Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói Nhân bất học bất tri lý (Dàn ý + 5 mẫu)

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói Nhân bất học bất tri lý (Dàn ý + 5 mẫu)

Nghị luận về câu nói Nhân bất học bất tri lý là một chủ đề rất hay nằm trong chương trình văn nghị luận xã hội lớp 12. 

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói Nhân bất học bất tri lý (Dàn ý + 5 mẫu)

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói Nhân bất học bất tri lý (Dàn ý + 5 mẫu)

Nghị luận Nhân bất học bất tri lý gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu hay được Download.vn tổng hợp từ bài làm hay nhất của học sinh trên cả nước. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết văn 12 ngày một hay hơn.

Nghị luận xã hội Nhân bất học bất tri lý hay nhất

    Dàn ý nghị luận Nhân bất học bất tri lý

    I. Mở bài:

    – Dẫn dắt vào câu nói “Nhân bất học bất tri lý”: Cổ nhân xưa đã có câu dạy rằng “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, đây là câu nói nhắc nhở về vai trò của việc học hành đối với con người

    II. Thân bài:

    – Giải thích câu nói:

    • Ngọc bất trác bất thành khí: một viên ngọc tự nhiên vốn dĩ là quý giá nhưng nếu không trải qua quá trình mài giũa, cắt gọt sẽ không thể phô diễn được hết vẻ đẹp giá trị của nó.
    • Nhân bất học bất tri lý: con người với những bản năng tự nhiên sẽ vẫn có khả năng tồn tại trong xã hội tuy nhiên nếu không có học thức thì sẽ mãi không có tri thức, không hiểu biết về lý lẽ cuộc đời.
    • Phân tích ý nghĩa câu nói: Ngọc và người đều là những thứ quý, ngọc muốn trở nên quý giá phải qua mài giũa còn người muốn trở nên đáng quý thì phải có học tập, rèn luyện.

    – Chứng minh câu nói:

    – Dẫn chứng: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta đã từng nói “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”.

    – Liên hệ thực tiễn: nếu bạn không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có rất ít công ty, xí nghiệp hay cơ quan tổ chức nào có thể tuyển dụng bạn vào làm việc.

    III. Kết bài:

    – Khẳng định ý nghĩa của câu nói: Mỗi con người chúng ta được sinh ra đều giống nhau, đều là những viên ngọc tự nhiên thuần khiết, có thể trở thành viên ngọc trang sức quý giá, long lanh và đắt đỏ hay không ấy là tùy thuộc vào ý thức học tập và rèn luyện bản thân của chúng ta.

    Nghị luận Nhân bất học bất tri lý – Mẫu 1

    Người xưa có câu:

    “Ngọc bất trác, bất thành khí
    Nhân bất học, bất tri lý”

    Nghĩa là ngọc mà không được mài dũa thì không thể trở thành món đồ có giá trị, cũng như người mà không học thì không biết được lý lẽ. Câu nói đó đã nói lên tầm quan trọng của việc học. Và ngày nay, để xác định một lần nữa mục đích của học tập, UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.” Học là trau dồi kiến thức tổng quát, là tiếp thu những cái hay, cái mới, cái tiến bộ sáng tạo… là nâng cao khả năng chuyên môn và các kỹ năng khác, đồng thời là hoàn thiện nhân cách của bản thân.

    Trước hết là chúng ta “học để biết”, để nhận thức được đúng, sai, tốt, xấu, hiểu rõ được các vấn đề. Quả thật là nếu không có học gì cả thì bản thân chúng ta sẽ không có hiểu biết để đánh giá, nhận định đúng một sự việc, vấn đề. Điều quan trọng hơn là sau khi hiểu được, biết được thì ta phải “làm”, phải vận dụng những gì đã học được vào thực tiễn đời sống. Có như vậy ta mới biết biết được thành quả của việc học đã đem lại, đồng thời thông qua đó cũng đóng góp một phần không nhỏ vào các hoạt động chung của xã hội. Mặt khác chúng ta còn “học để chung sống” để tạo dựng các mối quan hệ giữa người với người được hòa thuận, tốt đẹp, đầm ấm hơn nhờ tiếp thu những quy tắc giao tiếp, cách ứng xử và sự tinh tế, nhạy bén trong từng nền văn hóa. Có như vậy cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên hòa hợp và có ích với cộng đồng. Hơn thế nữa là chúng ta còn “học để tự khẳng định mình”, để chứng tỏ bản thân mình học là vì mục đích rõ ràng với ý chí phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đạt được mục tiêu đó. Đó là một quá trình lâu dài và đòi hỏi bản thân người học sự siêng năng, chăm chỉ, sự kiên trì, bền bỉ tới cùng.

    Tất nhiên thành quả của quá trình “học và làm”như vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích và xứng đáng với công sức mà ta đã bỏ ra. Như vậy câu nói của UNESCO khẳng định rằng học tập là bước cơ bản cung cấp cho ta tri thức đồng thời hướng dẫn ta sử dụng tri thức vào các mục đích tốt đẹp. Câu nói của UNESCO đã mở ra cho ta hai khía cạnh chính của việc học: thứ nhất là học phải thông qua việc tiếp thu kiến thức trên lý thuyết; thứ hai là học phải ứng dụng thực hành trong thực tế. Hai phạm trù này luôn sóng đôi với nhau, bổ sung cho nhau và không thể tách rời được. Đây cũng là một trong những bước chính yếu để việc học của một người đạt được kết quả cao. Từ đó tạo cho nền tảng phát triển vững chắc, có năng lực trong công việc chuyên môn, rèn luyện nhân cách bản thân tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, tiến bộ hơn về cả “bộ mặt” lẫn con người.

    Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những người học với mục đích đối phó, qua loa cho có. Do vậy mà họ nắm kiến thức một cách hời hợt, không sâu không chắc. Những dạng người này cho dù có đạt được thành tích cao trong học tập thì cũng rất khó thành công một cách bền vững cho sau này được.

    Tóm lại mỗi người trong chúng ta cần ý thức rõ việc học tập, xác định mục tiêu cụ thể, đúng đắn cho bản thân và nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đạt được mục tiêu để tạo lập cho bản thân sự tự tin bản lĩnh mạnh mẽ về năng lực của bản thân, rèn luyện đạo đức và hoàn thiện nhân cách cao đẹp.

    Nghị luận Nhân bất học bất tri lý – Mẫu 2

    Cổ nhân xưa đã có câu dạy rằng “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, đây là câu nói nhắc nhở về vai trò của việc học hành đối với con người. Từ thời xưa cổ nhân đã rất coi trọng học thức, người có học thức là người có tiếng nói trong xã hội, được mọi người kính trọng, tin tưởng. Ngày nay, xã hội mỗi ngày đều không ngừng thay đổi và phát triển, con người không chỉ cần có học thức, mà còn phải học tập không ngừng và mở mang kiến thức để có thể nhìn nhận đúng thực trạng xã hội, tự khẳng định giá trị của bản thân và giúp ích cho cuộc sống.

    Câu nói “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” gồm hai vế mang ý nghĩa bổ sung, giải thích cho nhau. Vế thứ nhất “Ngọc bất trác bất thành khí” có thể hiểu là một viên ngọc tự nhiên vốn dĩ là quý giá nhưng nếu không trải qua quá trình mài giũa, cắt gọt sẽ không thể phô diễn được hết vẻ đẹp giá trị của nó. Nếu viên ngọc không qua bàn tay con người tỉ mỉ, công phu, chịu những nỗi đau dưới lưỡi dao, đá mài thì sẽ không thể tạo ra những loại trang sức long lanh, đẹp mắt và quý giá. “Nhân bất học bất tri lý”, cũng giống như viên ngọc quý, con người với những bản năng tự nhiên sẽ vẫn có khả năng tồn tại trong xã hội tuy nhiên nếu không có học thức thì sẽ mãi không có tri thức, không hiểu biết về lý lẽ cuộc đời.

    Viên ngọc trải qua mài giũa mới đẹp đẽ và quý giá, cũng giống như con người phải có học thức mới trở thành con người có giá trị, hoàn thiện nhân cách và có hiểu biết mới giúp ta sống một cuộc sống ý nghĩa, giúp ích cho xã hội. Câu nói đã chỉ ra rất rõ ý nghĩa của học thức và quá trình học tập đối với con người. Ngọc và người đều là những thứ quý, ngọc muốn trở nên quý giá phải qua mài giũa còn người muốn trở nên đáng quý thì phải có học tập, rèn luyện. Người tài giỏi cũng giống như một viên ngọc quý giá đã trải qua biết bao công đoạn mài giũa, họ say mê và miệt mài học tập không ngừng, chăm chỉ rèn luyện, học hỏi và tiếp thu để mở rộng hiểu biết. Chẳng có ai sinh ra đã vốn thông minh, lanh lợi, có nhân cách hoàn hảo, dù có tài năng thiên phú hơn người nếu không biết cách học tập, bồi dưỡng và rèn luyện thì tài năng đó cũng dần dần mai một đi và không còn giá trị.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta đã từng nói “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Bác Hồ đã khẳng định rất rõ ràng ý nghĩa của việc học đối với bản thân mỗi người, vị trí con người trong xã hội cũng như hậu quả của việc không có học tập. Phải có học tập mới mong tiến bộ, có tiến bộ mới theo kịp sự phát triển của xã hội, phải không ngừng học tập để không bị tụt hậu và đào thải. Đơn giản như một người học sinh, nếu không cố gắng học tập sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ, không thể lên lớp, không cố gắng ôn thi sẽ không thể tốt nghiệp và đỗ đại học. Thời buổi hiện nay nếu bạn không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có rất ít công ty, xí nghiệp hay cơ quan tổ chức nào có thể tuyển dụng bạn vào làm việc, bạn sẽ thất nghiệp hoặc sẽ phải trở lại làm nông, như vậy chính là lạc hậu và tự đào thải mình khỏi xã hội.

    Mỗi con người chúng ta được sinh ra đều giống nhau, đều là những viên ngọc tự nhiên thuần khiết, có thể trở thành viên ngọc trang sức quý giá, long lanh và đắt đỏ hay không ấy là tùy thuộc vào ý thức học tập và rèn luyện bản thân của chúng ta. Hãy cố gắng mài giũa mình bằng việc không ngừng học tập, rèn luyện và tu dưỡng để trở thành những viên ngọc sáng nhất, quý giá nhất.

    Nghị luận Nhân bất học bất tri lý – Mẫu 3

    Theo truyền thống, ngày 05.09 là ngày khai giảng năm học mới của học sinh – sinh viên Việt Nam, thì đến nay, hơn 2.200.000 sinh viên – học sinh đã đi học hơn 4 tháng. Sau ba tháng hè, nay tất cả đồng loạt đến trường, có trường đã nhập học một tháng trước đó để học sinh “chạy” trước chương trình. Để đi học, nhiều người phải đi bộ trên những quãng đường dài, phải băng rừng, lội suối, leo đồi, phải đi trong mưa nắng, trong giá rét như: học sinh ở xã miền núi Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) phải bơi lội qua sông đi học, hay các em học sinh ở xã An Trung – huyện Kông Chro (Gia Lai) phải chen chúc nhau trên con thuyền cũ kỹ để qua con sông Cả đang cuồn cuộn chảy… Để việc học có hiệu quả, người ta phải đầu tư nhiều thời giờ, sức lực, tiền của và nỗ lực hết mình tập trung chú ý vào học tập, rèn luyện. Thêm vào đó, người học còn phải đọc thêm sách tham khảo, nghiên cứu tìm tòi, hỏi han thầy cô bạn bè, phải làm bài, học bài, phải thi cử. Học sinh nôn nao tới trường, tân sinh viên bỡ ngỡ đi nhập học, có những người đi làm thuê, cuốc mướn, đôi lúc phải bán những đồ dùng tối thiểu để lo học phí cho con nhập học: Câu hỏi đặt ra “sự học là gì mà làm cho con người tất bật đến vậy?”

    Học là trau dồi kiến thức, tiếp thu cái hay, mới, tiến bộ sáng tạo của nhân loại… là nâng cao khả năng chuyên môn, các kĩ năng, kĩ xảo,… đồng thời hoàn thiện nhân cách bản thân. Trước hết: chúng ta “học để biết”, để nhận thức được đúng, sai, tốt, xấu, hiểu rõ được các vấn đề. Điều quan trọng hơn: sau khi hiểu, ta phải “làm”, phải vận dụng những gì đã học được vào thực tiễn đời sống. Mặt khác chúng ta “học để chung sống” để tạo dựng các mối quan hệ giữa người với người được hòa thuận, tốt đẹp, đầm ấm hơn nhờ tiếp thu những quy tắc giao tiếp, cách ứng xử và sự tinh tế, nhạy bén trong từng nền văn hóa. Hơn thế nữa, chúng ta còn “học để tự khẳng định mình”, để chứng tỏ bản thân mình học là vì mục đích rõ ràng với ý chí phấn đấu nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đạt được mục tiêu đó. Bởi thế, UNESCO đã đề xướng mục đích học tập: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

    Ngạn ngữ xưa có câu:

    “Ngọc bất trác, bất thành khí,
    Nhân bất học, bất tri lý.”

    “Ngọc bất trác bất thành khí” có nghĩa là viên ngọc, đá quý… nếu không được mài giũa, đẽo gọt thì không thể làm cho nó thể hiện được vẻ đẹp và giá trị của nó. “Nhân bất học bất tri lý” có nghĩa là nếu con người không được học hành đầy đủ (học cả ở trường lớp và trường đời) thì không biết đến những lí luận, hiểu biết… về mọi sự vật hiện tượng được. Do vậy, sự học không bao giờ là thừa vì kiến thức như đường chân trời, càng đi càng thấy rộng.

    Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: “Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích”. Bên cạnh đó còn có những câu:“Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ”. Hay: “Dao có mài mới sắc, người có học mới nên”.

    Nói đến học là nói đến trí lực, một năng lực suy nghĩ, một trực quan nhạy bén, một tư duy hợp lý. Điều ấy hết sức cần thiết cho tất cả mọi người.

    “Một kho vàng không bằng một nang chữ”
    Do vậy, chúng ta không được coi nhẹ việc học.”

    “Nếu không có học hành đến nơi đến chốn thì lớn lên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích”.

    “Người mà không học khác gì mò mẫm trong đêm”.

    Ngay từ lúc nhỏ, bất kì ai cũng phải được học hành. Có học, có khôn. Học không chỉ là quá trình rèn luyện tri thức mà còn là quá trình rèn luyện tình cảm và đạo đức. Do vậy, chúng ta phải xác định được “học với ai?” – học từ gia đình, từ nhà trường, từ xã hội… “học như thế nào?”, “học để làm gì?”,…

    Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những người học với mục đích đối phó, qua loa cho có. Do vậy mà họ nắm kiến thức một cách hời hợt, không sâu không chắc. Những dạng người này cho dù có đạt được thành tích cao trong học tập thì cũng rất khó thành công một cách bền vững cho sau này được. Thật ra “Văn bằng chứng tỏ bạn đã thông minh trong một giai đoạn nào đó, đặc biệt lúc đi thi. Nếu sự học của bạn đứng ngang đó, dù một đống văn bằng cũng không đảm bảo sự thông minh của bạn.”

    Tóm lại mỗi người trong chúng ta cần ý thức rõ việc học tập, xác định mục tiêu cụ thể, đúng đắn cho bản thân và nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đạt được mục tiêu để tạo lập cho bản thân sự tự tin bản lĩnh mạnh mẽ về năng lực của bản thân, rèn luyện đạo đức và hoàn thiện nhân cách cao đẹp. Một viên ngọc dù có quý giá nhưng không mài giũa thì không trở thành một dụng cụ tốt, người không học thì không biết đạo nghĩa ở đời.

    Nghị luận Nhân bất học bất tri lý – Mẫu 4

    Người xưa dạy: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, nghĩa là, hòn ngọc thô kia nếu chẳng được mài giũa thì cũng chẳng thành món đồ trân quý được, con người ta không học qua thầy hay bạn tốt, qua nghịch cảnh của đường đời thì chẳng thể hiểu đạo lý làm người.

    Có chàng trai trẻ tự cho rằng mình là người đa tài, nhưng sau khi tốt nghiệp lại liên tiếp gặp trở ngại bế tắc, mãi vẫn chưa tìm được công việc như ý.

    Anh cảm thấy mình thân mang tuyệt kỹ mà không gặp thời, hoặc có gặp thời lại không gặp được người biết trân trọng tài năng, do đó dần dà cảm thấy rất thất vọng với xã hội.

    Nhiều lần công việc thất bại, bế tắc khiến anh tổn thương và tuyệt vọng. Anh cảm thấy, trên đời này không có Bá Nhạc để nhận biết anh là thiên lý mã. Đau khổ tuyệt vọng, anh lanh thang cho khuây khỏa. Một hôm anh đến bên bờ biển, dự định cũng sẽ kết thúc cuộc đời ở đây. Đúng lúc anh tự sát, thì một ông lão ở gần đó chạy đến, trông thấy và cứu anh. Ông lão hỏi anh tại sao phải tìm con đường chết, anh nói, anh không được mọi người và xã hội thừa nhận, không có ai hiểu và trọng dụng anh…

    Ông lão nhặt từ dưới chân lên một hòn sỏi, để chàng trai trẻ nhìn xem, sau đó ném trở lại bãi sỏi đá, rồi nói với anh: “Cậu nhặt giúp tôi viên sỏi tôi vừa ném đi đó”.

    “Không thể được”, anh trả lời.

    Cụ già chẳng nói năng gì, móc từ trong túi mình ra một viên ngọc lóng lánh, rồi ném xuống bãi cát sỏi, sau đó lại nói với anh: “Cậu có thể giúp tôi tìm lại và nhặt viên ngọc đó không?”.

    “Đương nhiên rồi”, anh nói.

    “Thế thì có lẽ anh đã biết tại sao rồi nhỉ? Anh nên biết, hiện nay anh vẫn chưa là viên ngọc, nên anh không kể yêu cầu người khác lập tức thừa nhận anh được. Nếu anh muốn người khác thừa nhận mình, anh phải nghĩ cách để khiến mình trở thành viên ngọc mới được”.

    Anh nghe rồi, cúi mặt chau mày, chẳng biết nói năng chi, quay trở về nghĩ suy về nhân thế, đời người, về ý nghĩa sinh mệnh.

    Hòn ngọc thô vốn không khác gì viên sỏi, hòn đá, cũng bề ngoài thô ráp, tầm thường, nhưng sau khi mài giũa thì mới hiện ra vẻ đẹp sáng óng ánh.

    Con người ai cũng có tài năng, khả năng thiên bẩm, cũng như hòn ngọc thô xấu xí, để lẫn với đám sỏi đá thì chẳng ai nhìn thấy, chẳng thể nhận ra.

    Nếu chẳng trải qua sóng gió cuộc đời, vượt qua khó khăn trắc trở, đứng dậy sau những lần vấp ngã, thất bại, thì sao có thể rèn luyện ý chí, nuôi dưỡng tài năng, thành tựu nhân cách được.

    Người xưa có dạy: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, nghĩa là, hòn ngọc thô kia nếu chẳng được mài giũa thì cũng chẳng thành món đồ trân quý được, con người ta không học qua thầy hay bạn tốt, qua nghịch cảnh của đường đời thì chẳng thể hiểu đạo lý làm người.

    Người không hiểu đạo lý cuộc đời, dễ lầm tưởng về khả năng bản thân, hay coi mình là trung tâm của vũ trụ, muốn người người phải theo ý mình.

    Người không hiểu đạo lý nhân sinh, hễ gặp khó khăn trở ngại là thất chí, hễ gặp thất bại là coi cuộc đời bất công, hễ gặp nghịch cảnh, khó nạn là tuyệt vọng, muốn tự kết thúc cuộc đời.

    Cuộc đời con người rất trân quý, chúng ta đến với thế gian này chỉ có mấy chục năm, nhiều thì cũng trăm năm. Nếu không hiểu đạo lý làm người, ý nghĩa nhân sinh, thì kiếp này cũng trôi đi vô ích, khác nào loài cỏ cây, xuân tốt tươi, đông héo tàn, khác nào loài côn trùng, hè về ri rỉ hát ca, thu qua là đã lìa xa cõi đời.

    Nếu mọi việc đều thuận lợi, dễ dàng, thì ai biết ai là người trí tuệ, ai kẻ phàm phu, ai biết ai là anh hùng tuấn kiệt, ai kẻ tiểu nhân. Vậy nên, người xưa có dạy, gian nan luyện chí anh hùng. Khó nạn càng lớn, thì khi thành tựu càng vĩ đại.

    Nghị luận Nhân bất học bất tri lý – Mẫu 5

    Sống trong xã hội, con người cần có quá trình học tập để nhận thức về xã hội và ý thức về bản thân mình, nhằm mục đích hoàn thiện nhân cách sống của mỗi con người trong cộng đồng. Ngày nay con người sống trong xã hội hiện đại nhưng con người cũng mang bản năng tự nhiên. Bản năng tự nhiên thì ít mang tính xã hội mà nó mang tính cá nhân. Vì thế cũng như ngọc phải mài giũa mới thể hiện được hết vẻ đẹp và giá trị của nó thì con người cũng phải học tập, thực hành trong lao động sáng tạo… sẽ thể hiện được những vẻ đẹp và giá trị của mình trong xã hội. Chính vì thế ngạn ngữ có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lí”.

    “Ngọc bất trác bất thành khí”: có nghĩa là viên ngọc, đá quý… nếu không được mài giũa, đẽo gọt thì không thể làm cho nó thể hiện được vẻ đẹp và giá trị của nó. Từ một viên đá quý, một viên ngọc lấy trong tự nhiên nếu không có bàn tay gọt đẽo, mài giũa của con người thì không thành những sản phẩm trang sức đẹp, quý giá được.

    “Nhân bất học bất tri lí”: có nghĩa là nếu con người không được học hành đầy đủ (học cả ở trường lớp và trường đời) thì không biết đến những lí luận, hiểu biết… về mọi sự vật hiện tượng được. Người không có học thì làm sao có những hiểu biết, không có hiểu biết thì không có những lí lẽ, lập luận, bàn luận… về mọi vấn đề của đời sống con người và xã hội. Vì thế nếu là ngọc thì phải có sự gọt đẽo, mài giũa mới thể hiện được vẻ đẹp và giá trị của nó. Con người cũng như ngọc phải được học tập đầy đủ những kiến thức về tự nhiên, xã hội thì mới trở thành người hoàn thiện về nhân cách, về những hiểu biết và vận dụng những hiểu biết ấy trong cuộc sống bản thân và xã hội.

    Ngọc là đáng quý! Con người là đáng quý! Nhưng nếu không có sự học tập, mài giũa, rèn luyện thì không trở thành hữu ích cho cuộc sống của chính họ và cho xã hội. Cho nên đã là ngọc thì phải mài giũa, đã là người thì phải học tập. Ta có thể ví người tài là một viên ngọc quý, cần phải học tập nhiều, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện trí tuệ nhiều thì viên ngọc ấy ngày càng thành công, càng khẳng định được vai trò, tầm quan trọng của mình đối với xã hội. Nếu con người sinh ra đã là thông minh nhưng nếu không học tập, mài giũa tu dưỡng nhân cách, phẩm chất và tài năng thì không trở thành thiên tài được.

    Hồ Chí Minh có bài thơ “Giã gạo” đã thể hiện rất đúng tinh thần ấy:

    Gạo đem vào giã bao đau đớn
    Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
    Sống ở trên đời người cũng vậy
    Gian nan rèn luyện mới thành công

    Chúng ta là những viên ngọc quý, nhưng viên ngọc ấy có thể hiện hết vẻ đẹp và giá trị của mình hay không ấy là do gọt đẽo mài giũa, học tập và tu dưỡng đạo đức, trí tuệ. Có nhiều người đã “thành khí”, đã rất “tri lí” nhờ học tập, tu dưỡng thường xuyên. Nhưng cũng có nhiều người đã thất bại, không thể hiện được vẻ đẹp và giá trị của mình do không thường xuyên mài giũa, học tập. Hãy tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân để mỗi chúng ta đều là những viên ngọc trong sáng tinh khôi nhất.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *