Soạn bài Trận đánh trên không sách Tiếng Việt 3 tập 2 Cánh diều, giúp các em chuẩn bị trước các câu hỏi phần đọc, viết, nói và nghe trang 72, 73, 74, 75, 76 sách giáo khoa Tiếng Việt 3 tập 2.
Bạn đang đọc: Soạn bài Trận đánh trên không (trang 72)
Qua đó, cũng hiểu hơn được ý nghĩa của bài đọc 3: Trận đánh trên không – Bài 16: Bảo vệ tổ quốc của chủ đề Đất nước để chuẩn bị thật tốt kiến thức trước khi tới lớp, cũng như bài tập về nhà. Ngoài ra, còn giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án cho học sinh. Chi tiết mời thầy cô và các em theo dõi trong bài viết dưới đây của Download.vn:
Soạn bài Trận đánh trên không sách Cánh diều
Soạn bài phần Đọc: Trận đánh trên không
Đọc hiểu
Câu 1: Chú Lương và chú Sáu là ai? Họ có nhiệm vụ gì?
Trả lời:
Chú Lương và chú Sáu là chiến sĩ không quân. Họ có nhiệm vụ bắn hạ máy bay của địch.
Câu 2: Em hiểu những lời đối thoại ở đoạn 1 và đoạn 2 là của ai?
Trả lời:
Em hiểu những lời đối thoại ở đoạn 1 và đoạn 2 là chú Lương và chú Sáu.
Câu 3: Máy bay địch đã bị chiếc Mích của ta hạ gục như thế nào?
Trả lời:
Máy bay địch đã bị chiếc Mích của ta hạ gục như sau:
- Chiếc Mích đâm xuống ngay trên lưng thằng địch, bắn một loạt đạn.
- Chiếc Mích vòng lại, nghiêng cánh bổ xuống lần thứ hai. Chiếc máy bay địch màu vàng bẩn cứ mỗi giây một to thêm, lấp đầy cả vòng kính ngắm. Lương bóp cò. Những đốm đỏ xuyên thẳng vào đầu và cánh chiếc máy bay Mỹ.
Câu 4: Những chi tiết nào nói lên lòng dũng cảm và quyết tâm của các chiến sĩ hạ gục máy bay địch?
Trả lời:
Những chi tiết nói lên lòng dũng cảm và quyết tâm của các chiến sĩ hạ gục máy bay địch:
- Lương đâm xuống ngay trên lưng thằng địch, bắn một loạt đạn.
- Lương vọt lên, vượt qua thằng địch.
- Lương bóp cò. Anh có cảm tưởng như đang túm tận gáy thằng địch mà quật xuống.
Luyện tập
Câu 1: Những câu nào trong bài đọc là lời nói của nhân vật? Dấu câu nào cho em biết điều đó?
Trả lời:
Những câu trong bài đọc là lời nói của nhân vật:
- Thăng Long! Mục tiêu phía trước, 12 cây.
- Thăng Long nghe rõ!
- Xin phép công kích.
- Cho công kích!
- Cháy rồi! Nó nhảy dù!
Dấu gạch ngang đánh dấu lời nói của nhân vật.
Câu 2: Chọn dấu câu phù hợp để thay ngôi sao trong câu dưới đây:
Trả lời:
Câu chuyện Trận đánh trên không phản ánh một mặt trận lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta – mặt trận trên cao.
Câu 3: Chuyển câu trong dấu ngoặc kép thành lời nói trực tiếp được đánh dấu bằng dấu gạch ngang:
Lương gọi: “Báo cáo Trường Sơn, Hai Mươi Hai đã nhảy dù.”.
NGUYỄN ĐÌNH THI
Trả lời:
– Báo cáo Trường Sơn, Hai Mươi Ba đã nhảy dù. – Lương gọi.
Soạn bài phần Viết: Nghe viết Trần Bình Trọng
Câu 1
Nghe – viết:
Trần Bình Trọng
Năm 1285, giặc Nguyên sang cướp nước ta. Trần Bình Trọng chỉ huy một cánh quân, không may sa vào tay giặc. Giặc dụ dỗ ông đầu hàng, hứa phong tước vương cho. Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc.”. Giặc tức giận giết ông. Khi ấy, ông mới 26 tuổi.
Theo Từ điển bách khoa Việt Nam
Trả lời:
Em hoàn thành bài viết vào vở.
Câu 2: Chọn chữ phù hợp với ô trống:
a) Chữ l hay n?
Các anh về
Xôn xao _àng bé nhỏ.
Nhà _á đơn sơ
Tấm _òng rộng mở
_ồi cơm _ấu dở
Bát _ước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.
HOÀNG TRUNG THÔNG
b) Chữ v hay d?
Rừng xa _ọng tiếng chim gù
Ngân nga tiếng suối, _i _u gió ngàn.
Mùa xuân đẫm lá ngụy trang
Đường ra tiền tuyến nở _àng hoa mai.
Ba lô nặng, súng cầm tay
Đường xa biết mấy _ặm _ài nhớ thương.
LÊ ANH XUÂN
Trả lời:
a) Chữ l hay n?
Các anh về
Xôn xao làng bé nhỏ.
Nhà lá đơn sơ
Tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.
HOÀNG TRUNG THÔNG
b) Chữ v hay d?
Rừng xa vọng tiếng chim gù
Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn.
Mùa xuân đẫm lá ngụy trang
Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai.
Ba lô nặng, súng cầm tay
Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương.
LÊ ANH XUÂN
Câu 3: Thi tìm nhanh những từ gồm 2 tiếng:
a) Cả 2 tiếng đều bắt đầu bằng l hoặc n. Mẫu: long lanh, no nê.
b) Cả 2 tiếng đều bắt đầu bằng v hoặc d. Mẫu: vừng vàng, dẻo dai.
Trả lời:
a) Cả 2 tiếng đều bắt đầu bằng l hoặc n: lỏng lẻo, lung linh, lấp lánh, lấp ló, lanh lợi, năn nỉ, nao núng, nôn nao, na ná, nung nấu.
b) Cả 2 tiếng đều bắt đầu bằng v hoặc d: vỗ về, vi vu, vụng về, vỏn vẹn, dìu dịu, da dẻ, dịu dàng, du dương.
Soạn bài phần Nói và nghe: Trao đổi Em đọc sách báo
Câu 1: Kể hoặc đọc lại một câu chuyện (bài thơ, bài văn) về đề tài bảo vệ Tổ quốc mà em đã đọc ở nhà.
Mẫu:
Gửi theo các chú bộ đội
Cháu nghe chú đánh những đâu
Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi
Đến đây chỉ thấy chú cười
Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi.
Rồi từ nhà cháu, chú đi
Lúa chiêm vào mẩy, chim ri bay về
Nghiêng nghiêng buồng chuối bên hè
Rặng tre, bãi mía bốn bề vẫy theo…
Chú qua bao suối bao đèo
Đến nay chắc đã thêm nhiều chiến công
Ngoài này cháu đứng cháu trông
Những đêm súng nổ, lửa hồng chân mây.
Cháu về lớp cũ, tường xây
Thông hào luồn dưới bóng cây xanh rờn
Chú đi phá nốt bốt đồn
Cuối trời còn giặc, chú còn ra đi.
Vẫn mong ngày chú trở về
Lại ngồi với cháu bên hè đánh bi…
TRẦN ĐĂNG KHOA
Trả lời:
Em có thể tìm đọc, sưu tầm một số bài thơ, câu chuyện như: Chú bộ đội của em, Anh bộ đội cụ Hồ, Chú bộ đội hành quân trong mưa, Bố em là lính biển, Chú giải phóng quân,…
Chú bộ đội hành quân trong mưa
Mưa rơi, mưa rơi
Lộp bộp, lộp bộp
Áo dù có ướt
Vội đi, vẫn đi.
Đường ra mặt trận
Còn dài, còn dài
Cho dù mưa rơi
Chú vẫn đi tới.
Chú đi trong đêm
Long lanh sao đỏ
Như ngọn đèn nhỏ
Soi đường hành quân.
Mưa rơi, mưa rơi
Áo dù có ướt
Vẫn đi, vẫn đi
Chân dồn dập bước.
VŨ THÙY LINH
Câu 2: Trao đổi về câu chuyện (bài thơ, bài văn) em đã đọc.
Gợi ý:
- Em thích nhân vật (hoặc chi tiết, hình ảnh) nào trong câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó? Vì sao?
- Câu chuyện (bài thơ, bài văn) đó nói lên điều gì?
Trả lời:
Trong bài thơ “Chú bộ đội hành quân trong mưa”, em rất thích hình ảnh ở các câu thơ:
Chú đi trong đêm
Long lanh sao đỏ
Như ngọn đèn nhỏ
Soi đường hành quân.
Trong đoạn thơ có hình ảnh chú bộ đội hành quân trong đêm, không ngại mưa rơi, lạnh giá, trên đầu chú đội chiếc mũ cối đặc trưng của bộ đội có in hình ngôi sao năm cánh, soi đường chú hành quân.