Tập làm văn lớp 5: Tả giàn mướp nhà em (Dàn ý + 11 Mẫu)

Tập làm văn lớp 5: Tả giàn mướp nhà em (Dàn ý + 11 Mẫu)

TOP 11 bài văn Tả giàn mướp SIÊU HAY, mang tới những thông tin hữu ích cho các em học sinh lớp 5 có thêm nhiều ý tưởng mới, nhanh chóng hoàn thiện bài văn tả giàn cây leo thật hay, dễ dàng đạt điểm cao trong bài kiểm tra viết sắp tới.

Bạn đang đọc: Tập làm văn lớp 5: Tả giàn mướp nhà em (Dàn ý + 11 Mẫu)

Tập làm văn lớp 5: Tả giàn mướp nhà em (Dàn ý + 11 Mẫu)

Mướp là loài cây leo như bầu, bí, cho quả ngon để nấu thành nhiều món ngon, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Vậy mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài văn tả cây cối:

Tả giàn mướp lớp 5 hay nhất

    Dàn ý Tả giàn mướp lớp 5

    a) Mở bài

    – Giới thiệu về giàn cây ăn quả em sẽ tả (em tả giàn mướp).

    • Ai trồng? (mẹ em trồng).
    • Trồng vào khi nào? (trồng cách đây mấy tháng).
    • Trồng ở đâu? (trồng ở bờ ao).

    b) Thân bài

    • Tả cây: Cây thân leo, bò ngoằn nghèo trên giàn.
    • Tả lá: Lá to hơn bàn tay người lớn, mặt lá ram ráp,…
    • Tả hoa: Hoa màu vàng tươi.
    • Tả quả: Nhiều quả. Lúc đầu nhỏ sau to dần, to dần.

    c) Kết bài

    • Nêu tác dụng của của mướp.
    • Cảm nghĩ của em đối với giàn cây em tả.

    Tả giàn mướp ngắn gọn

    Ở trước sân nhà em là một vườn hoa rất đẹp. Vườn hoa ấy có một mái che thiên nhiên màu xanh chính là giàn mướp.

    Giàn mướp ấy rộng như cái giường ngủ của bố mẹ em. Một đầu của giàn gác lên bờ rào bằng xi-măng, đầu còn lại gác lên hai trụ gỗ do bố em đóng xuống. Mặt giàn thì được thành từ tấm lưới sắt lỗ vuông to như bàn tay. Lúc ban đầu, bố em chỉ trồng sáu cây mướp con ở dưới chân sàn, em còn lo không thể che kín mặt sàn được. Vậy mà giờ từ vài cây con ấy, biết bao cành và nhánh mướp mọc ra, bò kín mặt giàn. Lá mướp có hình như lá phong, khá mỏng và nhám do có nhiều gai li ti trên bề mặt. Đẹp nhất là khi mướp ra hoa. Những bông hoa mướp có mùi thơm rất dễ chịu, màu vàng tươi bắt mắt đã thu hút rất nhiều ong bướm đến chơi. Ít lâu sau, chúng kết thành trái, hoa tàn thì hội mới tan. Những quả mướp to và dài chừng 20cm đến 30cm. Bố em kéo cho tất cả treo lủng lẳng xuống dưới giàn. Nhìn thích mắt vô cùng.

    Giàn mướp vừa tạo bóng mát cho vườn hoa, lại còn cho nhiều trái. Em rất yêu giàn mướp nhà mình.

    Tả giàn mướp

    “Từ độ người đi biết trưa quê
    Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về
    Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn
    Thơm đến trưa này trưa mướp quê”.

    (“Trưa quê” – Sao Mai)

    Những giàn mướp từ lâu đã đi vào thơ ca như thế, là hình ảnh khó quên của tuổi thơ mỗi người. Tôi cũng vậy, giàn mướp sau nhà là một phần không thể quên.

    Nằm ở phía sau nhà, giàn mướp được dựng lên ngay gần chiếc ao nuôi cá của gia đình. Những cây gỗ rắn chắc và cây nứa được bố lựa chọn cẩn thận, dựng lên thành chiếc giàn rất dài và rộng. Mới hôm nào bố dựng, chỉ có những ô vuông viền màu nâu trống rỗng, và những cây mướp chỉ là những chiếc dây màu xanh nhỏ xíu bám víu lấy chân cột. Rồi chiếc dây nhỏ bé ấy lớn dần thành những sợi dây to bằng chiếc ống hút, chiếc đũa, cứ cao dần và bám chặt vào những thanh nứa trên sàn. Chẳng mấy chốc, chiếc giàn trống không đã được lấp đầy bằng những chiếc lá chen chúc nhau. Cả khu vườn được tô điểm, làm mới bởi màu xanh non rất đặc trưng của lá mướp.

    Những chiếc lá mướp to bằng những chiếc vung, như những chiếc lá khoai thu nhỏ vậy. Những chiếc lá gây khó chịu bởi cái lông ở bên trong. Những vân lá hiện rõ rệt, in đậm trên thân lá. Xen giữa màu xanh của lá là màu vàng tươi sáng của hoa mướp. Những bông hoa to, xòe năm cánh rực rỡ, kiêu hãnh nhìn lên bầu trời. Chúng đang tận hưởng thời khắc đẹp đẽ và quý giá của mình. Nhưng có những bông hoa vội và, liền biến thành quả. Những quả mướp ban đầu nhỏ xíu, treo lủng lẳng trên giàn mướp. Rồi chúng lớn dần, khoác chiếc áo màu xanh nhạt với những chiếc gân sọc dọc từ đầu đến cuối. Có những quả mướp to bằng bắp tay người, dài 40- 50 cm, càng xuống phía dưới lại càng phình to ra. Khi những cơn gió đi qua, quả mướp đung đưa như những đứa trẻ tinh nghịch đang chơi trò chơi mạo hiểm.

    Giữa những trưa hè nắng nóng, có một giàn mướp với màu xanh tươi mát trong vườn làm cho không khí thêm dễ chịu và thoải mái. Đặc biệt, nó còn gắn với tuổi thơ của tôi. Đó là những ngày thuở bé bên bố làm giàn, nhìn bố buộc từng thanh nứa vào với nhau. Đó là những lúc chúng tôi rủ nhau trốn ngủ chưa, nằm dưới giàn mướp, ngước nhìn lên để ngắm những tia nắng lọt qua khe hở hiếm hoi chiếu xuống mặt đất. Những chiếc lá mướp hay hoa mướp còn để nghịch làm trò chơi tuổi nhỏ. Những quả mướp tươi ngon mà làm canh thì thật là mới ngon làm sao. Canh mướp thơm ngon, bổ dưỡng làm người ta dịu đi trong mùa hè oi ả.

    Giàn mướp, những quả mướp đã đi cùng với những ngày tháng tuổi thơ tôi. Mai này dẫu có bao nhiêu loại quả đẹp và sang trọng tôi vẫn yêu loại quả giản dị này.

    Tả giàn mướp nhà em – Mẫu 1

    Vườn rau nhà em tuy nhỏ bé nhưng chung sống với nhau rất hòa thuận. Tất cả cùng nhau lớn lên dưới bàn tay vun vén của mẹ em. Và có một khoảng ở cuối vườn, mẹ em dùng để trồng một giàn mướp.

    Từ cổng vào, nằm ngay bên trái là khu vườn nhà em. Giàn mướp trông như một chiếc phông bạt che nắng che mưa. Dưới giàn mướp vẫn là nơi trú ngụ của những chú gà tranh thủ kiếm mồi rồi nghỉ ngơi luôn. Mướp là dạng thân leo, tinh nghịch không chịu đứng yên một chỗ. Bởi vậy, bố em đã làm một cái giàn bằng tre vuông vắn, vững chắc cho nó. Cây lan rất nhanh. Thân cây bé chỉ bằng ngón tay người lớn và phân tán dần sẽ nhỏ đi. Nhưng lạ lùng thay, chúng lại quấn chặt vào những thanh tre. Nếu không có lá phủ, nhìn thân mướp không khác gì những con rắn bò ngổn ngang. Lá mướp khá to, màu xanh thẫm, năm khía và có những đường gân nổi lên rõ. Trông chúng khá giống lá phong em hay thấy trong sách báo nhưng chắc lá mướp mềm và mỏng hơn nhiều. Trên mặt lá, nhìn kĩ sẽ có một lớp lông mỏng, trắng, sờ vào em thấy có cảm giác thô ráp. Những chiếc lá vươn lên như những bàn tay vẫy chào đung đưa mỗi khi chị gió ghé qua. Mướp còn có những sợi dây mảnh và xoăn tít như sợi mì tôm. Khi em chơi đồ hàng, em thường lấy đó giả làm đồ trang sức. Giàn mướp rực rỡ nhất là khi được thay chiếc áo vàng của những bông hoa. Hoa mướp vàng rực, cộng hưởng với nắng thì cả tỏa sáng hơn. Một loài hoa chốn thôn dã mà vẫn kiêu sa, quyến rũ như một nàng công chúa. Hoa mướp có năm cánh xòe ra để lộ rõ đóm nhụy của mình, thu hút biết bao ong bướm đến làm quen. Từ hoa, cây mướp sẽ cho ra những quả dài cỡ nửa cánh tay em, treo lủng lẳng trong không trung. Quả mướp cũng có làn da xanh nhạt, thon và chắc. Chúng như những đứa trẻ nghịch ngợm đu mình, lắc qua lắc lại cùng chị gió. Gia đình em thường dùng mướp để nấu canh cùng với mồng tơi, hay xào lên cũng rất ngon và bổ dưỡng. Ngay cả quả mướp khô chỉ còn lại sớ cũng được dùng làm cái chà rửa bát.

    Hình ảnh giàn mướp là mảnh ghép không thể thiếu trong kí ức tuổi thơ của mỗi người, là nét đẹp cùng vùng nông thôn Việt Nam.

    Tả giàn mướp nhà em – Mẫu 2

    Nhà em có một khu vườn bé bé xinh xinh để trồng rau sạch và các loại cây ăn quả, cứ mỗi khi em đạt kết quả cao em lại được bố thưởng cho hạt giống của một loại cây em thích để trồng ở trong vườn. Phía góc vườn là một giàn mượt xanh rì, đó là phần thưởng cho sự nỗ lực của em khi đạt được giải Nhì môn văn cấp trường hồi năm ngoái, đó cũng chính là loại cây mà em yêu thích nhất.

    Một năm trôi qua, leo lên bờ tường góc vườn, cây lớn nhanh như thổi, những giàn lá xanh biêng biếc, mơn mởn cứ thế tươi tốt, xum xuê. Thân cây mảnh khảnh nên phải bấu víu vào bờ tường, vào cành cây bên cạnh, những chiếc lá bóng bẩy, xanh mướt, tràn đầy sức sống. Lấp ló trong giàn lá xanh biếc ấy là những quả mướp to nhỏ căng mọng tươi tắn. Ngày nào em cũng theo chân bà ra vườn để tưới cây, nhặt lá sâu, bắt sâu cho cây để cây có thể sống khỏe mạnh, tươi tốt cho ra những thức quả ngon tươi thơm hơn. Chắc hẳn ai cũng đã từng thưởng thức món canh cua đồng mà lại quên đi hương vị của những miếng mướp ngọt, mềm mềm chứa đựng hương vị của thiên nhiên của quê hương và của cả yêu thương. Nhìn từ xa cây giống như một thiếu nữ dịu dàng, yểu điệu đứng tựa vào góc tường, hai tay vịn vào tán cây bên cạnh ngước mắt nhìn bầu trời với bao suy nghĩ, bao tâm sự, nỗi lòng.

    Em rất yêu quý giàn mướp, cây là người bạn thân thiết của gia đình em, làm đẹp và tràn ngập sức sống cho khu vườn nhỏ bé nhà em. Em sẽ chăm sóc cây thật tốt để ây luôn khỏe mạnh, tươi tốt mãi với thời gian.

    Tập làm văn lớp 5: Tả giàn mướp nhà em (Dàn ý + 11 Mẫu)

    Tả giàn mướp nhà em – Mẫu 3

    Quê em nằm ở vùng nông thôn, cách khá xa vùng đô thị nhộn nhịp, huyên náo. Quê em tuy nghèo nhưng cuộc sống lại vô cùng yên bình, êm ả, người dân quê em ai cũng rất hòa đồng, thân thiện. Tuy không có những thứ đồ vật đắt tiền, những loại đồ ăn sang trọng nhưng những đồ ăn dân giã quê hương em thì không hề thua kém bất cứ món đặc sản nào. Một trong những đặc trưng của quê em, đó là các loại nông sản, các loại rau quả sạch, tươi, ngon. Nhắc đến các loại quả phục vụ cho bữa ăn của con người thì không thể không kể đến quả mướp hương.

    Mướp hương là một loại cây leo, rất dễ trồng và cho rất nhiều quả. Ở quê em, bố mẹ em cũng như các bác hàng xóm đều trồng ở vườn nhà mình từ một đến hai giàn mướp. Để cho cây mướp phát triển tươi tốt và cho nhiều trái quả thơm thì mọi người đều phải chuẩn bị những giàn bằng tre, gỗ để cho cây mướp leo lên và phát triển, vì thân mướp rất mềm, không vững chắc được như các cây xoài, cây cam…, nếu không có những giàn chống đỡ thì cây mướp không thể phát triển và không cho những trái mướp tươi ngon được. Ngoài trồng mướp ở các giàn thì mọi người quê em còn trồng mướp gần các cây cao, như cây nhãn, cây vải, hay gần những bờ rào, những bức tường. Ở những nơi này thì cây mướp vẫn có thể leo lên và phát triển được, lại không mất nhiều công sức cho việc mắc giàn. Tuy nhiên, việc thu hoạch mướp sẽ khó khăn hơn so với trồng ở giàn.

    Mướp có thân mềm và rất nhỏ, thân mướp chỉ to khoảng một chiếc đũa ăn cơm, nhưng nó lại có khả năng phát triển rất dài và leo bám vào giàn, lá của cây mướp có hình tim, đường vân lá nổi lên rất rõ. Lá mọc dọc khắp thân của cây mướp, lá mướp còn được mọi người quê em dùng để lau đi nhựa mít, vì nhựa mít nhiều và dính, lá mướp lại có khả năng lấy đi những thứ nhựa dính đó, giúp cho múi mít thơm, ngon và sạch nhựa hơn. Một bộ phận nữa không thể thiếu của cây mướp đó chính là hoa mướp, hoa mướp rất thơm, đặc biệt là của loại mướp hương, ngoài quả thì hoa mướp cũng được nhiều người hái để nấu canh. Và phần quan trọng nhất, có giá trị nhất của cây mướp đó chính là quả mướp. Quả mướp được mọc ra từ những bông hoa, sau khi trưởng thành thì quả mướp to chừng bằng cổ tay.

    Những quả mướp này dùng để nấu canh rất ngon, đặc biệt là món canh cua. Món ăn này em và mọi người trong gia đình đều rất yêu thích, đặc biệt là vào ngày hè, món ăn này càng trở nên ngon lành hơn. Quả mướp tuy là một loại quả dân dã nhưng nó lại có thể chế biến ra những món ăn vô cùng ngon miệng. Cây mướp là một loại cây được trồng phổ biến ở tất cả các vùng quê trên lãnh thổ Việt Nam, tuy không có giá trị cao về kinh tế nhưng lại rất có giá trị trong đời sống sinh hoạt, trong bữa ăn hàng ngày của mọi người.

    Tả giàn mướp nhà em – Mẫu 4

    Nhà em có một mảnh vườn rộng. Vườn nhà em trồng rất nhiều những loại cây khác nhau từ cây ăn quả đến cây rau, nhưng em yêu thích nhất là giàn mướp xanh của mẹ nơi góc vườn. Giàn mướp ấy đã gắn bó với gia đình em từ rất lâu rồi.

    Em nhớ khi mới bắt đầu trồng cây mướp, em còn rất bé. Ngày đó, ngắm nhìn mẹ dựng khung giàn mướp, bản thân em cũng thấy vô cùng lạ lẫm vì trước giờ em chỉ mới nhìn cây trồng trực tiếp trên đất và cao dần lên, sau khi được mẹ giải thích, đứa trẻ ngây thơ cũng phần nào hiểu ra và tràn đầy sự tò mò với giàn mướp ấy. Khung giàn mướp không quá to,dài khoảng mét rưỡi. Hạt giống sau khi gieo xuống đất, trải qua một vài ngày, cây mướp sẽ bắt đầu nảy mầm, cao dần lên, mọc ra những tua rua quần lấy thanh tre bên cạnh và cứ như vậy lớn dần lớn dần, bọc kín cả giàn. Giàn mướp xanh ngắt màu của lá, lá mướp to, mềm mỏng, viền lá lùi vào, tiến ra tạo thành hình những chiếc răng cưa to. Vì mướp thuộc giống cây leo nên cành cây của nó chính là những sợi tua mỏng manh, mềm mại quấn quanh những thanh tre nứa của giàn.

