Tác phẩm Bố của Xi-mông

Tác phẩm Bố của Xi-mông

Qua tác phẩm Bố của Xi-mông, nhà văn đã nhắc nhở mỗi người về lòng yêu thương bạn bè, mở rộng ra là yêu thương con người, sự thông cảm với những nỗi đau hoặc lầm lỡ của người khác. Truyện được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn lớp 9.

Bạn đang đọc: Tác phẩm Bố của Xi-mông

Tác phẩm Bố của Xi-mông

Tác phẩm Bố của Xi-mông

Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu giới thiệu đôi nét về tác giả Mô-pa-xăng, nội dung của đoạn trích Bố của Xi-mông. Các bạn học sinh có thể tham khảo ngay sau đây.

Bố của Xi-mông

    Bố của Xi-mông

    Xem thêm tại Nghe đọc văn bản Bố của Xi-mông:

    Trời ấm áp vô cùng, dễ chịu vô cùng. Ánh mặt trời êm đềm sưởi ấm bãi cỏ. Nước lấp lánh như gương. Và Xi-mông có những giây phút khoan khoái, có cái cảm giác uể oải thường thấy sau khi khóc, em rất thèm được nằm ngủ ở đây, trên mặt cỏ, dưới nắng ấm.

    Một chú nhái con màu xanh lục nhảy dưới chân em. Em định bắt nó. Nó nhảy thoát. Em đuổi theo nó và vồ hụt ba lần liền. Cuối cùng em tóm được hai đầu chân sau của nó và bật cười nhìn con vật cố giãy giụa thoát thân. Nó thu mình trên đôi cẳng lớn, rồi bật phắt lên, đột ngột duỗi cẳng, ngay đơ như hai thanh gỗ; trong lúc giương tròn con mắt có vành vàng, nó dùng hai chân trước đập vào khoảng không, huơ lên như hai bàn tay. Thấy vậy, em nhớ đến một thứ đồ chơi làm bằng những thanh gỗ hẹp đóng đinh chữ chi chồng lên nhau, và với động tác cũng giống như vậy, điều khiển các chú lính nhỏ cài bên trên tập tành. Thế là em nghĩ đến nhà, rồi nghĩ đến mẹ, và thấy buồn vô cùng, em lại khóc. Người em rung lên, em quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ. Nhưng em không đọc hết được, vì những cơn nức nở lại kéo đến, dồn dập, xốn xang, choán ngợp lấy em. Em chẳng nghĩ ngợi gì nữa, chẳng nhìn thấy gì quanh em nữa mà chỉ khóc hoài.

    Bỗng một bàn tay chắc nịch đặt lên vai em và một giọng ồm ồm hỏi em: “Có điều gì làm cháu buồn phiền đến thế, cháu ơi?”.

    Xi-mông quay lại. Một bác công nhân cao lớn, râu tóc đen, quăn, đang nhìn em với vẻ nhân hậu. Em trả lời, mắt đẫm lệ, giọng nghẹn ngào:

    – Chúng nó đánh cháu… vì… cháu… cháu… không có bố… không có bố.

    – Sao thế – bác ta mỉm cười bảo – ai mà chẳng có bố.

    Em bé nói tiếp một cách khó khăn, giữa những tiếng nấc buồn tủi:

    – Cháu… cháu không có bố.

    Bác công nhân bỗng nghiêm lại; bác nhận ra thằng bé con nhà chị Blăng-sốt, và tuy mới đến vùng này, bác cũng đã mong manh biết chuyện của chị.

    – Thôi nào – bác nói – đừng buồn nữa, cháu ơi, và về nhà mẹ cháu với bác đi. Người ta sẽ cho cháu… một ông bố.

    Hai bác cháu lên đường, người lớn dắt tay đứa bé, và bác lại mỉm cười, vì bác chẳng khó chịu được đến gặp chị Blăng-sốt, nghe đồn chị là một trong những cô gái đẹp nhất vùng; có lẽ trong thâm tâm, bác nhủ thầm rằng một tuổi xuân đã lầm lỡ rất có thể lỡ lầm lần nữa.

    Họ đến trước một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ.

    – Đây rồi – đứa trẻ nói, và em gọi to – Mẹ ơi!

    Một thiếu phụ xuất hiện, và bác công nhân bỗng tắt nụ cười, vì bác hiểu ra ngay không bỡn cợt được nữa với cô gái cao lớn, xanh xao, đứng nghiêm nghị trước cửa nhà mình, như muốn cấm đàn ông bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà nơi chị đã bị một kẻ khác lừa dối. E dè, mũ cầm tay, bác ấp úng:

    – Đây, thưa chị, tôi dắt về trả cho chị cháu bé bị lạc ở gần bờ sông.

    Nhưng Xi-mông nhảy lên ôm lấy cổ mẹ, lại oà khóc và bảo:

    – Không, mẹ ơi, con đã muốn nhảy xuống sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con… đánh con… tại con không có bố.

    Đôi má thiếu phụ đỏ bừng và, tê tái đến tận xương tuỷ, chị ôm con hôn lấy hôn để, trong khi nước mắt lã chã tuôn rơi. Người đàn ông xúc động vẫn đứng đó, không biết bỏ đi thế nào cho phải. Nhưng Xi-mông bỗng chạy đến bên bác và nói:

    – Bác có muốn làm bố cháu không?

    Im lặng như tờ. Chị Blăng-sốt hổ thẹn, lặng ngắt và quằn quại, dựa vào tường, hai tay ôm ngực. Thấy người ta không trả lời mình, em bé lại nói:

    – Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở ra nhảy xuống sông chết đuối.

    Bác công nhân cười đáp coi như chuyện đùa:

    – Có chứ, bác muốn chứ.

    – Thế bác tên là gì? – em bé liền hỏi – để cháu trả lời chúng nó khi chúng nó muốn biết tên bác?

    – Phi-líp – người đàn ông đáp.

    Xi-mông im lặng một giây, để ghi nhớ cái tên ấy trong óc, rồi hết cả hồn, em vươn hai cánh tay nói:

    – Thế nhé! Bác Phi-líp, bác là bố cháu.

    Bác công nhân nhấc bổng em lên, đột ngột hôn vào hai má em, rồi sải từng bước dài, bỏ đi rất nhanh.

    Ngày hôm sau, khi em bé đến trường, một tiếng cười ác ý đón em. Và lúc tan học, khi thằng kia lại muốn trêu chọc, Xi-mông quát vào mặt nó những lời này, như ném một hòn đá: “Bố tao ấy à, bố tao tên là Phi-líp”.

    Khắp chung quanh bật lên những tiếng la hét thích thú:

    – Phi-líp gì?… Phi-líp nào?… Phi-líp là cái gì?… Mày lấy đâu ra Phi-líp của mày thế?

    Xi-mông không trả lời gì hết, và một mực tin tưởng sắt đá, em đưa con mắt thách thức chúng, sẵn sàng chịu hành hạ, còn hơn là bỏ chạy. Thầy giáo giải thoát cho em và em về nhà.

    I. Đôi nét về Mô-pa-xăng

    – Guy đơ Mô-pa-xăng sinh năm 1850, mất năm 1893.

    – Ông là một nhà văn người Pháp.

    – Cuộc đời ngắn ngủi chỉ hơn bốn mươi năm nhưng ông đã để lại số lượng tác phẩm đồ sộ.

    – Các tác phẩm của ông phản ánh sâu sắc nhiều phương diện của xã hội Pháp nửa cuối thế kỉ XIX.

    – Một số tác phẩm: Một cuộc đời (1883), Ông bạn đẹp (1885),… và hơn 300 truyện ngắn.

    II. Giới thiệu về Bố của Xi-mông

    1. Hoàn cảnh sáng tác

    Văn bản bố của Xi-mông trích trong truyện ngắn cùng tên.

    2. Bố cục

    Gồm 3 phần:

    • Phần 1: Từ đầu đến “chẳng nhìn thấy gì quanh em nữa mà chỉ khóc hoài”: Tâm trạng của Xi-mông sau khi bị bạn học trêu là không có bố.
    • Phần 2: Tiếp theo đến “bỏ đi rất nhanh”: Cuộc gặp gỡ của Xi-mông và bác thợ rèn.
    • Phần 3. Còn lại. Câu chuyện ở trường vào sáng hôm sau.

    3. Tóm tắt

    Chị Blăng-sốt bị một người đàn ông lừa dối, sinh ra Xi-mông. Chính vì vậy, Xi-mông trở thành một cậu bé không có bố. Khi đến trường, cậu bị bạn bè trêu chọc. Cậu buồn bực, lang thang ra bờ sông, chỉ muốn chết đi cho xong. Ở đây, cậu đã gặp bác thợ rèn Phi-líp. Bác đã nghe Xi-mông kể chuyện cậu bị bắt nạt. Bác Phi-líp đã hứa sẽ cho cậu bé một ông bố, rồi đưa Xi-mông về nhà. Về đến nhà, Xi-mông nằng nặc đòi bác thợ rèn làm bố của mình khiến cho chị Blăng-sốt cảm thấy ngượng ngùng. Xi-mông hỏi và biết được tên bác thợ rèn là Phi-líp. Ngày hôm sau đến trường, khi bọn trẻ trêu chọc, Xi-mông đã tự tin nói rằng mình có bố, bố của mình tên là Phi-líp. Cậu đưa con mắt thách thức chúng, sẵn sàng chịu hành hạ còn hơn là bỏ chạy cho đến khi thầy giáo giải thoát cho Xi-mông trở về nhà.

    4. Nhan đề

    Nhan đề “Bố của Xi-mông” gợi ra nhiều ý nghĩa sâu sắc:

    – Xi-mông là một cậu bé mồ côi, không có bố. Trong truyện, sau khi bị bạn bè trêu chọc, Xi-mông đã lang thang ra bờ sông, chỉ muốn chết đi cho xong, thì tình cờ gặp được bác thợ rèn Phi-líp. Nhân vật bác Phi-líp là một người đàn ông hiền lành, tốt bụng. Sự xuất hiện của bác giống như ông bụt trong truyện cổ tích, đem đến sự kì diệu trong cuộc sống cho bé Xi-mông.

    – Đồng thời qua đó, nhan đề gắn đã thể hiện được khát vọng được sống trong một gia đình hoàn chỉnh, có được tình yêu thương của bố mẹ, của Xi-mông.

    5. Nội dung

    Qua tác phẩm Bố của Xi-mông, nhà văn đã nhắc nhở mỗi người về lòng yêu thương bạn bè, mở rộng ra là yêu thương con người, sự thông cảm với những nỗi đau hoặc lầm lỡ của người khác.

    6. Nghệ thuật

    Miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả thật sâu sắc, tinh tế…

    III. Dàn ý phân tích Bố của Xi-mông

    (1) Mở bài

    Dẫn dắt, giới thiệu về tác phẩm Bố của Xi-mông.

    (2) Thân bài

    a. Hoàn cảnh của Xi-mông:

    – Sinh ra do sự lầm lỡ của chị Blăng-sốt, điều đó khiến em không có bố.

    – Đến khi đi học, đến trường thương bị bọn bạn bè trêu chọc

    b. Tâm trạng của Xi-mông ở bờ sông:

    – Xi-mông ra bờ sông: buồn bực, chán nản và chỉ muốn chết đi cho xong.

    – Hình ảnh chú nhái con gợi nhớ về một thứ đồ chơi, nghĩ đến nhà và cảm thấy nhớ mẹ.

    – Xi-mông bật khóc, người rung lên. Cậu bé quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyện như trước khi đi ngủ.

    => Nỗi đau còn được thể hiện qua tiếng nói ngắt quãng và biểu lộ cảm xúc.

    c. Tâm trạng của Xi-mông khi gặp bác Phi-líp và về nhà gặp mẹ:

    – Gặp bác Phi-líp: trả lời bác bằng tiếng nức nở, ngắt quãng, đớn đau.

    • Chúng nó đánh cháu… vì….cháu… cháu không có bố.
    • Cháu… cháu không có bố.

    => Tâm trạng buồn tủi, xấu hổ, nhắc lại việc không có bố một cách đau đớn đến tuyệt vọng của Xi-mông.

    – Theo bác Phi-líp về nhà: nghĩ rằng bác Phi-líp sẽ cho em một ông bố.

    • Trước mẹ: ôm cổ mẹ, khóc, nhắc lại ý định tự tử.
    • Ý định: muốn được bác Phi-líp làm bố.

    => Xi-mông im lặng, hoàn toàn tin vào lời bác Phi-líp. Hành động của em chứng tỏ sự khao khát muốn có bố. Em sung sướng, trọng đại khi bác Phi-líp nhận làm bố.

    d. Xi-mông sáng hôm sau đến trường:

    – Em hãnh diện, chủ động trả lời, như quạt, như ném đá vào mặt bọn bạn: “Bố tao ấy à, bố tao tên là Phi-líp!”

    – Xi-mông im lặng, tin tưởng sắt đá, thách thức và sẵn sàng chịu hành hạ.

    (3) Kết bài

    Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Bố của Xi-mông.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *