Văn mẫu lớp 10: Tổng hợp những mở bài về bài thơ Phú sông Bạch Đằng (40 mẫu)

Văn mẫu lớp 10: Tổng hợp những mở bài về bài thơ Phú sông Bạch Đằng (40 mẫu)

Mở bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu gồm 40 mẫu hay, được đánh giá cao. Mở bài Phú sông Bạch Đằng sẽ giúp các bạn lớp 10 có thêm cảm hứng cho bài viết của mình, giúp bài viết được trôi chảy hơn. Đồng thời còn tạo ấn tượng cho người đọc thấy được sự thích thú khi cảm nhận bài văn ngay từ phần mở đầu.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 10: Tổng hợp những mở bài về bài thơ Phú sông Bạch Đằng (40 mẫu)

Phú sông Bạch Đằng đã ca ngợi sự anh minh của các vị vua Trần, ca ngợi những chiến tích oai hùng đồng thời khẳng định vai trò to lớn của nhân kiệt. Đọc xong bài phú đã để lại trong lòng người đọc bao cảm xúc về con người, quê hương đất nước. Vì thế chúng ta ngày nay phải có ý thức xây dựng quê hương đất nước phát triển hơn. Vậy sau đây là 40 mở bài Phú sông Bạch Đằng, mời các bạn cùng theo dõi.

Mở bài Phú sông Bạch Đằng hay nhất

    Mở bài thuyết minh đoạn 1 Phú sông Bạch Đằng

    Mở bài mẫu 1

    Khi nhắc đến Trương Hán Siêu, không thể không nhắc đến tác phẩm “Phú sông Bạch Đằng”. Trong đó, nổi bật nhất là đoạn một trong bài phú đã khắc họa cảm xúc của nhân vật “khách” khi du ngoạn sông Bạch Đằng.

    Mở bài mẫu 2

    Trương Hán Siêu (? – 1354), tự là Thăng Phú, người làng Phúc Am, huyện Yên Ninh (nay thuộc thành phố Ninh Bình). Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là Phú sông Bạch Đằng. Bài “Phú sông Bạch Đằng” chưa rõ được viết năm nào, có thể vào khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi.

    Mở bài phân tích đoạn 2 bài Phú sông Bạch Đằng

    Mở bài mẫu 1

    Bài phú trên sông Bạch Đằng là một bài ca bất hủ, một áng văn xuôi mẫu mực được xếp vào hàng “thiên cổ hùng văn” của văn học nước nhà. Trương Hán Siêu bằng hiểu biết sâu rộng và ngòi bút đầy tài hoa của mình đã khắc hoạ nên một cảnh tượng chiến đấu trên sông Bạch Đằng đầy hào hùng, sống động và vô cùng chân thực. Qua lời kể các bô lão, trận chiến như diễn ra trước mắt người đọc đầy khí thế, oanh liệt.

    Mở bài mẫu 2

    Dòng sông Bạch Đằng vẫn thản nhiên chảy mãi, mà Đằng Giang tự cổ huyết do hồng, mà nhục quân thù khôn rửa nổi! Đó là những lời bình luận tâm huyết của Trương Hán Siêu về ý nghĩa của những chiến công trên sóng nước Bạch Đằng. Cảm hứng tác phẩm bắt nguồn từ hồn thiêng Bạch Đằng với thiên nhiên kì vĩ được lồng ghép với tâm sự hoài cổ, ưu thời mẫn thế. Điều đặc biệt là những chất liệu nội dung đó được thể hiện một cách khéo léo, với một bút pháp nghệ thuật hết sức điêu luyện được thể hiện qua hình tượng các bô lão.

    Mở bài cảm nhận bài Phú sông Bạch Đằng

    Mở bài cảm nhận Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 1

    Sông Bạch Đằng là một trong những địa danh lịch sử với những chiến công lẫy lừng của cha ông ta. Đây cũng là con sông được nhắc đến trong thơ ca với niềm tự hào dân tộc sâu sắc. Trong số đó, bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu là một trong những tác phẩm nổi tiếng thời nhà Trần và cũng là một trong số ít những bài phú xuất sắc nhất của văn học trung đại Việt Nam.

    Mở bài cảm nhận Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 2

    Trương Hán Siêu là một người có học vấn uyên bác, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình và có nhiều đóng góp lớn cho hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Trong thơ văn cổ Việt Nam có một số tác phẩm lấy đề tài sông Bạch Đằng, nhưng Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu được xếp vào hàng kiệt tác. “Phú sông Bạch Đằng” là một tác phẩm bộc lộ tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc.

    Mở bài cảm nhận Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 3

    Trương Hán Siêu là một người có học vấn uyên bác, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình và có nhiều đóng góp lớn cho hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Những tác phẩm của ông thường bộc lộ tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc. “Phú sông Bạch Đằng” là một tác phẩm như thế.

    Mở bài phân tích bài Phú sông Bạch Đằng

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 1

    Mỗi chúng ta, ai cũng thường có cho mình một nơi nào đó để gửi gắm ký ức. Các nhà văn, nhà thơ cũng vậy, họ hay chọn cho mình một miền đất hoặc một con sông. Và ở đó bao nhiêu ký thác tâm hồn được vắt ngang qua. Trở lại thế kỉ XIV, văn học trung đại của dân tộc đã có một nhà thơ như thế. Đó chính là Trương Hán Siêu – nhà thơ nặng lòng với con sông Bạch Đằng oai hùng của lịch sử qua văn phẩm nổi tiếng Phú sông Bạch Đằng. Có lẽ biết bao tâm tư của cả một đời cống hiến được ông dồn nén hết thảy vào dòng chảy bất diệt ấy để làm nên một tác phẩm trở thành đỉnh cao của thơ văn dân tộc.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 2

    Trương Hán Siêu là một danh sĩ đời Trần, sau lúc qua đời được vua Trần truy phong là Thiếu Bảo.Ông còn để lại bốn bài thơ và ba bài văn “Dục Thuý sơn khắc thạch”,”Linh Tế Tháp ký”,”Khai Nghiêm tự bi”,”Bạch Đằng giang phú”,…Trong thơ văn cổ Việt Nam có một số tác phẩm lấy đề tài sông Bạch Đằng nhưng”Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu được xếp vào hạng kiệt tác. Chưa rõ Trương Hán Siêu viết “Bạch Đằng giang phú”vào năm nào, nhưng qua giọng văn cảm hoài “Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá-Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”, ta có thể đoán định được, bài phú này chỉ có thể ra đời sau khi Trần Quốc Tuấn đã mất, tức là vào khoảng 1301-1354.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 3

    Trong văn chương trung đại, thiên nhiên được miêu tả khá nhiều. Các nhà văn, nhà thơ tìm đến thiên nhiên trong những tâm trạng khác nhau. Cao Bá Quát đến với thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng chua xót bất đắc chí. Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đối với thiên nhiên để bày tỏ đạo lý thanh cao trước thói đời bon chen danh lợi. Ở Bài phú sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu đã tìm đến thiên nhiên trong một tâm trạng khác.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 4

    Tình yêu thiên nhiên, cảnh vật non sông gấm vóc quê hương vốn không phải là một đề tài mới mẻ. Trong các trang thơ đã có rất nhiều những nhà văn, nhà thơ thể hiện rất thành công đề tài này. Nhưng ở trong mỗi tác phẩm thơ văn thì các nhà văn, nhà thơ lại thể hiện với những sắc thái hoàn toàn mới mẻ, với những đối tượng miêu tả, sắc thái miêu tả hoàn toàn khác nhau, mang đặc trưng riêng của phong cách mỗi nhà thơ. Cũng viết về cảnh sắc của thiên nhiên đất trời, nhà thơ Trương Hán Siêu đã thể hiện tình yêu cũng như niềm tự hào trước vẻ đẹp của đất nước, mà đối tượng ở đây là con sông lịch sử, con sông hào hùng của dân tộc Việt Nam, con sông Bạch Đằng. Tình yêu ấy, niềm tự hào ấy của nhà thơ được thể hiện rõ nét qua bài phú “Phú sông Bạch Đằng”.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 5

    Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ, quê ở làng Phúc Am, phủ Yên Khánh, nay thuộc phường Phúc Thành, thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Ông làm quan suốt bốn đời vua Trần, từ triều đại Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông đến triều đại Trần Dụ Tông. Vì tính tình cương trực và có học vấn uyên thâm nên Trương Hán Siêu được các vua Trần tin cậy và nhân dân kính trọng. Sau khi qua đời, ông được thờ ở Văn Miếu, Hà Nội.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 6

    Trương Hán Siêu là một người có học vấn uyên bác, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình và có nhiều đóng góp lớn cho hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Những tác phẩm của ông thường bộc lộ tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc. “Phú sông Bạch Đằng” là một tác phẩm như thế.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 7

    Đất nước Việt Nam với hơn 4000 năm văn hiến, với truyền thống yêu nước và giữ nước vẻ vang cùng với đó là những địa danh đã ghi dấu các chiến tích lẫy lừng của quân dân nước Nam đánh đuổi giặc ngoại xâm như: sông Lô, Hàm Tử, Chi Lăng… Một trong số đó phải kể đến là Bạch Đằng giang – con sông của lịch sử đã chứng kiến Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, nhà Trần tiêu diệt sạch bóng quân Mông – Nguyên.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 8

    “Phú sông Bạch Đằng” – một tác phẩm tiêu biểu cho đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam. Tác giả Trương Hán Siêu đã bằng những hoài niệm quá khứ để thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc về chiến công lừng lẫy trên sông Bạch Đằng. Có thể nói bài phú chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn sâu sắc, đó là truyền thống anh hùng bất khuất và đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam ta. Mở đầu bài Phú sông Bạch Đằng là lời giới thiệu nhân vật “khách”, thực tế đây chính là tác giả, một người có tâm hồn ưa du ngoạn, khám phá và tự do phóng khoáng.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 9

    Thiên nhiên là những cảnh đẹp nên thơ hùng vĩ vì thế mà nó đã trở thành một đề tài nổi bật trong văn thơ. Đã có rất nhiều nhà thơ thành công ở đề tài này, mỗi nhà thơ lại cho ta thấy một vẻ đẹp riêng của thiên nhiên nơi mình đang sống. Để góp mình vào đề tài này Trương Hán Siêu đã thể hiện tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước tiêu biểu là bài thơ Bạch Đằng giang phú. Bài thơ này viết về con sông lịch sử của dân tộc đó là sông Bạch Đằng.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 10

    Trương Hán Siêu là một danh nhân văn hóa đời Trần, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình đồng thời ông còn là một nhà thơ nổi bật của thời đại. Phú sông Bạch Đằng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, tiêu biểu cho văn học yêu nước thời Lí – Trần. Tác phẩm gồm có bốn phần chính, đoạn mở đầu thể hiện cảm xúc lịch sử của nhân vật khách trước cảnh sắc sông Bạch Đằng. Đoạn tiếp theo là đoạn giải thích: các bô lão kể với nhân vật khách về chiến công lịch sử trên sông Bạch Đằng. Đoạn tiếp thể hiện suy ngẫm và bình luận của các bô lão về chiến công xưa. Đoạn kết là lời ca khẳng định vai trò của con người.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 11

    “Trăm năm bia đá cũng mòn
    Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!”

    Trong những áng văn viết về trận thủy chiến Bạch Đằng, bài phú của Trương Hán Siêu ra đời sớm hơn tất cả và cũng là áng văn “không tiền khoáng hậu”. Bạch Đằng giang phú là tác phẩm mà tính chất trữ tình và màu sắc anh hùng ca được hòa quyện nhuần nhuyễn và tinh tế.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 12

    Phú sông Bạch Đằng hay Bạch Đằng giang phú là tác phẩm được xếp vào hạng kiệt tác của Trương Hán Siêu. Bài thơ được viết bằng chữ Hán lấy đề tài sông Bạch Đằng làm cảm hứng sáng tác. Trong tác phẩm này, bằng ngòi bút tinh tế, tác giả đã thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc thiêng liêng. Cùng với đó tác phẩm cũng chứa đựng những tư tưởng nhân văn cao đẹp. Phân tích bài thơ Phú sông Bạch Đằng ta sẽ thấy được sự sâu sắc và tinh tế của tác giả trong từng câu chữ.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 13

    Trương Hán Siêu là người gốc Thái Bình, Tự là Thăng Phủ. Ông là người từng giữ rất nhiều chức vụ quan trọng dưới triều đại nhà Trần, với học vấn cao uyên thâm nên ông được rất nhiều học trò và nhân dân kính trọng, đặc biệt đến các nhà vua thời Trần còn phải nể phục. Thời đó ông được ban tặng tước vị Thái Bảo, Thái Phó khi mất đi ông được thờ ở Văn Miếu quốc tử giám. Ông tham gia vào việc viết lách thơ văn nhưng để lại không nhiều tác phẩm, nhưng trong số tác phẩm ông sáng tác có bài “ Phú sông Bạch Đằng”. Tác phẩm còn được người đời đánh giá là phú xuất sắc nhất của văn học trung đại.

    Mở bài phân tích Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 14

    Trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiều địa danh của đất nước đã trở thành những đề tài hấp dẫn, vì ghi dấu những chiến công vĩ đại như Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa, sông Lô.v.v… Nhưng gợi nhiều cảm hứng nhất có lẽ phải kể đến sông Bạch Đằng lịch sử – nơi đã từng diễn ra những trận đánh quyết liệt chống quân xâm lược phương Bắc. Tại đây, Ngô Quyền thắng quân Nam Hán; Lê Hoàn quét sạch quân nhà Tống; Trần Hưng Đạo nhấn chìm đại quân Nguyên Mông. Bởi thế, chỉ nói riêng trong lịch sử văn học thời trung đại đã nhiều cây bút tên tuổi như Trần Minh Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyên Mộng Tuấn;., đều viết về nó. Nhưng thành công hơn cả là Trương Hán Siêu với Bài phủ sông Bạch Đằng. Tác phẩm này từ lâu đã được đánh giá là bài phú nổi tiếng nhất ở đời Trần và cũng là một trong số ít bài phú xuất sắc nhất của văn học trung đại.

    Mở bài phân tích hình tượng nhân vật Khách

    Mở bài hình tượng nhân vật Khách – Mẫu 1

    “Khách có kẻ” trong “Bạch Đằng giang phú” là nhân vật trữ tình không ai khác mà chính là Trương Hán Siêu. Trong các bài phú cổ, nhân vật “khách” không mấy xa lạ. “Ngọc tỉnh liên phú” (bài phú Sen giếng ngọc) của Mạc Đĩnh Chi (?-1346) cũng có nhân vật “khách”: … “Khách có kẻ: nơi nhà cao tựa ghế, trưa mùa hạ nắng nồng. Ao trong ngắm làn nước biếc, Nhạc phủ vịnh khúc Phù Dung”. “Khách” ở đây là Mạc Đĩnh Chi biểu lộ tấm lòng thanh cao, chí khí, tài năng và hoài bão của kẻ sĩ ở đời.

    Mở bài hình tượng nhân vật Khách – Mẫu 2

    Trương Hán Siêu là một người có tính tình cương trực, học vấn uyên tâm, được các vua Trần tin cậy và tin dùng. Ông là một trong những danh sĩ nổi tiếng nhất đời Trần, nhưng số lượng tác phẩm để lại không nhiều. Nổi bật nhất là Bạch Đằng giang phú, với hình tượng nhân vật “khách” để lại nhiều dư âm, ấn tượng trong lòng bạn đọc.

    Mở bài hình tượng nhân vật Khách – Mẫu 3

    Trong sự nghiệp văn học của mình, Trương Hán Siêu sáng tác không nhiều nhưng có lẽ chỉ cần một Bạch Đằng giang phú cũng đủ để làm nên tên tuổi của ông. Đọc bài ca, hầu hết mọi người đều chung ý nghĩ: nhân vật “khách” là sự phân thân của chính tác giả và sự xuất hiện của nhân vật này có ý nghĩa khá quan trọng.

    Mở bài hình tượng nhân vật Khách – Mẫu 4

    Văn học dân tộc đã từng ghi lại biết bao nhiêu những hình tượng đẹp. Là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với bao nỗi trăn trở sục sôi về tinh thần tướng sĩ trong bài hịch bất hủ. Là vua Lí Công Uẩn đầy khảng khái, hi vọng về tương lai đất nước trong Chiếu dời đô. Là bậc khai quốc công thần Nguyễn Trãi hào sảng, khí thế trong Đại cáo bình Ngô. Và khoảng sau 50 năm sau chiến thắng trên sông Bạch Đằng, có một Trương Hán Siêu đầy hoài niệm về những chiến công trong lịch sử dân tộc trong Phú sông Bạch Đằng. Nhưng để bộc lộ, giãi bày xúc cảm ấy, bậc nho sĩ thời Trần đã gửi gắm qua hình tượng nhân vật khách, một sáng tạo thành công về mặt nghệ thuật đưa Phú sông Bạch Đằng trở thành một trong số những tác phẩm xuất sắc của thơ văn trung đại.

    Mở bài hình tượng nhân vật Khách – Mẫu 5

    Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ông cha ta đã ghi lên trang sử nước nhà những trận thuỷ chiến thành công vang dội. Trong số những dòng sông, cửa biển in đậm dấu ấn lịch sử, Bạch Đằng là con sông nổi tiếng nhất, oai hùng nhất. Ngợi ca con sông huyền thoại, Nguyễn Trãi viết Bạch Đằng hải khẩu, Nguyễn Sưởng sáng tác Bạch Đằng giang, và nổi bật hơn cả là Trương Hán Siêu với tuyệt tác Bạch Đằng giang phú. Xuyên suốt tác phẩm nổi bật lên hình tượng nhân vật khách đầy ấn tượng.

    Mở bài hình tượng nhân vật Khách – Mẫu 6

    Sông Bạch Đằng đã là một địa danh quen thuộc, là chứng nhân lịch sử đã viết lên nhiều mốc son chói lọi trong những trang sử vẻ vang của dân tộc, chính vì thế sông Bạch Đằng đã khơi gợi nhiều cảm hứng cho nhiều thi nhân văn sĩ, cho ra đời những tác phẩm khá nổi tiếng. Một số tác phẩm ví như Bạch Đằng giang của Trần Minh Tông, Bạch Đằng giang phú của Nguyễn Mộng Tuân hay Bạch Đằng giang của Nguyễn Xưởng,… Trong đó phải kể đến một tác phẩm thuộc thể loại phú rất nổi tiếng trong văn học trung đại Việt Nam ấy là bài Phú sông Bạch Đằng của tác giả Trương Hán Siêu. Phần đầu của tác phẩm nổi lên hình tượng của và cảm xúc của nhân vật “khách” khởi đầu cho cả tác phẩm phú với lối đối đáp “chủ-khách”.

    Mở bài phân tích đoạn 1 bài Phú sông Bạch đằng

    Mở bài phân tích đoạn 1 – Mẫu 1

    “Bạch Đằng giang phú” – một bài phú tiêu biểu xuất sắc nhất trong thể phú của văn học Việt Nam thời kì trung đại, qua bài phú, tác giả Trương Hán Siêu không chỉ ca ngợi truyền thống anh hùng kiên cường bất khuất của dân tộc mà còn thể hiện niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương đất nước. Tiêu biểu trong đoạn mở đầu của bài phú, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp của con sông Bạch Đằng lịch sử, một địa danh mang ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc.

    Mở bài phân tích đoạn 1 – Mẫu 2

    Lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam có vô số đề tài hấp dẫn lấy cảm hứng từ những địa danh của đất nước. Mỗi địa danh lại gắn liền với chiến công vĩ đại như: Chi Lăng, Hàm Tử, Đống Đa. Nhưng địa danh gợi nhiều cảm hứng nhất cho các tác giả chính là Bạch Đằng lịch sử – nơi đây được biết đến qua những trận đánh gay cấn, quyết liệt chống quân xâm lược từ phương Bắc.

    Mở bài cảm hứng yêu nước trong Phú sông Bạch Đằng

    Mở bài cảm hứng yêu nước – Mẫu 1

    Yêu nước là cảm hứng không bao giờ ngưng trong dòng chảy của văn chương dân tộc suốt bao thế kỉ qua. Có cái âm vang từ thuở Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) cất lên bên bến sông Như Nguyệt. Có cái khí thế của đội quân Sát Thát nhà Trần trong khúc hùng ca Tụng giá hoàn kinh sư(Trần Quang Khải), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão). Có cái ngút ngàn của binh tướng Lam Sơn trong Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi). Có cái rung chuyển của trận đánh thần tốc gắn với người anh hùng áo vải Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)… Dẫu dừng ở điểm nào cũng vẫn thấy nguồn cảm hứng ấy cuồn cuộn dâng trào. Và Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, một điểm dừng góp vào cho dòng chảy của văn chương yêu nước một khúc hùng ca bất diệt. Bài phú càng khẳng định vị trí đỉnh cao nghệ thuật của mình hơn khi âm hưởng yêu nước hào hùng trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo.

    Mở bài cảm hứng yêu nước – Mẫu 2

    Bài “Phú sông Bạch Đằng” được sáng tác sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông khoảng 50 năm. Bạch Đằng là con sông ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của dân tộc như trận thắng quân Nam Hán năm 938 của Ngô Quyền, trận thắng quân Nguyên Mông năm 1288 của Trần Hưng Đạo. Đã có rất nhiều nhà thơ viết về con sông lịch sử đầy niềm tự hào này, nhưng bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu là nổi tiếng và đặc sắc nhất. Tác phẩm được viết theo lối phú cổ thể. Đây là một thể loại văn có nguồn gốc từ Trung Quốc, lòng yêu nước của ông trong từng câu thơ.

    Mở bài cảm hứng yêu nước – Mẫu 3

    Trong thời kì văn học trung đại, cảm hứng yêu nước và nỗi trăn trở chuyện nước nhà luôn là đề tài được khai thác phổ biến và sâu sắc. Xét trong hoàn cảnh thực tế, khi chỉ có nam nhân được đến trường học hành bài bản, cùng với nỗi âu sầu, khát khao cống hiến cho tổ quốc, cho nhân dân, cái “chí làm trai” luôn đặt nặng lên vai, lòng yêu nước luôn được các tác giả gửi gắm vào từng lời thơ, câu chữ. Đối với Trương Hán Siêu, một trong những tác giả nổi tiếng của văn học Việt Nam, nỗi niềm yêu nước được phơi trải với dòng sông Bạch Đằng, nơi ghi dấu biết bao huyền thoại cha ông dựng nước, giữ nước. “Bạch Đằng giang phú” hay còn gọi là “Phú sông Bạch Đằng” đã khẳng định một cách đanh thép và rõ ràng tình yêu nước hào hùng chảy tròn dòng máu Lạc Hồng, đồng thời bộc lộ sự hổ thẹn, tủi nhục khi cảm thấy bản thân chưa làm được gì cho đất nước.

    Mở bài thuyết minh Trương Hán Siêu và bài Phú sông Bạch Đằng

    Mở bài thuyết minh Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 1

    Nhắc đến triều đại nhà Trần, ta không thể không nhắc đến một nhân vật lớn, nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến nhân dân là Trương Hán Siêu. Ông là một người có trình độ học vấn vô cùng sâu rộng, uyên bác, lại trải qua những bốn đời vua nhà Trần là Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông và cả hai cuộc chiến chống quân Nguyên xâm lược, ông đã đóng góp rất nhiều cho nhà Trần, được các vị vua thời này tôn kính như một bậc thầy.

    Mở bài thuyết minh Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 2

    Trương Hán Siêu là một tác giả lớn của thời đại nhà Trần. Tên tuổi của ông là Thăng Phủ, ông từng làm quan qua 4 đời vua và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Hàn lâm học sĩ hay Thượng thư. Ông là một nhà chính trị tài ba lỗi lạc, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình và được nhà vua rất coi trọng, khi qua đời ông được vua truy tặng chức Thái bảo, Thái phó. Trương Hán Siêu trở thành một danh sĩ nổi tiếng của nền văn học Trung đại Việt Nam, bài Phú sông Bạch Đằng ra đời trở thành một tác phẩm tiêu biểu, gắn liền với tên tuổi của ông.

    Mở bài thuyết minh Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 3

    Trương Hán Siêu sinh năm (?-1354). Tự là Thăng Phủ, người làng Phúc An, huyện Yên Ninh (nay thuộc thành phố Ninh Bình). Ông vốn là môn khách của Trần Hưng Đạo, là một danh sĩ thời Trần. Năm 1351 ông được thăng tham tri chính sự. Khi mất ông được vua tặng tước Thái Bảo,Thái phó và được thở ở Văn Miếu (Hà Nội). Trương Hán Siêu được người đời nhận xét là một người có tình tình cương trực, hào phóng có tâm hồn lãng mạn, thích đi du ngoạn và tìm cho mình một phong cảnh tuyệt vời. Và ông đã tìm đến Phú sông Bạch Đằng để ngắm cảnh thiên nhiên ở đây.

    Mở bài thuyết minh Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 4

    Văn học thời Lý – Trần, ngoài áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, hay “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, thì không thể không kể đến bài phú nổi tiếng “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu.

    Mở bài thuyết minh Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 5

    Lịch sử của một dân tộc không chỉ là những chiến công với những chiến thắng chống giặc ngoại xâm mà còn la lịch sử với bề sâu văn hiến, là lịch sử được ghi lại bằng hồn người qua những áng văn chương. Nhắc đến những bài thơ mang âm hưởng hào hùng của một thời đại một đi không trở lại, chúng ta không thể nhắc đến bài phú “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu. Bài thơ đã được viết từ lâu rồi nhưng đến nay và mãi sau, người ta vẫn không thôi nhắc đến nó như một khúc ca về thời đại nhà Trần.

    Mở bài thuyết minh Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 6

    Tôi rất tự hào về quê hương mình, tự hào về truyền thống cứu nước của dân tộc.Một đất nước với tình yêu quê hương đất nước sâu sắc. Đó là những chiến thắng mang đậm tinh thần dân tộc. Chiến thắng vẻ vang trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền đã khẳng định nước ta không hề yếu mà vô cùng mạnh. Và chiến thắng ấy đã được đi vào trong trang thơ của các nhà thơ. Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu đã khắc họa rõ chiến thắng ấy.

    Mở bài thuyết minh Trương Hán Siêu và Phú sông Bạch Đằng – Mẫu 7

    Văn học mỗi thời kỳ đều để lại cho dân tộc những tác phẩm có giá trị lịch sử. Nhớ về thời Trần nhiều chiến công hiển hách, người ta không chỉ nhớ tới “Nam quốc sơn hà” mà còn nhớ tới một tác phẩm văn học nổi tiếng khác. Đó là bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu. Bài Phú vừa là tác phẩm văn học xuất sắc vừa là tác phẩm thể hiện niềm tự hào dân tộc, gửi gắm tư tưởng triết lí sâu xa đáng suy ngẫm.

    Mở bài phân tích giá trị nghệ thuật thể phú

    Chế Lan Viên đã từng viết: Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Đằng, để nhấn mạnh khẳng định ý nghĩa giá trị của sông Bạch Đằng với lịch sử dân tộc. Sông Bạch Đằng đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao thế hệ thi sĩ như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân,… và không thể không nhắc đến Trương Hán Siêu với Bạch Đằng giang phú – bài phú mẫu mực về nghệ thuật của thể phú.

    Ngoài ra các bạn xem thêm một số bài văn mẫu như: thuyết minh đoạn 1 Phú sông Bạch Đằng, phân tích bài thơ, cảm nhận bài thơ Phú sông Bạch Đằng, phân tích hình tượng nhân vật Khách, phân tích đoạn 1 bài Phú sông Bạch Đằng. 

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *