Nghị luận câu nói Người hạnh phúc là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người khác là một trong những chủ đề rất hay để viết văn nghị luận lớp 12.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Nghị luận câu nói Người hạnh phúc là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người khác
Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo bài văn mẫu hay, giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi vốn từ củng cố kỹ năng viết văn nghị luận. Ngoài ra các bạn tham khảo thêm một số bài văn hay khác tại chuyên mục Văn 12. Chúc các bạn học tốt
Nghị luận Người hạnh phúc là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người khác
Dàn ý nghị luận Người hạnh phúc là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người khác
1. Mở bài
– Từ thuở sơ khai, niềm khao khát, mưu cầu hạnh phúc đã trở thành bản năng, là thuộc tính tồn tại trong từng cá thể, ngày nay nó đã trở thành một thứ quyền chính đáng của mọi con người.
– Có quan niệm rất hay cho rằng: “Người hạnh phúc nhất là người mang đến hạnh phúc cho nhiều người khác”.
2. Thân bài:
* Khái niệm hạnh phúc:
– Hạnh phúc là một khái niệm rất rộng và trừu tượng mà khó có ai có thể hoàn toàn định nghĩa được nó, mỗi người mỗi khác.
– Nhưng chung quy hạnh phúc đó chính là sự thỏa mãn của tâm hồn, là sự hài lòng với cuộc sống mà mình đang có, quan trọng hơn cả hạnh phúc không phải là thứ đi giành giật, ích kỷ mà hạnh phúc phải xuất phát từ lòng hướng thiện, tâm hồn biết sẻ chia, phải cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống.
* Bình luận ý kiến “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người khác”:
– Sống phải biết chan hòa, biết yêu thương, thì mới có thể cảm nhận được hết những tư vị tốt đẹp của cuộc sống, đó mới là cuộc sống thực sự hạnh phúc
– Hạnh phúc của họ không còn chỉ nằm gọn trong những mong muốn tầm thường như cơm áo gạo tiền, mà đó là hạnh phúc của xã hội, niềm mong mỏi được đóng góp, cống hiến sức lực để tạo dựng niềm vui và to lớn hơn là hạnh phúc cho người khác.- Ví dụ như Hồ Chí Minh người dành cả cuộc đời để tạo dựng hạnh phúc cho nhân dân, các nhà giáo, lực lượng vũ trang,… đều có những hy sinh nhất định vì hạnh phúc của dân tộc.
– Có câu nói rất hay rằng: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”, dẫu nói cho đi là cam nguyện không mưu cầu một điều chi, nhưng chẳng phải mỗi khi cho đi chúng ta cũng cảm thấy tâm hồn thật thanh thản, vui tươi hơn hay sao, đó chính là quả ngọt hạnh phúc mà chúng ta gặt được từ những điều tuyệt vời mà chúng ta đã làm.
* Thực trạng:
– Nhưng đâu đó ngoài kia vẫn có những con người vị kỷ, thiếu đi tình yêu thương con người, họ luôn quan niệm hạnh phúc một cách quá thực dụng.
– Đó là một cuộc sống cô lập, dần xa rời xã hội, chỉ biết quanh quẩn đầu tư cho hạnh phúc của bản thân, để rồi khi nhìn lại, họ còn được gì ngoài một cái vỏ hạnh phúc vô nghĩa, một tâm hồn vô cảm.
3. Kết Bài
– Việc tìm kiếm hạnh phúc, theo đuổi hạnh phúc nói khó thì thật khó, nhưng khi bạn thả lỏng tâm hồn, hòa mình vào thế giới, dùng trái tim để cảm nhận, để sẻ chia, tức khắc bạn sẽ nhận ra rằng hóa ra hạnh phúc chẳng ở đâu xa, mà xuất phát từ chính bản thân ta.
– Khiến người khác hạnh phúc cũng đồng thời là tạo dựng hạnh phúc cho bản thân, việc trở thành “người hạnh phúc nhất” thật đơn giản chỉ là cho đi thật nhiều, yêu thương thật nhiều.
Nghị luận Người hạnh phúc là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người khác
Từ thuở sơ khai, niềm khao khát, mưu cầu hạnh phúc đã trở thành bản năng, là thuộc tính tồn tại trong từng cá thể, ngày nay nó đã trở thành một thứ quyền chính đáng của mọi con người. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 cũng từng nói: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Vì sao con người lại khao khát hạnh phúc, muốn sống trong hạnh phúc? Bởi hạnh phúc đem lại cho con người ta sự hài lòng và thỏa mãn với cuộc sống thường nhật, thoát khỏi những đớn đau, mệt mỏi trong xã hội và đặc biệt rằng hạnh phúc còn có khả năng lây lan thật kỳ diệu: “Người hạnh phúc nhất là người mang đến hạnh phúc cho nhiều người khác”.
Hạnh phúc là một khái niệm rất rộng và trừu tượng mà khó có ai có thể hoàn toàn định nghĩa được nó, đặc biệt với mỗi một cá thể thì hạnh phúc lại có một dáng vẻ hoàn toàn khác biệt. Có người quan niệm hạnh phúc phải là một cuộc sống đầy đủ những điều kiện vật chất, ăn ngon mặc đẹp, nhà cao cửa rộng; có người lại cho rằng hạnh phúc là chỉ cần được sống và hy sinh cho những người mình quan tâm mà không cần nhận lại; cũng có người cảm thấy hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt, là cuộc sống tĩnh lặng, ít xô bồ,… Nhưng chung quy hạnh phúc đó chính là sự thỏa mãn của tâm hồn, là sự hài lòng với cuộc sống mà mình đang có, quan trọng hơn cả hạnh phúc không phải là thứ đi giành giật, ích kỷ mà hạnh phúc phải xuất phát từ lòng hướng thiện, tâm hồn biết sẻ chia, phải cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống.
Lý giải tại sao Đi-ơ-rô lại cho rằng: “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người khác”, tôi nghĩ nếu một người chỉ sống vì bản thân mình mà không hề biết để ý và chia sẻ với những người xung quanh thì đó là một cuộc sống còn khiếm khuyết. Sống phải biết chan hòa, biết yêu thương, thì mới có thể cảm nhận được hết những tư vị tốt đẹp của cuộc sống, đó mới là cuộc sống thực sự hạnh phúc. Tôi tin chắc rằng một cá nhân có thể khiến nhiều người hạnh phúc, họ cho đi mà không yêu cầu nhận lại, là những con người có trái tim thật bao la. Hạnh phúc của họ không còn chỉ nằm gọn trong những mong muốn tầm thường như cơm áo gạo tiền, mà đó là hạnh phúc của xã hội, niềm mong mỏi được đóng góp, cống hiến sức lực để tạo dựng niềm vui và to lớn hơn là hạnh phúc cho người khác. Trái tim vĩ đại ấy cũng thuộc về người hạnh phúc nhất, niềm hạnh phúc của họ là thứ gom góp được khi tạo dựng hạnh phúc cho người khác. Hồ Chủ tịch từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó chính là hạnh phúc mà Bác đã theo đuổi hết 79 mùa xuân của cuộc đời, dần đã trở thành một lý tưởng cao đẹp, là tấm gương sáng mà ai cũng muốn được noi theo. Thêm một ví dụ nữa, tôi nghĩ những giáo viên ngày ngày đứng trên bục giảng gieo từng con chữ cho học sinh thân yêu của mình cũng thật sự là những người hạnh phúc, đó là những nhà giáo yêu nghề và tâm huyết. Công sức của họ ngày hôm nay chính là hạt giống cho hạnh phúc tương lai của biết bao thế hệ học sinh. Ai bảo nghề giáo viên nhàn nhã, tôi xin khẳng định là không phải, nghề nào cũng áp lực, để bám trụ với nghề người giáo viên đôi lúc phải hy sinh rất nhiều, kể cả hạnh phúc của bản thân để hướng tới những hạnh phúc lớn hơn, được thấy các em thành tài thực sự là niềm an ủi to lớn biết nhường nào. Rồi những nghề nghiệp có tính đặc thù như công an, quân đội họ cũng phải hy sinh hạnh phúc cá nhân để bảo vệ hạnh phúc của nhân dân, đó không chỉ là trách nhiệm là nghĩa vụ mà còn chính là niềm hạnh phúc chung thật đáng quý. Và vẫn còn nhiều những ví dụ khác nữa mà tôi không thể kể hết được.
Chung quy lại mỗi một cá nhân đều có thể trở thành người hạnh phúc nhất, quan trọng là tâm hồn và quan niệm sống của bạn như thế nào, có thực sự muốn mở lòng ra để hy sinh một phần lợi ích cá nhân để làm đẹp thêm cho cuộc đời, thêm cho cuộc đời một vài điều hạnh phúc nhỏ nhoi hay không. Có câu nói rất hay rằng: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”, dẫu nói cho đi là cam nguyện không mưu cầu một điều chi, nhưng chẳng phải mỗi khi cho đi chúng ta cũng cảm thấy tâm hồn thật thanh thản, vui tươi hơn hay sao, đó chính là quả ngọt hạnh phúc mà chúng ta gặt được từ những điều tuyệt vời mà chúng ta đã làm. Vậy nên việc được hạnh phúc thực ra chẳng khó nghĩ và xa vời như nhiều người vẫn thường mường tượng, chỉ cần hài lòng, an nhiên và sống bao dung, biết sẻ chia bạn vốn đã là người hạnh phúc nhất rồi.
Nhưng đâu đó ngoài kia vẫn có những con người vị kỷ, thiếu đi tình yêu thương con người, họ luôn quan niệm hạnh phúc một cách quá thực dụng, quanh đi quẩn lại một chữ “tiền” mà bỏ qua chữ “tình”, quên đi việc mở lòng, bao dung, sẻ chia với những số phận bất hạnh hơn. Đó là một cuộc sống cô lập, dần xa rời xã hội, chỉ biết quanh quẩn đầu tư cho hạnh phúc của bản thân, để rồi khi nhìn lại, họ còn được gì ngoài một cái vỏ hạnh phúc vô nghĩa, một tâm hồn vô cảm? Cuộc sống đã mất đi những điều tốt đẹp nhất, khi chỉ thấy xung quanh những ấm lạnh tình người, còn bản thân thật cô độc, liệu họ có thật sự hạnh phúc với lối sống ấy? Tôi xin được trả lời một chữ “khó”.
Việc tìm kiếm hạnh phúc, theo đuổi hạnh phúc nói khó thì thật khó, nhưng khi bạn thả lỏng tâm hồn, hòa mình vào thế giới, dùng trái tim để cảm nhận, để sẻ chia, tức khắc bạn sẽ nhận ra rằng hóa ra hạnh phúc chẳng ở đâu xa, mà xuất phát từ chính bản thân ta. Khiến người khác hạnh phúc cũng đồng thời là tạo dựng hạnh phúc cho bản thân, việc trở thành “người hạnh phúc nhất” thật đơn giản chỉ là cho đi thật nhiều, yêu thương thật nhiều. Tôi tin rằng thế giới ngoài kia sẽ chẳng nỡ lòng phụ lại một trái tim ấm áp như vậy đâu các bạn ạ.