Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, học sinh sẽ được ôn tập lại kiến thức của phần làm văn.
Bạn đang đọc: Soạn bài Ôn tập phần Làm văn
Download.vn sẽ cung cấp bài Soạn văn 12: Ôn tập phần Làm văn, mời bạn đọc tham khảo nội dung dưới đây.
Soạn văn 12: Ôn tập phần Làm văn
Soạn văn Ôn tập phần Làm văn
I. Những nội dung kiến thức cần ôn tập
1. Thống kê các kiểu loại văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông và cho biết những yêu cầu cơ bản của các loại kiểu đó.
– Tự sự: là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, một ý nghĩa.
– Thuyết minh: trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả… của sự vật, hiện tượng, vấn đề… giúp người đọc có tri thức và thái độ đúng đắn đối với đối tượng được thuyết minh.
– Nghị luận: trình bày tư tưởng, quan điểm, nhận xét, đánh giá… đối với các vấn đề xã hội văn học qua các luận điểm, luận cứ, lập luận có tính thuyết phục.
2. Theo anh (chị) để viết một văn bản, cần thực hiện những công việc gì?
– Tìm hiểu đề, xác định được yêu cầu bài viết.
– Tìm và chọn ý cho bài văn.
– Lập dàn ý.
– Viết văn bản theo dàn ý đã xác định.
– Đọc lại, sửa chữa và hoàn thiện bài viết.
3. Ôn tập về văn nghị luận
a. Đề tài cơ bản của văn nghị luận trong nhà trường
– Đề tài của văn nghị luận trong nhà trường gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
– Điểm chung:
- Trình bày tư tưởng, quan điểm và đánh giá của người viết về vấn đề nghị luận.
Cần sử dụng kết hợp các thao tác lập luận trong một bài viết để làm sáng tỏ vấn đề.
– Điểm khác:
- Nghị luận xã hội: có hiểu biết về xã hội, dẫn chứng từ thực tế…
- Nghị luận văn học: có kiến thức về văn học, dẫn chứng từ các tác phẩm văn học…
b. Lập luận trong văn nghị luận
– Lập luận gồm những yếu tố: luận điểm, luận cứ, phương pháp lập luận.
– Luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận là gì:
- Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của người viết (nói) về vấn đề nghị luận.
- Luận cứ là những lí lẽ và bằng cứ được dùng để soi sáng cho luận điểm.
- Phương pháp lập luận: cách thức lựa chọn, sắp xếp luận điểm, luận cứ sao cho lập luận chặt chẽ và thuyết phục.
– Yêu cầu và cách xác định luận cứ cho luận điểm:
- Lí lẽ phải có cơ sở, phải dựa trên những chân lí đã được thừa nhận.
- Dẫn chứng phải chính xác, tiêu biểu và phù hợp với lí lẽ.
- Cả lí lẽ và dẫn chứng phải phù hợp với luận điểm, tập trung làm sáng tỏ luận điểm.
– Các thao tác lập luận cơ bản: giải thích, chứng minh, phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận.
c. Bố cục của bài văn nghị luận
– Vai trò của phần mở bài là giới thiệu vấn đề cần nghị luận. Phần mở bài cần ngắn gọn, chính xác và đầy đủ. Cách mở bài có thể gián tiếp hoặc trực tiếp.
– Vị trí, nội dung cơ bản của phần thân bài trong các kiểu bài nghị luận đã học: phần chính của bài viết, nằm sau mở bài. Nội dung của thân bài là triển khai các luận điểm, luận cứ của bài viết.
– Phần kết bài có vai trò tóm lược lại nội dung của toàn bài viết, cách kết bài mở rộng và không mở rộng.
d. Diễn đạt trong văn nghị luận
– Yêu cầu của diễn đạt trong văn nghị luận: từ ngữ chính xác, rõ ràng; hạn chế sử dụng khẩu ngữ; tránh sử dụng nhiều từ ngữ mang sắc thái biểu cảm…
– Các lỗi về diễn đạt: dùng từ ngữ thiếu chính xác, lặp từ, thừa từ, dùng từ ngữ không đúng phong cách, sử dụng câu đơn điệu, câu sai ngữ pháp; sử dụng giọng điệu không phù hợp với vấn đề nghị luận…
II. Luyện tập
1. Đề bài
Đọc các đề bài trong SGK
2. Yêu cầu luyện tập
a. Tìm hiểu đề: Hai đề bài trên yêu cầu phải viết kiểu bài nghị luận nào? Những thao tác lập luận nào cần sử dụng trong bài viết? Những luận điểm cơ bản nào cần dự kiến cho bài viết?
– Đề 1: Nghị luận xã hội; Đề 2: Nghị luận văn học
– Thao tác lập luận cần sử dụng: Đề 1 sử dụng thao tác phân tích, bình luận; Đề 2 sử dụng thao tác phân tích là chủ yếu, ngoài ra có thể kết hợp với bình luận.
Những luận điểm cơ bản:
– Đề 1: Mục đích của ba câu hỏi mà Xô-cơ-rát đưa ra, rút ra kết luận về câu nói cuối cùng của nhà triết học Xô-cơ-rát: ông có thể sẽ nói điều gì?, Bình luận và rút ra bài học cho bản thân từ câu chuyện trên.
– Đề 2: Nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
b. Lập dàn ý cho bài viết
* Đề 1:
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần bình luận, trích dẫn câu chuyện “Ba câu hỏi”.
2. Thân bài
– Ý nghĩa của câu chuyện: mục đích của 3 câu hỏi mà Xô-cơ-rát đã đưa ra.
– Bình luận và rút ra bài học cho bản thân từ câu chuyện trên.
3. Kết bài: Khẳng định lại tính có ích của câu chuyện và khái quát bài học rút ra được.
* Đề 2:
Chọn 9 câu thơ đầu:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đoạn thơ Đất nước và 9 câu thơ đầu.
2. Thân bài
– Khi ta lớn lên, đã có rồi: Đất Nước ra đời từ rất xa xưa như một sự tất yếu, trong chiều sâu của lịch sử thời các vua Hùng dựng nước và giữ nước.
– Ngày xửa ngày xưa, mẹ thường hay kể: những câu chuyện cổ tích, những bài học đạo lý làm người, ước mơ khát vọng của nhân dân về lẽ công bằng.
– Miếng trầu: phong tục ăn trầu của dân gian gắn với ta nhiều đời nay và gợi nhớ sự tích Trầu cau.
– Biết trồng tre mà đánh giặc: gợi nhớ truyền thống chống giặc ngoại xâm và truyền thuyết đầy tự hào của người Việt và truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng.
– Tóc mẹ bới sau đầu: những phong tục lâu đời của người Việt, người phụ nữ để tóc dài và bới lên.
– Cha mẹ, gừng cay muối mặn: gắn với câu ca dao của dân tộc, nói về tình cảm thủy chung của người Việt.
– Cái kèo, cái cột, hạt gạo, xay, giã, giần, sàng: những vật quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam gắn với lao động sản xuất và nền văn minh lúa nước.
– Đất Nước có từ ngày đó: Đất Nước có từ khi dân mình biết yêu thương, sống tình nghĩa, từ ngày dân tộc có nền văn hóa riêng, từ khi dân mình biết dựng nước và giữ nước, từ trong cuộc sống hằng ngày của con người.
=> Sự cảm nhận về chiều sâu của lịch sử của Đất Nước thể hiện ngay trong đời sống hằng ngày của nhân dân.
3. Kết bài
Tổng kết về nội dung, nghệ thuật và nêu cảm nhận về đoạn trích.
c. Tập viết phần mở bài cho từng bài viết
– Đề 1: Mỗi một câu chuyện đều chứa đựng một ý nghĩa nào đó. Và khi đọc “Ba câu hỏi” nhiều người đã nhận ra được một bài học trong cuộc sống.
– Đề 2: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp giữa những xúc cảm nồng nàn và chất suy tư sâu lắng của người trí thức vì đất nước, vì con người. “Đất Nước” trích trong chương 5 trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm đã góp phần làm phong phú hơn, tươi mới hơn tư tưởng ấy bằng tiếng nói riêng và cách thể hiện độc đáo. Nổi bật trong tác phẩm là chín câu thơ đầu.
d. Chọn một ý trong dàn ý để viết thành một đoạn văn
Xem thêm tại Phân tích 9 câu thơ đầu bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm