Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về tác hại của việc mất kiểm soát khi giận dữ gồm dàn ý chi tiết kèm theo 7 mẫu cực hay, giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn nghị luận về một vấn đề xã hội ngày một hay, đạt điểm cao hơn.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về tác hại của việc mất kiểm soát khi giận dữ (Dàn ý + 7 mẫu)
TOP 7 mẫu nghị luận về sự tức giận cực chất dưới đây được viết rất hay với văn phong rõ ràng, dễ hiểu có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, sẽ giúp các em học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Ngoài ra các bạn xem thêm: nghị luận về sự đồng cảm và sẻ chia, nghị luận về vai trò của gia đình, nghị luận xã hội về thái độ sống tích cực.
Nghị luận về tác hại của việc mất kiểm soát khi giận dữ
Dàn ý nghị luận về mất kiểm soát khi tức giận
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề: Tức giận là trạng thái tâm lí thông thường mà bất cứ ai cũng có nhưng hãy học cách kiểm soát những cơn tức giận để những cảm xúc cực không phá hỏng những cố gắng và cả những mối quan hệ của chúng ta. Có ai đó từng nói rằng “Trong cuộc sống, con người cần biết kiềm chế sự tức giận”.
2. Thân bài
– Cắt nghĩa “tức giận”: Tức giận là những cảm xúc tiêu cực được hình thành khi con người bị xúc phạm, lừa dối hay thất bại….
–> Đây là trạng thái cảm xúc quen thuộc trong thế giới tình cảm của con người, ai cũng từng tức giận nhưng đứng trước cơn tức giận bùng phát thì mỗi người lại có cách xử sự khác nhau.
– Biểu hiện:
- Khi tức giận con người thường sẽ cảm thấy khó chịu, bức bối tột độ mà đánh mất đi sự kiểm soát khách quan đối với những lời nói, hành vi của mình.
- Khi ấy ta có thể nói hay có những hành vi mà chính bản thân mình cũng không nghĩ đến, đó là những lời nói, hành vi bị điều khiển bởi cơn tức giận nên rất nặng nề, nghiêm trọng.
– Hậu quả:
- Những cơn tức giận có thể làm rạn nứt những mối quan hệ, gây đổ vỡ mọi chuyện tốt đẹp, đánh mất những thời cơ.
- Khi tức giận kiểm soát sẽ làm cho con người đánh mất khả năng đánh giá khách quan, khi ấy bạn cũng có thể đánh mất cơ hội để học hỏi những điều tốt đẹp
- Không thể đưa ra những cách giải quyết thấu đáo, hợp lí nhất bởi bạn chỉ có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo khi bạn bình tĩnh, hạnh phúc.
– Vì sao cần kiểm soát cơn tức giận:
- Đôi khi sự việc không giống như những gì chúng ta chứng kiến được, vì vậy hãy học cách kiềm chế cơn tức giận, bình tĩnh để đánh giá và xử lí vấn đề.
- Chúng ta sẽ không thể giải quyết bất cứ việc gì khi tức giận, bởi mọi quyết định khi ấy sẽ mang tính chủ quan, cảm tính.
- Trong những lúc tức giận, nếu không thể dập tắt ngay cơn giận dữ thì bạn hãy im lặng để mình bình tĩnh lại, mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa khi chúng ta đã bình tĩnh và có sự thấu đáo trong suy nghĩ.
3. Kết bài
Khi biết kiểm soát cơn tức giận chúng ta không chỉ làm chủ được cảm xúc của bản thân mà còn là cách chúng ta rèn luyện bản lĩnh để trưởng thành hơn.
Nghị luận về tác hại của sự nóng giận
“Nhẫn là một đức tính đẹp, là cảnh giới cao nhất của đời người”. Quả thật, sống trên đời, không thiếu gì chuyện khiến ta phải nóng giận hay mâu thuẫn nhưng mấy ai có thể biết cách kiềm chế cơn tức giận trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Tức giận là những cảm xúc tiêu cực được hình thành khi con người bị xúc phạm, lừa dối hay thất bại. Đây là trạng thái cảm xúc quen thuộc trong cung bậc tình cảm của con người, ai cũng từng tức giận nhưng đứng trước cơn tức giận bùng phát thì mỗi người lại có cách xử sự khác nhau. Có người sẽ cư xử mạnh mẽ và đánh mất đi sự kiểm soát khách quan về hành động, có người sẽ thể hiện sự bức bối ấy qua những lời nói thiếu chau chuốt, nặng nề và nghiêm trọng.
Khi không biết kiềm chế sự tức giận, ta dễ dàng làm rạn nứt các mối quan hệ trong xã hội. Cơn giận sẽ chiếm lĩnh toàn bộ con người ta khiến ta không thể nhìn nhận vấn đề sáng suốt, hợp lý. Thế mới nói, tức giận là bản năng, kiềm chế mới là bản lĩnh. Biết kiềm chế sự tức giận đồng nghĩa với việc kiểm soát hành động, không gây ra những hậu quả đáng tiếc. Kiềm chế luôn đi liền với thấu hiểu, yêu thương. Nó cho ta khoảng không để bình tĩnh và suy nghĩ một cách thấu đáo. Nhờ đó mà con người biết đồng cảm và đoàn kết hơn. Ngoài ra, khi biết kiềm chế, ta cũng giữ cho mình tâm hồn thảnh thơi, lạc quan. Theo báo cáo Boiling Point của WHO cho biết, 30% trong số người tham gia nghiên cứu có người quen gặp vấn đề về kiểm soát cơn tức giận của họ. Và có đến 45% người thường xuyên mất bình tĩnh trong công việc.
Tuy nhiên, ta cần phân biệt rạch ròi giữa kĩ năng kiềm chế sự tức giận với việc kìm nén cảm xúc một cách tiêu cực. Con người tất yếu phải trải qua mọi hỉ – nộ – ái – ố và việc giải tỏa cảm xúc, thể hiện rõ chính kiến của bản thân là điều cần thiết. Có những sự tức giận xuất phát từ lí do chính đáng, giúp ta có được công bằng. Nếu lúc nào cũng kìm nén, không dám thể hiện xúc cảm, con người dễ trở nên căng thẳng, rơi vào trạng thái bức bối lâu dài và trở thành những kẻ nhu nhược. Vậy điều ta cần làm chính là thể hiện và kiềm chế sự tức giận đúng lúc, đúng chỗ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: “Cũng như một người làm vườn biết cách dùng phân bón để cho ra những bông hoa tươi đẹp, người tu tập biết tận dụng nỗi đau khổ để tạo ra hạnh phúc”.
Khi chúng ta sống giữa thời đại công nghiệp hối hả, con người lại càng phải biết học tập những giá trị tinh thần về nhường nhịn, kiềm chế của ông cha xưa. Đó là triết lý sống ngàn đời, là phương châm ứng xử khôn ngoan không chỉ cho mỗi người, mà còn vận dụng cho toàn xã hội.
Nghị luận tác hại của việc mất kiểm soát khi giận dữ ngắn gọn
Bài văn mẫu 1
Tức giận hay giận dữ là một phản ứng cảm xúc liên quan đến việc phản ứng tâm lý của một người đang bị đe dọa. Giận dữ thường biểu hiện bằng những phản ứng tiêu cực (tâm lí và hành động) và thường để lại những hậu quả nghiêm trọng. Bởi thế, để tránh những rủi ro có thể xảy ra, mỗi con người cần phải biết kiểm soát cơn giận dữ của mình. Kiểm soát giận dữ là ý thức được những cảm xúc và nhu cầu trong lòng, tìm cách kiểm soát một cách lành mạnh; thay vì đè nén tức giận, mục tiêu hướng đến là biểu lộ sự tức giận với tinh thần xây dựng. Mất kiểm soát giận dữ là sự phủ định của những điều trên. Nếu đánh mất đi khả năng kiểm soát cơn giận dữ sẽ khiến cơ thể bị tổn hại, thường xuyên căng thẳng ở mức cao khiến sức khỏe tiêu hao. Không kiểm soát được cơn giận của mình gây tổn thương tâm trí, mệt mỏi tinh thần, cơ thể rệu rã. Thường xuyên tức giận sẽ làm tiêu hao nhiều năng lượng của trí não và làm lu mờ suy nghĩ. Cảm xúc bột phát thường gây tổn hại mối quan hệ, nó gây ra những vết sẹo dài với những người mình yêu thương nhất, len lỏi vào tình bạn. Hành động trong lúc giận dữ đó thực là một hành động ngu ngốc của người thiếu bản lĩnh. Bởi thế, ai có thể kiểm soát được cơn giận dữ của mình thường thành công hơn trong cuộc sống.
Bài văn mẫu 2
Giận dữ là sự tức giận, phẫn nộ của con người khi bị người khác xúc phạm, hay làm tổn thương. Kiểm soát giận dữ là ý thức được những cảm xúc và nhu cầu trong lòng, tìm cách kiểm soát một cách lành mạnh; thay vì đè nén tức giận, mục tiêu hướng đến là biểu lộ sự tức giận với tinh thần xây dựng. Tác hại của việc mất kiểm soát giận dữ thật khủng khiếp. Nó khiến cơ thể bị tổn hại, thường xuyên căng thẳng ở mức cao khiến sức khỏe tiêu hao; gây tổn thương tâm trí, thường xuyên tức giận sẽ làm tiêu hao nhiều năng lượng của trí não và làm lu mờ suy nghĩ. Nguy hại hơn, nó làm tổn hại mối quan hệ, nó gây ra những vết sẹo dài với những người mình yêu thương nhất, len lỏi vào tình bạn,…; Làm chủ cảm xúc, kiểm soát con giận là năng lực cần phải có ở mỗi con người. Người làm chủ được cơn giận dữ của mình sẽ làm chủ được tình hình, tránh được những hậu quả đáng tiếc, kết nối mối quan hệ bền chặt, đầy tin tưởng với người khác. Người không làm chủ được cơn giận, để cảm xúc bột phát không những khiến cho thân thể bị tổn hại mà còn gây ra xung đột, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Bài văn mẫu 3
Trong cuộc sống con người cần biết kiềm chế sự nóng giận. Thật vậy, việc kiềm chế và kiểm soát tốt sự nóng giận sẽ giúp con người có thể duy trì hài hòa các mối quan hệ trong cuộc sống cũng như cảm thấy được hạnh phúc trong đời.
Trên thực tế, việc nóng giận là điều khó tránh khỏi khi con người bị một yếu tố ngoại cảnh không hài lòng nào đó tác động. Tuy nhiên, nếu như phản ứng bằng một thái độ nóng giận không thể kiểm soát bằng một loạt thái độ tức giận, những lời lẽ không sáng suốt chính là cách xử trí không sáng suốt trong cuộc sống vì nó cũng chẳng thể giúp ta xử lý được công việc tốt hơn. Đầu tiên, việc kiềm chế sự nóng giận giúp con người có một trí tuệ sáng suốt hơn để tiếp tục mở đường lối cho giải pháp của mình trước vấn đề phát sinh.
Theo những nghiên cứu khoa học, sự tức giận giết chết sáng tạo của con người. Khi tức giận, ta chẳng thể nảy sinh ra ý tưởng mới để giải quyết khắc phục điều làm ta bực mình mà nó sẽ đẩy ta vào cảm xúc tiêu cực và bế tắc hoàn toàn. Vậy nên thay vì tức giận và lăng mạ, ta nên bình tĩnh và suy nghĩ những ý tưởng và giải pháp. Thứ hai, việc kiềm chế sự tức giận sẽ giúp ta có một thái độ thanh lịch và một tác phong chuyên nghiệp trong công việc. Vì kiểm soát cảm xúc chính là nghệ thuật nên nếu ta ko điều khiển được cảm xúc thì sẽ chẳng thể nào điều khiển được công việc. Việc kìm nén cảm xúc tức giận sẽ cho ta một phong thái làm việc chuyên nghiệp để tiếp tục giải quyết công việc.
Thứ ba, việc kìm nén tức giận sẽ giúp con người có thể duy trì được những mối quan hệ trong cuộc sống. Thay vì tức giận và xúc phạm nhau, cách ứng xử thực sự thanh lịch và ghi điểm trong mắt người khác là cùng nhau ôn tồn, giải thích và nói chuyện để tìm ra giải pháp.
Việc kiểm soát nóng giận chính là nghệ thuật mà bất cứ ai cũng cần có trong đời để có thể có được cuộc sống hạnh phúc và ổn định hơn nữa. Bởi thế, ai có thể kiểm soát được cơn giận dữ của mình thường thành công hơn trong cuộc sống.
Nghị luận tác hại của việc mất kiểm soát khi giận dữ đầy đủ
Bài văn mẫu 1
Cuộc sống bộn bề với những áp lực dồn nén có dễ làm cho con người nổi giận. Khi tức giận, con người sẽ khó kiểm soát được những lời nói và hành vi bằng lí trí khách quan, vì vậy mà ta dễ làm cho mọi chuyện trở nên nghiêm trọng, thậm chí là gây rạn nứt những mối quan hệ. Tức giận là trạng thái tâm lý thông thường mà bất cứ ai cũng có nhưng hãy học cách kiểm soát những cơn tức giận để những cảm xúc tiêu cực không phá hỏng những cố gắng và cả những mối quan hệ của chúng ta. Có ai đó từng nói rằng “Trong cuộc sống, con người cần biết kiềm chế sự tức giận”.
Tức giận là những cảm xúc tiêu cực được hình thành khi con người bị xúc phạm, lừa dối hay thất bại… Tức giận không chỉ mang đến sự bức bối, khó chịu mà còn làm con người mất kiểm soát trong lời nói, hành vi. Đây là trạng thái cảm xúc quen thuộc trong thế giới tình cảm của con người, ai cũng từng tức giận nhưng đứng trước cơn tức giận bùng phát thì mỗi người lại có cách xử sự khác nhau.
Thông thường, khi tức giận con người thường sẽ cảm thấy khó chịu, bức bối tột độ mà đánh mất đi sự kiểm soát khách quan đối với những lời nói, hành vi của mình. Khi ấy ta có thể nói hay có những hành vi mà chính bản thân mình cũng không nghĩ đến, đó là những lời nói, hành vi bị điều khiển bởi cơn tức giận nên rất nặng nề, nghiêm trọng. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp vì tức giận mà gây ra những hậu quả khôn lường, đó là những người vì tức giận khi bị phản bội mà phóng hỏa, giết người, cũng có người vì những lời chê bai, chế giễu mà giết bạn bằng những hành vi tàn nhẫn nhất.
Những cơn tức giận có thể làm rạn nứt những mối quan hệ, gây đổ vỡ mọi chuyện tốt đẹp, đánh mất những thời cơ. Khi tức giận mà không kiểm soát được sự tức giận thì con người sẽ không thể nhìn thấy gì khác ngoài cơn tức giận và nhu cầu trút giận của mình. Khi tức giận kiểm soát sẽ làm cho con người đánh mất khả năng đánh giá khách quan, khi ấy bạn cũng có thể đánh mất cơ hội để học hỏi những điều tốt đẹp, bạn cũng không thể đưa ra những cách giải quyết thấu đáo, hợp lý nhất bởi bạn chỉ có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo khi bạn bình tĩnh, hạnh phúc.
Tức giận mang đến những bức bối khủng khiếp nhưng đừng để một phút mất bình tĩnh mà đánh mất chính mình. Những lời nói nặng nề, những hành vi không kiểm soát có thể khiến chúng ta mãi mãi mất đi những mối quan hệ tốt đẹp, để vụt mất những thời cơ phát triển. Đôi khi sự việc không giống như những gì chúng ta chứng kiến được, vì vậy hãy học cách kiềm chế cơn tức giận, bình tĩnh để đánh giá và xử lý vấn đề.
Chúng ta sẽ không thể giải quyết bất cứ việc gì khi tức giận, bởi mọi quyết định khi ấy sẽ mang tính chủ quan, cảm tính. Trong những lúc tức giận, nếu không thể dập tắt ngay cơn giận dữ thì bạn hãy im lặng để mình bình tĩnh lại, mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa khi chúng ta đã bình tĩnh và có sự thấu đáo trong suy nghĩ.
Khi biết kiểm soát cơn tức giận chúng ta không chỉ làm chủ được cảm xúc của bản thân mà còn là cách chúng ta rèn luyện bản lĩnh để trưởng thành hơn.
Bài văn mẫu 2
Giận dữ là một cảm xúc bình thường của con người, và việc đôi khi cáu kỉnh sẽ không có hại cho tinh thần hay thể chất của bạn.
Tiến sĩ Cynthia Thaik, bác sĩ tim mạch tại Los Angeles giải thích: “Tức giận – như một cơ chế “chống đỡ hay bỏ chạy” – với stress và lo lắng… là có lợi về mặt sinh lý. Chúng ta cố làm tăng lưu lượng máu đến các cơ quan sắp sửa hành động – tim mạch, hệ thần kinh cơ và hệ thần kinh trung ương”.
Tức giận, giống như lo âu hoặc stress, có thể phục vụ mục đích hữu ích, thúc đẩy sự thay đổi hoặc hành động, chẳng hạn như khi xung đột – tiếp cận một cách tôn trọng – cải thiện chất lượng của mối quan hệ.
Giận dữ là một khác niệm “động”, không chỉ là cảm xúc, mà còn là tâm trạng, và với một số người, đó còn là một kiểu tính cách. Trong hầu hết các trường hợp, phản ứng giận dữ về cảm xúc, như nổi cáu khi bạn bị chặn đầu trên đường, chỉ diễn ra rất nhanh. Thường thì nó sẽ tan biến trong vài phút; mặc dù chúng ta có thể vẫn giữ nỗi tức giận trước những vi phạm đã qua trong nhiều ngày, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Nhưng tâm trạng thì khác. Tâm trạng thường có xu hướng kéo dài hơn, và cường độ thấp hơn. Sự bực tức cũng là một loại giận dữ cường độ thấp kéo dài theo thời gian. Và tâm trạng không nhất thiết cần một nguyên nhân; chúng luôn ở đó – ào tới và rút đi những những con sóng biển.
Tiếp đến là những người nóng tính. Nóng tính đã được chứng minh là một kiểu tính cách ở một số người, và đó là kiểu tính cách cố hữu do quan niệm rằng những người khác là không xứng đáng hoặc luôn gây thất vọng. Vì vậy, những người nóng tính có xu hướng nghi ngờ, hoài nghi, ghen tị, cay độc và liên quan đến giận dữ và hung hăng. Họ thường đánh giá người khác một cách khắc nghiệt hơn, và chậm đưa ra nhận xét tích cực hơn.
Thường thì mọi người không thể kiểm soát sự giận dữ của mình – và thay vào đó họ lại bị cơn giận kiểm soát. Sự giận dữ sẽ trở thành vấn đề khi nó diễn ra quá thường xuyên, quá mạnh mẽ, quá bền bỉ, và khi nó không còn mang lại lợi ích cho bạn. Nghĩa là khi nó không còn phục vụ một chức năng tích cực.
Loại giận dữ độc hại hoặc không kiểm soát được này là đáng lo ngại nhất khi nhìn từ quan điểm sức khỏe. Nếu bạn có những cơn giận dữ thực sự rất nghiêm trọng, nó có thể ảnh hưởng đến tim. Đó là một yếu tố nguy cơ bổ trợ. Bản thân giận dữ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành hoặc bệnh tim. Nhưng nếu sự giận dữ kéo dài và huyết áp cũng như nhịp tim bị ảnh hưởng, thì nó có thể gián tiếp dẫn đến bệnh mạch vành hoặc bệnh cơ tim.
Có rất nhiều cơ chế mà qua đó sự giận dữ mãn tính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn – và thậm chí gây nguy hiểm cho sức khoẻ của những người khác, bao gồm béo phì, thiếu tự tôn, đau nửa đầu, nghiện rượu và ma túy, trầm cảm, những trục trặc về tình dục, tăng nguy cơ đau tim, giảm chất lượng của các mối quan hệ, tăng khả năng bạo hành người khác về tình cảm hoặc thể chất hoặc cả hai … cao huyết áp và đột quỵ.
Giận dữ mãn tính cũng dẫn đến tăng lo âu, mất ngủ, kém sáng suốt và mệt mỏi. Nó có thể làm giảm khả năng miễn dịch chống lại các mối đe dọa, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng, và thậm chí cả ung thư.
Ngoài phá vỡ mối quan hệ và hủy hoại cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của một người, tác động sâu sắc của giận dữ mãn tính đối với sức khỏe là lý do để thực hiện các bước kiểm soát. Một điểm để bắt đầu là thực hành chính niệm. Thường thì chúng ta đối phó với lớp trên lớp cảm xúc – ví dụ, cảm giác tồi tệ về cơn giận, và sau đó lại bực bội với chính mình vì đã nổi giận.
Bài văn mẫu 3
Mỗi chúng ta khi có đời sống tinh thần khỏe mạnh, biết kiểm soát bản thân, luôn giữ được mình trong trạng thái an bình, có đời sống an lạc thì đầu óc sẽ minh mẫn, sáng suốt, làm việc hiệu quả, biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, biết cùng nhau bảo vệ môi trường sống, cùng nhau xây dựng xã hội phát triển và bền vững.
Ngược lại, khi con người mất bình tĩnh, mất kiểm soát sẽ rơi vào trạng thái nguy hiểm và có những hành động gây hại đến bản thân, môi trường sống và xã hội, để lại những hậu quả khó lường.
Không làm chủ được cảm xúc bản thân có thể gây tổn thương cho gan. Khi bạn nóng giận, tự khắc cơ thể bạn sẽ sản sinh ra chất “catecholamine”, cùng với ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương khi đó, lượng đường huyết trong cơ thể bạn sẽ lên rất cao, từ đó axit béo, độc tố gây hại cho gan và huyết dịch cũng không ngừng tăng lên.
Không làm chủ được cảm xúc bản thân khiến não bạn nhanh chóng “già” đi: Khi bạn tức giận, não bạn sẽ phải chịu rất nhiều áp lực từ lượng huyết dịch ngày càng đổ rất nhiều về đây, điều này khiến cho lượng huyết dịch trong não tỉ lệ nghịch với lượng oxy cần thiết, cực kì gây hại cho não của bạn.
Tổn thương dạ dày: Tim lúc này sẽ tác động cùng với huyết quản, khiến cho lượng máu trong dạ dày và đường ruột của bạn giảm mạnh, làm mất cảm giác ngon miệng và thậm chí còn là nguyên nhân khiến bạn bị viêm loét dạ dày.
Tác hại của việc không làm chủ được cảm xúc bản thân còn dẫn đến việc tổn thương phổi: Như bạn biết, khi tức giận, bạn sẽ thở nhanh và gấp hơn bình thường, phổi phải hoán đổi khí trong một tần suất quá cao. Lúc này, bao phổi không ngừng khuếch trương, thời gian thu co giảm xuống liên tục, do đó, phổi sẽ không có thời gian điều hòa, nghỉ ngơi mà phải làm việc liên tục. Đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra những tổn thương cho lá phổi.
Hệ thống miễn dịch bị tổn thương: khi tức giận cơ thể bạn cũng sẽ tiết ra chất “cortisol do cholesterol”, nếu không kiềm chế được cơn tức giận, cơ thể sẽ liên tục tạo ra chất này và tích tụ trong một thời gian dài, gây ra vết thương cho hệ thống miễn dịch của bạn, khi đó sức đề kháng đối với các loại bệnh tật sẽ giảm đi, cơ thể sẽ yếu hơn.
Thiếu oxy cho cơ tim: Lượng huyết dịch về tim khi tức giận sẽ chuyển rất nhiều lên não và phần mặt của bạn, do đó, lượng huyết dịch cần thiết cho vận hành của tim sẽ giảm đi. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu oxy lên tim, làm cho tim co bóp không còn nhịp nhàng như bình thường nữa.
Trong cuộc sống, cảm xúc cũng có những giá trị nhất định, cảm xúc tích cực giúp bạn xoa dịu sự sợ hãi, ngờ vực, là động lực cho bạn phát triển, đẩy lùi những khó khăn, tạo dựng niềm tin trong cuộc sống. Nhưng không làm chủ được cảm xúc bản thân cũng là tác nhân gây ra không ít trở ngại cho bạn. Cảm xúc có thể đánh lạc hướng chú ý của bạn khỏi những vấn đề chính yếu, đó là con dao 2 lưỡi có khả năng giết chết nhanh chóng một mối quan hệ bạn dày công xây dựng trong một thời gian dài hoặc làm xấu đi hình ảnh của bản thân.
Nói chung, khi trái con người mất kiểm soát rơi vào những trạng thái giận dữ, giận hờn, ganh ghét, đố kỵ, thù hận, kiêu ngạo, ích kỷ, tham vọng, lo âu, sợ hãi, u mê, ngu muội… thì người ta rất dễ mất bình tĩnh và có những hành động sai, cho dù họ có hiểu biết đầy đủ pháp luật thì cũng không thể tránh khỏi những hành động nguy hiểm nêu trên.
Như đã nói phía trên, khi tức giận, bạn có xu hướng nảy sinh những lời nói và hành động một cách không suy nghĩ, từ đó gây ra những tổn thương cho các mối quan hệ xung quanh bạn, đặc biệt là đối với những người có sở thích “giận cá chém thớt và bôi ớt lên dao”. Nhiều khi, lời nói và hành động chỉ là một phút bốc đồng nhưng lại gây ra hậu quả nghiêm trọng trong tình huống “sự đã rồi”, bạn sẽ khó lòng nhận được sự cảm thông từ người khác.
Nói cách khác, khi mất bình tĩnh, mất kiểm soát, không làm chủ được cảm xúc bản thân… người ta có thể rơi vào trạng thái ma quỷ. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hay sa lầy vào các sự việc và luôn bảo vệ quan điểm của mình mà không biết chúng ta đang rơi vào trạng thái nguy hiểm, để cho cảm xúc xấu lấn át, điều khiển, dẫn tới những hành động nguy hiểm.
Khi bạn nhận thức và kiểm soát được cảm xúc của mình, bạn có thể suy nghĩ rõ ràng và sáng tạo, quản lý sự căng thẳng, tạo nên tự tin và dễ dàng giao tiếp tốt với người khác. Để làm được điều đó, bạn cần:
Hít thở sâu trong vòng 10 giây: nghe có vẻ đơn giản nhưng đây lại được đánh giá là một trong những biện pháp khá hiệu quả trong việc kiềm chế sự nóng giận. Khi cảm thấy bức xúc đang tăng lên, hãy dừng lại mọi thứ, nhắm mắt, hít thở sâu trong vòng 10 giây, bạn sẽ nhanh chóng kiềm chế được cảm xúc của mình và lấy lại bình tĩnh.
Để tránh việc không làm chủ được cảm xúc bản thân bạn cũng nên nghĩ kĩ trước khi nói: dù bạn đang tức giận đến đâu, muốn “xả” hết mọi thứ bạn nghĩ trong đầu ra đến đâu thì hãy cố gắng suy nghĩ về những gì bạn định nói ra, xem liệu bạn có hối hận về nó sau này hay không.
Hỏi chắc chắn trước khi nói: Khi bạn không hài lòng về lời nói của người khác, hãy hỏi lại chắc chắn xem ý của họ là gì, để tránh hiểu nhầm mục đích của mọi người, và khi bạn có thể hiểu ra thì tình huống lại ở thế “sự đã rồi”.
Tìm niềm vui của bạn: Đừng cố gắng thể hiện sự tức giận của bản thân qua hành động, lời nói, hãy tìm đến những gì bạn thích, xem một bộ phim hài hước, nghe bản nhạc tủ của bạn, bạn sẽ thấy yêu đời hơn.
Chia sẻ với người khác: Thay vì cố gắng “dằn mặt” kẻ thù, hãy nói chuyện, tâm sự với người bạn thân của mình, có thể sự tức giận sẽ giảm đi nhanh chóng và bạn cũng sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ bạn bè mình đấy.
Khi không làm chủ được cảm xúc bản thân, hãy giảm cái tôi của mình xuống: Trong nhiều trường hợp, người khác chỉ muốn điều tốt cho bạn nhưng bạn lại có thể chưa hiểu và nghĩ rằng họ đang bêu xấu mình. Hãy xem lại thái độ, tác phong của bản thân mình xem mình có nên và có đáng tức giận với họ hay không.
Trong xã hội đầy phức tạp và cạnh tranh này nếu bạn biết kiềm chế cảm xúc và kiểm soát chế ngự để làm chủ bản thân mình là bạn đã đạt đến 50% của sự thành công trong tương lai. Vậy bạn hãy học cách kiềm chế cảm xúc ngay từ bây giờ để khi thời gian trôi qua, bạn không phải hối tiếc rằng: “Vì sao ngày ấy mình không làm chủ được cảm xúc bản thân” hay “Phải chi lúc ấy tôi đừng quá nóng giận”.