Văn mẫu lớp 11: Giới thiệu một tác phẩm truyện

Văn mẫu lớp 11: Giới thiệu một tác phẩm truyện

Văn mẫu lớp 11: Giới thiệu một tác phẩm truyện mang đến 2 bài văn mẫu hay, giúp các bạn tham khảo nhanh chóng trình bày rõ ràng bằng lời về phương diện liên quan đến nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 11: Giới thiệu một tác phẩm truyện

Văn mẫu lớp 11: Giới thiệu một tác phẩm truyện

Để giới thiệu một tác phẩm truyện, các em cần lưu ý đọc kĩ truyện, tìm hiểu, ghi lại các thông tin về tác giả, bối cảnh văn hoá – xã hội của tác phẩm, tóm tắt truyện, nắm vững đặc sắc nội dung và hình thức của truyện. Vậy sau đây là 2 bài văn mẫu giới thiệu một tác phẩm truyện mời các bạn cùng theo dõi tại đây.

Giới thiệu một tác phẩm truyện hay nhất

    Vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô

    Xin chào thầy cô và các bạn.

    Thầy cô và các bạn thân mến! M. Go-rơ-ki là nhà văn Nga nổi tiếng với phong cách nghệ thuật độc đáo. Ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu trong đó có “Bà lão I-dec-ghin”. Trong phần kết của truyện, đoạn trích “Trái tim của Đan-kô” miêu tả vẻ đẹp phẩm chất của người anh hùng Đan-kô: đó là một con người dũng cảm, giàu lòng yêu thương, đầy tinh thần vị tha, sẵn sàng xả thân vì cộng đồng. Qua đó, tác giả hướng đến ca ngợi sức mạnh của tình yêu thương, khẳng định giá trị đích thực của cuộc sống chính là sống vì mọi người.

    Đan-kô trước hết là một chàng trai can đảm. Khi bộ lạc của anh đang kiệt lực, chết dần chết mòn và mất hết ý chí, Đan-kô đã khuyên nhủ họ Cứ lo nghĩ làm chi cho hao tâm tổn sức? Anh cổ vũ họ Hãy đứng lên để tìm cách đi xuyên qua rừng sâu, vì theo anh: rừng cũng có chỗ kết thúc, mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc! Anh hô hào mọi người: Ta đi đi! Nào! Tiến bước!. Lòng can đảm của anh đã vực dậy cả đoàn người đang gần như tuyệt vọng, bởi họ nhìn thấy trong mắt anh ngời lên bao nhiêu sức mạnh và nhiệt tình sôi nổi. Lòng can đảm của Đan-kô còn thể hiện ở việc anh sẵn sàng làm người dẫn đường. Khi mọi người bảo: Anh dẫn chúng tôi đi!, anh đã dẫn họ đi. Phải hình dung được vượt qua rừng sâu và đầm lầy hiểm nguy như thế nào ta mới hết được sự can đảm và quyết đoán của Đan-kô. Anh đã tự gánh lấy một trách nhiệm vô cùng nặng nề.

    Thứ hai, Đan-kô là một chàng trai giàu tình yêu thương, giàu lòng vị tha. Vì yêu thương bộ lạc của mình, muốn mọi người thoát khỏi hiểm nguy, chết chóc, có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, nên anh mới cổ vũ và tình nguyện dẫn mọi người vượt qua rừng sâu và đầm lầy đầy bóng tối. Vì yêu thương và giàu lòng vị tha, nên khi bị những người trong bộ lạc oán trách, muốn giết anh, dù trong lòng có bùng lên niềm phẫn nộ sục sôi, nhưng lòng thương hại mọi người đã dập tắt ngọn lửa uất giận ấy. Trong trái tim anh, mãnh liệt hơn hết vẫn là tình yêu thương: Anh yêu họ, anh lo lắng cho họ, vì nghĩ rằng nếu không có anh, có lẽ họ chết mất. Vì lòng yêu thương, anh chỉ có một mong mỏi cháy bỏng, thiết tha, đó là muốn cứu thoát họ, đưa họ lên con đường dễ dàng.

    Bên cạnh đó, Đan-kô là còn là một chàng trai có tấm lòng hy sinh cao thượng. Vì sự sống còn của mọi người, anh đã tự xé toang lồng ngực mình, lấy trái tim cháy rực làm ngọn đuốc để soi đường, mở lối cho mọi người bước tới. Trái tim anh cháy rực sáng như Mặt Trời, sáng hơn Mặt Trời. Ánh sáng của trái tim đó chính là ánh sáng của lòng yêu thương vĩ đại đối với mọi người. Dưới ánh sáng vĩ đại đó, bóng tối tan tác và run lẩy bẩy, rừng giãn ra nhường lối, còn đoàn người thì ban đầu sửng sốt, đứng trơ ra như phỗng, sau đó Họ xông lên theo anh, sung sướng mê cuồng, Họ chạy nhanh và mạnh bạo, cảnh tượng kì diệu của trái tim cháy lôi cuốn họ. Bây giờ, dù cái chết có xảy đến họ cũng không còn than vãn và khóc lóc. Với ánh sáng kì diệu từ trái tim Đan-kô, cuối cùng, bộ lạc của anh đã đến được thảo nguyên bao la và tươi sáng. Khi đã dẫn được bộ lạc đến thảo nguyên, Đan-kô vẫn không hề nghĩ gì đến bản thân mình. Anh chỉ hòa chung niềm vui với mọi người vì đã đến được vùng đất mới: Chàng Đan-kô can trường và kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt, sung sướng nhìn khoảng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Anh mãn nguyện vì đã làm được điều tốt đẹp cho cho mọi người, dù sau đó anh phải trả giá bằng cả tính mạng: Rồi anh gục xuống và chết.

    Hình ảnh trái tim Đan-kô mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Trái tim Đan-kô là biểu tượng của tình yêu thương lớn lao và cao cả. Chính tình yêu thương đó đã tạo nên sức mạnh để giúp con người chiến thắng bóng tối của khó khăn và thử thách, truyền cho họ niềm tin, động lực để vươn đến ngày mai tươi sáng. Hình ảnh trái tim vẫn cháy bừng bừng khi Đan-kô đã chết và hình ảnh trái tim tóe ra một loạt tia sáng trước khi tắt cùng với hình ảnh những tia lửa xanh trên thảo nguyên trước mỗi cơn dông cho thấy: dù cuộc đời con người là hữu hạn, nhưng tình yêu thương mà con người dành cho nhau sẽ có sức sống bất diệt, sẽ mãi mãi trường tồn.

    Bàn về đặc sắc nghệ thuật trong xây dựng hình tượng nhân vật Đan-kô phải kể đến huống truyện kịch tính, đưa nhân vật vào tình thế phải lựa chọn rõ ràng, quyết liệt. Nghệ thuật trần thuật linh hoạt, sử dụng hai người kể chuyện, xen lẫn các đối thoại, bình luận… Miêu tả bối cảnh không gian sống động, thể hiện trí tưởng tượng phi thường của tác giả. Sử dụng nghệ thuật đối lập (đoàn người và Đan-kô, thiên nhiên và con người). Sử dụng chi tiết, hình ảnh mang tính biểu tượng sâu sắc: rừng rậm và đầm lầy, trái tim cháy sáng, thảo nguyên bao la…

    “Trái tim Đan-kô” là một truyện ngắn đặc sắc, trong đó, M. Gor-ki đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Đan-kô, một hình tượng nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, mang vẻ đẹp chói sáng, bất tử; khẳng định tài năng và phong cách lãng mạn độc đáo của Go-rơ-ki. Qua câu chuyện này, mỗi chúng ta đều phải tự nhắc nhở mình: phải biết sống yêu thương, cao thượng, vị tha, cống hiến…

    Trên đây là phần trình bày của tôi về vẻ đẹp của nhân vật Đan-kô trong văn bản Trái tim Đan-kô của Go-rơ-ki. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Hi vọng nhận được sự góp ý của tất cả mọi người.

    Giới thiệu Một người Hà Nội của Nguyễn Khải

    Xin chào thầy cô và các bạn.

    Thầy cô và các bạn thân mến! “Một người Hà Nội“ là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Khải. Qua đó, tác giả thể hiện cái nhìn vô cùng mới mẻ của nhà văn về con người, cuộc sống với một hình thức nghệ thuật in đậm cá tính sáng tạo của nhà văn.

    Ngay từ cách đặt tên nhan đề “Một người Hà Nội” nhà văn đã mở ra hình tượng trung tâm của tác phẩm là một người Hà Nội mang trong mình vẻ đẹp hà Nội thuần túy không trộn lẫn. Bên cạnh đó còn mở ra không gian nghệ thuật cổ kính, mảnh đất Kinh Kì, nghìn năm văn hiến đã trải qua cùng những thay đổi của thời đại vẫn giữ được vẻ đẹp duyên dáng khiến lòng người xao xuyến. Cũng từ nhan đề có thể soi sáng được tư tưởng và chủ đề của tác phẩm.

    “Một người Hà Nội” với nhân vật chính là cô Hiền – người xuất thân từ gia đình Hà Nội giàu có, thân thiện. Ở cô Hiền thấm sâu vẻ đẹp tinh thần, văn hóa cốt cách của một người Hà Nội gốc, tạo nên nơi người đọc về vẻ đẹp ấy sẽ bền vững, không bị nhạt nhòa theo thời gian. Cô cũng là người có tình yêu và gắn bó sâu sắc với mảnh đất hà Nội. Ngay cả khi nơi đây có đang oằn mình trong bom đạn thì cô vẫn bám trụ lại mảnh đất này bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn của Hà Nội.

    Ở cô Hiền người ta nhìn thấy hội tụ đầy đủ vẻ đẹp ngoại hình, tính cách và tâm hồn. Về ngoại hình cô mang vẻ đẹp quý phái, sang trọng của một người phụ nữ gốc Hà Nội. Bên cạnh đó, cô là người thẳng thắn, có cái nhìn nhạy bén, sâu sắc trước thực tế và là người dám bộc lộ quan điểm sống của mình, dám thẳng thắn nói lên và sống thật với chính mình. Ở cô còn là người có lối sống văn minh hiện đại nhưng giữ được lối sống đẹp, không xô bồ, bon chen. Một người Hà Nội như cô Hiền mang vẻ đẹp riêng trong cốt cách và nó được tỏa sáng trong bất kì hoàn cảnh nào. Cô Hiền thể hiện là người hiểu được giá trị của cuộc sống, biết hướng đến giá trị cuộc sống và biết hài hòa giữa vật chất và tinh thần. Ngoài ra, cô vẫn giữ được thói quen thời trẻ của mình đó là giao lưu với văn nhân, nghệ sĩ, một cuộc sống phóng khoáng về tinh thần và một tâm hồn nghệ sĩ, là người biết yêu và trân trọng cái đẹp. Tuy vậy, cô vẫn là người có đầu óc thực tế trong việc lựa chọn chồng. Gần 30 tuổi cô mới lấy chồng. Nhưng người chồng cô chọn không mơ mộng một người làm quan hay làm nghệ sĩ. Người cô chọn là một ông giáo dạy tiểu học hiền lành, chăm chỉ. Cô Hiền là người có đầu óc thực tế, khôn ngoan việc gì cũng tính toán trước sau, đã tính là làm, đã làm là không sợ lời đàm tiếu từ thiên hạ. Phải là người hiểu đời, trải đời có bản lĩnh cô mới vượt lên những chuyện thị phi được mất ở đời như thế.

    Trong quan hệ với gia đình cô làm tròn bổn phận của một người vợ đảm đang, thông minh, tài giỏi trong việc làm kinh tế và tài giỏi trong việc quản lý gia đình. Đồng thời trong cách dạy con cái thì cô Hiền là người mẹ nghiêm khắc. Từ dáng ngồi trên bàn cô cũng chấn chỉnh và dạy con phải có lòng tự trọng. Một người mẹ có lòng tự trọng và ý thức rõ trách nhiệm của một công dân có lòng yêu nước. Trong quan hệ với người ở cô Hiền là người sống tình nghĩa nhân hậu, có trước có sau và gần gũi với mọi người như người thân trong gia đình. Chính vì vậy mà Nguyễn Khải ví cô như “hạt bụi vàng” và nhà văn trân trọng vẻ đẹp cốt cách và tâm hồn của một người Hà Nội như cô Hiền.

    Ngoài cô Hiền, mặc dù không trọng tâm miêu tả nhưng Nguyễn Khải cũng khắc họa lại những nhân vật Hà Nội khác trong tác phẩm. Đó là những thanh niên Hà Nội đại diện cho thế hệ trẻ có tự trọng, có trách nhiệm với quê hương, Tổ quốc. Những chàng trai mang trong mình lí tưởng sống cao đẹp sẵn sàng xả thân vì Hà Nội, vì Tổ quốc mình. Đặc biệt là Dũng – chàng trai có lòng yêu nước sâu sắc, sống có lí tưởng và trách nhiệm. Đó là Tuất một chàng trai biết kiềm lại cam xúc của bản thân để hướng đến những điều lớn lao hơn. Và là mẹ Tuất – người mẹ phải gánh chịu sự mất mát to lớn, đánh đổi cả đứa con thân yêu của mình. Một người mẹ đầy nghị lực và bản lĩnh.

    Tất cả khắc họa nên một bức tranh với nhân vật là những con người Hà Nội luôn âm thầm và lặng lẽ bằng những cách khác nhau để bảo vệ sự trường tồn của Hà Nội, bảo vệ những vẻ đẹp cốt cách và tâm hồn của những người Hà Nội.

    Trên đây là phần trình bày của tôi giới thiệu truyện ngắn “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Hi vọng nhận được sự góp ý của tất cả mọi người.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *