Văn mẫu lớp 10: Thuyết trình về vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác là một đề tài rất hay nằm trong chương trình Ngữ văn 10 sách Cánh diều tập 1 trang 38.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 10: Thuyết trình về việc nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
Thuyết trình vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác gồm dàn ý và bài thuyết trình siêu hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh lớp 10 có thêm nhiều gợi ý ôn tập, trau dồi kiến thức, biết cách làm và hướng giải quyết vấn đề. Từ đó nhanh chóng biết cách thuyết trình về một vấn đề xã hội cho mọi người cùng nghe. Đồng thời biết cách trả lời câu hỏi 1 phần thực hành trang 38 sách Ngữ văn 10 Cánh diều. Vậy dưới đây là bài thuyết trình về vấn đề Nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác, mời các bạn cùng tải nhé.
Thuyết trình về vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác hay nhất
Dàn ý thuyết trình vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
2. Thân bài:
– Giải thích; “nhận lỗi”, “đổ lỗi”
– Biểu hiện của hiện tượng
– Nguyên nhân của hiện tượng
– Hậu quả
– Giải pháp khắc phục
– Phê phán
– Bài học nhận thức
3. Kết bài: Khẳng định và đánh giá khái quát lại vấn đề.
Suy nghĩ của em về vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
Em xin kính chào cô và các bạn! Sau đây em xin phép đại diện cho nhóm ba lên thuyết trình trước lớp về vấn đề: “Nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác”.
Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng mắc phải sai lầm, vậy các bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó? Các bạn sẽ dũng cảm đối diện với sự thật và nhận lỗi hay trở thành một kẻ hèn nhát đổ tội cho người khác vì không muốn mọi người phán xét mình? Mình nghĩ rằng tất cả các bạn ngồi đây đã hơn một lần tự biến mình thành kẻ hèn nhát. Mình cũng giống như các bạn, đã từng trở nên nhu nhược như thế. Trong cuộc sống, không ít người vẫn đang tự biến mình thành người giống vậy. Thay vì chịu trách nhiệm trước hành động của bản thân, họ luôn đổ thừa cho hoàn cảnh và những người xung quanh. Câu cửa miệng của họ mỗi khi bị người khác hỏi về lỗi lầm của mình là “Tại vì…”, tại thế nọ, tại thế kia. Đó chính là sự dối trá và thiếu lòng tự trọng với bản thân cũng như thiếu sự tôn trọng đối với người khác.
Vậy các bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao bản thân cũng như mọi người lại sẵn sàng nói dối, đổ lỗi cho người khác để bao biện cho mình hay chưa? Theo mình, nguyên nhân xuất phát từ việc mỗi người không thể tìm được phương án giải quyết cho các vấn đề mà mình gặp phải. Chúng ta sẵn sàng phủi bỏ trách nhiệm và chuyển nó sang người khác để không phải gánh vác, xử lý hậu quả vấn đề. Ngoài ra, nó còn cho thấy sự nhận thức yếu kém về bản thân cũng như khả năng đối mặt với sự thật.
Lâu dần, chúng ta sẽ hình thành một thói quen xấu là đổ lỗi cho người khác, tự ru ngủ để bảo vệ cho cái “tôi” mỏng manh của chính mình. Đổ lỗi cho người khác một cách thường xuyên sẽ khiến bạn đánh mất đi khả năng chịu trách nhiệm cho mọi chuyện; không giữ được vị thế trong mắt mọi người; không thể trưởng thành, học hỏi từ những vấp ngã, sai lầm trong cuộc sống.
Đó là lý do vì sao chúng ta phải thay đổi mỗi ngày. Khi dám thay đổi, bạn sẽ có một tâm thế thoải mái, giải thoát bản thân khỏi những lo lắng hoặc lỗi cư xử chưa phù hợp. Hơn nữa, bạn sẽ nhìn nhận được khả năng của bản thân đối với hoàn cảnh hiện tại và trong những tình huống sắp tới. Phát huy được những điều này, bạn sẽ dần từ bỏ được thói quen đổ lỗi lên ai đó vì hành động của mình.
Mình mong rằng các bạn ngồi đây sẽ có được những nhận thức đúng đắn về hậu quả của việc đổ lỗi cho người khác để tự sửa đổi, rèn luyện mình mỗi ngày. Chỉ khi làm được điều đó, cuộc sống của chúng ta mới trở nên tươi đẹp, tràn đầy ý nghĩa!
Phần thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe! Em xin chân thành cảm ơn.