Tập làm văn lớp 5: Kể chuyện (Kiểm tra viết) mang tới những bài văn mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 5 có thêm nhiều ý tưởng mới hoàn thiện bài văn kể kỉ niệm khó quên về tình bạn, kể câu chuyện mà em thích nhất trong những truyện đã học, kể câu chuyện cổ tích theo lời nhân vật.
Bạn đang đọc: Tập làm văn lớp 5: Kể chuyện (Kiểm tra viết)
Qua đó, các em sẽ nắm được cấu trúc một bài văn kể chuyện, thêm nhiều vốn từ cũng như ý tưởng mới cho bài văn của mình thêm sinh động, để đạt kết quả cao trong bài kiểm tra viết tuần 22. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Kể chuyện (Kiểm tra viết)
Đề 1: Hãy kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn
Mẫu 1
Một kỉ niệm đáng nhớ nhất giữa em và người bạn thân thiết nhất, chính là một kỉ niệm diễn ra vào chiều mùa hè hai năm trước.
Hôm đó, buổi trưa trời mát, em và Khải đã rủ nhau ra sông tắm mát. Dưới ánh nắng gay gắt, nước sông được cây khế, cây dừa chê rợp mát lạnh, hấp dẫn vô cùng. Vì vậy, chúng em đã lơ là, không khởi động mà ngay lập tức lao xuống dòng nước mát. Trong lúc đang sung sướng bơi lội, em chợt thấy phần bắp chân bị cứng lại. Sau vài giây giật mình, em nhận ra ngay mình đã bị chuột rút. Chao ôi, cơ thể em nhanh chóng mất cân bằng và hai tay em chới với liên tục.
May mắn thay, Khải ở gần đó nhận ra tình hình của em, vội bơi lại để ứng cứu. Vốn hình thể của em to hơn Khải nhiều, nên quá trình gặp khá nhiều khó khăn. Xung quanh lại chẳng có người lớn nào vì đang giữa trưa. Dù vậy, Khải vẫn kiên trì kéo em vào bờ từng chút, từng chút một. Chờ gần hai mươi phút sau, em và cậu ấy mới vào được bờ. Mặt Khải lúc ấy đỏ bừng vì mệt, thở từng hơi lớn, nhưng vẫn quan tâm xoa chân cho em, nhằm giúp em sớm đỡ hơn. Nhờ có Khải, mà em đã an toàn vượt qua tình huống nguy hiểm đó.
Cũng từ hôm ấy, tình bạn giữa em và Khải càng trở nên thân thiết hơn. Em xem cậu ấy như là người anh trai thân thiết nhất của mình.
Mẫu 2
Thấy tôi về nhà trễ hơn mọi bữa, mẹ tôi hỏi: “Hôm nay sao con về trễ vậy? Thường ngày độ 11 giờ hay hơn một chút là con về. Chắc ở lớp có sinh hoạt gì phải không con?” “Chút nữa, con kể mẹ nghe, mẹ nhé”. Trả lời mẹ xong, tôi vào cất cặp rồi ra bể nước rửa chân tay mặt mũi sạch sẽ mới vào ngồi cạnh mẹ thỏ thẻ.
– Chuyện là thế này mẹ ạ! Tan học, con và Phương con nhà dì Tư đi về sau cùng. Chúng bạn đều đi xe về trước cả, chỉ mình con và Phương đi bộ. Trời nắng quá, hai đứa nép vào vệ đường mà đi. Đến ngã tư đầu làng, vừa mới bước sang bên kia đường, cả hai đứa đều nghe một tiếng rên nho nhỏ. Con bảo Phương dừng lại:
– Phương ơi! Hình như có tiếng ai rên?
– Mình cũng nghe như thế.
Chúng con nhìn quanh quất không thấy một bóng người. Bỗng, tiếng rên lại cất lên. Cả hai đứa như đã định hướng tiếng rên phát lên từ hướng nào rồi. Chúng con bước đến gần gốc me tây nằm sâu trong vệ đường một chút.
– Ôi! Một bà già.
Phương phát hiện ra trước rồi kéo tay con cùng chạy đến. Bà nằm gối đầu lên rễ me. Bộ quần áo màu nâu sẫm lấm lem bụi đường. Chiếc gậy tre trơn bóng nằm cạnh chân. Mái tóc bà đã bạc trắng. Khuôn mặt nhăn nheo xanh nhợt. Con sờ lên trán bà thấy lạnh toát.
– Làm sao bây giờ hả Phương?
Phương vội để cặp xuống theo, run run nói:
– Cậu có mang theo dầu không?
Lúc này, con mới sực nhớ ra vội với lấy chiếc cặp, nhanh nhẹn kéo dây khóa lấy ra một lọ dầu gió Kim mà mẹ vừa mới mua cho con hôm trước. Phương vừa thấm dầu lên trán, mũi, thái dương bà xoa mạnh. Chừng độ mười lăm phút, chúng con thấy người bà ấm lại hơi thở bắt đầu đều dần. Bà mở mắt nhìn chúng con rồi thều thào:
– Cho bà chút nước.
Nghe bà vừa nói xong, Phương quay lại con nói nhanh:
– Cậu ngồi đây với bà, mình chạy đi mua nước nhé!
– Phương chạy lùi lại gần một trăm mét, ngay quán cô Lựu, mua một túi nước chanh có ống hút rồi tất tả trở lại đưa cho con. Cầm túi nước, con từ từ cho bà uống. Được nửa túi, bà bảo cho bà nằm nghỉ một tí. Phương ngồi xuống bên cho bà tựa. Một lúc sau, bà uống tiếp hết túi nước rồi nhìn hai đứa chúng con:
– Bà ờ làng bên kia đi thăm đứa cháu gái ở xóm Đông. Qua đây, thấy nắng quá, bà dừng lại nghỉ tạm ở gốc me này. Không ngờ, ngồi được một chút thì thấy xây xẩm cả mặt mày, chẳng có ai mà kêu cả.
– Bây giờ, bà đã thấy đỡ chưa hở bà?
– Bà đỡ rồi nhưng vẫn còn thấy mệt.
Ngồi với bà một lúc, chúng con bàn với nhau. Một đứa ra đường đón xe, đưa bà vào bệnh viện rồi nhắn với người nhà của bà lên. Con chạy ra đường đứng chờ. Từ xa, một chiếc Honda vù tới. Con giơ tay ra hiệu cho xe dừng lại. Bác này có lẽ trạc tuổi với bố, dừng lại, nhìn con hỏi:
– Cháu đi về đâu?
– Thưa bác, cháu không đi nhưng có một bà cụ bị mệt. Chúng cháu đi học về, thấy bà ngất xỉu ở đây. Nhờ bác đưa hộ bà vào bệnh viện giúp ạ!
Bác xuống xe cùng con đi đến gốc me. Thấy bà cụ đang nằm tựa vào Phương, bác vội nói:
– Một cháu đứng chờ ở đây. Còn một cháu theo bác đưa bà vào bệnh viện.
Bác bế bà cụ trên tay rồi cùng Phương lên xe. Hai mươi phút sau, bác đưa Phương trở lại. Khi chia tay với chúng con, bác nói:
– Hai cháu thật là ngoan. Bác rất vui vì hành động của hai cháu. Bây giờ hai cháu yên tâm mà về. Bác đến xóm Đông, báo cho cô cháu gái của bà đến bệnh viện ngay.
Khi lên xe, bác còn quay lại mỉm cười với chúng con. Chuyện con về trễ là vì lí do thế đấy, mẹ ạ!
Bây giờ thì Phương – người bạn gái thân thiết của tôi đã theo gia đình về Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Câu chuyện trên là một kỉ niệm đáng nhớ trong tình bạn của chúng tôi.
>> Tham khảo: Em hãy kể một kỉ niệm khó quên về tình bạn
Đề 2: Hãy kể lại một câu chuyện mà em thích nhất trong những truyện đã được học.
Kể câu chuyện Thầy cúng đi viện
Ở lớp 5, em được học rất nhiều câu chuyện hay và bổ ích. Trong đó em đặc biệt yêu thích câu chuyện Thầy cúng đi viện.
Câu chuyện kể về Cụ Ún – một người thầy cúng đã hành nghề lâu năm, dạy ra nhiều học trò làm nghề cúng bái giống mình. Mọi chuyện vẫn diễn ra như vậy, cho đến một ngày cụ bị đau bụng dữ dội. Cơn đau ấy khiến cụ quằn quại, mất ăn mất ngủ. Dù người học trò giỏi nhất đã đến cúng cho cụ cũng không hết bệnh được. Cuối cùng, khi cụ đau đến không chịu được nữa, thì được hai bác sĩ đến mang lên viện để chữa bệnh. Sau khi được dùng thuốc giảm đau và được bác sĩ giải thích, chữa bệnh cho bằng các biện pháp khoa học ở viện, cụ Ún đỡ hẳn. Sau lần ấy, cụ hiểu rằng nếu bị ốm thì phải đi bệnh viện chứ không nên cúng gì ở nhà cả. Cụ cũng đem điều ấy nói cho người thân và bà con trong bản cùng nghe.
Câu chuyện ấy đã giúp tuyên truyền về khoa học và đẩy lùi mê tín dị đoan trong dân gian. Nhưng không hề mang tính giáo điều mà rất thú vị và dễ đọc.
Kể câu chuyện về ông Nguyễn Khoa Đăng
Trong những truyện đã học ở Tiểu học, tôi thích nhất là câu chuyện nói về ông Nguyễn Khoa Đăng, một ông quan có tài xét xử và nhiều kế sách trừ hại cho dân. Tôi kể cho các bạn nghe nhé!
Một lần, có anh hàng dầu gánh hàng ra chợ bán. Lợi dụng anh bận đong dầu cho khách, có một người thò tay vào bị lấy trộm tiền. Khi biết mình bị mất tiền, anh mới sực nhớ ra. Lúc nãy, có một người mù quanh quẩn bên gánh hàng, đuổi mấy cũng không đi. Anh dám chắc là người ấy. Anh gửi gánh hàng cho người quen rồi chạy đi tìm. Người mù chối phăng lấy lí do là mình bị mù, biết tiền để đâu mà ăn trộm. Hai bên xô xát nhau một hồi thì bị lính bắt giải về quan.
Trước vị quan Nguyễn Khoa Đăng, người mù khăng khăng chối cho rằng anh hàng dầu vu cáo. Quan hỏi:
– Anh có mang tiền không?
Người mù đáp:
– Có, nhưng đấy là tiền của tôi.
– Cứ đưa đây!
Khi người mù móc tiền ra, quan sai người múc một chậu nước, bỏ số tiền vào chậu. Váng dầu nổi lên. Người mù đành nhận tội. Cứ ngỡ là vụ án đã xong, náo ngờ quan lại phán:
– Tên ăn cắp này là kẻ giả mù. Vì nếu mù làm sao hắn biết chỗ để tiền mà lấy.
Rồi ông sai lính lôi kẻ ăn cắp ra đánh. Bị đánh đau quá, hắn bèn mở cả hai mắt, van lạy quan tha tội.
Đó là chuyện về tài xét xử của ông. Còn câu chuyện sau đây thì khiến tôi khâm phục đức độ, tài năng và mưu mẹo tiêu diệt bọn gian phi trừ hậu hoạ cho dân của ông Nguyễn Khoa Đăng. Trong thời kì làm quan, ông đã làm cho suốt một dọc truông nhà Hồ ở Quảng Trị không còn một bóng gian phi. Trước đó, ở cái truông này là rừng rậm, con đường Bắc Nam phải đi qua đây. Bọn gian phi đã dùng nơi này làm sào huyệt đón đường trấn lột.
Để bắt bọn cướp, ông sai chế một hòm gỗ kín có lỗ thông hơi, vừa một người ngồi, có khoá bên trong để người ngồi trong có thể mở tung nắp hòm dễ dàng. Ông đưa các võ sĩ giỏi võ nghệ có vũ khí ngồi vào rồi sai quân sĩ ăn mặc giống thường dân khiêng những cái hòm ấy đi qua truông, lại phao tin lên rằng: có một vị quan to ở ngoài Bắc sắp sửa về quê sẽ đi qua truông; cùng những hòm của cải quý. Bọn cướp nghe tin mừng khấp khởi, chuyến này chắc thu lợi lớn. Chúng hí hửng khiêng những cái hòm về sào huyệt Nhưng vừa về đến nơi, thì những cái hòm bật tung ra. Những võ sĩ tay lăm lăm kiếm binh của triều đình kéo đến. Bọn cướp đành hạ vũ khí, chắp tay xin tha mạng. Ông quan dùng bọn cướp ấy đi khai khẩn đất hoang ở biên giới, lập thành những đồn điền rộng lớn. Sau đó, ông đưa dân đến lập xóm dọc hai bên truông, khiến một vùng rừng núi âm u vắng vẻ trở thành những xóm làng đông đúc và có cuộc sống bình yên.
Tôi rất khâm phục ông Nguyễn Khoa Đăng và cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành một người tài giỏi, liêm chính như ông.
>> Tham khảo: Kể lại một câu chuyện mà em thích nhất trong những truyện đã học
Đề 3: Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó
Tôi là người em trong câu chuyện Cây Khế. Mỗi lần nhớ lại chuyện xưa, lòng tôi nặng trĩu một nỗi buồn. Đó là nỗi buồn vì anh tôi đã vĩnh viễn ra đi bởi lòng tham lam vô độ.
Lúc sinh thời, bố mẹ tôi có một gia sản tương đối lớn. Khi họ mất đi, anh tôi dành hết nhà cửa, ruộng vườn, đất đai,… Anh chỉ để cho tôi một túp lều nhỏ và một cây khế. Tôi lúc nào cũng hiếu thuận nên nhất mực nghe theo, không dám đòi hỏi gì hơn.
Hằng ngày, vợ chồng tôi ra sức chăm bón nên cây khế mau đơm hoa, kết trái. Nhìn cây khế trĩu quả, vợ chồng tôi vui mừng khôn xiết. Cây khế đã trở thành nguồn sống của gia đình tôi.
Một ngày kia, bỗng có một con chim lạ từ đâu bay đến đậu trên cây khế. Chim thật đẹp. Bộ lông nó mịn màng như nhung, thân hình chim to lớn như đại bàng. Chim ăn khế nhà tôi rất nhiều, nó mổ hết quả này đến quả khác. Tôi thật xót lòng nhưng không nỡ xua đuổi chim đi. Tôi chỉ đứng dưới gốc mà than thở với chim rằng:
– Gia đinh ta sống nhờ vào cây khế này thôi, nay chim ăn hết thì ta sống làm sao?
Tôi vừa dứt lời thì chim kêu lên thành tiếng:
“Ăn một quả khế Trả một cục vàng May túi ba gang Mang đi mà đựng”
Thật ngạc nhiên! Tôi không nghĩ rằng chim sẽ giúp mình giàu sang, nhưng tôi vẫn bảo vợ may một cái túi vừa đúng ba gang. Sáng hôm sau, chim đến chờ tôi đi lấy vàng, tôi vô cùng vui sướng vì quá nhiều vàng ở đấy, nhưng tôi chỉ lấy vừa đủ đựng vào túi rồi leo lên lưng chim để chim trở về nhà. Gia đình tôi đã trở nên giàu có từ dạo ấy. Tôi đã có cơ hội giúp đỡ người nghèo khó trong làng. Vợ chồng tôi thầm cảm ơn chim thần tốt bụng đã giúp đỡ chúng tôi. Chẳng bao lâu, anh tôi biết được sự việc trên nên sang nhà tôi đòi đổi gia sản của anh đế lấy lại cây khế. Vốn chiểu lòng anh nên tôi chấp thuận. Tôi chỉ mong anh em thuận hòa và gia đình êm ấm. Thế là hằng ngày anh cứ đứng ở gốc cây khế mà trông chờ chim lạ.
Sự chờ mong của anh cũng đến. Chim lạ bay tới ăn khế, anh tôi than thở với chim. Chim lạ cũng kêu thành tiếng như lần trước. Anh tôi mừng quá, lòng tham của anh trỗi dậy. Anh bảo vợ may cái túi mười hai gang để chuẩn bị di lấy vàng. Sáng sớm hôm sau, chim bay đến chở anh đi đến núi vàng. Đến nơi, chim đáp cánh xuống. Nhìn thấy vàng, anh hoa cả mắt. Anh không cầm được lòng tham nên cố lấy cho thật nhiều vàng. Anh đựng đầy vào túi mười hai gang và còn lấy thêm giấu vào trong người. Lúc về, chim bay qua giữa biển thì gặp cơn gió mạnh, chim mỏi cánh bảo anh thả bớt vàng xuống nhưng anh không chịu nghe lời, cứ khư khư ôm lấy túi vàng. Bỗng cánh chim chao đảo. Chim không chịu đựng được nữa vì quá nặng nên đã trút anh tôi cùng cái túi vàng xuống biển.
Tôi thật đau xót cho anh. Giá như anh tôi đừng tham lam thì đâu có kết cục bi thảm như thế. Từ câu chuyện về cây khế và chim thần, tôi muốn nhắn gửi mọi người một điều:
“Ở hiền thì được gặp hiền Người ngay thì được phật, tiên độ trì”.
>> Tham khảo: Kể lại câu chuyện cổ tích em biết theo lời nhân vật trong truyện