Văn mẫu lớp 10: Dàn ý phân tích bài thơ Chiếc lá đầu tiên (2 Mẫu)

Văn mẫu lớp 10: Dàn ý phân tích bài thơ Chiếc lá đầu tiên (2 Mẫu)

Văn mẫu lớp 10: Dàn ý phân tích bài thơ Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm bao gồm 2 mẫu dàn ý chi tiết đầy đủ nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh nắm vững được kiến thức biết cách viết bài văn hay sáng tạo, đầy đủ các ý để phân bổ thời gian cho hợp lí.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 10: Dàn ý phân tích bài thơ Chiếc lá đầu tiên (2 Mẫu)

Văn mẫu lớp 10: Dàn ý phân tích bài thơ Chiếc lá đầu tiên (2 Mẫu)

Chiếc lá đầu tiên là một bài thơ hay, hình tượng thơ giàu sắc thái biểu cảm, chất nhạc có sức lan tỏa mạnh mẽ, mê đắm. Hoàng Nhuận Cầm đã đi xa vào cõi huyền không vô tận, nhưng “Chiếc lá đầu tiên” của đời thơ ông vẫn mãi xanh rờn kỷ niệm, trong sáng. Bên cạnh đó các bạn xem thêm cảm nhận Chiếc lá đầu tiên.

Dàn ý phân tích Chiếc lá đầu tiên hay nhất

    Dàn ý phân tích bài Chiếc lá đầu tiên – Mẫu 1

    I. Mở bài

    – Giới thiệu tác giả:

    • Hoàng Nhuận Cầm là cây bút trẻ trung, tươi mới trong thơ ca thời kì kháng chiến chống Mỹ.
    • Được mệnh danh là nhà thơ của học sinh, sinh viên bởi có nhiều bài thơ viết về tuổi trẻ, tình yêu với giọng điệu trẻ trung, sôi nổi.
    • Phong cách nghệ thuật: bình dị, xúc động, trẻ trung.

    – Giới thiệu tác phẩm: “Chiếc lá đầu tiên” được in trong “Xúc xắc mùa thu” năm 1992. Tác phẩm được hoàn thành trong 10 năm – theo chia sẻ của tác giả (khổ đầu tiên viết năm đầu tiên tác giả vào đại học, khổ tiếp theo viết khi nhập ngũ và khổ cuối cùng ra đời vào thời điểm sau ngày 30/4/1975 khi đất nước thống nhất).

    II. Thân bài

    1. Khái quát về thể loại: thơ trữ tình

    2. Phân tích, đánh giá về nội dung

    – Dòng chảy của bài thơ là lời tự tình của một người lính trẻ vừa rời ghế nhà trường, trên đường ra trận với người yêu là cô bạn gái cùng lớp.

    => Xuất phát từ tứ thơ chiếc lá đầu tiên – chiếc lá bàng của buổi hẹn hò đầu tiên giữa hai người, bài thơ ngỡ như chủ yếu viết về tình yêu lứa đôi và nỗi nhớ của họ (và đó là điều có thực) lại bỗng nhiên trở thành kỉ niệm đầy ắp về tuổi học trò và mái trường thân yêu.

    a. Nỗi nhớ về nhân vật “em”

    – Nghệ thuật nhân hóa: “tiếng thở” của thời gian + từ tượng thanh “rất khẽ”

    – Hoa súng, cánh ve, phượng hồng => những sự vật gợi nhắc đến mùa hè và tuổi học trò. – Dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình đang trôi về mùa hè năm ấy, mùa hè đầu tiên mà “anh” biết yêu.

    – Hai câu thơ như dâng đầy nỗi nhớ da diết và sự tiếc nuối của tác giả về những năm tháng quá khứ đã trôi theo thời gian.

    => Tình yêu đầu tiên đến không báo trước, không náo động và khi ra đi cũng thật lặng lẽ nhưng lại khiến người trong cuộc không khỏi đau xót. Để rồi suốt cuộc đời còn lại, người ta đi tìm sự thơ ngây, hồn nhiên năm đó: “Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường – chiếc lá buổi đầu tiên”.

    b. Nỗi nhớ về ngôi trường cũ

    – Khúc hát đầu tiên là khúc hát dành cho mái trường, nơi lớp học và sân trường chứa đựng cả khoảng trời ký ức: “Bài hát đầu xin hát về trường cũ”

    – Nghệ thuật nhân hóa: “sân trường bâng khuâng” => gợi ra một khoảng không gian trường học còn vô vàn những lưu luyến.

    – Câu thơ ngắt dòng với dấu gạch ngang ở giữa câu: “Sân trường đêm – Rụng xuống lá bàng đêm”.

    => Không gian tĩnh lặng bỗng xao động bởi lá bàng rơi xuống, khi lá bàng rơi cũng là khi cảm xúc của tác giả trở về khoảng thời gian năm ấy với nỗi nhớ da diết về tuổi học sinh của mình.

    – Điệp từ “nỗi nhớ lặp lại 3 lần: sự dồn dập của cảm xúc ùa về.

    – Đoạn hội thoại khổ thứ 5: gợi những kỷ niệm ở lớp học.

    – Hình ảnh người thầy với suy tưởng về thời gian: “Trên trán thầy tóc chớ bạc thêm”:

    • Tóc thầy sẽ bạc thêm khi thời gian trôi đi, thầy lặng lẽ đưa hết lứa học sinh này đến lứa học sinh khác qua dòng sông tri thức.
    • Gửi gắm mong ước của tác giả, mong thời gian có thể ngừng lại để người thầy kính yêu không già đi, có thể mãi sống và chở những con đò sang sông.

    c. Hình ảnh “chiếc lá buổi đầu tiên” ở cuối bài thơ

    – Là hình ảnh mang tính tượng trưng

    – Đó là tình yêu đầu, là tuổi học trò, là quãng thời gian đẹp đẽ và cũng là một con người khác của tác giả: con người của thời học trò hồn nhiên, thơ ngây.

    3. Phân tích, đánh giá nghệ thuật

    – Thể thơ tự do

    – Ngôn ngữ tự nhiên, giàu cảm xúc.

    – Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, liệt kê, điệp ngữ, ẩn dụ,…

    III. Kết bài

    – Bài thơ là nỗi nhớ, những kí ức sống động và khắc khoải của tuổi học trò.

    – Bài thơ như bản nhạc không có cao trào nhưng âm điệu du dương, thấm vào lòng người.

    Dàn ý phân tích Chiếc lá đầu tiên – Mẫu 2

    1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

    2. Thân bài:

    2.1. Phân tích bài thơ:

    a. Chủ đề, cảm xúc chủ đạo của tác phẩm:

    – Chủ đề của tác phẩm: tình yêu đối với mái trường.

    – Cảm xúc chủ đạo: nỗi nhớ da diết của nhân vật trữ tình về tuổi học trò đã qua.

    – Ý nghĩa nhan đề:

    • “Chiếc lá đầu tiên” tượng trưng cho sự bắt đầu của một tình yêu chớm nở, cho những kỉ niệm đầu tiên.
    • Hình ảnh lúc ban đầu sẽ để lại cho con người những kỉ niệm, dấu ấn khó phai.

    b. Phân tích, đánh giá chủ đề và tính độc đáo của những phương tiện ngôn ngữ được sử dụng:

    * Nỗi nhớ về thuở ấu thơ:

    – Hai câu thơ đầu là cảm xúc của nhân vật trữ tình về khoảng thời gian tươi đẹp với nhân vật “em”:

    • “Em thấy không, tất cả đã xa rồi”: thể hiện sự tiếc nuối về khoảng thời gian đã xa, về quá khứ tươi đẹp ngày ấy.
    • “Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ”: biện pháp nhân hóa “tiếng thở” kết hợp với từ “rất khẽ” gợi liên tưởng về sự chuyển động vô cùng nhẹ của thời gian, dường như thời gian trôi qua rất nhanh.

    – Câu thơ “tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế” gợi ra sự trôi chảy của thời gian. Tuổi thơ là khoảng thời gian tươi đẹp, một đi không trở lại => Thể hiện sự hoài niệm, tiếc nuối của nhân vật trữ tình.

    – Hình ảnh gắn liền với tuổi học trò “hoa súng tím”, “chùm phượng hồng”, “tiếng ve”, :

    • “Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say”: trong đôi mắt của nhân vật trữ tình, bông hoa súng mang đến cảm giác say đắm, thích thú.
    • “Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay”: hoa phượng nở báo hiệu một năm học chuẩn bị kết thúc => Gợi ra cảm giác bồi hồi, nhớ thương một thời “yêu dấu” đã qua.
    • “Tiếng ve”: âm thanh đặc trưng của mùa hạ, cũng là mùa chia tay mái trường, thầy cô. Biện pháp nhân hóa “con ve tiên tri vô tâm báo trước” đã cho thấy sự bàng hoàng, tiếc nuối đến ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình.

    => Dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình đang trôi về mùa hè năm ấy, về lần đầu mình biết yêu.

    – “Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”: Những rung động đầu đời của học trò.

    * Nỗi nhớ bạn bè và thầy cô năm xưa:

    – Điệp cấu trúc “Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu” => Nhấn mạnh vào cảm xúc mãnh liệt, dâng trào của nhân vật trữ tình khi nhớ về trường cũ.

    – “Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ”: diễn tả tâm trạng luyến tiếc, nhớ thương của nhân vật trữ tình.

    – “Sân trường đêm – Rụng xuống trái bàng đêm”: Không gian tĩnh lặng bị xao động bởi trái bàng rụng xuống.

    – Điệp cấu trúc “nỗi nhớ” diễn tả ấn tượng sâu đậm về kỉ niệm tuổi học trò, đỉnh điểm của sự xúc động và nỗi nhớ.

    – Ở khổ thứ tư có sự thay đổi về cách xưng hô:

    • “Anh”: gửi gắm tâm tư, tình cảm với “em”.
    • “Tôi”: chia sẻ cảm xúc với “bạn”, với tất cả mọi người, trong đó có “em”.

    => Đại từ nhân xưng “ta”, “tôi”, “anh” thực chất vẫn là một, đó là chủ thể trữ tình trong các mối quan hệ khác nhau.

    – Câu hỏi tu từ “Bạn có nhớ trường nhớ lớp, nhớ tên tôi”: nhân vật trữ tình hỏi “bạn”, hỏi mọi người liệu có còn nhớ đến mái trường, nhớ đến mình hay không.

    – Ở khổ thơ thứ 5, tác giả dẫn nguyên văn lời thoại nhằm thể hiện cảm xúc theo lối gián tiếp.

    => Tác giả đan xen các mẩu đối thoại vào mạch trữ tình, kết hợp giữa biểu cảm gián tiếp và trực tiếp khiến cho lời thơ trở nên linh hoạt, kỉ niệm càng được khắc họa rõ nét, đáng nhớ hơn.

    – Điệp cấu trúc “Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào”, điệp ngữ “cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy” nhấn mạnh vào cảm xúc da diết, trào dâng của nhân vật trữ tình, đồng thời tạo nhạc điệu xao xuyến cho bài thơ.

    – Câu thơ “Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy”: sự vận động của thời gian từ cuối đông đầu xuân sang đến hè => Diễn tả sự trôi chảy của thời gian.

    – “Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm”: niềm mong ước của chủ thể trữ tình khi chứng kiến người thầy của mình đã già đi theo năm tháng.

    * Cảm xúc tiếc nuối của nhân vật trữ tình về một thời đã qua:

    – “Thôi đã hết”: không còn những tháng ngày học tập dưới mái trường mến yêu với những trò đùa tinh nghịch “tóc trắng ngủ quên”, “cầm dao khắc lăng nhăng trên bàn ghế cũ”.

    – Hai câu thơ “Em đã yêu anh, anh đã xa rồi/ Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi”: diễn tả sự xa cách, chia lìa.

    – “Không thấy trên sân trường – chiếc lá buổi đầu tiên”: nhân vật trữ tình bày tỏ niềm thương nhớ, nuối tiếc về những kỉ niệm lần đầu, về thuở ban đầu mới yêu.

    2.2. Đánh giá:

    a. Nội dung:

    – Bài thơ thể hiện nỗi nhớ thương da diết và niềm khắc khoải của nhân vật trữ tình khi nhớ về trường xưa, thầy cô, bạn cũ.

    – Đồng thời, khơi gợi cho người đọc những kỉ niệm tươi đẹp, trong sáng, hồn nhiên thuở học trò.

    b. Nghệ thuật:

    – Hình ảnh gần gũi, thân thuộc.

    – Từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm.

    – Biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, điệp ngữ độc đáo.

    3. Kết bài: Khẳng định giá trị của tác phẩm.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *