Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội mang đến dàn ý và bài văn mẫu hay đạt điểm cao của các bạn học sinh giỏi lớp 10 trên cả nước.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội
Phân tích nhân vật Xi-ta các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức từ đó rèn kỹ năng viết văn phân tích nhân vật ngày một hay hơn. Qua bài văn phân tích này giúp chúng ta thấy được Xi-ta lại là mẫu người phụ nữ Ấn Độ cổ đại, một người vợ chung thuỷ tiết hạnh, một người con gái hiền từ nhu mì và nhân hậu. Một người con gái dám đổi cả tính mạng để chứng minh cho tình yêu của mình. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội.
Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật Xi-ta siêu hay
Dàn ý phân tích nhân vật Xi-ta
I. Mở bài
– Vị trí của đoạn Ra-ma buộc tội: Khúc ca thứ sáu, chương 79 trong Ra-ma-na-ya sau khi chiến thắng Ra-va-na, Ra-ma cứu được nàng Xi-ta trở về.
– Sau khi giải quyết những xung đột lớn của xã hội, của cộng đồng rồi thì đến lượt Ra-ma phải tự giải quyết xung đột cá nhân. Cơn ghen tuông, mối nghi ngờ về lòng chung thủy, sự trong sạch của Xi-ta đã nổi lên trong lòng Ra-ma như là đỉnh điểm của mọi xung đột. Tình tiết này làm tăng thêm tính hấp dẫn của tác phẩm.
II. Thân bài
– Nhân vật Xi-ta được miêu tả với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp như ánh sáng chiếu rọi vào chỗ tối tăm của Ra-ma. Khi bị buộc tội không chung thủy, một lần nữa Xi-ta phải ra sức đấu tranh bảo vệ phẩm giá và tình yêu chân chính của mình, đương đầu với búa rìu dư luận, đối mặt với thái độ ghen tuông, giận dữ của Ra-ma.
– Tâm trạng của Xi-ta biến đổi. Từ kinh ngạc mở tròn đôi mắt đẫm lệ đến lúc nhận ra sự ghen tuông phi lí của Ra-ma, nàng suy sụp tinh thần một cách nặng nề, sắc mặt biến đổi, thân thể héo hon. Sau đó nàng cố trấn tĩnh, rồi vừa dịu dàng, vừa nghẹn ngào minh oan cho mình. Xi-ta thẳng thắn chỉ trích những lời lẽ hồ đồ, thái độ ngờ vực vô căn cứ của Ra-ma và nêu mọi bằng chứng hùng hồn để chứng minh cho lòng chung thủy son sắt của mình. Trong các bằng chứng được nêu ra, nàng nhấn mạnh đến trái tim tình yêu của nàng – sức mạnh đã bảo vệ nàng khi nàng rơi vào tay quỷ vương Ra-va-na.
– Cuối cùng, để cho Ra-ma tin mình, Xi-ta đã bình thản bước vào ngọn lửa với một lời cầu nguyện tới Thần Lửa A-nhi. Bảy là vị thần thâm nhập khắp mọi nơi. Có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống Ấn Độ, tượng trưng cho sự quang minh chính đại. Hành động khoan thai bước vào ngọn lửa của Xi-ta là đỉnh cao chói lọi trong tính cách của nàng, vừa tô thêm tính chất bi hùng của thiên sử thi vĩ đại này. Cuối cùng, vì nàng trung trinh sắt son nên Thần Lửa A-nhi đã không thiêu đốt nàng. Thân hình nàng rực rỡ như đóa sen xòe cánh nhụy vàng tỏa hương thơm.
– Tác giả đã khắc họa một Xi-ta trong sáng, chân thực, toàn vẹn tiêu biểu cho hình ảnh người phụ nữ Ấn Độ toàn thiện, toàn mĩ, đáng ngưỡng mộ.
* Nghệ thuật
– Đoạn trích được cấu tạo bởi ba yếu tố tự sự: lời kể, lời thoại, nhưng lời thoại chiếm vị trí quan trọng nhất. Lời thoại vừa tham gia vào quá trình phát triển của câu chuyện, vừa đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện tư tưởng, tâm trạng và cảm xúc của các nhân vật. Lời Ra-ma lạnh lùng, lời Xi-ta đẫm trong nước mắt thể hiện sự đau khổ tột cùng của nàng.
– Nghệ thuật miêu tả tâm lí của tác giả thể hiện rõ nhất qua hai hình tượng Ra-ma và Xi-ta. Đặc biệt là hình tượng Ra-ma. Tâm trạng của Ra-ma được thể hiện qua xung đột tâm lí. Sau khi giải quyết những xung đột cộng đồng thì Ra-ma phải giải quyết xung đột cá nhân, trong đó đỉnh điểm là cơn ghen tuông và mối nghi ngờ về đức hạnh của Xi-ta. Mâu thuẫn trong con người Ra-ma lúc này là mâu thuẫn giữa danh dự, bổn phận và tình yêu. Yêu Xi-ta hết mình nhưng Ra-ma cũng ghen tuông cực độ, chàng sẵn sàng để cho ngọn lửa ghen tuông đốt cháy mình và ruồng bỏ Xi-ta, thậm chí sẵn sàng chấp nhận để cho Xi-ta nhảy vào lửa.
– Diễn biến tâm lí của nhân vật Xi-ta cũng được miêu tả rất sâu sắc. Từ vui mừng phấn khởi, hi vọng Ra-ma dang tay đón mình, Xi-ta đã đau khổ cực độ khi người chồng mà nàng hết mực yêu thương cất tiếng buộc tội nàng, ruồng bỏ nàng. Càng đau khổ bao nhiêu thì Xi-ta lại càng mạnh mẽ, kiên quyết bấy nhiêu. Nàng không ngần ngại nhảy vào lửa để bảo vệ danh dự và sự trong sạch của mình.
II. Kết bài
– Đoạn trích Ra-ma buộc tội thể hiện rõ phẩm chất cao quý của nhân vật Xi-ta thủy chung, kiên trung và bất khuất – tiêu biểu cho những phẩm chất của người phụ nữ Ấn Độ thời cổ đại, cũng cho thấy tính cách Ra-ma, người anh hùng sử thi Ấn Độ.
– Đồng thời Ra-ma buộc tội biểu hiện những đặc điểm nghệ thuật miêu tả tâm lí trong việc xây dựng tính cách anh hùng sử thi và nghệ thuật tự sự hấp dẫn, đầy kịch tính.
Phân tích nhân vật Xi-ta
Ra-ma-ya-na là bộ sử thi, niềm tự hào của người Ấn Độ. Người dân Ấn Độ tin rằng “chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn thì Ra-ma-ya-na còn mãi làm say lòng người và cứu họ ra khỏi vòng tội lỗi”. Một nhà nghiên cứu phương Tây từng miêu tả về Ra-ma-ya-na: “Đó là tác phẩm chan chứa những âm điệu du dương, toát ra một bầu không khí yên lành và một tình yêu thương vô bờ bến trong hoàn cảnh xã hội đầy sự mâu thuẫn và xung đột” (Michelet).
Một trong những hiện thân của vẻ đẹp làm say lòng người ấy là nhân vật Xi-ta. Nàng không chỉ là hình ảnh bổ sung cho sự kì vĩ của người anh hùng Ra-ma mà còn là minh chứng cho vẻ đẹp chân thực, toàn mĩ của người phụ nữ Ấn, từ hình dáng bên ngoài đến những phẩm chất tâm hồn bên trong.
Vẻ đẹp của nàng luôn được miêu tả gắn liền với cụm từ “gương mặt bông sen” – đó là chi tiết ngoại hình luôn được láy đi láy lại trong tác phẩm. Hoa sen hay bông sen là biểu tượng của vẻ đẹp chuẩn mực, vẻ đẹp của cả hình dáng bề ngoài và chiều sâu nội tâm trong quan niệm thẩm mĩ của người Ấn Độ. Khuôn mặt bông sen, đôi mắt hình hoa sen… là những hình ảnh miêu tả quen thuộc về người phụ nữ trong văn học Ấn Độ. Miêu tả nàng bằng chi tiết ấy, dường như ngay từ đầu, người kể đã khẳng định vẻ đẹp toàn mĩ ở nàng.
Và vẻ đẹp toàn mĩ ấy cũng đã được thử thách trong suốt chiều dài các sự kiện của câu chuyện. Song lần thử thách cuối cùng nghiệt ngã nhất nhưng đồng thời cũng vinh quang nhất là sự kiện Ra-ma buộc tội nàng và nàng bước lên giàn lửa. Chương 78 kể lại những diễn biến đầy kịch tính của sự kiện này.
Đọc chương truyện cùng với những cảm thương trước nỗi oan uổng của nàng, ta còn có thể sẻ chia cùng nàng cái cảm giác bị ruồng bỏ, dù rằng đằng sau sự ruồng bỏ ấy là tình yêu. Và có lẽ, đó chính là dấu ấn bi kịch trong bộ sử thi tràn ngập cảm xúc ngợi ca này.
Ta có thể hiểu tâm trạng của Ra-ma trong những lời buộc tội Xi-ta: ban đầu vì sợ tai tiếng, về sau là cảm giác nghi ngờ, ghen tuông. Trong lời nói có đầy đủ sự giận dữ, sự ghẻ lạnh, sự xúc phạm và lăng nhục của chàng vẫn có tình yêu. Nhưng chính tình yêu lại càng làm cho những lời nói của chàng trở nên độc ác. Chàng đã không chỉ buộc tội nàng, chàng đã xúc phạm và hơn thế, lăng nhục nàng bằng những lời lẽ nặng nề nhất. Và Xi-ta đã nghe, đã cảm nhận được tất cả những trạng thái tình cảm ấy ở chồng mình. Còn gì đau đớn hơn khi người thân yêu nhất của mình lại xúc phạm mình nặng nề đến thế?
Trước lời buộc tội của chồng, nàng Xi-ta trái tim tan nát, đau đớn đến nghẹn thở, xấu hổ cho số kiếp…, nghĩa là nàng phải trải qua một loạt những cảm xúc của nỗi đau, nỗi tủi nhục, nàng phải tự minh oan cho mình. Và nàng quả thật thông minh khi lần lượt chứng minh những ngờ vực của Ra-ma là không căn cứ. Nàng lấy danh dự, rồi nguồn gốc xuất thân, lòng trung thành, tình yêu của mình để làm minh chứng. Nhưng, tất cả dường như đều không đủ, đều vô nghĩa trước cơn giận dữ của Ra-ma. Chàng ngồi đó, “trông khủng thiếp như thần chết vậy”. Tình huống sử thi, tính cách nhân vật sử thi hay tâm lí con người bình thường đã chi phối diễn biến của chuyện, chi phối tâm trạng của Ra-ma? Chàng Ra-ma cao quý khi ấy có khác gì những con người bình thường, tầm thường nhất?
Thái độ của Ra-ma đã tạo nên hoàn cảnh bi thảm của Xi-ta buộc nàng phải chứng minh bằng hành động thuyết phục cuối cùng: bước lên giàn lửa. Thần lửa A-nhi sẽ là minh chứng cuối cùng, đủ sức thuyết phục nỗi nghi ngờ khổng lồ trong tâm hồn của chồng nàng. Lúc này, cho dù lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, ở nàng vẫn ngời lên một tình yêu thủy chung, trong sáng.
Có lẽ, chính tình yêu ấy làm nên lòng dũng cảm của nàng. Nàng bước vào ngọn lửa trong sự kêu khóc vang trời của muôn loài, trong nỗi thương xót cực độ của những người chứng kiến.
Thần lửa A-nhi đã khẳng định sự trong trắng của nàng: “Hỡi Ra-ma, Gia- na-ki của người đây. Nàng trong trắng. Nàng không phạm bất cứ tội lỗi nào, bằng lời nói, việc làm, hay ý nghĩ” (Dẫn theo SGK Ngữ văn 10, tập 1)
Sự trong trắng của nàng là sự trong trắng tuyệt đích. Cho dù bị xúc phạm, bị lăng nhục nhưng tình cảm của nàng, sự thủy chung của nàng vẫn không hề thay đổi. vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp của một tấm gương mà bất cứ một người phụ nữ nào trên trái đất này đều có thể soi và tự hoàn thiện mình. Nàng trở về trong vòng tay của Ra-ma sau sự chứng minh khốc liệt nhất. Đó là sự khẳng định cao nhất phẩm chất của nàng của sử thi.
Sức hấp dẫn của sử thi Ấn Độ một phần là bởi trong vẻ đẹp cùa huyền thoại vẫn lấp lánh những tính cách rất con người. Nhưng với Xi-ta, vẻ đẹp huyền thoại và vẻ đẹp con người dường như hoàn toàn thống nhất. Đó phải chăng là lời ngợi ca đẹp nhất về nàng.
Tuy thế, cảnh tượng bi tráng về nàng, nỗi đau của nàng vẫn còn để lại những dấu ấn không phai trong lòng người đọc. Nàng là biểu tượng của vẻ đẹp nhưng cũng là nỗi đau xót mà một người phụ nữ có thể gặp trong cuộc đời mình. Nhưng hơn hết, tình yêu vẫn luôn là phép màu kì diệu làm cho thế giới mãi mãi tốt đẹp hơn. Xi-ta là biểu tượng của sự hoàn thiện, hoàn mĩ về cả hình thức, tâm hồn và tình yêu cao cả. Nhưng bi kịch của nàng cũng tiêu biểu cho những gì mà người phụ nữ có thể gặp phải trong thế giới này.
Không khí trong lành và tình yêu thương vô bờ bến toát ra từ những trang sử thi Ra-ma-ya-na chính bởi vẻ đẹp thẳm sâu của nữ nhân vật: nàng Xi-ta.