Soạn bài Trò chơi của bố (trang 119)

Soạn bài Trò chơi của bố (trang 119)

Soạn bài Trò chơi của bố giúp các em hiểu rõ ý nghĩa bài đọc, cũng như nội dung chính, luyện tập theo văn bản đọc, để nhanh chóng trả lời các câu hỏi trong SGK Tiếng Việt 2 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 119, 120, 121, 122.

Bạn đang đọc: Soạn bài Trò chơi của bố (trang 119)

Bên cạnh đó, cũng giúp thầy cô nhanh chóng soạn giáo án Tập đọc Trò chơi của bố – Tuần 15 của Bài 28 Chủ đề Mái ấm gia đình theo chương trình mới. Vậy chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để chuẩn bị thật tốt cho tiết học.

Soạn bài Trò chơi của bố Kết nối tri thức với cuộc sống

    Soạn bài phần Đọc – Bài 28: Trò chơi của bố

    Khởi động

    Em thích chơi trò gì cùng bố mẹ?

    Soạn bài Trò chơi của bố (trang 119)

    Gợi ý trả lời:

    Em thích chơi trò đố vui cùng bố mẹ.

    Bài đọc

    TRÒ CHƠI CỦA BỐ

    Bố luôn dành cho Hường những điều ngạc nhiên. Lúc rảnh rỗi, hai bố con ngồi chơi với nhau như đôi bạn cùng tuổi.

    Có lần, hai bố con chơi trò chơi “ăn cỗ”. Hường đưa cái bát nhựa cho bố:

    – Mời bác xơi!

    Bố đỡ bằng hai tay hẳn hoi và nói:

    – Xin bác. Mời bác xơi!

    – Bác xơi nữa không ạ?

    – Cảm ơn bác! Tôi đủ rồi.

    Hai bố con cùng phá lên cười. Lát sau, hai bố con đổi cho nhau. Bố hỏi:

    – Bác xơi gì ạ?

    – Dạ, xin bác bát miến ạ.

    – Đây, mời bác.

    Hường đưa tay ra cầm lấy cái bát nhựa. Bố bảo:

    – Ấy, bác phải đỡ bằng hai tay. Tôi đưa cho bác bằng hai tay cơ mà!

    Năm nay, bố đi công tác xa. Đến bữa ăn, nhìn hai bàn tay của Hường lễ phép đón bát cơm, mẹ lại nhớ đến lúc hai bố con chơi với nhau. Mẹ nghĩ, Hường không biết rằng ngay trong trò chơi ấy, bố đã dạy con một nết ngoan.

    (Theo Phong Thu)

    Từ ngữ

    Xơi: (lời mời lịch sự) ăn, uống.

    Trả lời câu hỏi

    1. Hai bố con Hường chơi trò gì cùng nhau?

    2. Khi chơi, hai bố con xưng hô với nhau như thế nào?

    3. Nhìn hai tay Hường đón bát cơm, mẹ nhớ tới điều gì?

    4. Khi chơi cùng bố, Hường đã được bố dạy nết ngoan nào?

    1. Biết nấu ăn
    2. Có cử chỉ và lời nói lễ phép
    3. Chăm làm và biết giúp đỡ bố mẹ

    Gợi ý trả lời:

    1. Hai bố con Hường chơi trò “ăn cỗ” cùng nhau.

    2. Khi chơi, hai bố con xưng hô với nhau: tôi – bác

    3. Nhìn hai tay Hường đón bát cơm, mẹ nhớ tới những lúc hai bố con chơi với nhau.

    4. Khi chơi cùng bố, Hường đã được bố dạy nết ngoan: b. Có cử chỉ và lời nói lễ phép

    Luyện tập theo văn bản đọc

    1. Những câu nào dưới đây thể hiện thái độ lịch sự:

    1. Cho tôi xin bát miến.
    2. Dạ, xin bác bán miến ạ.
    3. Đưa tôi bát miến!

    2. Cùng bạn đóng vai nói và đáp lời yêu cầu, đề nghị:

    M:

    • Bác cho tôi một bát phở bò.
    • Xin lỗi ở đây không có phở bò.
    • Vậy bác làm cho tôi bát miến.
    • Vâng, bác chờ một lát.

    Gợi ý trả lời:

    1. Những câu thể hiện thái độ lịch sự là:

    1. Cho tôi xin bát miến.
    2. Dạ, xin bác bán miến ạ.

    2. Cùng bạn đóng vai nói và đáp lời yêu cầu, đề nghị:

    • Bác cho tôi một suất cơm rang dưa bò nhé!
    • Vâng! Bác đợi một lát nha.

    Soạn bài phần Viết – Bài 28: Trò chơi của bố

    Câu 1

    Nghe – viết: Trò chơi của bố (Từ Đến bữa cơm đến một nết ngoan)

    Trả lời:

    Trò chơi của bố

    Đến bữa ăn, nhìn hai bàn tay của Hường lễ phép đón bát cơm, mẹ lại nhớ đến lúc hai bố con chơi với nhau. Mẹ nghĩ, Hường không biết rằng ngay trong trò chơi ấy, bố đã dạy con một nết ngoan.

    Chú ý:

    • Quan sát các dấu câu trong đoạn văn.
    • Viết hoa chữ cái đầu tên bài, viết hoa chữ đầu câu, viết hoa các chữ sau dấu chấm.
    • Viết những tiếng khó hoặc tiếng dễ viết sai do ảnh hưởng cách phát âm địa phương: tay, nết ngoan,…

    Câu 2

    Viết vào vở địa chỉ nhà của em.

