Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay (Dàn ý + 5 Mẫu)

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay (Dàn ý + 5 Mẫu)

Nghị luận về ô nhiễm không khí hiện nay là đề tài nghị luận xã hội hay bao gồm 5 bài văn mẫu đạt điểm cao nhất của các bạn học sinh giỏi. Qua đó giúp các em tham khảo để làm bài tốt hơn trong các bài kiểm tra, kì thi.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay (Dàn ý + 5 Mẫu)

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay (Dàn ý + 5 Mẫu)

TOP 6 Bài viết về ô nhiễm không khí không chỉ mang lại cho các em nhiều điều bổ ích trong các bài kiểm tra mà còn là một hành trang nho nhỏ giúp các em hiểu được vai trò và các biện pháp bảo vệ môi trường. Với 5 bài văn mẫu dưới đây các bạn học sinh hãy tham khảo, lựa chọn ý hay, ý đẹp để làm ra cái hay cho văn của mình. Bên cạnh đó các bạn xem thêm nghị luận về mối quan hệ giữa thành công và hạnh phúc, nghị luận về cuộc đời là những chuyến đi.

Nghị luận về ô nhiễm không khí hay nhất

    Dàn ý nghị luận về ô nhiễm không khí

    I. Mở bài

    Giới thiệu vấn đề nghị luận: vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

    II. Thân bài

    1. Giải thích khái niệm, nêu biểu hiện, thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội

    – Ô nhiễm không khí là gì?

    – Biểu hiện của ô nhiễm không khí.

    – Thực trạng: ô nhiễm không khí đang ở mức nghiêm trọng và báo động.

    2. Tác hại của ô nhiễm không khí tại Hà Nội

    – Khi trực tiếp phơi nhiễm ô nhiễm không khí, sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

    – Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn là một trong những tác nhân gây ra những hiện tượng như hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu.

    3. Nguyên nhân gây ra thực trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội

    – Sự xuất hiện của vô số chất độc hại như Cacbon, Nitơ, Sunphua và các hợp chất kim loại khác.

    – Khí thải từ một số nhiên liệu như xăng, dầu từ các phương tiện tham gia giao thông cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

    – Ý thức của con người.

    4. Đề xuất giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khí ở Hà Nội

    – Cần sử dụng những trang thiết bị công nghệ hiện đại thay thế các loại thiết bị máy móc cũ kỹ.

    – Hạn chế sử dụng những nhiên liệu độc hại như xăng, dầu, than đá để giảm thiểu lượng khí thải độc hại.

    – Cần đẩy mạnh phát triển và đầu tư các phương pháp xử lý khí lọc không khí bằng biện pháp sinh học, trồng nhiều cây xanh để hạn chế khói bụi ô nhiễm,….

    III. Kết bài

    Bài học nhận thức và hành động. Liên hệ bản thân.

    Nghị luận ô nhiễm không khí – Mẫu 1

    Ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

    Các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện chạy than cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới các nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người.

    Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ước tính mới đây năm 2018 cho thấy rằng 9/10 người dân phải hít thở không khí chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

    Ngoài ô nhiễm không khí bên ngoài, ô nhiễm không khí do khói thải từ các hộ gia đình là nguy cơ sức khỏe rất lớn đối với 3 tỷ người, những người nấu ăn và sưởi ấm gia đình bằng nhiên liệu sinh khối và than đá. Khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm có thể quy cho nguyên nhân ô nhiễm không khí tại hộ gia đình trong năm 2016. Hầu hết các gánh nặng bệnh tật này đặt vào các nước đang phát triển. Ô nhiễm không khí tại hộ gia đình cũng là một nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí bên ngoài ở cả khu vực đô thị và nông thôn.

    Ở cả khu vực thành phố và nông thôn được ước tính gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu mỗi năm trong năm 2016; tỷ lệ tử vong này là do phơi nhiễm đối với các hạt rắn mịn với đường kính bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micro-mét, gây ra các bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư. Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ngày càng ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người trên nhiều phương diện. Do đó, cần phải đưa ra các giải pháp tối ưu để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta trước khi quá muộn.

    Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần có các biện pháp mạnh để cải thiện ý thức người dân, cải tạo lại tự nhiên và giảm thiểu đến mức tối đa lượng rác thải, khí thải bởi bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Chúng ta cần đánh lên hồi chuông cảnh báo để thức tỉnh mọi người, cần chung tay bảo vệ môi trường.

    Nghị luận về ô nhiễm không khí – Mẫu 2

    Dù sinh tồn trong giai đoạn lịch sử nào thì cuộc sống của con người cũng luôn chứa đựng vô vàn hiểm họa khác nhau. Trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay, một trong những bài toán mang tính thời sự được đặt ra là vấn đề ô nhiễm. Thực trạng môi trường bị ô nhiễm nói chung và vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng là minh chứng nóng hổi thể hiện rõ điều này.

    Ô nhiễm là sự thay đổi về cấu tạo, thành phần khiến cho sự vật, hiện tượng không còn nguyên vẹn với cấu tạo ban đầu mà chuyển biến theo hướng xấu đi và mang tính chất tiêu cực. Như vậy, ô nhiễm không khí là cụm từ để miêu tả sự thay đổi và biến chuyển về cấu tạo trong thành phần của không khí, thể hiện qua việc xuất hiện và gia tăng một số thành phần độc hại. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm trên toàn cầu nói chung và ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng đang ở mức báo động qua ô nhiễm bụi khói trong không khí và nồng độ bụi mịn tăng cao,… Khi bước chân ra đường, chúng ta dễ dàng nhận thấy thực trạng phổ biến xuất hiện trong không khí luôn là những làn khói đen sì và ảnh hưởng đến tầm nhìn, sự quan sát. Thậm chí, Hà Nội được xướng tên trong danh sách những thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới. Theo Tổ chức Thông tin về chất lượng không khí toàn cầu, vào năm 2018, trong số 62 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới thì Hà Nội đứng ở vị trí số 12.

    Cũng giống như ô nhiễm đất, ô nhiễm nước,… ô nhiễm không khí gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trước hết, tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Khi trực tiếp phơi nhiễm ô nhiễm không khí, con người dễ dàng mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, làm suy giảm chức năng hoạt động của phổi và dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm về tim mạch,…. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn là một trong những tác nhân gây ra những hiện tượng như hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu.

    Vậy nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí là gì? Như chúng ta đã biết, bên cạnh những điểm tích cực như góp phần cải thiện cuộc sống của con người thì sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng ô nhiễm. Song song với các khu công nghiệp tiên tiến, hiện đại mọc lên là sự xuất hiện của vô số chất độc hại như Cacbon, Nitơ, Sunphua và các hợp chất kim loại khác. Ngoài ra, khí thải từ một số nhiên liệu như xăng, dầu từ các phương tiện tham gia giao thông cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

    Để khắc phục tình trạng này, con người cần phải đề ra những biện pháp mang tính bền vững và lâu dài. Bởi thực tế đã chứng minh, việc sử dụng khẩu trang không phải là giải pháp an toàn để bảo vệ sức khỏe khi bụi mịn siêu nhỏ vẫn có thể tấn công sức khỏe của con người. Như vậy, để bảo vệ không khí nhưng vẫn đảm bảo tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa diễn ra, chúng ta cần sử dụng những trang thiết bị công nghệ hiện đại thay thế các loại thiết bị máy móc cũ kĩ; hạn chế sử dụng những nhiên liệu độc hại như xăng, dầu, than đá để giảm lượng khí thải độc hại. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển và đầu tư các phương pháp xử lý khí lọc không khí bằng biện pháp sinh học, trồng nhiều cây xanh để hạn chế khói bụi ô nhiễm,…

    Nghị luận về ô nhiễm không khí – Mẫu 3

    Ngày nay sức khỏe của con người đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố xung quanh cuộc sống của họ. Từ vấn đề thực phẩm, bệnh tật hay nghiêm trọng hơn là vấn đề ô nhiễm môi trường. Chúng ta sẽ cùng nhau bàn về một khía cạnh của ô nhiễm môi trường đó chính là ô nhiễm môi trường không khí.

    Ô nhiễm môi trường là sự tác động của những tác nhân xấu xung quanh môi trường làm thay đổi tính chất của môi trường và vi phạm tiêu chuẩn môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Không khí là một dạng của vật chất trong tự nhiên mà thiếu nó thì con người sẽ không thể tồn tại được. Khi môi trường không khí bị ô nhiễm thì tính mạng con người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp vì khi đó phổi của chúng ta sẽ hít phải những luồng khí cực độc và ảnh hưởng đến hệ hô hấp của con người.

    Môi trường không khí là một phạm trù khá rộng, xung quanh ta đâu đâu cũng tồn tại không khí vậy sẽ như thế nào nếu chúng ta phải hứng chịu những luồng khí ô nhiễm như vậy và nguyên nhân vì sao nguồn không khí lại bị ô nhiễm, để giải đáp cho những câu hỏi trên chúng ta hãy tìm hiểu những nguyên nhân và biểu hiện của ô nhiễm không khí.

    Ô nhiễm môi trường không khí là những sự thay đổi các thành phần trong không khí do sự xuất hiện của một số chất độc lạ, chúng làm cho không khí biến đổi, trở nên không sạch, có mùi hôi thối, ô nhiễm không khí còn làm khuất đi tầm nhìn. Làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của con người. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí có thể nói đến đầu tiên đó chính là con người. Những nhà máy mọc lên ngày càng nhiều, bao nhiêu là khí độc khí thải để sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp sẽ đi đâu khi ở cuối cùng của công đoạn sản xuất? bay lên trời chứ đâu, những luồng khí độc ấy sẽ trực tiếp làm ô nhiễm bầu không khí, thậm chí nghiêm trọng hơn là làm thủng tầng ôzôn, khi đó con người lại chính là nạn nhân hứng chịu tất cả. Bên cạnh đó là một phần nguyên nhân bắt nguồn từ những yếu tố nhân tạo, có thể kể đến là :núi lửa, cháy rừng, bão bụi hay là hiện tượng nước biển bốc hơi. Chúng ta sẽ cùng đi vào chi tiết để hiểu rõ hơn về những tác nhân này.

    Đầu tiên có thể kể đến là hiện tượng núi lửa phun trào, mỗi khi phun trào núi lửa thường kèm theo các thành phần hóa học độc hại ra môi trường bên ngoài với một phạm vi rất rộng. Bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân nữa là do xác của động thực vật trong quá trình phân hủy tự nhiên cũng có thể dẫn đến làm ô nhiễm môi trường không khí.

    Những tác nhân tự nhiên cũng như nhân tạo đó đều có ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến môi trường không khí, chung quy lại môi trường không khí đang ngày càng trở nên ô nhiễm và bị đe dọa, cuộc sống của con người sẽ ra sao nếu như hằng ngày phải hít phải những thứ khói bụi độc hại như vậy. Nó sẽ mang đến những hậu quả gì cho con người cũng như vạn vật?

    Đầu tiên phải nói đến đó là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, khi hít phải những luồng khí độc hại phổi của chúng ta sẽ bị tổn thương. Bụi vào phổi gây kích thích cơ học, xơ hóa phổi dẫn đến các bệnh về hô hấp, bụi có thể gây các bệnh ở mắt, da, bệnh đường máu và các hệ thống khác của cơ thể, bệnh về tim mạch và thậm chí là gây ung thư cho con người. Bên cạnh đó thì nó cũng ảnh hưởng đến động thực vật và toàn cầu, gây nên những hiện tượng nguy hiểm như mưa axit, hiệu ứng nhà kính hay là suy giảm tầng ôzôn. Tất cả những hiện tượng trên đều mang lại tác hại cho con người cũng như động thực vật trong môi trường sống xung quanh chúng ta. Vậy, đứng trước những tác hại nguy hiểm đó thì con người phải làm gì và làm như thế nào? đó là một câu hỏi lớn mà tôi cũng như bạn cần phải có trách nhiệm để giải quyết nó.

    Đối với các nhà máy hiện nay đã và đang sản xuất thì cần phải có biện pháp xả thải thích hợp và cần thay thế các loại máy móc tiên tiến và hiện đại hơn, giảm xả thải và sử dụng nhiên, nguyên liệu tự nhiên. Con người cũng cần tự ý thức về hành vi của mình,hạn chế đốt rác phế liệu bừa bãi, cần xử lý đúng cách và hợp lý nhất, tích cực sử dụng các phương tiện công cộng để giảm ách tắc và khói bụi từ các phương tiện xe máy mô tô. Cộng đồng chung tay trồng cây xanh để thêm phần mĩ quan cũng như là góp phần cải thiện môi trường không khí trong lành hơn. Mỗi người phải tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, đeo khẩu trang cũng như các vật dụng cần thiết để bảo vệ cho sức khỏe của chính mình. Mỗi chúng ta hãy là những tấm gương sáng để mọi người và cả cộng đồng cùng chung tay ủng hộ, bảo vệ một môi trường xanh sạch đẹp, không khí trong lành và cuộc sống thoải mái nhất. Sức khỏe và tính mạng của bạn đều nằm trong tay và sự lựa chọn của chính bạn, bạn hiểu rồi chứ!

    Nghị luận về ô nhiễm không khí – Mẫu 4

    Thế giới càng ngày càng phát triển, kéo theo những ngành công nghiệp phát triển không ngừng. Môi trường sống của con người ngày càng trở lên ô nhiễm, trong đó nghiêm trọng nhất phải nói tới ô nhiễm môi trường không khí.

    Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí. Mà nguyên nhân chủ yếu do khói bụi trong sản xuất công nghiệp, trong sinh hoạt, giao thông vận tải. Những chất độc hại ấy được thải vào không khí, làm cho nguồn không khí của thế giới ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

    Trong đó ngành công nghiệp là ngành làm cho mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất. Nguồn gây ô nhiễm cố định từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, do khói thải trong quá trình sản xuất gây ra, hay có thể là do những lò hơi đốt tạo thành. Cũng có thể là do quá trình lắng đọng những chất thải chôn trong lòng đất, sau đó bốc hơi lên gây ảnh hưởng tới môi trường. Cũng là do tài nguyên quân sự, do chiến tranh, ảnh hưởng của hạt nhân. Nói chung, công nghiệp là ngành gây ảnh hưởng lớn nhất tới việc ô nhiễm không khí trong cuộc sống của con người.

    Không chỉ có việc sản xuất công nghiệp, đó còn là do việc giao thông vận tải. Thế giới càng phát triển, hệ thống đường xá càng mở rộng, xe cộ lưu thông ngày càng nhiều. Mà việc thiêu đốt nguyên liệu từ những chiếc xe ấy lại thải trực tiếp ra không khí, từ đó hình thành lên sự ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng ở những nơi tập trung nhiều xe cộ.

    Hay là do việc sinh hoạt hàng ngày, cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng tới không khí. Là nguồn gây ô nhiễm tương đối nhỏ, chủ yếu do hoạt động đun nấu của con người để sinh hoạt hàng ngày.

    Những hậu quả của việc ô nhiễm không khí thì vô cùng rõ ràng. Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh liên quan tới đường hô hấp, hay các bệnh liên quan tới cơ quan quan trọng trong cơ thể con người. Những bệnh như nhiễm khuẩn hô hấp, suy tim, ung thư phổi là những bệnh dễ nhận biết nhất của việc ô nhiễm môi trường gây ra.

    Không chỉ dừng lại ở bệnh, ô nhiễm không khí có khi còn dẫn đến tử vong ở rất nhiều người. Do sống gần những nơi có nguồn không khí độc hại. Con người sống trong đó luôn phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của việc ô nhiễm môi trường. những trường hợp tử vong do nhiễm độc không khí là vô cùng lớn, những căn bệnh liên quan cũng ngày một gia tăng và không hề có dấu hiệu giảm bớt.

    Không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của con người mà ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của trái đất. Hậu quả là sự nóng lên không ngừng của trái đất. Làm cho băng ở hai cực tan chảy ra mỗi năm không ngừng. Hay gây ra hiệu ứng nhà kính, phá hỏng tầng ozon làm bức xạ của mặt trời ảnh hưởng tới con người cũng như hệ động thực vật sinh sống trên trái đất. Ô nhiễm không khí còn làm cho thiên tai biến đổi không ngừng, những cơn bão ngày càng có tính chất mạnh và phức tạp hơn trước.

    Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần có sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới. Đặc biệt là cần tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng khói bụi công nghiệp tràn lan ra môi trường. Cần có biện pháp xử lý trước khi thải khí độc hại ra không khí, cũng như có biện pháp xử lý triệt để tình trạng trên. Những sáng kiến về những nguồn năng lượng xanh cũng là những giải pháp tốt để khắc phục tình trạng ô nhiễm này. Hơn hết cần có sự ý thức của mỗi cá nhân sống trong xã hội. Mỗi cá nhân, nếu tự biết ý thức về bản thân, ý thức bảo vệ môi trường mà mình sinh sống, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ được giảm thiểu.

    Bài viết về ô nhiễm không khí – Mẫu 5

    Cuối năm 2015, Bắc Kinh đã hơn một lần phát đi báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt quá 200 trong nhiều ngày, nghĩa là một nửa số phương tiện giao thông không được phép ra đường, các trường học được khuyến khích đóng cửa và khu vực xây dựng ngoài trời bị cấm thi công.

    Ô nhiễm không khí đã trở thành vấn nạn chung của toàn nhân loại. Ở Việt Nam, tại chính thủ đô Hà Nội, người dân chưa bao giờ hoang mang, lo lắng về tình trạng không khí hơn thế khi mới đây, không khí mà họ đang hít thở mỗi ngày được ví với “Khí quyển ngày tận thế” trong phóng sự của hãng thông tấn Singapore Channel News Asia.

    Khi câu chuyện nước bạn đang có nguy cơ tái diễn tại chính mảnh đất quê hương mình, ta phải nhận thức rõ ràng hơn nữa về vấn nạn ô nhiễm không khí. “Khí quyển ngày tận thế” là lối chơi chữ, đồng thời là cách CNA đặt tiêu đề cho bài báo về tình trạng không khí tại Hà Nội trong phóng sự mới đây của họ. Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần của không khí hoặc có sự xuất hiện các khí lạ làm cho không khí không sạch, có sự tỏa mùi, làm giảm tầm nhìn xa, gây biến đổi khí hậu, gây bệnh cho con người và sinh vật. Như vậy, chất lượng không khí ở Hà Nội thời điểm này đang ở mức độ ô nhiễm, độc hại đáng báo động. Không khí ở Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Từ hiện trạng sinh hoạt, giao thông của người dân cho tới những nghiên cứu, phân tích của giới chuyên gia đều thể hiện một Hà Nội “thiếu vắng bầu trời trong xanh”, Hà Nội của khói bụi, ô nhiễm đang tăng lên nhanh chóng. Phó Giáo Sư Phạm Thúy Loan, Phó giám đốc Viện Kiến trúc Việt Nam, thuộc Bộ xây dựng cho biết:”Nếu đến Hà Nội vào ban ngày, bạn sẽ thấy ai ai cũng đeo khẩu trang và trang bị “áo giáp” từ đầu tới chân để tránh khói bụi”. Năm 2012, một công ty phân tích ô nhiễm của Pháp là ARIA Technologies đã xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á và là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Châu Á về chất lượng không khí. Đặc biệt, số liệu của đài quan trắc đã cho thấy hàm lượng thủy ngân đạt ngưỡng nguy hiểm trong không khí Hà Nội. Tuy rằng đây chỉ là trường hợp cá biệt và chưa xảy ra ở nhiều nơi nhưng thông tin này đã gây ra không ít hoang mang cho người dân thủ đô. Tác nhân gây ra 70% lượng không khí bị ô nhiễm ở Hà Nội là phương tiện giao thông. Số liệu chính thức cho thấy hiện Hà Nội có 5.3 triệu xe máy và 560.000 ô tô và con số này dự tính sẽ tăng 11% mỗi năm đối với xe máy và 17% đối với ô tô. Tính tới năm 2020, sẽ có gần 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy chen chúc nhau trên đường phố Hà Nội. Sự tăng mạnh về số lượng phương tiện giao thông cá nhân được lý giải bởi sự khan hiếm của loại hình giao thông công cộng, người dân không có thói quen đi bộ, một bộ phận có tâm lý mua xe để thể hiện đẳng cấp.

    Tắc đường ở mức độ báo động càng làm mức độ ô nhiễm môi trường trở nên khó kiểm soát. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã cố gắng mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông nhưng vấn không thể đáp ứng được số lượng phương tiện tăng đột biến, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng. Bên cạnh đó, đặc trưng thành phố với nhiều ngõ ngách nhỏ, ô tô không thể di chuyển cũng góp phần làm vấn đề trầm trọng thêm. Sức khỏe con người bị đe dọa là nguy cơ trông thấy từ vấn nạn ô nhiễm môi trường.

    Trước mắt, cần tăng cường việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện an toàn, thân thiện với môi trường. Việc đi bộ cũng nên được khuyến khích do giá trị sức khỏe mà nó đem lại.

    Về dài hạn, chính phủ cũng cần thiết phải đưa ra một số kế hoạch khác để cải thiện chất lượng không khí, bao gồm việc ban hành quy định khắt khe hơn về mức khí thải đối với cả ô tô và xe máy cũng như tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch hơn.

    Vấn đề ô nhiễm môi trường ở Hà Nội đang là vấn đề đáng được lưu tâm, đặc biệt khi giới chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế cũng thể hiện sự quan ngại đặc biệt cho khí quyển thủ đô.

    Cần nhận thức rõ ràng thực trạng, nguyên nhân để đi đến giải pháp cho vấn nạn ô nhiễm môi trường. Với trí tuệ và sức trẻ của mình, thanh niên Việt Nam hiện đại cần trở thành mũi nhọn tiên phong của cuộc đấu tranh vì một bầu không khí trong sạch hơn cho sức khỏe và an sinh nòi giống.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *