Thơ về mẹ

Thơ về mẹ

Mẹ là một đề tài quen thuộc trong sáng tác thơ ca. Có rất nhiều bài thơ viết về mẹ rất cảm động, được nhiều bạn đọc yêu thích. Hôm nay, Download.vn giới thiệu tài liệu: Thơ về mẹ.

Bạn đang đọc: Thơ về mẹ

Thơ về mẹ

Những bài thơ hay về mẹ

Nội dung bao gồm những bài thơ hay viết về mẹ của các tác giả. Mời tham khảo ngay sau đây để có thêm những kiến thức hữu ích.

Thơ về mẹ

    1. Bầm ơi (Tố Hữu)

    1.1. Tác giả Tố Hữu

    – Tố Hữu (1920 – 2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành.

    – Quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

    – Tố Hữu cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

    – Ông là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Đồng thời ông cũng là một cán bộ cách mạng lão thành của Việt Nam.

    – Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

    – Các tác phẩm chính: Từ ấy (1937 – 1946); Việt Bắc (1947 – 1954); Gió lộng (1955 – 1961); Ra trận (1962 – 1971); Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973); Máu và hoa (1972 – 1977); Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981); Một tiếng đờn (1978 -1992); Ta với ta (1992 – 1999); Nhớ lại một thời (hồi ký, 2000)…

    1.2. Bài thơ Bầm ơi

    Ai về thăm mẹ quê ta
    Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…

    Bầm ơi có rét không bầm?
    Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
    Bầm ra ruộng cấy bầm run
    Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

    Mạ non bầm cấy mấy đon
    Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
    Mưa phùn ướt áo tứ thân
    Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

    Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
    Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
    Con đi trăm núi ngàn khe
    Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
    Con đi đánh giặc mười năm
    Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

    Con ra tiền tuyến xa xôi
    Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
    Nhớ thương con, bầm yên tâm nhé
    Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
    Con đi xa cũng như gần
    Anh em đồng chí quây quần là con
    Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
    Bầm quý con, bầm quý anh em.

    Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
    Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
    Con đi mỗi bước gian lao
    Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
    Bao bà cụ từ tâm như mẹ
    Yêu quý con như đẻ con ra
    Cho con nào áo nào quà
    Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.

    Con đi, con lớn lên rồi
    Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
    Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
    Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.

    Mẹ già tóc bạc hoa râm
    Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con…

    In trong tập thơ Việt Bắc (1948 – 1954)

    2. Con cò (Chế Lan Viên)

    2.1. Tác giả Chế Lan Viên

    – Chế Lan Viên (1920 – 1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan.

    – Quê hương: huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nhưng ông lớn lên ở Bình Định.

    – Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông nổi tiếng trong phong trào Thơ mới qua tập Điêu tàn.

    – Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX.

    – Năm 1966, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

    – Một số tác phẩm tiêu biểu như: Điêu tàn, Gửi các anh, Hoa ngày thường – Chim báo bão, Đối thoại mới, Hoa trên đá I, II…

    2.2. Bài thơ Con cò

    I

    Con còn bế trên tay
    Con chưa biết con cò
    Nhưng trong lời mẹ hát
    Có cánh cò đang bay:
    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ
    “Con cò ăn đêm
    Con cò xa tổ
    Cò gặp cành mềm
    Cò sợ xáo măng…”
    Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
    Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
    Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
    Con chưa biết con cò con vạc
    Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
    Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.

    II

    Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên
    Cho cò trắng đến làm quen
    Cò đứng ở quanh nôi
    Rồi cò vào trong tổ
    Con ngủ yên thì cò cũng ngủ
    Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi
    Mai khôn lớn, con theo cò đi học
    Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân
    Lớn lên, lớn lên, lớn lên…
    Con làm gì?
    Con làm thi sĩ
    Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
    Trước hiên nhà
    Và trong hơi mát câu văn…

    III

    Dù ở gần con
    Dù ở xa con
    Lên rừng xuống bể
    Cò sẽ tìm con
    Cò mãi yêu con
    Con dù lớn vẫn là con của mẹ
    Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
    À ơi!
    Một con cò thôi
    Con cò mẹ hát
    Cũng là cuộc đời
    Vỗ cánh qua nôi
    Ngủ đi, ngủ đi!
    Cho cánh cò, cánh vạc
    Cho cả sắc trời
    Đến hát
    Quanh nôi.

    In trong tập Hoa ngày thường – Chim báo bão (xuất bản năm 1967)

    3. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm)

    3.1. Tác giả Nguyễn Khoa Điềm

    – Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, trong một gia đình trí thức cách mạng.

    – Quê của ông ở làng An Cựu, thành phố Huế.

    – Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, Nguyễn Khoa Điềm về quê hương miền Nam tham gia chiến đấu.

    – Ông thuốc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Thơ của ông hấp dẫn bởi sự kết giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam.

    – Nguyễn Khoa Điềm từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khóa V), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương.

    – Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

    – Tác phẩm chính: Đất ngoại ô (thơ, 1972), Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (thơ, 1986), Thơ Nguyễn Khoa Điềm (tuyển chọn, 1990), Cõi lặng (thơ, 2007)…

    3.2. Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

    Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
    Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
    Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,
    Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.
    Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,
    Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,
    Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:

    – Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,
    Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
    Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,
    Mai sau con lớn vung chày lún sân…

    Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
    Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
    Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka-lưi
    Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,
    Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.
    Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
    Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

    – Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,
    Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói.
    Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
    Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi…

    Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
    Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
    Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.
    Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
    Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
    Mẹ địu em đi để dành trận cuối.
    Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,
    Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.

    – Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,
    Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước.
    Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ,
    Mai sau con lớn làm người Tự do.

    25 – 3 – 1971

    4. À ơi tay mẹ (Bình Nguyên)

    4.1. Tác giả Bình Nguyên

    Tác giả Bình Nguyên sinh năm 1959, quê ở Ninh Bình.

    4.2. Bài thơ À ơi tay mẹ

    Bàn tay mẹ chắn mưa sa
    Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng.

    Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
    À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
    À ơi này cái trăng tròn
    À ơi này cái trăng còn nằm nôi…

    Bàn tay mẹ thức một đời
    À ơi này cái Mặt Trời bé con…
    Mai sau bể cạn non mòn
    À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

    Ru cho mềm ngọn gió thu
    Ru cho tan đám sương mù lá cây
    Ru cho cái khuyết tròn đầy
    Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.

    Bàn tay mang phép nhiệm mầu
    Chắt chiu tự những dãi dầu đấy thôi.

    Ru cho sóng lặng bãi bồi
    Mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu
    Ru cho đời nín cái đau
    À ơi… Mẹ chẳng một câu ru mình.

    5. Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương)

    5.1. Tác giả Đinh Nam Khương

    Tác giả Đinh Nam Khương (1948 – 2018), quê ở Hà Nội.

    5.2. Bài thơ Về thăm mẹ

    Con về thăm mẹ chiều đông
    Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà
    Mình con thơ thẩn vào ra
    Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi.

    Chum tương mẹ đã đậy rồi
    Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
    Áo tơi qua buổi cày bừa
    Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.

    Đàn gà mới nở vàng ươm
    Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
    Bất ngờ rụng ở trên cành
    Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.

    Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
    Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *