Nghị luận về khoảng lặng trong cuộc sống gồm 4 bài văn mẫu hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn lớp 12 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức, biết cách làm và hướng giải quyết vấn đề nêu ra trong đề bài. Từ đó nhanh chóng viết thành một bài văn nghị luận hay, hoàn chỉnh.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về khoảng lặng trong cuộc sống (Dàn ý + 4 mẫu)
Khoảng lặng là gì? Khoảng lặng là giây phút con người tự cho phép mình được sống thoải mái, không vướng bận, âu lo; thời điểm mà con người được nghỉ ngơi, thư giãn. Vậy dưới đây là 4 bài văn nghị luận về khoảng lặng hay nhất, mời các bạn cùng đón đọc.
Nghị luận về khoảng lặng trong cuộc sống hay nhất
Dàn ý nghị luận về khoảng lặng trong cuộc sống
I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề được nghị luận.
II. Thân bài:
– Giải thích khoảng lặng là gì?
+ Khoảng lặng là giây phút con người tự cho phép mình rơi vào trạng thái không phải suy nghĩ, lo lắng bất cứ điều gì cả.
+ Khoảng lặng là lúc tâm hồn ta muốn được nghỉ ngơi, muốn được ngồi lặng thinh lắng nghe nhịp tim của mình.
+ Khoảng lặng là một khoảng thời gian không dài, không ngắn nhưng đủ để bản thân nhìn về những điều đã qua, những chuyện trong quá khứ hay bất chợt nghĩ đến ngày mai.
+ Khoảng lặng đôi khi đơn giản chỉ là tự thưởng cho bản thân một ngày chẳng buồn lo những muộn phiền ngoài kia.
– Vì sao con người cần có khoảng lặng?
+ Xã hội: Xã hội phát triển, thời đại công nghệ, con người dần bị cuốn vào công việc,…
+ Gia đình: Những áp lực từ cuộc sống gia đình, con cái, cơm áo gạo tiền, …
+ Công việc: Số lượng công việc nhiều, không tìm được việc làm ưng ý, …
+ Tình yêu: Sự cô đơn trong tình cảm, những lần bất đồng quan điểm, cãi vả, …
+ Mối quan hệ giữa người với người…
=> Bởi chạy đua theo nhu cầu cuộc sống, theo dòng chảy cuộc đời mà con người dần trở nên vội vã, quên đi chính bản thân mình. Họ dần rơi vào trạng thái mất cân bằng, mất kiểm soát. Nhưng lúc ấy cần lắm những khoảng lặng để bình tâm suy nghĩ, nhìn nhận lại mọi thứ…
– Bàn luận, mở rộng:
+ Kể câu chuyện của chính mình hoặc ai đó về việc cần thiết của những khoảng lặng.
+ Giữa dòng đời xô bồ, có ai không mong được một phút giây nào đó được thảnh thơi, được thu mình vào một thế giới riêng. Khi đó đừng ngại ngần, hãy tự cho mình một khoảng lặng.
– Liên hệ bản thân
III. Kết bài:
– Đánh giá chung. Bài học nhận thức và hành động.
Viết đoạn văn về khoảng lặng trong cuộc sống – Mẫu 1
Cuộc đời không chỉ là những ồn ã, xô bồ và ta cần đến nhưng khoảng lặng trong đời. Khoảng lặng có thể hiểu đơn giản là sự tĩnh lặng, phút thư thái không tạp âm, không ồn ã. Khoảng lặng trong đời sống này dường như trở nên xa xỉ hơn vì con người quay mình trong tiếng xe cộ, tiếng khóc của trẻ con, tiếng người mẹ quát đứa con vì học kém… Chính vì thế ta càng trân trọng khoảng lặng để có thể thả lòng mình, chìm mình trong niềm vui nho nhỏ, hạnh phúc nho nhỏ. Khoảng lặng ấy cho con người phút nhìn lại mình để nhận ra bản thân cũng đã sống đầy nhạt nhẽo, vô vị như thế. Nhờ phút bình yên hiếm hoi, ta nhìn thế giới rộng lớn, nhìn về phần đời nhỏ nhoi của mình và từ đó có thể thúc giục bản thân hãy sống sao cho ý nghĩa, cho bớt “nhạt”. Những khoảng lặng là phút giây khiến con người dễ thấy tủi nhất, dễ thấy lòng nặng trĩu nhất vì phải nhìn lại những gì đã qua khi quanh ta chẳng còn ai để ồn ã, để cố tình quên đi cuộc đời mệt mỏi, bế tắc. Bạn biết không, khoảng lặng là điều ai cũng cần. Nhưng nếu như cứ cố đợi chờ cho bằng được một khoảng lặng thì lại chẳng dễ dàng. Hãy vượt lên áp lực cuộc sống để tìm đến khoảng lặng trong tâm trí. Vì đó mới là khoảng lặng bình yên nhất của tâm hồn mà ta có thể nương mình để khóc, để đau và để mạnh mẽ và đứng lên. Tóm lại, tìm kiếm một khoảng lặng, đắm mình trong nó là điều mà ta có thể làm thay vì vẩn vơ về đời và biết đâu, điều diệu kỳ sẽ xảy đến trong khoảng lặng cuộc sống ngỡ vô tình!
Nghị luận về khoảng lặng trong cuộc sống – Mẫu 2
Cuộc sống với những dòng chảy xô bồ khiến con người ta quên mất đi về những thứ tươi đẹp đang diễn ra quanh mình. Chính vì vậy, con người cần có những khoảng lặng để bình tĩnh lại, suy nghĩ về cuộc đời. Nhận xét về vấn đề này, Phạm Lữ Ân đã bày tỏ quan điểm của mình “Dù cuộc sống có trôi nhanh đến mấy, em nhớ để dành trong đời mình những khoảng lặng trời đợi”.
Màn đêm đã buông xuống với bao suy tư trầm mặc, với cuộc sống bon chen bộn bề, với những nỗi buồn ở tận nơi sâu thẳm mà chẳng biết than thở cùng ai?
Đôi khi, cần một khoảng lặng trong cuộc sống cho riêng mình. Một khoảng lặng nhỏ bé để trút hết mọi tâm trạng u buồn, để nhìn lại sau lưng ngẫm về phía trước, để nhấm nháp nỗi buồn vu vơ, để ngắm nhìn cuộc sống. Một khoảng lặng để thả hồn theo cơn gió bay đi, hay đơn giản chỉ là để tìm lại chút gì đó cho riêng mình…
Ta vẫn đi tìm “khoảng lặng” suốt chiều dài nỗi nhớ, vẫn tự dặn là hãy thưởng cho mình những khoảnh khắc không yên, những phút giây êm đềm sau những ngày miệt mài vất vả. Nhưng! Ấy thế mà ta vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn vô hình, trong chính khoảng lặng đó ta vẫn đi về với những trở trăn, những miền nhớ niềm thương, những dằn vặt của trái tim vẫn khắc khoải đôi điều.
Đường đời mỗi người như một đường thẳng, khi chúng giao nhau thì tạo thành ngã tư, hết ngã tư rồi thì vẫn sẽ là một đường thẳng và rồi lại gặp ngã tư khác… Sự quẩn quanh, bế tắc nhiều khi làm ta bất lực. Cuộc sống hiện đại hóa nên dường như con người cũng đang biến hóa theo. Tất cả giống như một kịch bản viết sẵn, khô khốc và gượng gạo.
Nhiều lúc tự hỏi rằng: Những trái tim đồng điệu, những con người sống tình cảm thực sự giờ đây đâu còn nữa? Con người đang dần biến mình thành những diễn viên chuyên nghiệp với những mối quan hệ tính toán. Một đời sống tự do tự tại để không còn phải gồng mình vì những guồng quay của cuộc sống thật không đơn giản. Biết làm sao được khi mình cũng chỉ là một hạt cát vô danh.
Giữa dòng đời xô bồ, đôi lúc con người ta cũng cần một chút thời gian để sống chậm, nhìn lại những gì đã qua, những gì đang tới và cả ở trong tương lai xa lắc. Đôi lúc trong một bản nhạc sôi động lại có khoảng lặng để đọng lại chút dư âm cho người nghe. Trong cuộc sống cũng vậy, khoảng lặng giúp người ta nhận ra nhiều điều mà bình thường không thể nào thấy được. Có ngẫm thì mới thấm, có hiểu thì mới vương.
Có ai từng quen mà dường như xa lạ, có ai từng yêu mà đã chia xa, có gì đó nhớ nhớ quên quên lẫn lộn trong tâm trí? Một chút gì đó hờ hững và vô tâm mà đời sống thường nhật ta vẫn bắt gặp, ta đã vô tình đi qua nhưng lại chẳng để lại dấu chân người?
Nhưng.. Khoảng lặng không thể tồn tại mãi mãi được… Giật mình! Ta lại trở về với nhịp sống nhanh mạnh, lại tiếp tục đua chen giữa cái dòng đời xô bồ. Nhưng có từ những khoảng lặng ta mới có cái nhìn khác để khơi dậy trong tâm hồn mình những gì tinh túy, thanh thản và bình yên nhất.
Cuộc sống ồn ào và tấp nập quá! Bận rộn thật đấy. Nhưng có lẽ ai cũng nên dành cho mình một khoảng lặng để dừng bước trên con đường đang đi. Một khoảng lặng để lắng nghe con tim lên tiếng. Một khoảng lặng để mong thời gian ngừng trôi… Khoảng lặng nhỏ, nhỏ thôi… nhưng đủ để yêu thương và giữ lấy yêu thương!
Nghị luận về khoảng lặng trong cuộc sống – Mẫu 3
Đã bao giờ bạn cảm thấy cuộc sống này bế tắc? Đã bao giờ bạn thấy thế giới này như quay lưng với bạn? Những khi đó bạn thường làm gì? Tự nhốt mình trong phòng, lựa chọn chạy trốn hay điên cuồng lao đầu vào công việc? Ai trong chúng ta cũng phải trải qua những ngày như thế. Và khi đó điều ta cần nhất chính là tự cho mình một khoảng lặng – để bình tâm nhìn nhận lại mọi chuyện đã qua.
Ngày còn bé khi nghe ba mẹ nói về khoảng lặng trong cuộc sống, tôi vẫn luôn mơ hồ chẳng biết đó là gì. Khi lớn lên, sự tò mò đã thôi thúc tôi tìm hiểu về nó. Vậy khoảng lặng là gì? Là giây phút con người tự cho phép mình rơi vào trạng thái không phải suy nghĩ, lo lắng bất cứ điều gì cả. Là lúc tâm hồn ta muốn được nghỉ ngơi, muốn được ngồi lặng thinh lắng nghe nhịp tim của mình. Là một khoảng thời gian không dài, không ngắn nhưng đủ để bản thân nhìn về những điều đã qua, những chuyện trong quá khứ hay bất chợt nghĩ đến ngày mai. Khoảng lặng đôi khi đơn giản chỉ là tự thưởng cho bản thân một ngày chẳng buồn lo những muộn phiền ngoài kia. Không phải điều gì lớn lao, suy cho cùng khoảng lặng chính là lúc chúng ta cho phép mình quên đi thế giới thực tại.
Tôi đã bao lần tự hỏi tại sao xã hội càng phát triển, con người cần có khoảng lặng? Có lẽ, hành trình đi tìm câu trả lời sẽ rất gian nan với một cô học trò cấp ba như tôi. Xã hội tiến bộ, thời đại công nghệ phát triển, con người bị cuốn vào công việc, guồng quay cuộc sống. Chạy đua cùng thời gian, cùng dòng chảy của xã hội, con người dần biến mình thành một cỗ máy. Họ không ngừng làm việc, không ngừng kiếm tiền. Người lớn chịu áp lực từ công việc rồi khi trở về nhà sẽ có những gánh nặng cơm, áo, gạo tiền rồi gia đình bên nội, bên ngoại. Bao thứ bủa vây lấy họ. Những lúc đó họ nên làm gì? Cần thiết nhất chính là tự dừng lại mọi thứ, cho bản thân một khoảng lặng để bình tâm, nạp năng lượng rồi chiến đấu tiếp.
Hay trong tình yêu, sau bao lần đổ vỡ người ta thường có xu hướng khép mình, ngại mở lòng với người sau. Thậm chí có người mất niềm tin vào tình yêu, họ căm ghét chuyện tình cảm, họ cho rằng ai cũng như người trong quá khứ. Khi ấy điều họ cần chính là một khoảng thời gian đủ để suy nghĩ, nhìn và chấp nhận những chuyện đã qua. Đồng thời tự cho mình và cho người một cơ hội.
Và đặc biệt tuổi trẻ chúng ta, cần những khoảng lặng hơn bao giờ hết. Chắc hẳn bạn đã nghe đến cái chết thương tâm của một thành viên nhóm nhạc SHINee là Jonghyun. Anh ấy chết vì bệnh trầm cảm, hay chính vì không thể chịu đựng được nữa những áp lực của cuộc sống. Hằng ngày anh ấy vẫn gồng mình để hứng chịu mọi thứ, cho đến một ngày không thể chịu được nữa anh đã chọn cái chết để giải thoát tất cả. Giá như khi đó anh tự cho mình một khoảng thời gian ngắn thôi để suy nghĩ, để tìm bình yên trong tâm hồn, có lẽ đã không xảy ra chuyện đau lòng đó. Con người hiện đại thường vội vã, quên đi chính bản thân mình. Họ dần rơi vào trạng thái mất cân bằng, kiểm soát. Những lúc ấy cần lắm những khoảng lặng để nhìn nhận lại mọi thứ…
Giữa dòng đời xô bồ ai chẳng mong muốn được một lần thu mình vào thế giới riêng. Nhiều khi đi làm về chỉ muốn ngả lưng lên chiếc giường thân yêu, tạm gác đi những mệt mỏi ngoài kia nhưng nhận ra mình còn gia đình, lại phải bật dậy và cố gắng. Phàm là con người ai cũng có một giới hạn chịu đựng nhất định, đến hạn mức sẽ không thể tiếp tục được nữa. Khi đó, đừng cố nữa, mà hãy dừng lại. Cuộc đời cần có những dấu phẩy trước khi đến được dấu chấm cuối cùng.
Riêng bản thân tôi, ở những năm tháng cấp ba, áp lực nhất có lẽ là chuyện thi cử, học hành. Dưới sức ép từ ba mẹ, nhà trường đã có lúc tôi rơi vào bế tắc thật sự. Nhưng rồi tôi đã suy nghĩ tích cực hơn, tôi xin phép ba mẹ cho tôi được thư thả vài ngày để tâm trạng thoải mái hơn. Tôi dành ba ngày để suy nghĩ về ước mơ, về đam mê, về những thứ tôi sẽ có được và mất đi nếu tôi thành công hay thất bại. Tôi vạch ra cho bản thân một kế hoạch ổn định hơn, ít áp lực hơn, tự nhủ phải luôn giữ cho tâm thật thoải mái. Và mỗi lần như vậy tôi thấy bản thân tốt hơn rất nhiều, chẳng còn bi quan như trước đó. Thật ra con người chúng ta ai cũng luôn cần một khoảng lặng để được nghỉ dưỡng cho tâm hồn, cho thể xác.
Khoảng lặng – điều mà ta đang tìm kiếm. Nếu mỗi ngày trôi qua của bạn đang rất mệt mỏi hãy dừng lại mọi thứ, chọn cho mình một góc, bình ổn lại tất cả. Cuộc sống này cần lắm những khoảng lặng, cũng giống như giữa chốn ngục tù ô nhục trong truyện “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân vẫn tồn tại một Viên quản ngục có thiên lương trong sáng. Nếu cuộc đời là một bản nhạc hỗn loạn, lắm nốt cao độ thì khoảng lặng chính là những nốt trầm da diết, giúp ta cân bằng cuộc sống.
Nghị luận về khoảng lặng trong cuộc sống – Mẫu 4
Giữa cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp, ai trong mỗi chúng ta cũng đều cần có cho mình một khoảng lặng để cuộc sống chậm lại và ý nghĩa hơn. Khoảng lặng là giây phút con người tự cho phép mình được sống thoải mái, không vướng bận, âu lo; thời điểm mà con người được nghỉ ngơi, thư giãn. Có người nghĩ rằng, khoảng thời gian ấy chính là phần thưởng vô giá cho bản thân, giãn cách nhịp sống nghẹt thở, tạo ra những nguồn năng lượng mới. Vậy, tại sao chúng ta lại cần có những “khoảng lặng”? Phải chăng chính là do mặt trái của xã hội công nghệ hiện đại, thời đại khoa học kĩ thuật vượt trội, con người bị cuốn vào những guồng quay của công việc, làm việc như một cái máy, sống nhanh, sống vội, sống quay cuồng. Hàng loạt những con số đáng kinh ngạc đã được công bố, ở Nhật Bản, số người tự tử ngày một tăng cao, do áp lực công việc, do áp lực từ cấp trên mà không ít những người đã chết, chết do tự tự, chết do làm việc quá sức. Đừng ngần ngại cho mình những khoảng lặng để ta thấy được ý nghĩa của cuộc sống, đừng ngại ngần khi tạo cho mình những nguồn năng lượng mới, cố gắng vì một cuộc sống hạnh phúc và hướng tới một sự tĩnh tại trong tâm hồn, vững vàng trước những phong ba, bão táp của đường đời.