Soạn bài Bài tập làm văn giúp các em học sinh lớp 3 hiểu rõ ý nghĩa bài đọc, cũng như nội dung chính để nhanh chóng trả lời các câu hỏi trong SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 54, 55, 56, 57, 58.
Bạn đang đọc: Soạn bài Bài tập làm văn (trang 54)
Bên cạnh đó, cũng giúp thầy cô nhanh chóng soạn giáo án Tập đọc Bài tập làm văn – Tuần 6 của Bài 12 Chủ đề Cổng trường rộng mở theo chương trình mới. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để chuẩn bị thật tốt cho tiết học.
Soạn bài Bài tập làm văn Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn bài phần Đọc: Bài tập làm văn
Khởi động
Em thích đề văn nào dưới đây? Vì sao?
1. Kể về một việc em từng làm ở nhà
2. Kể một việc theo tưởng tượng của em.
Gợi ý trả lời:
- Em thích đề văn số 1. Vì em nghĩ kể về một việc từng làm sẽ dễ hơn phải tượng tượng ra một việc mình chưa làm.
- Em thích đề văn số 2. Em thích đề văn số 2 Kể một việc theo tưởng tượng của em. Với đề văn này em sẽ được tự do tưởng tượng và kể một việc theo tưởng tượng của em dựa vào những câu chuyện cổ tích em từng đọc, những bộ phim hoạt hình em từng xem để viết ra một bài văn thật hay.
Bài đọc
Bài tập làm văn
Có lần, cô giáo ra cho chúng tôi một đề văn ở lớp: “Em đã làm gì để giúp đỡ mẹ?”
Tôi loay hoay mất một lúc, rồi cầm bút và bắt đầu viết: “Em đã nhiều lần giúp đỡ mẹ. Em quét nhà và rửa bát đĩa. Đôi khi, em giặt khăn mùi soa”
Đến đây, tôi bỗng thấy bí. Quả thật, ở nhà, mẹ thường làm mọi việc. Thỉnh thoảng, mẹ bận, định bảo tôi giúp việc này việc kia, nhưng thấy tôi đang học, mẹ lại thôi.
Tôi nhìn sang Liu-xi-a, thấy bạn ấy đang viết lia lịa. Thế là tôi bỗng nhớ có lần tôi giặt bít tất của mình, bèn viết thêm: “Em còn giặt bít tất”
Nhưng chẳng lẽ lại nộp một bài văn ngắn ngủn như thế này? Tôi nhìn xung quanh, mọi người vẫn viết. Lạ thật, các bạn viết gì mà nhiều thế? Tôi cố nghĩ, rồi viết tiếp: “Em giặt cả áo lót, áo sơ mi và quần.” Cuối cùng, tôi kết thúc bài văn của mình: “Em muốn giúp mẹ nhiều việc hơn, để mẹ đỡ vất vả”
Mấy hôm sau, sáng Chủ nhật, mẹ bảo tôi:
– Cô-li-a này! Hôm nay con giặt áo sơ mi và quần áo lót đi nhé!
Tôi tròn xoe mắt. Nhưng rồi tôi vui vẻ nhận lời, vì đó là việc làm mà tôi đã nói trong bài tập làm văn.
(Theo Pi-vô-va-rô-ra)
Từ ngữ:
– Mùi soa: khăn nhỏ và mỏng, thường bỏ túi, dùng để lau mặt, lau tay
– Lia lịa: nhanh và liên tiếp, không ngừng trong một thời gian ngắn
Câu 1
Nhắc lại đề văn mà cô giáo đã giao cho lớp.
Gợi ý trả lời:
Đề văn mà cô giáo đã giao cho lớp là: Em đã làm gì để giúp đỡ mẹ?
Câu 2
Vì sao Cô-li-a gặp khó khăn với đề văn này?
a. Vì bạn ấy viết văn không tốt
b. Vì bạn ấy không nhớ những việc mình đã làm
c. Vì bạn ấy ít khi giúp mẹ
Gợi ý trả lời:
Cô-li-a ít khi giúp mẹ nên bạn ấy gặp khó khăn với đề văn của cô giáo đưa ra.
Chọn c.
Câu 3
Để bài văn dài hơn, Cô-li-a đã làm gì?
Gợi ý trả lời:
Để bài văn của mình trở nên dài hơn, Cô-li-a đã viết thêm cả những việc mà bạn ấy chưa làm.
Câu 4
Em hãy giải thích vì sao Cô-li-a vui vẻ nhận lời mẹ làm việc nhà.
Gợi ý trả lời:
Theo em, Cô-li-a vui vẻ nhận lời mẹ làm việc nhà vì đó là những việc mà bạn ấy đã viết trong bài tập làm văn nộp cho cô giáo.
Câu 5
Em có nhận xét gì về Cô-li-a?
Gợi ý trả lời:
Trước khi làm bài tập làm văn mà cô giáo giao, Cô-li-a rất ít khi làm việc nhà giúp mẹ. Nhưng kể từ lúc làm bài văn kể về những công việc đã làm để giúp đỡ mẹ, cậu đã thay đổi. Cậu cảm thấy rất vui khi được mẹ nhờ làm việc nhà.
Soạn bài phần Đọc mở rộng
Câu 1
Tìm đọc câu chuyện, bài văn, bài thơ,… về nhà trường và viết phiếu đọc sách theo mẫu.
Gợi ý trả lời:
Em vẽ ngôi trường
Ngôi trường của em
Ngói hồng rực rỡ
Từng ô cửa nhỏ
Nhìn ra chân trời
Ngôi trường dễ thương
Đứng bên sườn núi
Có một dòng suối
Lượn qua cổng trường
Ngôi trường yêu thương
Có cây che mát
Có cờ Tổ quốc
Bay trong gió ngàn
Ngôi trường khang trang
Có thầy, có bạn
Em ngồi em ngắm
Ngôi trường của em.
Tác giả: Nguyễn Lãm Thắng
– Tên bài: Em vẽ ngôi trường
– Tác giả: Nguyễn Lãm Thắng
– Tên cuốn sách: Sách Tiếng Việt lớp 2
– Khổ thơ em thích nhất:
Ngôi trường của em
Ngói hồng rực rỡ
Từng ô cửa nhỏ
Nhìn ra chân trời
– Cách em đã làm để tìm được bài thơ: Đọc lại sách giáo khoa Tiếng Việt 2
– Mức độ yêu thích: *****
Câu 2
Trao đổi với các bạn về bài em đã đọc và chia sẻ với bạn cách em đã làm để tìm được câu chuyện, bài văn, bài thơ đó.
Gợi ý trả lời:
- Tớ đã tìm đọc lại sách giáo khoa Tiếng Việt 2 và thấy được bài Em vẽ ngôi trường của tác giả Nguyễn Lãm Thắng.
- Tớ thấy bài thơ rất hay và dễ thuộc, dễ nhớ.
Soạn bài phần Luyện tập
Luyện từ và câu
Câu 1: Tìm tiếp các từ ngữ về nhà trường trong từng nhóm sau:
Gợi ý trả lời:
- Người: học sinh, cô giáo, thầy giáo, bác bảo vệ, thầy hiệu trưởng, cô lao công
- Địa điểm: cổng trường, lớp học, thư viện, nhà ăn, phòng thực hành, sân trường, sân bóng,…
- Đồ vật: bàn, ghế, ghế đá, bảng, phấn, sách, vở, bình nước,…
- Hoạt động: viết, đọc, hát, nhảy dây, chào cờ, nói,…
Câu 2: Câu nào dưới đây là câu hỏi? Dựa vào đâu em biết điều đó?
a. Em đã làm gì để giúp đỡ mẹ?
b. Em đã nhiều lần giúp đỡ mẹ.
c. Hôm nay con giặt áo sơ mi và quần áo lót đi nhé!
Gợi ý trả lời:
Câu “Em đã làm gì để giúp đỡ mẹ?” là câu hỏi vì ở cuối câu có dấu hỏi chấm.
Câu 3: Đọc câu chuyện dưới đây và thực hiện yêu cầu.
Hộp bút của Na
Trong hộp bút bé nhỏ có tiếng lao xao. Na ghé tai nghe, có tiếng bút chì:
– Tớ được dùng nhiều nhất nên tớ chỉ còn một mẩu.
Có tiếng tẩy đáp lại:
– Tớ toàn vụn tẩy vì chữa cho cậu. Tớ quan trọng nhất. Thước kẻ lên tiếng:
– Tớ mới quan trọng. Tớ được dùng nhiều đến mức mờ hết cả số.
Na bối rối mở hộp bút. Cô bé thầm thì:
– Ai cũng quan trọng vì đều là bạn thân của tớ.
(Theo An Hạnh)
a. Hỏi – đáp về các nhân vật trong câu chuyện trên.
M: – Trong hộp bút, ai được dùng nhiều đến mức mờ hết cả số?
– Thước kẻ được dùng nhiều đến mức mờ hết cả số.
b. Ghi lại 1 – 2 câu hỏi em và bạn vừa thực hiện ở trên.
Gợi ý trả lời:
a. Hỏi – đáp về các nhân vật trong câu chuyện trên.
Học sinh hỏi – đáp về các nhân vật trong câu chuyện trên:
+ Trong hộp bút, ai được dùng nhiều nhất nên chỉ còn một mẩu?
Bút chì được dùng nhiều nhất nên chỉ còn có một mẩu.
+ Vì sao tẩy lại cho rằng mình toàn vụn tẩy?
Vì tẩy phải chữa cho bạn bút chì nên chỉ toàn vụn tẩy.
+ Na đã nói điều gì với các bạn trong hộp bút?
Na nói ai cũng quan trọng vì đều là bạn thân của Na.
b. Các em ghi lại 1-2 câu hỏi em và bạn vừa thực hiện ở trên.
Luyện viết đoạn
Câu 1: Đọc Đơn xin vào Đội dưới đây và trả lời câu hỏi.
ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH
Yên Bái, ngày 22 tháng 10 năm 2022
ĐƠN XIN VÀO ĐỘI
Kính gửi: – Ban phụ trách Đội Trường tiểu học Nguyễn Thái Học
– Ban chỉ huy Liên đội
Em tên là Nguyễn Ngọc Bích
Sinh ngày 22 tháng 12 năm 2014
Học sinh lớp 3C Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học.
Sau khi được học Điều lệ và lịch sử Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em thấy Đội là tổ chức tốt nhất để rèn luyện thiếu niên trở thành những người có ích cho đất nước.
Em làm đơn này xin được vào Đội và xin hứa:
– Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy
– Tuân theo Điều lệ Đội
– Giữ gìn danh dự Đội
Người làm đơn
Bích
Nguyễn Ngọc Bích
– Bạn Nguyễn Ngọc Bích viết đơn trên để làm gì?
– Đơn trên được gửi cho ai?
– Người viết đơn đã hứa những gì khi vào Đội?
Gợi ý trả lời:
– Bạn Nguyễn Ngọc Bích viết đơn để xin vào Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh
– Đơn trên được gửi cho Ban phụ trách Đội trường Tiểu học Nguyễn Thái Học và Ban chỉ huy Liên đội
– Người viết đơn đã hứa 3 điều:
- Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy
- Tuân theo Điều lệ Đội
- Giữ gìn danh dự Đội
Câu 2: Điền thông tin vào mẫu đơn xin vào Đội và đối chiếu bài với bạn
Gợi ý trả lời:
ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH
Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2022
ĐƠN XIN VÀO ĐỘI
Kính gửi: – Ban phụ trách Đội Trường tiểu học Nguyễn Du
– Ban chỉ huy Liên đội
Em tên là Lê Nguyễn Tuấn Tú
Sinh ngày 2 tháng 2 năm 2014
Học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Nguyễn Du
Sau khi được học Điều lệ và lịch sử Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em thấy Đội là tổ chức tốt nhất để rèn luyện thiếu niên trở thành những người có ích cho đất nước.
Em làm đơn này xin được vào Đội và xin hứa:
– Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy
– Tuân theo Điều lệ Đội
– Giữ gìn danh dự Đội
Người làm đơn
Tú
Lê Nguyễn Tuấn Tú
Soạn bài phần Vận dụng
Đọc cho người thân nghe đơn xin vào đội của em.