Bài soạn Soạn văn 8: Nghe và nắm bắt nội dung chính trong thảo luận nhóm, trình bày lại nội dung đó, sẽ được Download.vn giới thiệu.
Bạn đang đọc: Soạn bài Nghe và nắm bắt nội dung chính trong thảo luận nhóm, trình bày lại nội dung đó Chân trời sáng tạo
Các bạn học sinh lớp 8 có thể tham khảo để chuẩn bị cho bài nói và nghe. Mời tham khảo ngay sau đây.
Nghe và nắm bắt nội dung chính trong thảo luận nhóm, trình bày lại nội dung đó
Đề bài: Em được giao nhiệm vụ tham gia cuộc thảo luận về chủ đề “Thiên nhiên có vai trò gì đối với cuộc sống con người?” và có trách nhiệm ghi chép nội dung thảo luận để trình bày lại cho các bạn nghe.
Bước 1: Chuẩn bị nghe
- Tìm hiểu kĩ về đề tài thảo luận, trao đổi của nhóm.
- Liệt kê những gì em đã biết và muốn biết thêm về đề tài này
- Chuẩn bị bút, giấy để ghi chép.
Bước 2: Lắng nghe và nắm bắt nội dung chính
- Tập trung lắng nghe nội dung trao đổi giữa các thành viên trong nhóm
- Tránh ngắt lời người nói
- Tìm kiếm những dấu hiệu ngôn ngữ để nắm bắt nội dung chính của người nói.
- Quan sát nét mặt, cử chỉ, ánh măt, lắng nghe giọng điệu của người nói để hiểu quan điểm của họ về vấn đề đang trao đổi.
- Ghi ngắn gọn những vấn đề có nhiều ý kiến trao đổi, những vấn đề nhóm đã hoặc chưa thống nhất bằng từ khóa, cụm từ, kí hiệu…
- Ghi tóm tắt ý kiến/quan điểm cá nhân, những vấn đề cần trao đổi thêm với nhóm.
Bước 3: Trình bày lại những nội dung chính đã trao đổi, thảo luận
- Xác định lại với các thành viên trong nhóm về nội dung đã tóm tắt, ghi chép và điều chỉnh.
- Xác định rõ mục đích, người nghe, không gian và thời gian trình bày lại nội dung của cuộc trao đổi, thảo luận.
- Đọc lại, sắp xếp các nội dung đã ghi chép theo một trình tự hợp lí để thuận tiện cho việc trình bày và phản ánh chính xác, đầy đủ nội dung cốt lõi, mối tương quan giữa các ý kiến của cuộc trao đổi, thảo luận.
* Hướng dẫn:
– Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn, tôi là… học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ đại diện cho tổ bốn trình bày lại nội dung của cuộc thảo luận về vấn đề vai trò của thiên nhiên trong cuộc sống của con người.
– Nội dung chính:
Trước tôi, chúng tôi cho rằng thiên nhiên là tất cả những vật chất bao quanh con người, không do con người tạo ra mà tự sinh ra dưới sự tác động qua lại lẫn nhau tạo nên các thực thể trong tự nhiên thường thấy như sông, núi…
Thiên nhiên có một số vai trò nhất định với cuộc sống của con người. Đầu tiên, thiên nhiên đã cung cấp cho con người những tài nguyên phục vụ cho cuộc sống. Không khí để con người có thể hô hấp. Đất đai để xây dựng nhà cửa, trồng trọt và chăn nuôi lương thực, thực phẩm. Nguồn nước dùng trong tắm rửa, sinh hoạt và sản xuất. Rừng cung cấp nguyên liệu để xây dựng, các vị thuốc quý để chữa bệnh.
Bên cạnh đó, thiên nhiên đã cấp cho con người những giá trị mĩ quan, phục vụ cho đời sống tinh thần. Những bãi biển, núi rừng hay cánh đồng… trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đem lại lợi nhuận về kinh tế. Ngoài ra thiên nhiên cũng là niềm cảm hứng bất tận trong thơ ca, nhạc họa. Nhiều nhà thơ, nhà văn đã gửi tình yêu thiên nhiên vào các tác phẩm của mình. Nhà thơ Lý Bạch của Trung Quốc có bài thơ Xa ngắm thác núi Lư để nói về vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây:
“Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác nước sông này.
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có những vần thơ viết về vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng Việt Bắc:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Thiên nhiên có vai trò to lớn như vậy, nhưng hiện nay con người lại đang tàn phá thiên nhiên một cách nghiêm trọng. Môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng từ đất đai, không khí đến nguồn nước. Chúng ta cần hiểu được tầm ảnh hưởng to lớn của thiên nhiên đối với cuộc sống của nhân loại, để từ đó có những biện pháp bảo vệ thiên nhiên. Những việc làm tưởng chừng như đơn giản nhưng sẽ đem lại kết quả tích cực như: không xả rác bừa bãi, bảo vệ rừng, trồng nhiều cây xanh, hạn chế sử dụng bao bì ni-lông…
– Kết thúc: Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ thầy cô và các bạn.