Luyện tập tả cảnh trang 83, 84 SGK Tiếng Việt 5 tập 1, giúp các em học sinh lớp 5 tham khảo, biết cách dựng đoạn mở bài gián tiếp, kết bài mở rộng cho bài văn tả cảnh thiên nhiên.
Bạn đang đọc: Tập làm văn lớp 5: Luyện tập tả cảnh trang 83
Đồng thời, thầy cô cũng có thể tham khảo để soạn giáo án Luyện tập tả cảnh – Tuần 8 cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để nắm được các bước làm bai văn tả cảnh, chuẩn bị thật tốt cho tiết Tập làm văn lớp 5 – Tuần 8.
Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh trang 83 – Tuần 8
Hướng dẫn giải Tập làm văn SGK Tiếng Việt 5 tập 1 trang 83, 84
Câu 1
Dưới đây là hai cách mở bài của bài văn Tả con đường quen thuộc từ nhà em tới trường. Em hãy cho biết: Đoạn nào mở bài theo kiểu trực tiếp, đoạn nào mở bài theo kiểu gián tiếp? Nêu cách viết mỗi kiểu mở bài đó.
a. Từ nhà em đến trường có thể đi theo nhiều ngả đường. Nhưng con đường mà em thích đi hơn cả là đường Nguyễn Trường Tộ.
b. Tuổi thơ của em có biết bao kỉ niệm gắn với những cảnh vật của quê hương. Đây là dòng sông nhỏ đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ chúng em mỗi buổi chiều hè. Kia là triền đê rộn rã tiếng hát của thanh niên nam nữ những đêm sáng trăng. Nhưng gần gũi, thân thiết nhất với em vẫn là con đường từ nhà đến trường – con đường đẹp đẽ suốt những năm tháng học trò của em.
Trả lời:
Đoạn |
Mở bài trực tiếp |
Mở bài gián tiếp |
a) Từ nhà em đến trường có thể đi theo nhiều ngả đường. Nhưng con đường mà em thích đi hơn cả là đường Nguyễn Trường Tộ. |
+ |
|
b) Tuổi thơ của em có biết bao kỉ niệm gắn với những cảnh vật của quê hương. Đây là dòng sông nhỏ đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ chúng em mỗi buổi chiều hè. Kia là triền đê rộn rã tiếng hát của thanh niên nam nữ những đêm sáng trăng. Nhưng gần gũi, thân thiết nhất với em vẫn là con đường từ nhà đến trường – con đường đẹp đẽ suốt những năm tháng học trò của em. |
+ |
Giải thích:
- Đoạn a) là cách mở bài trực tiếp vì kể ngay (nói ngay) đến đối tượng được tả.
- Đoạn b) là cách mở bài gián tiếp vì nói chuyện khác để dẫn vào chuyện hoặc đối tượng định tả.
Câu 2
Dưới đây là hai cách kết bài của bài văn Tả con đường quen thuộc từ nhà em tới trường. Em hãy cho biết điểm giống nhau và khác nhau giữa đoạn kết bài không mở rộng (a) và đoạn kết bài mở rộng (b).
a) Con đường từ nhà em đến trường có lẽ không khác nhiều lắm những con đường trong thành phố, nhưng nó thật thân thiết với em.
b) Em rất yêu quý con đường từ nhà đến trường. Sáng nào đi học, em cũng thấy con đường rất sạch sẽ. Em biết đấy là nhờ công quét dọn ngày đêm của các cô bác công nhân vệ sinh. Em và các bạn bảo nhau không xả rác bừa bãi để con đường luôn sạch, đẹp.
Trả lời:
Giống nhau | Khác nhau | |
Không mở rộng | Mở rộng | |
– Đều nói về tình cảm yêu quý, gắn bó thân thiết của bạn học sinh đối với con đường. |
– Khẳng định con đường rất thân thiết với học sinh. |
– Vừa nói về tình cảm yêu quý con đường, vừa ca ngợi công ơn của các cô bác công nhân vệ sinh đã giữ sạch con đường, đồng thời thể hiện ý thức giữ cho con đường luôn sạch, đẹp. |
Câu 3
Viết một đoạn mở bài kiểu gián tiếp và một đoạn kết bài kiểu mở rộng cho bài văn tả cảnh thiên nhiên ở địa phương em.
Trả lời:
Mẫu 1:
– Mở bài kiểu gián tiếp: Đất nước Việt Nam có nhiều cảnh đẹp. Mỗi miền của Tổ quốc đều có những bức tranh thiên nhiên kiệt tác. Lạng Sơn với động Tam Thanh, sông Kì Cùng. Bắc Cạn có hồ Ba Bể nên thơ, hùng vĩ. Quảng Bình với động Phong Nha – đệ nhất kì quan. Còn với Quảng Ngãi, hình ảnh núi Thiên Ấn đã cùng dòng sông Trà Khúc đã làm nên một cảnh quan tươi đẹp ở quê hương em.
– Kết bài kiểu mở rộng: Em rất yêu phong cảnh quê hương mình. Em mong sao quê hương càng giàu đẹp, được nhiều bè bạn và du khách năm châu biết đến.
Mẫu 2:
Tả cảnh đẹp núi rừng quê em
Mở bài gián tiếp: Trên khắp đất nước nước Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp mà em đã được xem qua những bức tranh, ảnh hay truyền hình và đã được nghỉ mát ở bãi biển Nha Trang, vịnh Hạ Long. Em cũng đã được đến Đà Lạt, ra Hà Nội. Đất nước mình nơi đâu cũng có cảnh đẹp. Dù vậy em vẫn thấy cảnh đẹp gần gũi nhất với em là cảnh núi rừng quê hương em.
Kết bài mở rộng: Cảnh núi rừng là nơi gắn bó tuổi thơ em và đầy ắp những kỉ niệm nơi đây. Em rất yêu cảnh núi rừng quê em. Em mơ ước sau này sẽ trở thành kĩ sư nông nghiệp để giúp bà con trồng rừng và có ý thức bảo vệ rừng để rừng ở quê em ngày càng xanh tốt, tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên và mang lại nhiều lợi ích cho con người.
Mẫu 3:
Tả con suối
1) Mở bài gián tiếp: Quê ngoại em là một xóm làng nhỏ nằm ở dưới chân ngọn núi lớn. Ở đây, bà con sống hòa mình với thiên nhiên, nên nhìn đâu cũng là một màu xanh của cây cỏ. Từ làng đi lên núi, là một con đường mòn nhỏ. Con đường ấy men theo bờ suối chảy từ trên ngọn núi xuống. Suốt bao đời nay, ngọn suối ấy vừa là người dẫn đường, vừa là người bạn đồng hành với cuộc sống của bà con chòm xóm.
2) Kết bài mở rộng: Suốt bốn mùa, suối cứ róc rách mà chảy mãi. Từ mùa hạ nắng gắt đến mùa đông rét buốt. Lúc nào nước suối cũng trong trẻo, ngọt lành. Nước suối giúp bà con tưới rau, giặt giũ, gội đầu… Còn là nơi thanh niên trong làng hò hẹn, tâm tình. Em yêu lắm dòng suối quê mình. Chỉ mong sao dù bao nhiêu mùa mưa nắng nữa, thì suối vẫn mãi đong đầy như vậy.
>> Tham khảo: Viết đoạn mở bài gián tiếp và kết bài mở rộng cho bài văn tả cảnh thiên nhiên