Tuyển tập thơ Tố Hữu

Tuyển tập thơ Tố Hữu

Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu: Tuyển tập thơ Tố Hữu.

Bạn đang đọc: Tuyển tập thơ Tố Hữu

Tuyển tập thơ Tố Hữu

Thơ Tố Hữu

Nội dung của tài liệu sẽ giới thiệu đôi nét về nhà thơ Tố Hữu, tổng hợp một số bài thơ tiêu biểu của ông. Mời bạn đọc cùng tham khảo ngay sau đây.

Thơ Tố Hữu

    I. Đôi nét về tác giả Tố Hữu

    1. Vài nét về tiểu sử

    – Tố Hữu (1920 – 2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành.

    – Quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

    – Thân sinh là một nhà nho nghèo, bà mẹ cũng là con một nhà nho, cả hai người đã truyền cho con tình yêu tha thiết với văn học dân gian.

    – Năm 12 tuổi, mồ côi mẹ. Sau đó một năm vào học tại trường Quốc học Huế, tham gia phong trào đấu tranh cách mạng.

    – Bước vào tuổi thiếu niên, ông tham gia phong trào cách mạng và trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế.

    – Cuối tháng 4 năm 1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam vào nhà lao Thừa Thiên.

    – Tháng 3 năm 1942: ông vượt ngục ra Thanh Hoá tiếp tục hoạt động.

    – Cách mạng tháng Tám 1945: Ông là Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Huế.

    – Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông ra Thanh Hoá, lên Việt Bắc công tác ở cơ quan Trung ương Đảng, phụ trách văn hoá văn nghệ.

    – Tố Hữu cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam.

    – Ông là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Đồng thời ông cũng là một cán bộ cách mạng lão thành của Việt Nam.

    – Năm 1996: Được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

    2. Đường cách mạng, đường thơ

    – Tố Hữu là một trong những lá cờ đấu của nền văn nghệ Cách mạng Việt Nam.

    – Các chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thật chặng đường cách mạng đầy gian khổ hy sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc, đồng thời cũng là những chặng đường vận động trong quan điểm tư tưởng và bản lĩnh nghệ thuật của nhà thơ.

    – Các chặng đường thơ:

    • Từ ấy (1937 – 1946): chặng đường đầu tiên của thơ Tố Hữu, đánh dấu bước trưởng thành của người thanh niên quyết tâm đi theo ngọn cờ cách mạng và gồm ba phần Máu lửa – Xiềng xích – Giải phóng.
    • Việt Bắc (1947 – 1954): là tiếng ca hùng tráng, thiết tha về cuộc kháng chiến chống Pháp và những con người kháng chiến.
    • Gió lộng (1955 – 1961): dạt dào những nguồn cảm hứng lớn lao.
    • Ra trận (1962 – 1971); Máu và hoa (1972 – 1977): am vang khí thế quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và niềm vui chiến thắng.
    • Một tiếng đờn (1978 -1992), Ta với ta (1992 – 1999): hai tập thơ đánh dấu chuyển biến mới trong thơ Tố Hữu, dòng chảy sôi động của cuộc sống thường nhật với niềm vui, nỗi buồn, được mất, sướng khổ…

    3 Phong cách thơ Tố Hữu

    a. Về nội dung, thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị sâu sắc.

    – Thơ Tố Hữu hướng đến lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc. Thơ Tố Hữu không đi sâu vào tình cảm riêng, mà tập trung thể hiện những tính cảm lớn, mang tính tiêu biểu, phổ biến của con người cách mạng: tình yêu lí tưởng (Từ ấy), tình quân dân (Cá nước), tình cảm quốc tế vô sản (Em bé Triều Tiên).

    – Thơ Tố Hữu mang tính sử thi, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến vấn đề có ý nghĩa lịch sử và tính chất toàn dân: Cảnh xây dựng đất nước thật vĩ đại (Bài ca mùa xuân năm 1961), cảnh cả nước lên đường ra trận (Chào xuân 67)…

    b. Về nghệ thuật, trong thơ Tố Hữu mang tính dân tộc đậm đà.

    – Thể thơ: Đặc biệt thành công trong việc sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc. Những bài thơ lục bát như Khi con tú hú, Việt Bắc, Bầm ơi…; Những bài thơ theo thể thất ngôn như Quê mẹ, Mẹ Tơm, Bác ơi!…

    – Ngôn ngữ: không chỉ chú ý sáng tạo những từ mới, cách diễn đạt mới mà thường sử dụng những từ ngữ và cách nói quen thuộc với dân tộc. Đặc biệt thơ Tố Hữu phát huy cao độ tính nhạc phong phú của tiếng Việt.

    II. Một số bài thơ hay của Tố Hữu

    1. Từ ấy

    Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
    Mặt trời chân lý chói qua tim
    Hồn tôi là một vườn hoa lá
    Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

    Tôi buộc lòng tôi với mọi người
    Để tình trang trải với trăm nơi
    Để hồn tôi với bao hồn khổ
    Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

    Tôi đã là con của vạn nhà
    Là em của vạn kiếp phôi pha
    Là anh của vạn đầu em nhỏ
    Không áo cơm, cù bất cù bơ…

    Thuộc phần Máu lửa của tập Từ ấy (1937 – 1946)

    2. Khi con tu hú

    Khi con tu hú gọi bầy
    Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
    Vườn râm dậy tiếng ve ngân
    Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
    Trời xanh càng rộng càng cao
    Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…

    Ta nghe hè dậy bên lòng
    Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi.
    Ngột làm sao, chết uất thôi
    Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

    Thuộc phần Xiềng xích, tập thơ Từ ấy (1937 – 1946)

    3. Việt Bắc

    – Mình về mình có nhớ ta?
    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
    Mình về mình có nhớ không?
    Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.

    – Tiếng ai tha thiết bên cồn
    Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
    Áo chàm đưa buổi phân ly
    Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

    – Mình đi, có nhớ những ngày
    Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
    Mình về, có nhớ chiến khu
    Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
    Mình về, rừng núi nhớ ai
    Trám bùi để rụng, măng mai để già
    Mình đi, có nhớ những nhà
    Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
    Mình về, còn nhớ núi non
    Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
    Mình đi, mình có nhớ mình
    Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

    – Ta với mình, mình với ta
    Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
    Mình đi, mình lại nhớ mình
    Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…

    Nhớ gì như nhớ người yêu
    Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
    Nhớ từng bản khói cùng sương
    Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
    Nhớ từng rừng nứa bờ tre
    Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy
    Ta đi, ta nhớ những ngày
    Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…
    Thương nhau, chia củ sắn lùi
    Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
    Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
    Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
    Nhớ sao lớp học i tờ
    Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
    Nhớ sao ngày tháng cơ quan
    Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
    Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
    Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

    Ta về, mình có nhớ ta
    Ta về ta nhớ những hoa cùng người
    Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
    Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
    Ngày xuân mơ nở trắng rừng
    Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
    Ve kêu rừng phách đổ vàng
    Nhớ cô em gái hái măng một mình
    Rừng thu trăng rọi hòa bình
    Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

    Nhớ khi giặc đến giặc lùng
    Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
    Núi giăng thành luỹ sắt dày
    Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
    Mênh mông bốn mặt sương mù
    Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
    Ai về ai có nhớ không?
    Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
    Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
    Nhớ từ Cao – Lạng nhớ sang Nhị Hà…

    Những đường Việt Bắc của ta
    Đêm đêm rầm rập như là đất rung
    Quân đi điệp điệp trùng trùng
    Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
    Dân công đỏ đuốc từng đoàn
    Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
    Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
    Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

    Tin vui chiến thắng trăm miền
    Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
    Vui từ Đồng Tháp, An Khê
    Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

    Ai về ai có nhớ không?
    Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.
    Nắng trưa rực rỡ sao vàng
    Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
    Điều quân chiến dịch thu đông
    Nông thôn phát động, giao thông mở đường
    Giữ đê, phòng hạn, thu lương
    Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu…

    Ở đâu u ám quân thù
    Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
    Ở đâu đau đớn giống nòi
    Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.

    Mười lăm năm ấy ai quên
    Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa
    Mình về mình lại nhớ ta
    Mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào.

    […]

    Tập Việt Bắc (1947 – 1954)

    4. Bầm ơi

    Ai về thăm mẹ quê ta
    Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…

    Bầm ơi có rét không bầm?
    Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
    Bầm ra ruộng cấy bầm run
    Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

    Mạ non bầm cấy mấy đon
    Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
    Mưa phùn ướt áo tứ thân
    Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

    Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
    Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
    Con đi trăm núi ngàn khe
    Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
    Con đi đánh giặc mười năm
    Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

    Con ra tiền tuyến xa xôi
    Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
    Nhớ thương con, bầm yên tâm nhé
    Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
    Con đi xa cũng như gần
    Anh em đồng chí quây quần là con
    Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
    Bầm quý con, bầm quý anh em.

    Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
    Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
    Con đi mỗi bước gian lao
    Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
    Bao bà cụ từ tâm như mẹ
    Yêu quý con như đẻ con ra
    Cho con nào áo nào quà
    Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.

    Con đi, con lớn lên rồi
    Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
    Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
    Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.

    Mẹ già tóc bạc hoa râm
    Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con…

    Tập Việt Bắc (1947 – 1954)

    5. Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên

    Tin về nửa đêm
    Hoả tốc hoả tốc
    Ngựa bay lên dốc
    Đuốc chạy sáng rừng
    Chuông reo tin mừng
    Loa kêu từng cửa
    Làng bản đỏ đèn đỏ lửa…

    Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
    Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
    Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
    Vinh quang Tổ quốc chúng ta
    Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
    Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta ngàn năm sống mãi
    Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!

    Kháng chiến ba nghìn ngày
    Không đêm nào vui bằng đêm nay
    Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
    Trên đất nước, như huân chương trên ngực
    Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!

    Điện Biên vời vợi nghìn trùng
    Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
    Đêm nay bè bạn gần xa
    Tin về chắc cũng chan hoà vui chung.

    Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
    Chiến sĩ anh hùng
    Đầu nung lửa sắt
    Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
    Máu trộn bùn non
    Gan không núng
    Chí không mòn!
    Những đồng chí, thân chôn làm giá súng
    Đầu bịt lỗ châu mai
    Băng mình qua núi thép gai
    Ào ào vũ bão,
    Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
    Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.
    Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
    Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.

    Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến
    Mấy tầng mây, gió lớn mưa to
    Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
    Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
    Dù bom đạn, xương tan thịt nát
    Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.
    Hỡi các chị, các anh
    Trên chiến trường ngã xuống!
    Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng:
    Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
    Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
    Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.

    Lũ chúng nó phải hàng, phải chết,
    Quyết trận này quét sạch Điện Biên!
    Quân giặc điên
    Chúng bay chui xuống đất
    Chúng bay chạy đằng trời?
    Trời không của chúng bay
    Đạn ta rào lưới sắt!
    Đất không của chúng bay
    Đai thép ta thắt chặt!
    Của ta trời đất đêm ngày
    Núi kia, đồi nọ, sông này của ta!
    Chúng bay chỉ một đường ra:
    Một là tử địa, hai là tù binh.
    Hạ súng xuống, rùng mình run rẩy
    Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!
    Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy
    Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!
    Trông: Bốn mặt, luỹ hầm sập đổ
    Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
    Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
    Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
    Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!

    Tiếng reo núi vọng sông rền
    Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
    Bác đang cúi xuống bản đồ
    Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo…
    Từ khi vượt núi qua đèo
    Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày
    Tin về mừng thọ đêm nay
    Chắc vui lòng Bác, giờ này đợi trông.

    Đồng chí Phạm Văn Đồng
    Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
    Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành.
    Ngày mai, vào cuộc đấu tranh
    Nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn, Smít
    Anh sẽ nói: “Thực dân, phát-xít
    Đã tàn rồi!
    Tổ quốc chúng tôi
    Muốn độc lập, hoà bình trở lại
    Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái
    Nước chúng tôi và nước các anh.
    Nếu còn say máu chiến tranh
    Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
    Tre đã thành chông, sông là sông lửa.
    Và trận thắng Điện Biên
    Cũng mới là bài học đầu tiên!”

    Tập Việt Bắc (1947 – 1954)

    6. Bài ca mùa xuân 1961

    Tôi viết bài thơ xuân
    Nghìn chín trăm sáu mốt
    Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
    Nắng soi sương giọt long lanh…

    Rét nhiều nên ấm nắng hanh
    Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?
    Giã từ năm cũ bâng khuâng
    Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!

    *

    Chào xuân đẹp! Có gì vui đấy
    Hỡi em yêu? Mà má em đỏ dậy
    Như buổi đầu hò hẹn, say mê
    Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về
    Mà nói vậy: “Trái tim anh đó
    Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ:
    Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

    Phần cho thơ, và phần để em yêu…”
    Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”
    Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí
    Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay
    Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay!

    *

    Ô tiếng hót vui say con chim chiền chiện
    Trên đồng lúa chiêm xuân chao mình bay liệng
    Xuân ơi xuân, vui tới mông mênh
    Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh
    Thơ đã hát, mát trong lời chúc:
    Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh.
    Tam Đảo, Ba Vì vui núi xuân xanh…

    Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
    Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
    Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
    Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!

    *

    Trải qua một cuộc bể dâu
    Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
    Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
    Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!
    Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
    Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng…

    Ôi tiếng của cha ông thuở trước
    Xin hát mừng non nước hôm nay:
    Một vùng trời đất trong tay
    Dẫu chưa toàn vẹn, đã bay cờ hồng!
    Việt Nam, dân tộc anh hùng
    Tay không mà đã thành công nên Người!

    Có gì đẹp trên đời hơn thế
    Người yêu người, sống để yêu nhau
    Đảng cho ta trái tim giàu
    Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!

    *

    Đời vui đó, hôm nay mở cửa
    Như dãy hàng bách hoá của ta
    Hỡi những người yêu, hãy ghé mua hoa
    Và đến đó, sắm ít quà lễ cưới:
    Lụa Nam Định đẹp tươi mát rượi
    Lược Hàng Đào chải mái tóc xanh!
    Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh
    Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết.

    Đời vui đó, tiếng ca Đoàn kết
    Ta nắm tay nhau xây lại đời ta
    Ruộng lúa, đồng khoai, nương sắn, vườn cà
    Chuồng lợn, bầy gà, đàn trâu, ao cá
    Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá
    Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô
    Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!

    *

    Ồ thích thật, bài thơ miền Bắc
    Rất tự do nên tươi nhạc, tươi vần
    Cả không gian như xích lại gần
    Thời gian cũng quên tuần quên tháng.
    Đời trẻ lại. Tất cả đều cách mạng!
    Rũ sạch cô đơn, riêng lẻ, bần cùng
    Quê hương ta rộn rã cuộc vui chung
    Người hợp tác nên lúa dày thêm đó.

    Đường nở ngực. Những hàng dương liễu nhỏ
    Đã lên xanh như tóc tuổi mười lăm.
    Xuân ơi Xuân, em mới đến dăm năm
    Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội
    Như hôm nay, giữa công trường đỏ bụi
    Những đoàn xe vận tải nối nhau đi
    Hồng Quảng, Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì
    Tên đất nước reo vui bao tiếng gọi…

    *

    Nào đi tới! Bác Hồ ta nói
    Phút giao thừa, tiếng hát đêm xuân
    Kế hoạch năm năm. Mời những đoàn quân
    Mời những bàn chân, tiến lên phía trước.
    Tất cả dưới cờ, hát lên và bước!
    Đi ta đi! Khai phá rừng hoang
    Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?
    Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?
    Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
    Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều?
    Hỡi những người trai, những cô gái yêu
    Trên những đèo mây, những tầng núi đá
    Hai bàn tay ta hãy làm tất cả!
    Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai
    Khói những nhà máy mới ban mai…

    *

    Tôi viết cho ai bài thơ 61?
    Đêm đã khuya rồi, rét về tê buốt
    Hà Nội rì rầm… Còi thổi ngoài ga
    Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa
    Tiếng xình xịch, chạy dọc đường Nam Bộ…

    Ôi đâu phải con tàu! Trái tim ta đó.
    Tiếng đập thình thình, muốn vỡ làm đôi!
    Ta biết em rất khoẻ, tim ơi
    Không khóc đấy. Nhưng sao mà nóng bỏng
    Như lửa cháy trong lòng ta gió lộng?

    Mấy hôm nay, như đứa nhớ nhà
    Ta vẩn vơ hoài, rạo rực, vào ra
    Nghe tiếng mõ và nghe tiếng súng
    Miền Nam dậy, hò reo náo động!

    Ba con tôi đã ngủ lâu rồi
    Còn bao nhiêu chưa được ngủ trong nôi
    Miền Bắc thiên đường của các con tôi!

    *
    Gà gáy sáng. Thơ ơi, mang cánh lửa
    Hãy bay đi! Con chim kêu trước cửa

    Thêm một ngày xuân đến. Bình minh
    Cành táo đầu hè quả ngọt rung rinh
    Như hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ
    Treo trước mắt của loài người ta đó:
    Hoà bình
    Độc lập
    Ấm no
    Cho
    Con người
    Sung sướng
    Tự do!

    Tập Gió lộng (1955 – 1961)

    7. Chào xuân 67

    Đất nước ta ơi
    Xin bắn hai mươi phát đại bác vang trời
    Chào xuân 67!
    Xuân của chúng ta
    Nam Bắc hai miền chiến công lừng lẫy!
    Báo cho anh em bè bạn gần xa
    Tin vui của chiến trường chống Mỹ!

    Xuân hãy xem! Cuộc diễu binh hùng vĩ
    31 triệu nhân dân
    Tất cả hành quân
    Tất cả thành chiến sĩ.

    Hiện đại, thô sơ
    Của ngày xưa và của bây giờ
    Với cách mạng đều là vũ khí
    Tên lửa, tên tre
    Lưỡi lê, lưỡi mác
    Và thuyền và xe
    Chân đi, vai vác
    Qua núi qua khe
    Mạnh hơn thác, trùng trùng vô tận!

    Hãy xem! Đồng ruộng cũng chỉnh tề thế trận
    Lúa đứng thẳng hàng, quyết tâm 5 tấn
    Chào cô dân quân vai súng tay cày
    Chân lội bùn, mơ hạ máy bay!
    Chào các cụ bạch đầu quân trồng cây chống Mỹ
    Chào các mẹ già run tay vá may cho chiến sĩ
    Chào các em, những đồng chí của tương lai
    Mang mũ rơm đi học đường dài…
    Truyện thần kỳ, dân tộc ta là vậy!

    Mặt trời đỏ dậy
    Có vui không?
    Nhìn nam bắc tây đông
    Hỏi cả hai mươi thế kỷ:

    Ở đâu? Mỗi ngọn núi dòng sông
    Cũng hiển hách chiến công
    Lừng danh dũng sĩ.
    Ở đâu? Một mũi chông, một ngọn tầm vông
    Cũng hiên ngang như trường thành, chiến luỹ.

    Và ở đâu? Trên trái đất này
    Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay
    Sống chết từng giây, mưa bom bão đạn
    Lòng nóng bỏng căm thù vẫn mát tươi tình bạn.

    Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!
    Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều
    Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
    Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng…

    Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời
    Gì quý hơn giá trị con người?
    Ta hiểu vì sao ta chiến đấu
    Ta hiểu vì ai ta hiến máu.

    Mác – Lê-nin, vĩnh viễn mặt trời
    Giữa mây đục, càng sáng ngời chân lý.
    Cuộc đời ta, từ Cách mạng tháng Mười
    Đã tươi lại với nửa vòng thế kỷ.

    Nếu được làm hạt giống để mùa sau
    Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
    Vui gì hơn làm người lính đi đầu
    Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!

    Cảm ơn Đảng đã cho ta dòng sữa
    Bốn nghìn năm chan chứa ân tình
    Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo chúa
    Kiếp tỳ nô vùng dậy chém nghê kình!

    Thiêng liêng thay, tiếng gọi của Bác Hồ:
    Vì độc lập tự do, toàn dân ta quyết thắng!
    Tự hào thay, khi Nguyễn Viết Xuân hô:
    Ngẩng đầu lên, nhằm thẳng quân thù mà bắn!

    Ôi sáng xuân nay, như lưỡi gươm trần sáng quắc
    Rạo rực lòng ta, trống trận Quang Trung
    Tổ quốc giục cả hai miền Nam Bắc
    Hãy xung phong! Hỡi mùa xuân 67 anh hùng!

    Tập thơ Ra trận (1962 – 1971)

    8. Bác ơi!

    Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
    Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…
    Chiều nay con chạy về thăm Bác
    Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!

    Con lại lần theo lối sỏi quen
    Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
    Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
    Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

    Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
    Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
    Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
    Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

    Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
    Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
    Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
    Quanh mặt hồ in mây trắng bay…

    Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
    Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
    Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
    Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

    Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
    Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
    Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
    Cho hôm nay và cho mai sau…

    Bác sống như trời đất của ta
    Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
    Tự do cho mỗi đời nô lệ
    Sữa để em thơ, lụa tặng già

    Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
    Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
    Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
    Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.

    Bác vui như ánh buổi bình minh
    Vui mỗi mầm non, trái chín cành
    Vui tiếng ca chung hòa bốn biển
    Nâng niu tất cả chỉ quên mình.

    Bác để tình thương cho chúng con
    Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
    Mong manh áo vải hồn muôn trượng
    Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

    Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
    Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?
    Ra đi, Bác dặn: “Còn non nước…”
    Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều

    Bác đã lên đường theo tổ tiên
    Mác – Lênin, thế giới Người hiền
    Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
    Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

    Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
    Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
    Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
    Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

    Tập Ra trận (1962 – 1971)

    9. Việt Nam, máu và hoa

    Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ
    Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ
    Một trời êm ả, xanh không tưởng
    Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ

    Đây cuộc hồi sinh, buổi hoá thân
    Mùa đông thế kỷ chuyển sang xuân
    Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu
    Người vươn lên, như một thiên thần!

    Thế này chăng? Thuở xưa hoang dã
    Chàng Sơn Tinh thắng giặc Thuỷ Tinh
    Càng dâng nước, càng cao ngọn núi
    Chân Trường Sơn đạp sóng Thái Bình

    Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
    Ta hoá vàng nhân phẩm, lương tâm
    Chúng muốn ta bán mình ô nhục
    Ta làm sen thơm ngát giữa đầm.

    Ta sẵn sàng xé trái tim ta
    Cho Tổ quốc, và cho Tất cả
    Lá cờ này là máu là da
    Của ta, của con người, vô giá.

    Trắng khăn tang, em chẳng khóc đâu
    Hỡi em gái mất cha mất mẹ
    Nước mắt rơi, làm nhoà mặt quân thù
    Em phải bắn, trúng đầu giặc Mỹ.

    Tình thương lớn, mạnh hơn lửa thép
    Trận địa đây xây giữa lòng người
    Dầu mưa nắng, trái đất tròn vẫn đẹp
    Đời yêu ta, ta phải thắng cho Đời
    *
    Cút sạch đi, bầy sói hôi tanh!
    Đã đến buổi cuối cùng phán quyết:
    Trả về ta đất rộng trời xanh
    Cho bay, những hố bom làm huyệt.

    Lịch sử muốn bay cúi đầu tội lỗi
    Dưới gươm thiêng hùng khí Thủ đô
    Cả bốn biển hoan hô Hà Nội
    Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ.

    Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi
    Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc
    Chắc Bác Hồ vui, xin kính dâng Người
    Và tặng cả anh em cùng ta đánh giặc.

    Không nỗi đau nào của riêng ai
    Của chung nhân loại chiến công này,
    Việt Nam ơi, máu và hoa ấy
    Có đủ mai sau, thắm những ngày?
    *
    Chưa dễ lành đâu, những vết thương
    Nửa mình còn nhức, hỡi quê hương!
    Song mùa vui đã mang xuân tới
    Đã tắt hôm nay lửa chiến trường.

    Rừng núi đã xanh màu giải phóng
    Hãy trào lên, ơi sóng Cửu Long
    Quét phăng những rác bùn ứ đọng
    Những thép gai ngăn mặt, cắt lòng.

    Ta lại về ta, những đứa con
    Máu hoà trong máu, đỏ như son
    Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi
    Tái hợp, huy hoàng, cả Nước non!

    Tập thơ Máu và hoa (1972 – 1977)

    10. Một tiếng đờn

    Mới bình minh đó, đã hoàng hôn
    Đang nụ cười tươi, bỗng lệ tuôn
    Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
    Khuấy động lòng ta biết mấy buồn!

    Ôi! Kiếp trăm năm được mấy ngày
    Trời xanh không gợn bóng mây bay
    Gian nan vẫn thuỷ chung bè bạn
    Êm ấm tình yêu mỗi phút giây!

    Còn khổ đau nào đau khổ hơn
    Trái tim tự xát muối cô đơn
    Em ơi, nghe đó… Trong đêm lạnh
    Đằm thắm bên em, một tiếng đờn!

    Tập thơ Một tiếng đờn (1978 -1992)

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *