Thảo luận về việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp thông thường là một trong những đề tài rất hay nằm trong chủ đề Thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau thuộc chương trình Ngữ văn 10 Kết nối tri thức tập 2.
Bạn đang đọc: Thảo luận về việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp thông thường
Thảo luận về việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp mang đến bài thuyết trình siêu hay, giúp các bạn lớp 10 có thêm nhiều tài liệu tham khảo để nhanh chóng hoàn thiện bài nói của mình trước lớp được tự tin hơn. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài thảo luận về tình yêu tuổi học trò. Vậy sau đây là mẫu bài thảo luận về việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp mời các bạn đón đọc.
Thảo luận về việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp
Xin chào cô và các bạn, trong bài thảo luận ngày hôm nay, em xin được trình bày ý kiến của mình về việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp thông thường. Em mong cô và các bạn sẽ chú ý lắng nghe.
Như cô và các bạn đã biết, ngày nay, thật không khó để có thể bắt gặp những người thường xuyên chêm xen, sử dụng tiếng nước ngoài khi trò chuyện, giao tiếp với mọi người. Đối với em, em không đồng tình với hành vi này. Bởi theo em, tiếng Việt của chúng ta vô cùng phong phú, đủ để có thể diễn tả hết được ý nghĩa và lời mà mọi người muốn biểu đạt. Hơn nữa, khi giao tiếp, việc chêm xen quá nhiều các từ tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài vào câu nói sẽ gây khó hiểu cho người tiếp nhận. Nếu đối tượng trò chuyện, giao tiếp của chúng ta là những bạn trẻ, có nền tảng, vốn hiểu biết tiếng nước ngoài thì không sao. Nhưng nếu đó là ông bà, bố mẹ, thầy cô khi nghe chúng ta nói thế thì liệu họ sẽ nghĩ như thế nào và cảm thấy ra sao? Chắc chắn là mọi người sẽ cảm thấy khó hiểu và kệch cỡm đúng không nào? Rõ ràng, ông cha ta từ ngàn đời vẫn luôn cố gắng giữ gìn thứ tiếng của dân tộc. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc mà tiếng nói dân tộc còn nguyên vẹn thì không có lí do nào để chúng ta không yêu, không tự hào và sử dụng tiếng mẹ đẻ.
Chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Mỗi người cần tuân thủ đúng quy tắc về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt. Đồng thời, hạn chế sử dụng tiếng “lóng”, những từ ngữ nước ngoài trong hoạt động giao tiếp thường ngày khi không thật sự cần thiết và thường xuyên rèn luyện, trau dồi vốn từ vựng tiếng Việt.
Phạm Quỳnh đã từng nói: “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ ý thức được điều này.