡng mộ người đã tìm ra vi trùng dịch hạch, phần vì tò mò. Bà muốn biết điều gì khiến ông chọn cuộc sống nơi góc biển chân trời này để nghiên cứu những bệnh nhiệt đới.
Y-éc-xanh quả thật khác xa với nhà bác học trong trí tưởng tượng của bà. Trong bộ quần áo ka ki sờn cũ không là ủi, trông ông như một vị khách đi tàu ngồi toa hạng ba. Chỉ có đôi mắt đầy bí ẩn của ông làm bà chú ý.
Bà khách thổ lộ nỗi băn khoăn của mình:
– Y-éc-xanh kính mến, ông quên nước Pháp rồi ư? Ông định ở đây suốt đời sao?
Y-éc-xanh lặng yên nhìn khách, hai bàn tay đan vào nhau, đặt trên đầu gối.
– Tôi là người Pháp. Mãi mãi tôi là công dân Pháp. Người ta không thể nào sống mà không có Tổ quốc.
Ngừng một chút, ông tiếp:
– Tuy nhiên, tôi với bà, chúng ta đang sống chung trong một ngôi nhà: Trái Đất. Trái Đất đích thực là ngôi nhà của chúng ta. Những đứa con trong nhà phải thương yêu và có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau. Tôi không thể rời khỏi Nha Trang này để sống một nơi nào khác. Chỉ có ở đây, tâm hồn tôi mới được rộng mở, bình yên.
Hai người cùng im lặng. Họ nghe rõ tiếng biển thở dài, đổ nhẹ những con sóng thủy tinh vỡ vụn trên bờ cát.
(Theo Cao Linh Quân)
Từ ngữ:
– Y-éc-xanh: nhà khoa học người Pháp, gắn bó gần như cả đời với Việt Nam, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y khoa Hà Nội (nay là Trường Đại học Y Hà Nội).
– Nơi góc biển chân trời: nơi xa xôi, cách biệt.
– Bệnh nhiệt đới: bệnh xảy ra ở vùng khí hậu nóng ẩm.
– Toa hạng ba: toa tàu dành cho khách bình dân.
Trả lời câu hỏi
Câu 1: Đọc đoạn 1 và cho biết Y-éc-xanh là ai. Vì sao bà khách ao ước được gặp ông?
Trả lời:
Y-éc-xanh là người tìm ra vi trùng dịch hạch. Bà khách ao ước được gặp ông vì tò mò. Bà muốn biết điều gì khiến ông chọn cuộc sống nơi góc biển chân trời này để nghiên cứu những bệnh nhiệt đới.
Câu 2: Y-éc-xanh có gì khác so với trí tưởng tượng của bà khách?
Trả lời:
Y-éc-xanh khác xa với nhà bác học trong trí tưởng tượng của bà khách. Trong bộ quần áo kaki sờn cũ không là ủi, trông ông như một vị khách đi tàu ngồi toa hạng ba.
Câu 3: Câu nói nào của Y-éc-xanh cho thấy ông là người rất yêu nước Pháp, Tổ quốc của ông?
Trả lời:
Ông nói: “Tôi là người Pháp. Mãi mãi tôi là công dân Pháp. Người ta không thể nào sống mà không có Tổ quốc.”.
Câu 4: Câu nói: “Trái Đất đích thực là ngôi nhà của chúng ta. Những đứa con trong nhà phải thương yêu và có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau.” cho thấy Y-éc-xanh là người như thế nào?
Trả lời:
Câu nói cho thấy Y-éc-xanh là người biết yêu thương, chia sẽ, có lòng bao dung, có lòng hi sinh. Ông sẵn sàng ở một nơi cách xa Tổ quốc để cống hiến trí tuệ của mình.
Câu 5: Em hãy nói 1 – 2 câu thể hiện lòng biết ơn với bác sĩ Y-éc-xanh.
Trả lời:
Bác sĩ Y-éc-xanh là một tấm gương sáng về trí tuệ và sự cống hiến hết mình cho nhân loại. Em vô cùng ngưỡng mộ và kính phục ông.
Soạn bài phần Nói và nghe: Người nổi tiếng
Câu 1: Em biết những người nổi tiếng nào? Nói điều em biết về một trong những người đó.
Ví dụ:
Trả lời:
– Ê-đi-xơn là một trong những nhà phát minh nổi tiếng trên thế giới, bằng sự lao động cần cù và óc sáng tạo kì diệu Ê-đi-xơn đã cống hiến cho loài người hơn một ngàn phát minh vĩ đại, góp phần làm cho cuộc sống của con người hiện đại và văn minh hơn.
– Ông đã chế ra đèn điện, mang lại nguồn ánh sáng cho mọi người. Và ông đã chế ra xe điện, giúp con người thuận tiện trong việc đi lại. Ê-đi-xơn đã mất nhưng tên tuổi của ông vẫn còn mãi.
Câu 2: Nêu cảm nghĩ của em về một người nổi tiếng.
Trả lời:
Marie Curie là nhà khoa học nổi tiếng toàn thế giới. Nói về bà, ta nói tới một phụ nữ Ba Lan kiên cường. Vì Ba Lan không cho phụ nữ đi học nên bà đã làm gia sư, dành dụm tiền và học ở một ngôi trường học khác. Sau đó không lâu bà đã sang Paris, học ở Đại học Sorbonne và sớm được ghi nhận với tầm bằng thạc sĩ khi còn là sinh viên năm ba. Bà thông thạo ngoại ngữ. Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận cả hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau. Bà cùng chồng đã phát hiện ra nguyên tố mới với chất phóng xạ vô cùng mạn là Radi. Em rất ngưỡng mộ tình yêu dành cho khoa học của bà.
Soạn bài phần Viết: Bác sĩ Y-éc-xanh
Câu 1: Nghe – viết: Bác sĩ Y-éc-xanh (từ Ngừng một chút đến bình yên).
Câu 2: Tìm tên người nước ngoài viết đúng và chép vào vở.
Trả lời:
Tên viết đúng là: Ê-li-át, An-đéc-xen.
Câu 3: Tìm tên riêng địa lí nước ngoài viết đúng và chép vào vở.
Trả lời:
Tên riêng địa lí viết đúng là: Ô-lim-pi-a, Pháp, Hàn Quốc, Đan Mạch.
Câu 4: Nêu cách sửa những tên riêng viết sai ở bài tập 2 và 3.
Trả lời:
Ở bài tập 2 và 3, các tên riêng viết sai cần phải sửa lại bằng cách: Viết hoa chữ cái đầu của tên riêng, các tiếng còn lại đều viết thường và được nối bằng dấu gạch ngang.
Soạn bài phần Vận dụng
Sưu tầm và đọc sách báo viết về người nổi tiếng trên thế giới.
Trả lời:
Học sinh sưu tầm và đọc sách báo viết về người nổi tiếng.