    M: Số nhà 25, đường Sông Thao, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

    Gợi ý trả lời:

    Địa chỉ nhà của em: Đội 9, Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội

    Câu 3

    Chọn a hoặc b

    a. Tìm từ ngữ có tiếng bắt đầu bằng l hoặc n gọi tên sự vật trong hình:

    Soạn bài Trò chơi của bố (trang 119)

    Soạn bài Trò chơi của bố (trang 119)

    Gợi ý trả lời:

    a. bàn là, nón lá, lẵng hoa

    b. cau, cao, sau

    Soạn bài phần Luyện tập – Bài 28: Trò chơi của bố

    Luyện từ và câu

    1. Những từ nào dưới đây chỉ tình cảm của người thân trong gia đình:

    chăm sóc, chăm chỉ, quan tâm

    yêu thương, kính trọng, vui chơi

    2. Tìm từ ngữ bạn nhỏ nói về tính cách của bố mình trong đoạn văn sau:

    Khi dạy em học, bố rất kiên nhẫn. Khi chơi cùng em, bố rất vui vẻ và hài hước. Mỗi khi em mắc lỗi, bố rất nghiêm khắc dạy bảo nhưng cũng dễ tha thứ.

    3. Chọn dấu chấm, dấu chấm than hoặc dấu chấm hỏi thay cho ô vuông:

    Đặt câu

    Bố: – Nam ơi Con hãy đặt một câu có từ “đường” nhé

    Con: – Bố em đang uống cà phê

    Bố: – Thế từ “đường” đâu

    Con: – Dạ, đường có ở trong cốc cà phê rồi ạ.

    (Theo Truyện cười thông minh dí dỏm)

    Gợi ý trả lời:

    1. Những từ chỉ tình cảm của người thân trong gia đình: chăm sóc, quan tâm, yêu thương, kính trọng.

    2. Từ ngữ bạn nhỏ nói về tính cách của bố mình trong đoạn văn: kiên nhẫn, vui vẻ, hài hước, nghiêm khắc, dễ tha thứ.

    3. Điền dấu chấm, dấu chấm than hoặc dấu chấm hỏi như sau:

    Bố: – Nam ơi! Con hãy đặt một câu có từ “đường” nhé!

    Con: – Bố em đang uống cà phê.

    Bố: – Thế từ “đường” đâu?

    Con: – Dạ, đường có ở trong cốc cà phê rồi ạ.

    Luyện viết đoạn

    1. Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:

    Trong nhà, mẹ là người luôn ở bên tôi. Mỗi khi tôi ốm hay mệt, mẹ thức thâu đêm để chăm sóc tôi. Mỗi khi tôi gặp bài học khó, mẹ là người động viên giúp đỡ tôi. Được ai khen tôi nghĩ ngay đến mẹ. Tôi biết mẹ sẽ rất vui khi tôi làm được việc tốt. Tôi rất yêu mẹ tôi.

    1. Trong đoạn văn trên bạn nhỏ kể về ai?
    2. Những câu nào thể hiện tình cảm của bạn nhỏ đối với người đó?
    3. Vì sao bạn nhỏ được người đó yêu quý?

    2. Viết 3-4 câu thể hiện tình cảm của em đối với người thân.

    G:

    • Em muốn kể về ai trong gia đình?
    • Em có tình cảm như thế nào đối với người đó? Vì sao?

    Gợi ý trả lời:

    1. Trả lời như sau:

    a. Trong đoạn văn trên bạn nhỏ kể về mẹ của mình.

    b. Những câu thể hiện tình cảm của bạn nhỏ đối với người đó: Được ai khen, tôi nghĩ ngay đến mẹ. Tôi rất yêu mẹ tôi.

    c. Người đó yêu quý bạn nhỏ vì bạn nhỏ là con của người đó.

    2. Mẫu 1: Chị gái em là người rất dịu dàng. Chị luôn chỉ bảo em những điều nhỏ nhất. Mỗi buổi tối, chị thường dạy em học. Chị học rất giỏi, chị là một tấm gương sáng để em noi theo.

    Mẫu 2: Em rất yêu và kính trọng bố vì bố em rất tuyệt vời. Bố thường dạy em học bài, đưa em đi học và mua cho em nhiều đồ chơi đẹp nữa. Em sẽ học thật giỏi để bố vui lòng.

    Soạn bài phần Đọc mở rộng – Bài 28: Trò chơi của bố

    Câu 1

    Tìm đọc một bài thơ, câu chuyện về tình cảm gia đình.

    Trả lời:

    Những bài thơ, câu chuyện về tình cảm gia đình là: Con yêu mẹ của Xuân Quỳnh, Tập truyện Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Làm Anh của Phan Thị Thanh Nhàn, Con yêu bố chừng nào,…

    LẤY TĂM CHO BÀ

    Cô giáo dạy cháu về nhà
    Ăn xong nhớ lấy cho bà cái tăm
    Nhưng bà đã rụng hết răng
    Cháu không còn được lấy tăm cho bà
    Em đi rót nước bưng ra
    Chè thơm hương tỏa khắp nhà vui vui.

    Định Hải

    Câu 2

    Chia sẻ với các bạn cảm xúc của em về bài thơ, câu chuyện đó.

    Soạn bài Trò chơi của bố (trang 119)

    Trả lời:

    Mình thích bài thơ Con yêu mẹ của tác giả Xuân Quỳnh. Vì bài thơ thể hiện một cách ngộ nghĩnh, đáng yêu tình yêu mà người con dành cho mẹ của mình.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *