Tập làm văn lớp 5: Tả người (Kiểm tra viết) mang tới những bài văn mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 5 có thêm nhiều ý tưởng mới hoàn thiện bài văn tả cô giáo hoặc thầy giáo, tả một người ở địa phương em sinh sống, tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại ấn tượng sâu sắc thật hay.
Bạn đang đọc: Tập làm văn lớp 5: Tả người (Kiểm tra viết)
Qua đó, các em sẽ nắm được cấu trúc một bài văn Tả người, thêm nhiều vốn từ cũng như ý tưởng mới cho bài văn của mình thêm sinh động, để đạt kết quả cao trong bài kiểm tra viết tuần 33. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Tả người (Kiểm tra viết)
Đề bài: Chọn một trong các đề bài sau:
1. Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy em và để lại cho em nhiều tình cảm tốt đẹp.
2. Tả một người ở nơi em sinh sống (chú công an phường, chú dân phòng, bác tổ trưởng dân phố, bà cụ bán hàng,…).
3. Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.
Đề 1: Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy em
Tả thầy giáo
Thầy Hải là người thầy giáo mà em vẫn luôn yêu quý và kính trọng.
Thầy là thầy giáo dạy môn tiếng anh của lớp em. Thầy có ngoại hình rất ưa nhìn và gần gũi. Với chiều cao hơn 1m7 và cơ thể rắn rỏi của người thường chơi thể thao, em cảm thấy thầy chẳng kém gì các nam diễn viên ở trên tivi cả. Thầy Hải rất thích kiểu tóc đầu đinh, thầy bảo cắt như vậy vừa mát lại vừa thoải mái. Đặc biệt, thầy ấy rất thích cười. Lúc nào thầy cũng tươi cười niềm nở với đồng nghiệp và học sinh. Thầy Hải cũng là người rất tốt bụng và nhiệt tình. Thầy luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động chung và giúp đỡ người khác. Chính vì thế, nên cho dù là các thầy cô khó tính nhất hay các bạn học sinh ương bướng cũng đều yêu quý thầy Hải.
Từ khi được học với thầy, những tiết tiếng anh trở nên hấp dẫn lạ kì. Ngoài cách dạy truyền thống, thầy thường xuyên sử dụng máy chiếu để chúng em được xem các hình ảnh, video thú vị. Đồng thời, thầy còn tăng cường thời gian cho chúng em được luyện nói, trao đổi với nhau. Nhờ đó mà chúng em phát âm và nói tiếng anh tốt hơn rất nhiều.
Em quý thầy Hải lắm. Thầy chính là thần tượng để em cố gắng học tập và phấn đấu noi theo.
Tả cô giáo
Mỗi người từng bước từng bước chinh phục được con đường tri thức không chỉ bằng sự nỗ lực của chính mình mà trước hết là sự dìu dắt của những người thầy người cô. Cô Hạnh là một trong những người lái đò đã dạy dỗ và bảo ban em rất nhiều.
Ngày ngày được nhìn thấy cô trên bục giảng nên bóng hình cô đã in sâu vào tâm trí em. Cô năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng vẫn toát ra nét trẻ trung và rạng ngời. Chúng em hay đoán hồi thiếu nữ cô hẳn rất xinh đẹp. Ấn tượng đầu tiên của e khi gặp cô chính là sự duyên dáng, điềm tĩnh thể hiện từ hành động, cử chỉ, giọng nói. Cô có dáng người thanh mảnh, cân đối. Cô không quá cao, khi đi giày thì hình dáng trở nên hài hòa và vừa vặn. Nước da cô trắng hồng, tràn đầy sức sống. Mỗi khi đến trường, trang phục cô hay mặc nhất là áo dài. Đó là những chiếc áo dài chính cô đặt may, không quá cầu kỳ nhưng thanh lịch, tao nhã, tôn lên đường nét và vẻ đẹp của cô. Cô đi rất chậm rãi, khoan thai, không việc gì có thể làm cô vội vàng cả. Bởi vậy hình ảnh cô mặc áo dài với tà áo bay bay và bước đi trên sân trường là kí ức khó quên với mỗi học sinh của cô. Khuôn mặt cô hình trái xoan với hai gò má đầy đặn. Dù phải đeo kính nhưng cặp kính cũng không che được sự ấm áp, hiền từ trong đôi mắt cô.
Khi giảng bài cho học sinh, đôi mắt ấy tràn đầy nhiệt huyết, say sưa. Thỉnh thoảng cô nhìn về phía em như muốn hỏi em có hiểu bài không. Em thấy được khát khao muốn truyền đạt thật nhiều tri thức cho học trò trong đôi mắt ấy. Cô hay cười, nụ cười tươi tắn và rạng rỡ, cùng với hàm răng đều tăm tắp. Nhưng mỗi khi cười cô lại để lộ vết chân chim trên khóe mắt. Mái tóc cô dài đến ngang lưng, đen nhánh, luôn được giữ thẳng và mượt mà. Cô thích mái tóc như thế vì đó là vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt. Đôi bàn tay cô gầy, lộ rõ những đường gân. Nó còn có đôi phần thô ráp vì ngoài là một cô giáo, cô cũng là một người mẹ, người vợ và người con. Bàn tay ấy đã cầm phấn viết bảng mấy chục năm, đã động viên vỗ về mỗi khi chúng em buồn bã, yếu đuối hay mệt mỏi. Giọng cô lúc trầm lúc bổng theo nhịp điệu của bài giảng, đầy sức cuốn hút.
Cô dạy môn Ngữ Văn và là giáo viên chủ nhiệm nên ngoài những bài giảng bổ ích, cô còn là một người bạn, người mẹ, người đi trước truyền dạy cho chúng em những bài học cuộc sống.
>> Tham khảo: Tả cô giáo mà em yêu quý
Đề 2: Tả một người ở nơi em sinh sống
Tả bác tổ trưởng dân phố
Cuộc sống thanh bình xung quanh chúng ta, nhờ có tất cả mọi người chung sức đồng lòng mới dựng xây được. Ai cũng đóng góp vai trò của riêng mình vào cộng đồng chung hôm nay. Thành phố em sinh sống cũng như vậy. Đặc biệt phải kể đến bác tổ trưởng dân phố – bác Thành.
Tổ dân phố của em nằm ở vùng cận ngoại thành thành phố, nhỏ bé mà đầm ấm, hạnh phúc. Bác Thành chính là người có công lao lớn nhất. Trong ấn tượng của em, bác Thành khoảng năm mươi tuổi, là một quân nhân từng được huấn luyện trong quân đội. Dáng người bác cao lớn, hai bờ vai rất rộng lớn, vững chãi. Mái tóc hoa râm với làn da ngăm ngăm đen, vì vậy trông bác rất khỏe mạnh. Khuôn mặt bác vuông hình chữ điền, góc cạnh, chính trực. Tuy nhiên, do dấu vết của thời gian, trên khuôn mặt ấy đã hiện lên những nếp nhăn mờ mờ. Đôi mắt bác sáng, tinh nhanh nhưng lại ánh lên tia nhìn ấm áp, vui tính. Bác cười lên tạo cho người đối diện cảm giác thân thiện và thoải mái.
Thường ngày, bác ăn mặc giản dị và lịch sự, phù hợp với chức vị người tổ trưởng tổ dân phố. Khi ở nhà, bác chỉ mặc bộ quần áo đơn giản như người ông hiền từ. Thỉnh thoảng em vẫn thấy bác Thành mặc bộ đồ vải màu nâu, cùng các cụ ông tập thể dục ở công viên gần nhà.
Tuy là tổ trưởng tổ dân phố nhưng tính tình bác vui vẻ, gần gũi, rất hòa nhã, thân thiện với mọi người xung quanh. Bác luôn quan tâm đến cuộc sống của mọi người. Tháng nào bác cũng đến tận nhà, mời từng gia đình đến họp để thông báo tình hình của khu phố. Bác đặc biệt chú ý và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Bác đến những hộ gia đình có điều kiện hơn động viên họ cùng góp công, góp sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn. Giọng bác ôn hòa và chân thành khiến ai nghe cũng cảm động, không từ chối. Nhờ có bác, nhiều gia đình sống hạnh phúc hơn, nhiều đứa trẻ có được cơ hội đến trường.
Bác quan tâm đến những điều nhỏ nhặt nhất xung quanh mình, từ những em bé đến những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Chỉ cần ở đâu có người cần, em sẽ thấy bóng dáng của bác ở nơi đó. Chân tình và đồng cảm, bác đưa đôi tay nhiều vết chai sần của mình nắm lấy đôi tay những mảnh đời đó, nâng đỡ và yêu thương họ. Nụ cười hiền hậu, ấm áp của bác đã đem lại niềm tin, ánh sáng hi vọng cho cuộc sống u ám của những cuộc đời kém may mắn. Nhìn thấy rác vứt bừa bãi trên đường, bác không bao giờ chần chừ mà ngay lập tức cúi xuống, nhặt và bỏ vào thùng rác, làm gương cho mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, bác cũng chính là người khởi xướng những chương trình giao lưu đầy ý nghĩa cho tất cả mọi người, cho cả những người con xa quê. Ai ai cũng cảm động tấm lòng nhân ái của bác. Từng ngày từng ngày trôi qua, khu dân phố đã ít nhiều thay đổi nhưng người dân nơi đây vẫn dành niềm tin tưởng tuyệt đối cho bác Thành, tin tưởng bác sẽ chăm lo cho nơi này trở nên tốt đẹp hơn.
Đối với người dân nơi em sinh sống, bác Thành không chỉ là bác tổ trưởng dân phố trách nhiệm, tốt bụng mà còn là người hàng xóm láng giềng hòa nhã, hiền lành. Trong sâu thẳm trái tim em, em yêu quý và cũng kính mến bác vô cùng. Không phụ lòng tin của bác ở thế hệ tương lai, em và các bạn đều tự hứa sẽ phấn đấu cùng bác dựng xây cuộc sống tốt đẹp hơn từng ngày.
Tả chú công an
Mỗi người xung quanh chúng ta sẽ để lại một ấn tượng khác biệt. Em sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn thanh bình, yên ả. Em yêu màu nâu áo vải đã bạc sờn của các bác nông dân, yêu màu trắng của tà áo học sinh và yêu màu xanh áo chú công an. Đặc biệt, trong đó có chú Tùng – chú công an xã mà em vô cùng yêu mến.
Ở những vùng nông thôn chúng em, các chú công an không nhiều như thị trấn, thủ đô nhưng người nào cũng nhiệt tình, trách nhiệm. Chú Tùng là một trong số các chú công an công tác tại xã. Chú khoảng hơn ba mươi tuổi, có một người vợ đảm đang, tháo vát và cô con gái xinh xắn, hoạt bát. Chú cao cao, gầy gầy nhưng bóng lưng thì thẳng tắp như thân cây tùng. Nước da rám nắng khỏe mạnh, nổi bật trong bộ quân phục màu xanh. Ấn tượng đầu tiên mà chú để lại trong lòng mọi người là khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị, chính trực. Sống mũi chú cao, thẳng và đôi mắt đen láy, sáng ngời, nụ cười hiền lành, thân thiện đem đến cho người ta cảm giác ấm áp như những người thân quen. Mọi người thường nói, đó là ngoại hình của người thanh niên liêm chính. Chú thường mặc bộ quân phục màu xanh lá cây, giống như màu áo bộ đội ngày xưa. Trên túi áo ngực có thêu tên, ve áo đình phù hiệu và cấp bậc. Vầng trán cao của chú che đi bởi chiếc mũ cứng, nổi bật biểu tượng cờ đỏ sao vàng.
Ngày ngày, chú đều có mặt ở ủy ban nhân dân xã. Dù công việc chính là bảo vệ an ninh trong khu vực nhưng chú luôn chủ động đón tiếp nhân dân, sẵn lòng giúp đỡ khi mọi người có thắc mắc. Chú tỉ mỉ hướng dẫn bà con nông dân các thủ tục hành chính về hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng và giấy tờ các loại. Nhiều lúc, bà con không hiểu, chú kiên nhẫn giải thích rõ, đến khi bà con gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, chú mới nở nụ cười yên tâm. Mọi người đến xã rất yên tâm và thoải mái vì lúc nào cũng có chú Tùng sẵn lòng giúp đỡ. Trong cơ quan, chú cũng vui vẻ, hòa đồng, không ngại ngần khi đồng nghiệp nhờ, cấp trên giao việc nên ai cũng yêu mến chú. Có những đêm đã khuya, mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, chú Tùng vẫn thức, cẩn thận kiểm tra lại các cánh cửa ở ủy ban, xem ngoài đường có thanh niên nào còn chưa vê, nhẹ nhàng nhắc nhở rồi mới yên tâm về với gia đình của mình.
Chú yêu thương những đứa trẻ con, nhiều lần còn tự mình đưa các bạn nhỏ về nhà vì bị lạc. Nhiều thanh thiếu niên nghịch ngợm, gây gổ đánh nhau nhưng chú không bao giờ dùng bạo lực đe dọa mà kiên nhẫn giảng giải, khuyên nhủ. Có anh sau này thay đổi, ngoan ngoãn còn nuôi ước mơ trở thành người công an tốt như chú. Chú cười động viên, dạy anh ấy cả những đức tính mà người công an tương lai cần có.
Mùa bão lũ năm trước, chú đã khiến người dân quê em cảm động, biết ơn mãi. Cơn bão bất ngờ ập đến, mưa gió, sấm chớp đùng đùng, trời bỗng nhiên sụp tối. Ai cũng lo lắng, hoảng sợ không thôi. Nhưng giữa mưa bão, chú lặn lội đi khắp mọi nhà, dặn dò và giúp đỡ chống bão đến tận sáng hôm sau. Chú không đắn đo lao mình vào dòng nước chảy siết cứu sống một bạn nhỏ đang chơi vơi ngụp lặn. Sự cống hiến và tấm lòng vì dân nhân ái của chú đã đem đến cho làng quê an ninh, trật tự và cuộc sống yên tâm, hạnh phúc. Tất cả mọi người đều yêu mến và cảm phục tinh thần bộ đội cụ Hồ của chú Tùng.
Nhiều năm trôi qua, chú Tùng vẫn là chú công an mà người dân quê hương em quý trọng, tin cậy. Chú gắn bó với bà con như người thân trong gia đình. Hình ảnh chú công an trẻ tuổi, nhiệt thành mà tốt bụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của quê hương em. Em rất yêu quý và kính trọng chú.
Tả bà cụ bán hàng nước
Đầu ngõ nhà em có một bà cụ bán hàng nước. Từ khi em còn rất nhỏ, bà ấy đã bán nước ở đó rồi.
Năm nay bà cụ đã hơn 70 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Bà cao khoảng 1m6, nhưng vì lưng hơi cong nên lúc đứng dậy trông cao giống như chị của em. Bà ấy khá gầy, làn da ngăm nhăn nheo có đôi vết đồi mồi ở bàn tay, gò má. Khuôn mặt bà nhỏ, xếp chồng những nếp nhăn của năm tháng. Khi bà cười, đôi mắt nheo lại, khiến nếp nhăn xô vào nhau như vỏ cây quế sau vườn. Cái mũi bà khá thấp, hai má chảy xệ. Còn cái miệng nhỏ thì chỉ còn vài cái răng thôi, nhưng bà vẫn nhai trầu bỏm bẻm, ăn bánh chiều tốt lắm. Bà thường mặc những bộ đồ bà ba màu nâu, xanh khá cũ, nhưng rất sạch sẽ. Chân bà đi đôi giày vải nhìn không rõ thương hiệu. Khi ngồi, bà thường mở gót giày ra cho thoải mái. Đầu bà lúc nào cũng quấn một chiếc khăn với họa tiết sặc sỡ. Thỉnh thoảng khi vắng khách, bà mới mở ra để chải lại tóc, hoặc nhổ tóc sâu. Những lúc ấy, em mới nhìn thấy mái tóc dài đã bạc trắng gần hết, và chỉ còn một nắm nhỏ của bà. Em rất thích nhìn bà cụ khi đang làm việc. Bà thoăn thoắt rửa cốc, rót nước, lấy kẹo, thối tiền cho khách. Tay và miệng bà hoạt động liên tục như một con rối không biết mệt. Dù vậy, lúc nào bà cũng luôn mỉm cười vui vẻ. Vì có vị trí đầu ngõ, nên hay có người hỏi thăm bà. Lúc nào bà cũng chăm chú lắng nghe và trả lời chu đáo. Nhiều bạn nhỏ còn được bố mẹ gửi cho ngồi chơi với bà để đi công chuyện một lát, bà cũng gật đầu ngay.
Bà bán hàng nước đã gắn bó với kí ức tuổi thơ của em suốt bao năm tháng qua. Em mong bà sẽ luôn mạnh khỏe để tiếp tục trở thành kí ức đẹp cho tuổi thơ của bao bạn nhỏ khác.
>> Tham khảo: Tả một người ở địa phương em sinh sống
Đề 3: Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại ấn tượng sâu sắc
Hằng ngày đến trường, em đi qua một công trường đang xây dựng. Em thường bắt gặp ánh mắt vui tươi quen thuộc của chú Hưng làm nghề thợ xây. Lần đầu tiên quen chú, em có cảm tình ngay với đôi mắt ánh lên niềm tự tin của con người nhiều nghị lực.
Với thân hình khá vạm vỡ, chú khoan thai bước lên giàn giáo, bắt tay vào công việc quen thuộc hằng ngày. Chú cúi xuống xúc vữa, trải một lớp lên hàng gạch đã xây. Rồi chú cẩn thận xếp từng viên gạch màu hồng tươi lên trên. Thỉnh thoảng gặp khoảng trống cuối cùng của một hàng gạch, không đặt vừa viên gạch, chú lấy lưỡi bay chặt bớt đi. Chú dùng cán bay gõ nhẹ nhiều lần để gạch được ngay và gắn chặt vào nhau.
Chú cẩn thận lấy thêm vữa lấp đầy khe và làm kĩ để vữa không rơi vãi. Đôi bàn tay thô ráp của chú làm việc thật dẻo dai đều đặn và chính xác. Chú chăm chỉ làm như quên hết tiếng động ầm ĩ xung quanh. Thỉnh thoảng, chú dừng xây, lấy dây dọi xem bức tường có thẳng đứng không.
Khi gạch và vữa đều hết, chú ngồi nghỉ một lát rồi gọi vọng xuống:
– Gạch!
– Vữa!
Thế là gạch được liên tiếp quăng lên. Từ trên cao, chú nhanh nhẹn bắt lấy như một thủ môn lành nghề bắt bóng, vừa bắt chú vừa xếp từng viên một cách gọn gàng ngay ngắn. Một xô vữa nặng được kéo lên và chú tiếp tục làm. Mặt trời ngày một lên cao và bức tường xây cũng mỗi lúc một cao. Chú cởi trần để lộ cái lưng to bè bóng nhẫy và hai cánh tay có bắp thịt nổi lên cuồn cuộn.
Chú huýt sáo một điệu nhạc vui như muốn quên đi cái nắng gay gắt. Nhìn chú làm việc khéo léo và vất vả, em ước nếu mình là họa sĩ mình sẽ vẽ một bức tranh miêu tả sự khó nhọc và nguy hiểm của người thợ đã tạo nên những ngôi nhà chọc trời, vững chãi, thách thức gió bão và thời gian. Chính những ngôi nhà ấy đã tạo nên biết bao nhiêu tổ ấm gia đình, hạnh phúc cho mọi người, trong đó có cả em nữa.
Em thầm biết ơn người thợ ấy và mong sau này có máy móc thay sức người để những chú công nhân đỡ vất vả và đỡ nguy hiểm khi đứng ở tầm cao.
>> Tham khảo: Tả một người em mới gặp lần đầu mà em nhớ mãi