    Mướp dễ trồng và dễ thích ứng trong nhiều dạng thời tiết vậy nên mùa mướp thường có quanh năm. Hoa mướp to, vàng rực, những bông hoa năm cánh nhụy vàng nở rộ như tô điểm thêm cho màu xanh của lá. Hương hoa thơm ngát, thu hút ong bướm ngày ngày đến hút mật. Đến khi kết trái, những quả mướp chồi ra, từ nhỏ rồi to dần. Quả mướp vỏ xanh nhạt, sần sùi, sờ mềm nhũn. Quả nào quả nấy dài, đung đưa như chơi đùa cùng chị gió. Có quả thẳng, có quả lại cong như vầng trăng lưỡi liềm, những trái mướp lúc lỉu trên giàn như mời gọi con người đến hái quả.

    Cho đến nay, giàn mướp nhà em đã um tùm lá xanh ngắt, trông nó không khác gì chiếc mái hiên nhỏ thơ mộng, xinh đẹp, che nắng che mưa nơi góc vườn. Ngày ngày, chim chóc đậu trên giàn mướp, cất tiếng hót rộn rã. Giàn mướp ấy không chỉ cho quả mà còn tạo nên một không gian yên bình, đẹp đẽ, là nơi nghỉ ngơi lí tưởng vào những ngày hè oi ả, những chiều thu se lạnh có giàn mướp che chở để tìm kiếm sự yên bình. Mối ngày em đều chăm chỉ tưới nước, chăm sóc cây để giàn mướp mãi tươi tốt, nó cung cấp nguồn thực phẩm cho gia đình em, tạo bóng mát một khoảng vườn. Giàn mướp ấy đã tồn tại được khá lâu rồi, vậy nên nó thân thương mà gắn bó vô cùng.

    Có lẽ sau này, dù đi đâu xa, giàn mướp nơi góc vườn vẫn sẽ mãi tồn tại trong tâm trí em. Em rất yêu thích giàn mướp ấy, nó giống như một phần của gia đình em vậy.

    Tả giàn mướp nhà em – Mẫu 5

    Trong khu vườn nhỏ nhà em có rất nhiều loại cây, loại hoa nhưng em thích nhất là giàn mướp ở gần giếng nước cuối vườn.

    Khung của giàn mướp rộng dài tầm khoảng bốn mét, rộng tầm một mét rưỡi đến hai mét. Mới ngày nào cây mướp còn nhỏ xíu mà bây giờ mướp đã leo khắp giàn. Một màu xanh non mơn mởn phủ lên khắp giàn trông thật đẹp mắt. Trên màu xanh ấy xuất hiện một vài những bông hoa mướp màu vàng nhỏ nhỏ. Hoa mướp nở vào mùa xuân, còn quả mướp kết trái khi hè về. Ngoài ra mướp là một loại cây dây leo dễ trồng và cho nhiều quả nên được nhân dân ưa chuộng trồng rất nhiều ở vùng nông thôn.

    Quả mướp hình trụ dài, thẳng hoặc hơi cong cong, to bằng cổ tay em bé. Mướp non có màu trắng xanh với đường vân thẫm dài. Vỏ mướp bên ngoài có thể là màu ngọc lục bảo, màu vàng hoặc màu nâu thẫm khi về già. Mướp có thân mềm và nhỏ, chỉ to bằng chiếc đũa ăn cơm nhưng có khả năng leo rất tốt và cũng rất dài. Lá mướp nhìn hơi giống lá phong của Nhật, có đường vân khá rõ ràng. Hoa mướp bé bé xinh xinh màu vàng nhạt, nhìn hoa mướp rất giống với hoa bầu hoa bí, còn giống với hoa su su nữa nên nhiều lúc em chẳng phân biệt được đâu là hoa mướp.

    Mùa hè nóng nực đến mà có bát canh mướp nấu với cua thì ngon và mát phải biết. Ngoài ra cây mướp còn có rất nhiều tác dụng khác như lá mướp có thể được dùng để lau nhựa mít vì lá mướp có khả năng lấy đi thứ nhựa dính kia làm cho mít thơm ngon và sạch nhựa hơn. Ngoài ra giàn mướp còn thu hút rất nhiều những chú ong, nàng bướm đến hút mật đùa vui tạo cho khung cảnh xung quanh đẹp như một bức tranh.

    Em rất yêu giàn mướp. Em sẽ cùng bố chăm sóc và bắt sâu để giàn mướp ngày càng ra nhiều hoa hơn, đơm hoa kết quả nhanh hơn.

    Tả giàn mướp nhà em – Mẫu 6

    Trong vườn nhà em có rất nhiều cây leo như: su su, bầu, bí, hoa thiên lý,…trong đó em thích nhất là giàn mướp hương mà bà nội em trồng ở sau vườn.

    Khung giàn mướp được làm bằng tre dài năm mét, rộng hai mét. Mới hôm nào, cây mướp còn nhỏ xíu. Chỉ mấy hôm sau, ngọn mướp đã bò khắp giàn. Tay mướp chỉ nhỏ bằng que tăm, mới chiều hôm nay tay mướp chỉ dài khoảng năm phân mà sáng mai tay đã dài mười năm phân quấn chặt vào giàn. Thật là kì lạ phải không các bạn!

    Chẳng mấy chốc một màu xanh tươi đã phủ kín mặt giàn. Khi đã leo khắp giàn thì mướp bắt đầu ra hoa. Hoa mướp màu vàng tươi như mời gọi ong bướm đến hút mật. Rồi quả mướp bé xíu thi nhau chồi ra như muốn mở lời chào ngày mới. Quả bằng ngón tay, bằng con chuột, bằng con cá chuối to. Quả thì thẳng, quả thì cong như vầng trăng gần giữa tháng. Quả này chen với quả kia lúc lỉu khắp giàn. Sáng nào, em cũng ra vườn hái mướp về ăn. Mướp nhiều quá, mẹ sai em cắt mang biếu họ hàng, hàng xóm mỗi người vài quả. Ai cũng khen mướp nhà em ngon và thơm.

    Cây mướp nhà em rất nhiều tác dụng, vào mùa hè mà có bát canh cua hoa mướp thì thật là tuyệt! Lá mướp tươi để lau nhựa mít. Ai bị nước ăn chân thì dùng lá mướp khô sẽ khỏi. Em sẽ chăm sóc cây mướp thật tốt để cây cho nhiều quả.

    Tả giàn mướp nhà em – Mẫu 7

    Đôi bàn tay của mẹ không chỉ nuôi hai chị em em khôn lớn, trưởng thành mà đôi bàn tay khéo léo ấy còn gieo trồng, nuôi dưỡng biết bao nhiêu loài cây. Trong vườn nhà em có rất nhiều cây như cây chanh, cây táo, cây rau đay, rau mồng tơi,…đều do một tay mẹ gieo hạt, bón phân, tưới nước,… Và đặc biệt tại khu vườn ấy, còn có một giàn mướp nữa – một giàn mướp mà như điểm thêm sắc cho khu vườn nhà em.

    Ở mỗi một vùng nông thôn, dường như tại gia đình nào cũng trồng ngay tại vườn nhà mình một giàn mướp. Mướp không giống những cây chanh hay cây táo và một số loại cây khác, chỉ cần công chăm sóc là lớn mà mướp cũng như các cây dây leo khác, còn cần đến giàn để nâng đỡ hoặc leo xung quanh một cây cứng vì nó thuộc họ thân mềm. Để gieo trồng mướp, cần có hạt giống, để từ hạt giống ấy, mướp sẽ dần trưởng thành. Càng lớn, thân mướp càng bám chặt vào giàn hơn và lan rộng ra khắp giàn rộng chừng hai mét. Ngọn của mướp rất mảnh dẻ nhưng nó lại có thể nâng đỡ đến vài trái mướp to đấy. Lá mướp có màu xanh đậm, dẹt, có năm khía chụm lại ở cuống, có nhiều đường vân và đặc biệt là nhìn rất giống lá phong. Nổi bật giữa màu xanh của những chiếc lá ấy là những bông hoa mướp vàng năm cánh. Trông giàn mướp cứ y như là một cô gái khoác trên mình tấm áo màu xanh có điểm những họa tiết màu vàng vậy, trông mới duyên dáng làm sao. Những bông hoa mướp vàng ấy đã hấp dẫn, thu hút biết bao nhiêu chú ong, cô bướm đến hút mật bởi vẻ đẹp của mình toát ra từ mùi hương dịu nhẹ tỏa lan khắp không gian. Còn quả mướp khi còn nhỏ có màu xanh, chỉ độ bằng hai đốt tay người lớn thôi nhưng khi lớn lên, sẽ to bằng cổ tay người lớn, càng về già thì nó càng to lớn. Mướp khi chín thì vẫn có màu xanh ngọc và rồi khi về già, thì nó khoác trên mình tấm áo nâu. Vỏ mướp có phần cứng nhưng ruột trong lại vô cùng mềm. Mướp khi chín thường được dùng để nấu canh. Mùa hè mà có trái mướp để nấu canh cua thì còn điều gì tuyệt vời hơn nữa!

    Hình ảnh giàn mướp cùng đôi tay khéo léo, kì công chăm sóc của mẹ sẽ mãi là hình ảnh không bao giờ phai mờ trong tâm trí em. Trái mướp ấy như gợi em nhớ về bát canh thơm ngon mẹ nấu, về một tuổi thơ ngập tràn kỉ niệm ở vườn nhà.

    Tả giàn mướp nhà em – Mẫu 8

    Gần giếng nước, bố em trồng hai gốc mướp hương. Cây đã leo lên giàn và đang đơm hoa, kết trái.

    Bố vun đất thành một hố chậu rồi gieo hạt mướp. Hạt nảy lá mầm bé xíu rồi lớn dần rất nhanh. Lúc đầu gốc bé bằng ngón út rồi lớn dần. Dây mướp to bằng ngón tay cái, bám chặt cây đờ, bò lên giàn. Thân cây càng lên cao, càng nhỏ dần nhưng bám giàn rất chắc. Thân cây mướp cũng như lá, đều có lông sờ ráp tay. Dây mướp leo đến đâu, lá mọc ra đến đó. Lá mướp rất đẹp, lá có năm khía chụm lại ở cuống lá. Gần gốc, lá mướp to bằng bàn tay người lớn, càng lên cao, lá cũng nhỏ dần.

    Ngọn của cây mướp mảnh dẻ nhưng quấn chặt giàn, nâng đỡ năm bảy trái mướp lớn. Hoa mướp màu vàng ươm, xoè năm cánh tròn xoay quanh nhụy hoa, đều như tranh vẽ. Hạt mướp gieo xuống đất độ một tháng thì cây đã leo kín giàn và ra hoa. Hoa mướp có màu vàng như hoa cúc. Hoa mướp toả hương mời gọi ong bướm đến. Ong bướm làm ông mai, bà mối để hoa thụ phấn cho quả nhỏ xíu bằng ngón tay. Trái mướp lớn lên rất nhanh, thon thon bằng cổ tay em, dài từ ba mươi xăng-ti-mét đến năm mươi xăng-ti-mét. vỏ của quả mướp hơi cứng nhưng thịt của quả mềm, ngậm nước. Hoa mướp khô lại, quắp ở chóp đuôi của quả mướp. Giống mướp bố trồng là mướp hương nên cả hoa và quả của nó đều có mùi thơm. Quả mướp sắt nhỏ, xào lên thì hương thơm lan toả ngào ngạt khắp nhà. Mùi hương của mướp như mùi thơm của nếp, mùi mướp thơm ngào ngạt, lâng lâng gợi cho em cảm giác thèm ăn một chén cơm nóng với mướp xào, nếu có thêm chút rau hành hay cá khô thì ngon tuyệt.

    Giàn mướp điểm hoa vàng trên nền lá biếc, trái treo lủng lẳng trên giàn che mát sân giếng. Bố lúc gieo hạt chỉ muốn đủ quả để ăn, giờ thì tiện lợi hơn nên bố bảo sẽ trồng thêm một gốc bầu nậm nữa để mướp có bầu, có bạn. Bầu và mướp luân phiên cải thiện bữa ăn của gia đình em làm cả nhà rất vui.

    Bố mới gieo hạt bầu. Cả nhà háo hức chờ bầu leo lên giàn, thế là mướp sẽ có bầu, có bạn. Em rất thích ngắm giàn mướp điểm hoa, đậu trái. Giàn mướp làm cảnh sắc ngôi nhà thân yêu của em tươi mát và sung túc thật dễ thương.

    Tả giàn mướp nhà em – Mẫu 9

    Nhà em có một mảnh vườn nho nhỏ được bố mẹ em dùng để trồng những loại rau củ và cây ăn quả. Có diện tích không to lắm, thế những mảnh vườn ấy lại là nơi hội tụ của biết bao nhiêu loại cây mà bố mẹ em trồng: nào xà lách, súp lơ, bắp cải, xoài ổi,… nhưng em thích nhất vẫn là giàn mướp hương mà bố mẹ em thường trồng vào đầu mùa hè. Và đó cũng chính là nơi mà tuổi thơ của em lớn lên cùng tình cảm của bố mẹ vun trồng, chăm sóc.

    Mướp hương là loại mướp nhỏ nhưng rất thơm và ngon. Chính vì vậy cho nên mướp hương thường thu hút ong bướm tới. Nếu không được bảo vệ cẩn thận thì những quả mướp hương nhỏ xinh sẽ rất dễ bị ong châm và hỏng. Hồi còn nhỏ, mẹ em thường bảo một câu rằng: trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt mướp. Vào những ngày đầu hè, bố em thường lấy những hạt giống của những quả mướp già từ những năm trước để lại rồi gieo xuống chỗ đất mềm xốp, ẩm ướt để cho chúng có thể vươn lên những mầm xanh cho nhanh lớn. Bố còn lấy những đoạn tre nhỏ, rào xung quanh chỗ trồng mướp để tránh cho những chú gà bới đất hay những chú chó tinh nghịch chạy qua sẽ làm hỏng cây non. Qua đôi bàn tay chăm sóc của bố, những cây mướp nhỏ nhanh chóng chui ra khỏi mặt đất rồi vươn mình đón những ánh nắng đầu tiên. Thời gian chúng lớn cũng rất nhanh so với những loại cây khác, chẳng mấy chốc, cây mướp nhỏ đã bắt đầu mọc những tua dài màu xanh và dần quấn tới những cành cây gần nó. Thời gian này, bố thường sẽ bắt đầu làm những giàn ở phía bên trên để cho những dây quấn được bám vào và phát triển. Giàn được làm chống bởi bốn thanh sắt ở bốn phía, phía trên có những cành tre được chẻ một cách cẩn thận và được xếp thành những hình vuông nhỏ cho mướp có thể leo lên. Ngày qua ngày, những cành mướp đã xanh tốt với những đoạn tua chắc khỏe bám vào giàn.

    Phía trên, những bông hoa bắt đầu nở, màu vàng rực rỡ như màu nắng cùng mùi thơm đã thu hút những chú ong mật và cả những đàn bươm bướm tới đây tìm mật và bay lượn. chỉ ít ngày sau khi hoa nở, những quả non bắt đầu nhú ra từ nhụy. Những quả non ấy lớn lên nhanh lắm các bạn ạ. Mẹ còn dặn dò em là khi nhìn mướp thì không được chỉ tay hay sờ vào vì như thế sẽ làm mướp bị thui chột từ bé và không thể thành quả. Vì vậy, những lúc như thế, em chỉ có thể nhìn ngắm chúng từ một góc và háo hức chờ đợi cho tới lúc mướp trở thành những quả to và dài. Khi nhỏ, mướp vẫn còn những tàn hoa màu nâu ở bên dưới. Sau đó, những tàn hoa ấy không còn thì chúng bắt đầu lớn dần ra và dài dần ra. Bên ngoài lớp vỏ là một lớp lông nhỏ và mịn như thể chúng không hề thấm nước vậy. đây là khoảng thời gian mình phải bảo vệ cho mướp nhiều nhất vì nếu bị ong chích thì chúng sẽ bị hỏng hết và không thể nào ăn được. Khi những quả mướp lớn dần, màu xanh chuyển sang đậm hơn và có thể ngắt xuống ăn được. Nếu để mướp trên cây lâu quá thì chúng sẽ bị già và khô, lớp vỏ dày và không còn ăn được nữa, chỉ có thể lấy xơ mướp rửa bát và lấy hạt phơi trồng cho những năm sau.

    Mướp là một loại quả có rất nhiều công dụng. Không chỉ có thể xào nấu với thịt mà mướp còn được cho chung vào món canh cua cùng rau đay, rau mồng tơi cũng rất ngon nữa. Đó cũng mang tình thương của cha mẹ dành cho chúng em, bởi thế, với em, cây mướp cũng chính là một kỉ niệm của tuổi thơ thật là đẹp.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *