Để giúp học sinh biết cách tóm tắt, trong chương trình Ngữ Văn lớp 9, các em sẽ được tìm hiểu bài học Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự.
Bạn đang đọc: Soạn bài Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự
Tài liệu Soạn văn 9: Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự, được giới thiệu ngay sau đây, mời tham khảo.
Soạn văn 9: Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự
Soạn văn Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự – Mẫu 1
I. Sự cần thiết của việc tóm tắt văn bản tự sự
1. Tìm hiểu các tình huống sau
Đọc các tình huống trong SGK
2. Suy nghĩ và thực hiện các yêu cầu sau:
a. Trong cả ba tình huống trên, người ta đều phải tóm tắt văn bản. Hãy rút ra nhận xét về sự cần thiết phải tóm tắt văn bản:
Việc tóm tắt văn bản vô cùng cần thiết để giúp cho người đọc, người nghe nắm được nội dung chính của văn bản đó.
b. Hãy tìm hiểu và nêu lên các tình huống khác trong cuộc sống mà em thấy cần phải vận dụng kĩ năng tóm tắt văn bản?
– Khi muốn giúp bạn nắm được nội dung văn bản nào đó đã được học.
– Khi có một văn bản có dung lượng lớn mà thời gian có hạn…
II. Thực hành tóm tắt một văn bản tự sự
1.
a.
– Các sự việc chính còn chưa đầy đủ.
– Sự việc bị thiếu: Vũ Thị Thiết là người thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp nên Trương Sinh đem lòng yêu mến, về nhà xin mẹ đem trăm lạng vàng sang hỏi cưới.
– Sự việc này là sự việc khởi nguồn cho toàn bộ các sự kiện sau trong câu chuyện.
b.
– Các sự việc nêu trên đều đã hợp lý.
– Không cần thay đổi.
2. Hãy viết một văn bản tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương trong khoảng 20 dòng.
Gợi ý:
Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp nên được Trương Sinh đem lòng yêu mến liền xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về làm vợ. Biết chồng có tính đa nghi nên, Vũ Nương hết mực giữ gìn khuôn phép. Bấy giờ, đất nước có chiến tranh, Trương Sinh phải lên đường đi lính. Vũ Nương ở nhà sinh nuôi dạy con và chăm sóc mẹ già, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất. Khi Trương Sinh trở về, bế con ra mộ thăm mẹ thì hiểu lầm rằng vợ có người khác. Vũ Nương chịu oan khuất biết không thể rửa sạch liền nhảy xuống sông tự vẫn. Một đêm nọ, Trương Sinh bế con ngồi trước ngọn đèn, thấy đứa bé chỉ vào cái bóng mình bảo đấy là cha mới nhận ra mình đã hiểu lầm vợ, hối hận cũng đã muộn. Cùng làng có người tên là Phan Lan vì cứu Linh Phi trước đó nên khi gặp nạn chết đuối đã được Linh Phi cứu sống, tình cờ gặp Vũ Nương ở thủy cung.Phan Lang trở về trần gian Vũ Nương gửi theo chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh. Trương Sinh lập đàn giải oan bên bến Hoàng Giang. Vũ Nương hiện ra giữa dòng ngồi trên chiếc kiệu hoa đa tạ chàng rồi biến mất.
3. Nếu phải tóm tắt ngắn gọn hơn, em sẽ tóm tắt như thế nào để người đọc vẫn hiểu được nội dung chính của văn bản?
Gợi ý:
Vũ Nương là người con gái quê ở Nam Xương. Trong làng, có chàng Trương Sinh đem lòng yêu mến, xin mẹ đem trăm lạng vàng sang hỏi cưới. Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép để cuộc sống vợ chồng hòa thuận. Chiến tranh đến khiến Trương Sinh phải đi lính. Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ già và con thơ. Đến khi chống trở về vì hiểu lầm mà vu oan cho vợ là thất tiết. Vũ Nương giải thích nhưng không được bèn tìm đến cái chết. Sau khi hiểu rõ mọi chuyện, Trương Sinh lập đàn giải oan cho vợ.
Tổng kết: Tóm tắt văn bản tự sự là cách giúp người đọc và người nghe nắm được nội dung chính của văn bản đó. Văn bản tóm tắt phải nêu được những ý chính, phù hợp với văn bản được tóm tắt.
III. Luyện tập
Câu 1. Viết văn bản tóm tắt một văn bản tự sự đã học trong chương trình Ngữ Văn lớp 8 và một văn bản sẽ học ở bài 5 Ngữ Văn 9.
Gợi ý:
* Văn bản lớp 8
– Lão Hạc:
Lão Hạc là một người nông dân nghèo khổ sống. Lão có một đứa con trai nhưng vì nhà nghèo, không có tiền lấy vợ nên bỏ đi đồn điền cao su. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn là của hồi môn của con trai và con chó Vàng sống cùng để bầu bạn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, nhà lão không còn gì để ăn. Lão đành phải bán con Vàng đi. Số tiền bán chó và bán mảnh vườn, lão đem gửi ông giáo và nhờ khi nào anh con trai về sẽ trao lại cho anh. Còn bản thân thì đến xin Binh Tư một ít bả chó, nói dối là để đánh bả con chó nhưng thực ra là để tự tử.
– Chiếc lá cuối cùng:
Xiu và Giôn-xi là hai nữ hoạ sĩ trẻ sống trong một khu nhà trọ. Sống cùng với họ trong khu trọ đó là cụ Bơ-men, cũng là một họa sĩ. Mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị bệnh sưng phổi rất nặng. Bệnh tật khiến cô cảm thấy tuyệt vọng. Mỗi lần nhìn ra cửa sổ, Giôn-xi luôn nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân trước cửa rơi xuống cũng là lúc cô lìa đời.
Biết được ý nghĩ của Giôn-xi, cụ Bơ-men âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ chiếc lá thường xuân. Chiếc lá khiến Giôn-xi có thêm nghị lực sống. Nhưng sau đêm đó, cụ Bơ-men lại qua đời.. Xiu lặng lẽ đến bên Giôn-xi báo cho bạn về cái chết của cụ Bơ-men và bí mật của chiếc lá cuối cùng.
– Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”:
Gia đình thuộc “nghèo nhất nhì trong hạng cùng đinh” nên chị Dậu phải chạy ngược chạy xuôi vay tiền để nộp suất sưu cho chồng. Anh Dậu bị ốm nhưng vẫn bị bọn lính đánh trói, lôi ra đình cùm kẹp. Chị Dậu rứt ruột đem con Tí, đứa con gái đầu lòng 7 tuổi bán cho lão Nghị Quế bên thôn Đoài để lấy tiền nộp sưu. Đêm hôm ấy người ta cõng anh Dậu về. Bà con hàng xóm đến cứu giúp, có bà lão đem một bát gạo đến cho chị nấu cháo. Cháo chín, chị Dậu mang đến cho chồng. Nhưng anh Dậu chưa kịp ăn thì cai lệ và người nhà lí trưởng đã đến đòi tiền suất sưu của người em chồng đã chết. Chị Dậu tìm cách van xin để khất sưu, nhưng không được. Chúng định đánh anh Dậu, chị Dậu vùng lên đáp trả lại.
– Đoạn trích “Trong lòng mẹ”:
Sau khi bố mất, mẹ phải đi làm ăn xa tận Thanh Hóa, Hồng phải sống cùng bà cô độc ác. Một hôm, bà cô gọi Hồng lại và hỏi cậu có muốn được đi thăm mẹ. Hiểu được bà cô muốn gieo rắc vào đầu mình những hoài nghi để rồi “ruồng rẫy, căm ghét mẹ”, Hồng từ chối. Mặc dù vậy, bà cô vẫn tiếp tục kể cho cậu nghe về chuyện có người nhìn thấy mẹ Hồng ở Thanh Hóa và đã có em bé. Điều đó khiến cậu cảm thấy xót xa và căm ghét những hủ tục đã khiến mẹ phải xa rời anh em mình. Đến ngày giỗ đầu của bố, mẹ Hồng trở về khiến cậu vô cùng hạnh phúc khi được ngồi trong lòng mẹ, cảm nhận hơi thở quen thuộc của mẹ.
…
* Ngữ Văn lớp 9
– Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh:
Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh kể về cháu Trịnh Sâm. Sau khi dẹp hết bè phái trong ngoài muốn tranh giành quyền lực thì ra sức ăn chơi trác tán. Trịnh Sâm thường có thú vui là thưởng ngoạn Tây Hồ. Binh lính, quan lại theo hầu đông vui không khác gì mở hội. Chúa đi đến đâu cũng đem hết những thứ quý giá đem về phủ, không thiếu một thứ gì. Bọn quan lại trong cùng thường mượn gió bẻ măng, ra ngoài dọa dẫm dân thường để vơ vét những đồ quý giá đem vào dân chúa.
– Hoàng Lê nhất thống chí:
Lo sợ quân Tây Sơn kéo quân ra Bắc để bắt Vũ Văn Nhậm, vua Lê Chiêu Thống cầu cứu quân Thanh. Triều đình nhà Thanh nhân cơ hội đó kéo quân sang với mong muốn thôn tính nước ta. Được tin, Quang Trung bàn bạc với tướng sĩ, chuẩn bị kế sách tiến đánh quân Thanh.
Quang Trung mở tiệc khao quân, chia quân thành 5 đạo, thân hành cầm quân ra trận, tối 30 tết lên đường, hẹn ngày mồng 7 tết sẽ mở tiệc ăn mừng thắng lợi ở kinh thành Thăng Long. Quân Tây Sơn ra đến sông Gián, quân giặc trấn thủ ở đó tan vỡ, toán quân Thanh đi do thám bị bắt sống hết. Nửa đêm mùng 3 tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tới Hà Hồi, Thượng Phúc, lặng lẽ vây kín thành. Quân giặc bấy giờ mới biết, rụng rời sợ hãi xin hàng.
Tờ mờ sáng mùng 5 Tết, nghĩa quân tiến đánh đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh không chống cự nổi, bỏ chạy toán loạn. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự vẫn. Giữa trưa hôm ấy, nghĩa quân đã tiến đánh thành Thăng Long. Tổng đốc của giặc là Tôn Sĩ Nghị nghe tin cấp báo liền tìm cách trốn về nước. Vua Lê đang ở trong điện, nghe tin vội vã cùng tùy tùng đưa Thái Hậu ra ngoài thì gặp Tôn Sĩ Nghị cũng đang chạy trốn trong tình cảnh thê thảm. Nghĩa quân Tây Sơn đại thắng trước quân Thanh.
Câu 2. Kể tóm tắt trước lớp một câu chuyện xảy ra trong cuộc sống mà em đã được nghe hoặc đã chứng kiến.
Gợi ý:
Hôm nay, trên đường đi học về, tôi đã được chứng kiến một câu chuyện vô cùng cảm động. Câu chuyện diễn ra tại một góc phố đông đúc người qua lại. Lúc đó tôi đang cùng các bạn chờ đèn đỏ ở ngã tư. Bỗng nhiên nghe thấy tiếng kêu thất thanh. Thì ra là ở phía bên kia đường, trên vỉa hè, một bà cụ đang nhặt những quả cam bị rơi ra. Mọi người đi xung quanh khá đông nhưng chẳng có ai giúp bà. Tôi định đạp xe lại gần giúp bà thì bỗng nhiên, có một em bé khoảng tầm 5 tuổi chạy đến. Em chạy theo những quả cam và nhặt chúng lên. Tôi vẫn còn nhớ như in nụ cười của em nhỏ khi lau sạch những quả cam ấy rồi lễ phép đưa cho bà cụ. Một hành động nhỏ nhưng thể hiện tình cảm thật to lớn.
Soạn bài Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự – Mẫu 2
I. Sự cần thiết của việc tóm tắt văn bản tự sự
1. Tìm hiểu các tình huống sau
2. Suy nghĩ và thực hiện các yêu cầu sau:
a.
Việc tóm tắt văn bản có vai trò quan trọng, giúp người đọc nắm rõ được nội dung văn bản.
b.
Một số tình huống: Giúp người nghe nắm được nội dung phần thuyết trình; Giới thiệu khái quát về một tác phẩm…
II. Thực hành tóm tắt một văn bản tự sự
1.
a.
– Các sự việc chính còn chưa đầy đủ.
– Sự việc bị thiếu: Vũ Thị Thiết là người thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp nên Trương Sinh đem lòng yêu mến, về nhà xin mẹ đem trăm lạng vàng sang hỏi cưới.
– Sự việc này là sự việc khởi nguồn cho toàn bộ các sự kiện sau trong câu chuyện.
b.
– Các sự việc nêu trên đều đã hợp lý.
– Không cần thay đổi.
2.
Gợi ý:
Vũ Nương là người con gái quê ở Nam Xương, không chỉ xinh đẹp mà còn có tư dung tốt đẹp. Điều ấy khiến cho Trương Sinh – một chàng trai trong làng yêu mến, xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Vũ Nương biết chồng có tính đa nghi, phòng ngừa vợ quá sức. Nhưng nàng cũng giữ gìn khuôn phép, vợ chồng không có gì phải bất hòa. Chiến tranh xảy ra, Trương Sinh tuy nhà hào phú nhưng vẫn bị bắt đi lính. Khi chồng ra chiến trường, nàng ở nhà hết mực lo lắng cho gia đình. Vậy mà chồng nàng, sau khi đi lính chỉ vì một lời ngây thơ của con trẻ, chưa làm rõ đầu đuôi câu chuyện đã giở thói ghen tuông. Dù Vũ Nương hết lòng giải thích nhưng vẫn vô dụng. Nàng quyết định tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Một đêm nọ, Trương Sinh bế con ngồi trước ngọn đèn, thấy đứa bé chỉ vào cái bóng mình bảo: “Cha Đản lại đến kìa”. Chàng hỏi đâu, đứa bé liền chỉ vào cái bóng ở trên tường. Khi hỏi rõ ra mới biết những lúc ở nhà một mình, vợ thường đùa con trỏ vào cái bóng của mình và bảo đấy là cha Đản. Cùng làng có người tên là Phan Lan vì cứu Linh Phi trước đó nên khi gặp nạn chết đuối đã được Linh Phi cứu sống, tình cờ gặp Vũ Nương ở thủy cung. Phan Lang trở về trần gian Vũ Nương gửi theo chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình. Trương Sinh làm theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang, rồi thấy Vũ Nương hiện về lúc ẩn lúc hiện. Nàng cảm tạ tấm lòng của Trương Sinh rồi biến mất.
3.
Gợi ý:
Vũ Nương là người con gái quê ở Nam Xương, không chỉ xinh đẹp mà còn có tư dung tốt đẹp. Điều ấy khiến cho Trương Sinh – một chàng trai trong làng yêu mến, xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về. Trong cuộc sống vợ chồng, biết chồng là một người hay ghen, nàng luôn sống giữ gìn khuôn phép để gia đình hòa thuận. Vậy mà chồng nàng, sau khi đi lính chỉ vì một lời ngây thơ của con trẻ, chưa làm rõ đầu đuôi câu chuyện đã giở thói ghen tuông. Dù Vũ Nương hết lòng giải thích nhưng vẫn vô dụng. Nàng quyết định tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Sau này, khi đã hiểu rõ mọi chuyện, Trương Sinh cảm thấy hối hận thì cũng đã muộn. Chàng cho người lập đàn giải oan cho vợ, Vũ Nương hiện về lúc ẩn lúc hiện.
Tổng kết: Tóm tắt văn bản tự sự là cách giúp người đọc và người nghe nắm được nội dung chính của văn bản đó. Văn bản tóm tắt phải nêu được những ý chính, phù hợp với văn bản được tóm tắt.
III. Luyện tập
Câu 1. Viết văn bản tóm tắt một văn bản tự sự đã học trong chương trình Ngữ Văn lớp 8 và một văn bản sẽ học ở bài 5 Ngữ Văn 9.
Gợi ý:
– Lớp 8:
Hai cây phong: Làng Ku-ku-rêu nằm ven chân núi, trên một cao nguyên rộng có những khe nước ào ào từ nhiều ngách đổ xuống. Phía trên làng giữa một ngọn đồi có hai cây phong lớn giống như những ngọn hải đăng được đặt trên núi. Hai cây phong có một tiếng nói riêng, tâm hồn riêng, chan chứa những lời êm dịu của làng Ku-ku-rêu. Trong kí ức của nhân vật tôi, vào năm học cuối trước khi bắt đầu nghỉ hè đã có những kỉ niệm đẹp đẽ với hai cây phong.
– Lớp 9:
Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh: Trịnh Sâm thường có thú vui là thưởng ngoạn Tây Hồ. Binh lính, quan lại theo hầu đông vui không khác gì mở hội. Chúa đi đến đâu cũng đem hết những thứ quý giá đem về phủ, không thiếu một thứ gì. Bọn quan lại trong cùng thường mượn gió bẻ măng, ra ngoài dọa dẫm dân thường để vơ vét những đồ quý giá đem vào dân chúa.
Câu 2. Kể tóm tắt trước lớp một câu chuyện xảy ra trong cuộc sống mà em đã được nghe hoặc đã chứng kiến.
Gợi ý:
Chiều qua, tôi được chứng kiến một câu chuyện cảm động. Tại một ngã tư đông đúc, một bà cụ đang chuẩn bị sang đường. Trên tay bà đang xách khá nhiều đồ. Bỗng nhiên, một em nhỏ khoảng bảy, tám tuổi bước đến, nói với bà cụ điều gì đó. Sau đó, em cầm giúp bà túi đồ, rồi nắm lấy tay bà cụ. Tôi đoán rằng chắc em đã đề nghị được xách giúp đồ và đưa bà cụ sang đường. Đèn chuyển sang màu xanh, em đưa bà qua đường một cách cẩn thận.