TOP 2 mẫu Tả nghệ sĩ hài Xuân Hinh SIÊU HAY, ấn tượng nhất, giúp các em học sinh lớp 5 có thêm nhiều ý tưởng mới, nhanh chóng miêu tả phong cách biểu diễn tuyệt vời của nghệ sĩ hài Xuân Hinh.
Bạn đang đọc: Tập làm văn lớp 5: Tả nghệ sĩ hài Xuân Hinh
Nghệ sĩ hài Xuân Hinh sở hữu khuôn mặt tròn trĩnh, phúc hậu, mang tới những vở hài kịch lém lỉnh, láu cá đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Vậy mời các em cùng tham khảo 2 bài văn tả nghệ sĩ hài Xuân Hinh trong bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm nhiều ý tưởng mới cho bài kiểm tra viết Tả người – Tuần 20 của mình:
Tả nghệ sĩ hài Xuân Hinh hay nhất
Tả nghệ sĩ hài Xuân Hinh – Mẫu 1
Những người yêu mến hài kịch thường truyền miệng nhau câu: “Nam Hoài Linh, Bắc Xuân Hinh”, ấy là để chỉ hai nghệ sĩ có chỗ đứng vững chắc và tài năng của hai miền nam, bắc. Gia đình em vốn là dân gốc Bắc nên, bố em rất thích coi hài của Xuân Hinh diễn, từ đó bất giác em cũng yêu quý nghệ sĩ hài này lúc nào không hay.
Xuân Hinh năm nay đã ngoài 60 tuổi, ông không phải là một người đẹp trai, dáng ông hơi thấp, vóc người mập mạp, khuôn mặt tròn trĩnh phúc hậu. Đôi mắt của ông sáng và đẹp, phía trên ấy là cặp lông mày rậm rạp. Khuôn miệng dù không đẹp nhưng lại có một nét duyên khó tả, chính vì thế tổng thể khiến cho khuôn mặt Xuân Hinh lúc nào cũng hài hước vui vẻ, khán giả mới nhìn thôi cũng đã muốn bật cười rồi. Xuân Hinh vốn là dân gốc Bắc, nên giọng nói cũng đậm chất Bắc kỳ, điều này đã góp một phần to lớn vào việc diễn kịch đặc biệt là khi nghệ sĩ thể hiện những câu nói châm biếm sâu cay của dân xứ Bắc, không cần cầu kỳ, chỉ chất giọng thôi đã đủ lưu giữ ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Mọi người thường chỉ biết đến Xuân Hinh qua những vở hài kịch mà ông hóa thân vào, với những vai nghèo hèn, mạt hạng hoặc những vai lém lỉnh, láu cá mà quên mất rằng ông cũng là một nghệ sĩ có giọng hát rất hay, từng trúng tuyển vào đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh và thi đỗ vào trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Xuân Hinh thành công trong cả việc hát chầu văn, cải lương, chèo và cả dân ca quan họ Bắc Ninh, ở thể loại nào ông cũng ghi dấu ấn riêng mà khó nghệ sĩ nào làm được, quả là một nghệ sĩ đa tài. Suốt đời làm việc và cống hiến cho nền nghệ thuật dân tộc mà ông đã hai lần được trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, vinh dự được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng danh hiệu San Francisco về công cuộc nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ, thử nghiệm và phát triển Văn hóa Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Dù rất nổi tiếng và thành công nhưng Xuân Hinh không muốn khán giả gọi mình bằng những cái danh như “vua hài đất Bắc” hay “danh hài” mà chỉ muốn khán giả gọi ông bằng cái tên quen thuộc “Xuân Hinh”, vốn đã theo ông từ thuở chập chững vào nghề, cho thân thuộc, gần gũi, điều ấy đã phần nào thể hiện được phong cách mộc mạc, giản dị của người nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật.
Em rất yêu quý nghệ sĩ hài Xuân Hinh, hy vọng ông sẽ luôn khỏe mạnh để cho ra những tác phẩm thật hay, thật ý nghĩa, được cống hiến hết mình cho nghệ thuật dân tộc, đúng như cái mong ước ban đầu của ông.
Tả nghệ sĩ hài Xuân Hinh – Mẫu 2
Cứ đến mùng tám tháng giêng âm lịch hằng năm, người dân làng em lại nô nức cùng nhau đi chơi hội mừng đầu xuân năm mới. Năm nay là một năm đặc biệt: đình làng được tu sửa mới, làng có nhiều thành tích cao trong hoạt động của xã, tỉnh. Vậy nên nhờ sự tài trợ của một số doanh nghiệp cùng của tỉnh nhà, hội làng năm nay được đón nghệ sĩ Xuân Hinh – người mà em đã hâm mộ bấy lâu. Đây cũng là một người con của quê hương Bắc Ninh khiến ai nấy khi nhắc tới đều quá đỗi tự hào. Điều tuyệt vời nhất với em là được tận mắt nhìn thấy người nghệ sĩ này biểu diễn, sống động và hấp dẫn hơn trên ti vi nhiều.
Từ mấy ngày trước khi đêm hội diễn ra, em và các anh chị trong đoàn thanh niên địa phương đã tấp nập chuẩn bị cho sân khấu. Sân khấu được dựng ngoài trời, ngay sân đình rộng rãi mới được tu sửa đẹp đẽ. Chập tối, những ánh đèn lung linh chiếu từ ngoài cổng vào tới tận sân đình khiến không gian thêm huyền ảo và đậm màu thần bí. Những lá cờ hội mờ mờ dưới ánh đèn, phần phần tung bay trong cơn gió rét còn sót lại của đợt lạnh cuối đông khiến ai nấy bước vào đây vừa thận trọng vì sự trang nghiêm, vừa náo nức vì sắp được xem những tiết mục đặc sắc. Khung cảnh sân khấu thì càng sôi động: những chiếc đèn chuyên dụng to, bộ loa đài hai bên cánh gà cùng những chùm bóng bay được chúng em tỉ mẩn thổi và xếp quanh sân khấu. Tất cả đều long trọng và rực rỡ hơn mọi lần. Trời mới nhá nhem tối mà đã có những gia đình cả đến sớm từ trước để chọn được chỗ ngồi đẹp. Các cụ, các ông, các bà lớn tuổi dường như cũng khỏe ra, xăm xăm đến ngồi cùng lũ trẻ. Thời khắc mong chờ nhất cũng đã đến, nghệ sĩ Xuân Hinh xuất hiện từ phía sau sân khấu làm ồ lên bao tiếng reo hò của bà con. Hôm nay bác diện một bộ áo dài cách tân đỏ rực tràn đầy sức sống, trên đó có thêu cành đào rất đẹp. Thật đúng như không khí Tết vậy! Em xem hài và những ca khúc của bác từ ngày còn bé xíu. Nay được nhìn tận mắt, thấy bác đen hơn trên ti vi, ánh đèn sân khấu rõ nét còn thi thoảng làm lộ ra vài nếp nhăn nơi khóe mắt. Mái tóc được bác cắt cua gọn gàng, làm nổi bật lên khuôn mặt tròn phúc hậu. Hàm răng trắng sáng lúc nào cũng chỉ trực khoe nụ cười thật tươi với khán giả. Hôm nay bác đến hình như không phải với danh hiệu “vua hài đất Bắc” mà đến như một người con trở về quê nhà, như một ca sĩ chỉ hát những bài truyền thống mà làm rung động biết bao người.
Buổi biểu diễn bắt đầu, người dẫn chương trình trang trọng bước ra trong tà áo dài thướt tha. Đó chính là cô Loan hàng xóm nhà em, với chất giọng ấm áp có sẵn của một người giáo viên, buổi biểu diễn hôm ấy thật tràn đầy cảm xúc. Bác Xuân Hinh đứng trên sân khấu với chiếc nón quai thao của người quan họ, thắm thiết vang từng lời ca:
“Có nghe em ca lời giã bạn,
Chảy lên lời trao duyên
Câu quan họ đượm tình quê hương
Mãi ấm lòng người yêu thương.”
Hôm ấy bác không diễn hài mà chỉ hát, hát với dáng vẻ của một người ca sĩ thực thụ. Những bài ca quan họ nối tiếp nhau được trình bày: Ngồi tựa mạn thuyền, Khách đến chơi nhà, cây trúc xinh,… Toàn những lời ca em đã nghe lắm lần nhưng hôm ấy dưới giọng hát của một nghệ sĩ ưu tú, em thực sự thấy ấn tượng mà cuốn theo tất cả. Cả sân đình im phăng phắc nghe bác hát. Chỉ khi bác hát xong một bài, mọi người mới giật mình và vỗ tay không ngừng nghỉ. Bác hát, mắt bác nhắm nghiền như tận hưởng giai điệu, thi thoảng làm vài động tác hề của một nghệ sĩ hài đã ngấm sâu vào người khiến ai nấy cười nắc nẻ. Chiếc mic khi được đưa lên cao, khi lại hạ xuống rất chuyên nghiệp. Cánh tay cầm nón quai thao đưa đẩy nhịp nhàng không khác gì những liền anh liền chị. Thi thoảng có vài bạn nhỏ được bố mẹ dúi vào tay bông hoa hồng cho lên tận bác để được nhìn sát thần tượng của mình. Hôm ấy, bác như đáp lại sự yêu quý của người hâm mộ, còn hát thêm mấy bài nữa không ở trong danh sách biểu diễn. Đêm ca nhạc hôm ấy kéo dài hơn dự kiến, đến tận gần nửa đêm.
Khi chị Loan bước lên sân khấu tuyên bố kết thúc buổi biểu diễn, rất nhiều bà con cô bác chạy lên xin chụp hình với thần tượng. Trong số ấy, có cả mấy bác trung niên, người già và cả trẻ con. Bác Xuân Hinh cũng vui vẻ chụp hình với mọi người và còn thân mật ôm chào mấy cháu nhỏ. Chỉ đến nửa đêm, bác mới vội vã ra xe đi về để tiếp tục chuẩn bị cho buổi làm việc ngày mai. Chỉ khi bác đi khuất rồi, bà con cô bác mới kéo nhau ra về, tiếng cười nói vẫn còn râm ran cả một góc đình.
Đó là một buổi tối tuyệt vời vì em đã có cơ hội chứng kiến thần tượng của mình biểu diễn. Bác Xuân Hinh luôn là người nghệ sĩ mà em kính trọng nhất dù trong lĩnh vực âm nhạc hay điện ảnh. Giai điệu âm nhạc mà hôm ấy bác mang tới sân đình làng tới tận bây giờ em vẫn luôn nhớ rõ:
“Người ơi người ở đừng về
Người về em đợi í ơ…”