Download.vn xin cung cấp là tài liệu học tập Soạn văn 6: Sọ Dừa, thuộc sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Bạn đang đọc: Soạn bài Thực hành đọc: Sọ Dừa – Kết nối tri thức 6
Hy vọng tài liêu này sẽ giúp các bạn học sinh lớp 6 chuẩn bị bài nhanh chóng và đầy đủ. Mời tham khảo nội dung chi tiết sau đây.
Soạn văn 6: Sọ Dừa
Soạn bài Sọ Dừa
1. Đôi nét về tác phẩm
a. Tóm tắt
Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo phải đi ở cho phú ông, họ hiền lành chịu khó mà vẫn chưa có con cái. Một hôm, bà vợ vào rừng lấy củi, khát quá mà không tìm thấy suốt. Thấy cái sọ dừa đựng đầy nước bèn bưng lên uống. Về nhà bà có mang, ít lâu sau, sinh ra một đứa bé không chân không tay tròn như một quả dừa. Bà toan vứt đi thì đứa con bảo mình là người nên bà giữ lại nuôi và đặt tên nó là Sọ Dừa. Lớn lên, Sọ Dừa được mẹ gửi vào nhà phú ông chăn bò. Ba cô con gái nhà phú ông thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa nhưng chỉ có cô út là đối đãi tử tế với Sọ Dừa. Phát hiện Sọ Dừa không phải người trần, cô út đem lòng yêu mến. Sọ Dừa đòi mẹ đến nhà phú ông hỏi vợ cho, phú ông cười mỉa mai và thách cưới rất nặng. Đến ngày cưới, Sọ Dừa chuẩn bị đầy đủ sính lễ đem đến nhà phú ông và xuất hiện với hình dáng của một chàng trai khôi ngô tuấn tú khiến hai cô chị ghen tức. Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên được vua cử đi sứ. Trước ngày lên đường, chàng đưa cho vợ một con dao, hai quả trứng gà, dặn luôn mang bên người. Lại nói hai cô chị vì muốn thay thế em gái làm bà trạng, tính kệ hãm hại em khiến cô rơi xuống biển. Nhờ những đồ vật chồng đưa cho, cô thoát chết và chờ được ngày chồng đến cứu. Hai vợ chồng đoàn tụ còn hai cô chị thấy em gái trở về bình an, liền trốn đi biệt xứ.
Xem thêm Tóm tắt Sọ Dừa
b. Bố cục
Gồm ba phần:
- Phần 1: Từ đầu đến… “ đặt tên cho nó là Sọ Dừa ”. Giới thiệu về sự ra đời của Sọ Dừa.
- Phần 2: Tiếp theo đến… “ phòng khi dùng đến ”. Sự hiện thân trở lại làm người và cuộc sống của vợ chồng Sọ Dừa.
- Phần 3: Còn lại. Dã tâm của hai cô chị, cuộc đoàn tụ của vợ chồng Sọ Dừa.
2. Đọc – hiểu văn bản
a. Sự ra đời kì lạ của Sọ Dừa
– Hai vợ chồng nghèo hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi mà vẫn chưa có con.
– Một hôm, trời nắng to, người vợ vào rừng lấy củi cho chủ, khát nước quá không tìm thấy suối.
– Bà nhìn thấy cái sọ dừa bên cạnh gốc cây đựng đầy nước mưa, bà bưng lên uống, về nhà thì có mang.
=> Quá trình mang thai kì lạ, không đúng với tự nhiên.
– Chẳng bao lâu sau, bà sinh ra một đứa bé không chân không tay, tròn như một quả dừa nhưng lại biết nói.
=> Hình dáng kì lạ mang ý nghĩa về sự nhỏ bé, khổ cực của những con người thấp bé trong xã hội.
b. Sự hiện thân trở lại làm người và cuộc sống của vợ chồng Sọ Dừa
– Tài năng của Sọ Dừa:
- Sau khi lớn lên, Sọ Dừa xin mẹ cho đi chăn bò ở nhà phú ông. Cậu chăn bò rất giỏi, con nào con nấy bụng no căng.
- Sọ Dừa có tài thổi sáo rất hay.
=> Ngoại hình xấu xí nhưng có tài năng.
– Sự gặp gỡ và lòng yêu mến của cô út dành cho Sọ Dừa:
- Phú ông có ba cô con gái thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa.
- Hai cô chị ác nghiệt kiêu kỳ, chỉ có cô út là đối đãi tử tế với Sọ Dừa.
- Cô út đem lòng yêu mến, có của ngon vật lạ đều giấu đem cho chàng.
=> Cô út là một cô gái hiền lành, tốt bụng, cảm mến tài năng và vẻ đẹp bên trong của Sọ Dừa.
– Cuộc sống của hai vợ chồng Sọ Dừa:
- Cuối mùa ở, Sọ Dừa đòi mẹ đến hỏi con gái phú ông làm vợ.
- Phú ông đưa ra lễ vật thách cưới rất nặng: một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm.
- Đến ngày cưới, Sọ Dừa đã chuẩn bị đủ lễ vật cho mẹ mang sang nhà phú ông.
- Trong ngày cưới, Sọ Dừa trở về hình dáng con người là một chàng trai khôi ngô tuấn tú khiến tất cả mọi người đều kinh ngạc, còn hai cô chị thì vừa ghen vừa tức.
- Cuộc sống của hai vợ chồng Sọ Dừa rất hạnh phúc, Sọ Dừa học hành chăm chỉ đỗ trạng nguyên và được vua cử đi sứ.
=> Việc thay đổi hình dạng và đỗ trạng nguyên của Sọ Dừa đã thể hiện mơ ước đổi đời của nhân dân lao động.
c. Dã tâm của hai cô chị, cuộc đoàn tụ của vợ chồng Sọ Dừa
– Trong thời gian Sọ Dừa đi sứ, hai cô chị sinh lòng đố kị, bày mưu hãm hại em gái.
– Hai cô chị rủ em chèo thuyền ra biển chơi, rồi đẩy em xuống nước. Cô út bị một con cá kình nuốt chửng vào bụng.
– Sẵn có con dao mà Sọ Dừa đưa cho cô rạch bụng nó, con cá chết xác dạt vào hòn đảo. Nhờ có những đồ vật mà Sọ Dừa đưa cho, cô út sống sót trên đảo hoang.
– Sọ Dừa gặp lại vợ trên đảo hoang, hai vợ chồng đoàn tụ.
– Hai cô chị vì xấu hổ bỏ đi biệt xứ.
=> Kết thúc của câu chuyện đã thể hiện niềm tin của nhân dân ta rằng cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Đó là lòng mơ ước về một xã hội công bằng, người tốt cuối cùng cũng gặp lành, người xấu cuối cùng cũng phải trả giá.
3. Những vấn đề cần chú ý
a. Sức hấp dẫn của các yếu tố kì ảo
Yếu tố kì ảo giúp cho câu chuyện trở nên sinh động, khơi gợi sự tò mò của người đọc.
b. Quan hệ giữa ngoại hình và phẩm chất của nhân vật Sọ Dừa
– Ngoại hình: không chân không tay, tròn như một quả dừa nhưng lại biết nói.
– Tài năng, phẩm chất: Tốt bụng, giỏi giang.
- Chăn bò rất tài giỏi (ngày nắng cũng như ngày mưa, bò con nào con nấy bụng no căng).
- Tài thổi sáo hay (tiếng sáo véo von…)
- Thi đỗ trạng nguyên, được nhà vua cử đi sứ.
=> Hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong có sự đối lập nhau: bề ngoài kì dị, vô dụng bên trong tài năng. Sự đối lập trên đã đề cao phẩm chất bên trong của con người mới là điều đáng trân trọng, đồng thời thể hiện ước mơ về sự đổi đời của người lao động.
c. Ước mơ của tác giả dân gian qua kết thúc truyện
– Ước mơ đổi đời: từ một thân phận thấp kém nghèo hèn, một con người xấu xí kì dị trở thành một người tài giỏi, đẹp đẽ, sống hạnh phúc.
– Ước mơ về sự công bằng: ác giả ác báo (hai cô chị), ở hiền gặp lành (cô út).