Tập làm văn lớp 5: Kể câu chuyện nói về một loài chim gồm dàn ý, cùng 4 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 5 tham khảo, kể câu chuyện nói về một loài chim để thấy được đời sống phong phú, sinh động của những loài vật nhỏ bé xung quanh chúng ta.
Bạn đang đọc: Tập làm văn lớp 5: Kể câu chuyện nói về một loài chim (Dàn ý + 4 mẫu)
Thông qua đó, các em dễ dàng kể về chim chào mào, chim sâu, chim bồ câu, chim họa mi… Vậy mời các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây:
Kể câu chuyện nói về một loài chim
Dàn ý kể câu chuyện nói về một loài chim
1. Mở bài
– Giới thiệu về loài chim mà em định kể (Chim họa mi, chim cu gáy, chim bồ câu, chim chào mào, chim sơn ca,…)
2. Thân bài
– Miêu tả khái quát về loài chim: Màu sắc, đặc điểm, đặc tính
– Kể lại câu chuyện liên quan đến loài chim: Cho chim ăn, chăm sóc cho chim,…
3. Kết bài
Suy nghĩ của em về loài chim đó: Em có ấn tượng như thế nào về loài chim đó
Tả con chim chào mào
Nhà ông ngoại em có nuôi một đàn chim chào mào, gọi là đàn nhưng cũng chỉ khoảng mười con và mỗi con sở hữu riêng một chiếc lồng xinh xắn chứ không được thả nuôi chung giống như loài bồ câu.
Chim chào mào có tiếng hót rất hay, lúc nào trong khuôn viên căn nhà nhỏ của ông bà cũng giống như một khu vườn ngập tràn tiếng hót véo von, trong trẻo của chim muông. Mười con chào mào, mỗi con mỗi vẻ và giọng hót cũng có sự khác nhau, thông thường con nào có mình chắc mập khỏe khoắn sẽ hay hót và hót thánh thót còn con nào gầy yếu sẽ ít hót và hót kém hơn. Ông ngoại em chăm sóc cho chúng rất chu đáo, ngày nào cũng tìm hoa quả trong vườn hoặc đi mua về cho chúng ăn, hôm thì chuối, hôm thì thanh long, có hôm lại hồng xiêm. Mỗi tuần ông lại đặt vào trong lồng của mỗi con một khay nước nhỏ cho chúng tự tắm, khi chúng tắm ta không nên đứng gần bởi chúng vẫy vùng và rỉa lông tỉa tót rất thích thú khiến nước bắn tung tóe. Hằng ngày, ông đều đi kiểm tra sức khỏe của từng con chim, hễ có con nào ốm là được tách ra xa, mua thuốc về điều trị đến khi khỏe mạnh mới được treo vào gần đàn. Có lần ông nói muốn tặng em một chú chào mào, em thích chú nào ông sẽ cho, mới đầu em thích lắm nhưng sau rồi nghĩ lại nếu em mang chú chào mào ấy về nhà, chỉ có một mình chắc hẳn chú sẽ buồn lắm vì không còn bạn bè. Nghĩ thế em liền từ chối không nhận, chỉ muốn được thường xuyên về ông ngoại chơi để ngắm nhìn những con chim chào mào.
Em yêu quý lắm các chú chim chào mào nhí nhảnh, nhanh nhẹn!
Tả con chim sâu
Người ta thường thích những loài chim có tiếng hót hay hoặc những loài có hình dáng đẹp để nuôi làm cảnh nhưng đối với em, em lại thích những chú chim nhỏ bé, dân giã như chim sâu, chim ri.
Những loài chim khác có thể khó bắt gặp, phải tìm kiếm mới thấy nhưng riêng với chim sâu ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong khu vườn của mỗi nhà. Vườn nào mà chẳng có cây, có cây ắt sẽ có sâu và sẽ có sự xuất hiện của chim sâu. Gọi là chim sâu bởi thức ăn của chúng chủ yếu là sâu ăn lá cây, nhìn chúng bắt sâu rất thích thú, đôi chân nhỏ xíu bám chắc vào cành cây, chuyền từ cành này sang cành khác rất nhanh nhạy. Chim sâu đôi lúc cũng rất tinh nghịch, khi trời mưa nước đọng trên những lá khoai môn tạo thành vũng, chim sâu thản nhiên sà xuống vùng vẫy và tắm trong vũng nước tự nhiên ấy. Trong khi tắm, chúng vẫn rất đề cao cảnh giác, ngó nghiêng đủ phía để canh chừng, tắm đến khi ướt hết bộ lông chúng mới chịu bay đi. Nhìn con chim đang tắm thích thú giống như những đứa trẻ được tắm dưới cơn mưa rào, tuy có thể bị bố mẹ mắng thậm chí là bị ốm nhưng vẫn rất vui.
Chim sâu rất có ích bởi chính chúng là đội quân tiêu diệt sâu bọ, bảo vệ hoa quả và rau cho con người, đôi mắt tinh tường có thể tìm những con sâu nhỏ bé hay đang lẩn trốn trong những kẽ lá.
Tả con chim bồ câu
Trong số những loài chim, em thích nhất là loài chim bồ câu, một loài chim được lấy làm biểu tượng cho hòa bình. Bên cạnh nhà em là nhà bác Năm, nhà bác có nghề nuôi chim bồ câu để bán, ngay từ nhỏ em đã quá quen thuộc với loài chim này.
Mỗi buổi sáng, em thường thức giấc bằng những tiếng báo thức quen thuộc, đó là âm thanh của đàn chim bồ câu bay phành phạch và tiếng kêu “gù gù” trên mái nhà. Chim bồ câu rất gần gũi với con người, có thể lại gần và dễ dàng tóm lấy một chú vuốt ve, tuy nhiên lại có những chú mới nhìn thấy người đã sợ bay lên cao. Sau mỗi buổi chiều tan học về, em thường sang bên nhà bác Năm cùng bác cho chim bồ câu ăn, cách cho ăn của bác rất đặc biệt, bác dùng chiếc muôi sắt, gõ vào chiếc chậu nhôm đựng thóc cho thật kêu. Những con chim bồ câu dù bay ở đâu khi nghe tiếng gõ liền bay về tập trung tại sân chầu chực ăn, tiếng gõ ấy giống như tiếng kẻng báo hiệu giờ ăn của chúng. Các chú chim bồ câu khi ăn rất từ tốn, không tranh mổ của nhau, chúng nhặt nhạnh rất sạch sẽ, sau khi ăn xong trên sân không còn sót lại một hạt thóc nào, chú nào chú ấy no căng diều.
Mỗi khi có chuyện không vui hay học tập căng thẳng, em lại dành thời gian ngồi ngắm nhìn những chú chim bồ câu bay lượn, cảm giác khi ấy thật bình yên và thư giãn rất thoải mái.
Tả con chim họa mi
Ở vùng Hà Giang, Tuyên Quang… có nhiều họa mi. Trong thế giới loài chim có nhiều giống chim đẹp, chim có giọng hót mê li: chim yến, chim khướu, chim sơn ca, chim chích chòe, v.v… Sáng sớm tinh mơ, chiều vàng ngả bóng, nơi vườn quê, nơi sườn non, nơi cánh rừng ngọn suối, tiếng chim hót véo von… ta lắng tai nghe mà thấy yêu đời kì lạ. Tiếng chim của đất trời đối với em là khúc hát của quê hương, là bài ca của sự sống.
Sáng hôm sau, rồi chiều hôm sau, cặp chim họa mi lại đến hót ở vườn bà. Qua cành nhãn, em nhìn thấy hoạ mi đang sát cánh nhau cùng hót. Lúc đầu em ngỡ, họa mi phải đẹp lắm mới có giọng hót hay như thế. Nhưng không phải, lông họa mi không rực rỡ sắc màu như hoàng yến, như chim thiên đường,… mà chỉ khoác một màu nâu đỏ bình dị, mộc mạc. Xung quanh mắt chim có một vành lông trắng kéo dài từ đuôi mắt ra sau gáy, như một nét vẽ lượn sóng. Người ta gọi các “mi vẽ” ấy là “họa mi”, sau trở thành tên của con chim ca sĩ này chăng ? Cái mỏ màu ngà, cái cổ rướn cao… họa mi hót mê say, cả vườn cây như lắng nghe âm thanh lúc trong lúc đục, lúc nhặt lúc khoan, đầm ấm ríu ran. Họa mi hót sớm sớm chiều chiều như tiếng đàn thần đã làm cho em khỏi bệnh. Hơn tuần lễ sau, chim họa mi bay đi đến vườn quê nào, cánh rừng nào, em cứ bâng khuâng mãi. Có nhiều đêm nằm mơ, em vẫn nghe họa mi hót.Tiếng chim nơi ngôi vườn của bà ngoại trong những tháng ngày hè, đối với em đã trở thành kỉ niệm. Nhất là tiếng hót của chim họa mi. Năm học lớp Ba, em bị ốm nặng. Bố mẹ đi công tác xa. Em ở với bà. Bà chăm sóc thuốc men mãi mà em vẫn đau yếu, người xanh xao gầy tóp lại. Nhiều tuần, bà thức trắng đêm. Thế rồi, một hôm sau cơn mưa rào, trời hửng nắng. Em nằm chập chờn bỗng nghe chim hót trên cây nhãn vườn bà. Hai con chim trống mái thi nhau cất tiếng hót véo von, lảnh lót, réo rắt. Lần đầu tiên trong đời, em mới được nghe chim hót hay như thế. Tiếng hót họa mi nghe thật “mê”, và kì lạ thay, cơn sốt chiều ấy dịu dần trong bóng chiều buông. Em thấy thanh thản lâng lâng. Em ngủ say lúc nào không biết.
Về lại thành phố, em nói lại với bố mẹ về tiếng chim họa mi hót nơi vườn bà. Hình như sau đó, mẹ em viết thư cho anh trai em, một sĩ quan Công an Biên phòng Tây Bắc. Tết năm ấy, anh về phép thăm nhà, và mang về cho em một đôi chim họa mi làm quà. Mỗi con được nhốt trong một chiếc lồng son vô cùng xinh xắn. Cả nhà ai cũng vui thích về đôi chim họa mi ấy. Anh trai em còn cho biết: “Ở các chợ miền núi, người ta nuôi và bán chim họa mi không chỉ để nghe giọng hót mà còn cho nó chọi nhau. Thế võ tranh hùng của họa mi lúc kịch chiến hấp dẫn lắm…”
Rồi không biết ai xui, độ tháng sau, em mở lồng cho chim họa mi bay đi. Em viết thư cho anh trai: “Anh ơi, họa mi đã làm cho em khỏi bệnh. Em đã trả lại tự do cho đôi chim họa mi là để tạ ơn loài chim thảo hiền. Chắc là anh đồng tình với việc làm của em”. Mẹ em bảo: “Con còn bận học, thì giờ đâu mà nuôi chim ? Vả lại, con chim nào cũng cần tự do. Bầu trời bao la là cái lồng chim con ạ ! Con làm thế là phải đạo…”.