Văn mẫu lớp 12: Ý nghĩa nhan đề Vợ chồng A Phủ mang đến gợi ý cách viết chi tiết kèm theo 6 mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi vốn kiến thức để hiểu được ý nghĩa nhan đề của tác phẩm.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Dàn ý + 6 mẫu)
TOP 6 mẫu ý nghĩa nhan đề Vợ chồng A Phủ dưới đây sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú, làm văn một cách sáng tạo. Bên cạnh đó để nâng cao kỹ năng viết văn các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích Vợ chồng A Phủ, phân tích nhân vật Mị.
Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Dàn ý ý nghĩa nhan đề Vợ chồng A Phủ
1.Mở đoạn:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
2. Thân đoạn:
– Ý nghĩa bề mặt:
- Hai nhân vật trung tâm: Mị và A Phủ.
- Mối quan hệ giữa hai nhân vật: “vợ chồng”.
- Mị và A Phủ từ hai người xa lạ trở thành vợ chồng.
- Hai người cùng chung cảnh ngộ, chạy trốn áp bức để đến với tự do.
– Ý nghĩa bề sâu:
- Phản ánh số phận đau thương, bị chèn ép của những người dân lương thiện.
- Lên án cường quyền, áp bức.
- Khẳng định tương lai tươi sáng, hạnh phúc của con người khi biết vượt lên số phận.
3. Kết đoạn:
– Khẳng định lại ý nghĩa của nhan đề tác phẩm.
Nhan đề Vợ chồng A Phủ ngắn gọn
Bài làm mẫu 1
Với nhan đề “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã bước đầu gợi mở cho người đọc về chủ đề, tư tưởng được truyền tải trong tác phẩm. Nhan đề đề cập đến hai hình tượng trung tâm của tác phẩm là Mị và A Phủ. Vậy tại sao Tô Hoài lại không đặt tên truyện ngắn của mình là “Mị và A Phủ”? Nhan đề đã thể hiện mối quan hệ giữa hai nhân vật – mối quan hệ “vợ chồng”. Mị và A Phủ là hai con người xa lạ nhưng lại gặp gỡ nhau ở hoàn cảnh khốn cùng, khổ sở. Vậy nên quá trình họ trở thành vợ chồng cũng là quá trình họ nương tựa, kết nối với nhau để vận động từ bóng tối ra ánh sáng, tìm đến tự do. Như vậy, qua nhan đề, người đọc có thể cảm nhận được sức sống tiềm tàng cũng như khát vọng tự do của người dân lao động vùng cao Tây Bắc.
Bài làm mẫu 2
“Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) cũng là một nhan đề có vẻ bình thường. Song thực ra không phải là không có gì để khai thác: Mị và A Phủ vốn là những người xa lạ, nhưng do một cảnh ngộ đặc biệt, họ đã đến với nhau và trở thành “Vợ chồng A Phủ”, quá trình trở thành “vợ chồng” của họ là một sự vươn lên từ bóng tối đến ánh sáng; hoàn cảnh đen tối dưới ách áp bức của thống lý Pá Tra khiến họ thành vợ chồng, song chỉ có cách mạng mới đem lại hạnh phúc bền vững cho họ; điều ấy lí giải vì sao cặp vợ chồng ấy đến với cách mạng và trung kiên với cách mạng.
Bài làm mẫu 3
Mị và A Phủ vốn là những người xa lạ, nhưng do một cảnh ngộ đặc biệt, họ đã đến với nhau và trở thành vợ chồng. Quá trình trở thành vợ chồng của họ là một sự vươn lên từ bóng tối đến ánh sáng. Ánh sáng của cách mạng đã giải thoát hai con người ra khỏi ách thống trị của thống lí Pá Tra.
Ý nghĩa nhan đề truyện Vợ chồng A Phủ chi tiết
Bài làm mẫu 1
“Vợ chồng A Phủ là tác phẩm đặc sắc nhất trong tập “Truyện Tây Bắc” (1953) của nhà văn Tô Hoài. Nhan đề của tác phẩm được đặt theo tên một nhân vật trong truyện (nhân vật A Phủ) nhưng lại bao hàm trong đó được cả hai nhân vật chính của chuyện (cụm từ “vợ chồng” – mối quan hệ trong xã hội – bao gồm cả A Phủ và Mị).
Nội dung truyện kể về cuộc đời của Mị. Trong truyện, A Phủ và Mị vốn không hề quen biết nhưng lại gặp nhau tại nhà thống lý Pá Trá. Mỗi người một cảnh ngộ khác nhau. Mị chịu kiếp con dâu gạt nợ còn A Phủ chịu kiếp thân trâu thân ngựa – bòn rút sức lao động để trả nợ cho thống lý. Chính nhờ sự gặp gỡ với A Phủ và quyết định giải thoát cho A Phủ mà Mị cũng có dũng khí giải thoát cho chính mình. Quá trình trở thành “vợ chồng” của họ cũng chính là quá trình đi từ bóng tối ra ánh sáng. A Phủ đã đem Mị đến với ánh sáng của sự sống. Họ tìm đến với ánh sáng của cách mạng – cuộc đời của cả hai thay đổi.
Như vậy, đây là một nhan đề có tính khái quát cao và giàu ý nghĩa biểu tượng.
Bài làm mẫu 2
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” được in trong tập Truyện Tây Bắc (1953). Trong suốt những ngày tháng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với cán bộ và đồng bào miền núi Tây Bắc đã đem đến cho nhà văn Tô Hoài nguồn cảm hứng sáng tác.
Tô Hoài đặt cho tác phẩm của mình nhan đề là “Vợ chồng A Phủ” – đây là một nhan đề ngắn gọn nhưng mang nhiều ý nghĩa. Nhan đề trên đã chỉ ra cho người đọc hai nhân vật trung tâm của tác phẩm: A Phủ và Mị. Đồng thờ cho thấy mối quan hệ giữa hai nhân vật: “vợ chồng”.
A Phủ và Mị vốn là hai con người xa lạ. Nhưng vì món nợ với nhà thống lí Pá Trá mà gặp gỡ (Mị là con dâu gạt nợ nhà thống lý. A Phủ vì đánh người làng mà phải nộp tiền theo lệ làng nhưng không có tiền, được thống lý cho mượn rồi lại thành mang nợ). Trong những ngày tháng khổ sở của Mị tại nhà thống lý Pá Tra, sự xuất hiện của A Phủ đã đánh thức tấm lòng đồng cảm trong tâm hồn vốn đã vô cảm của Mị. Bởi họ là những con người cùng cảnh ngộ. Trong đêm Mị giải cắt dây cởi trói cứu A Phủ, dường như cũng chính là đang giải cứu cho bản thân. Hai người trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra đến Phiềng Sa, cũng tìm đến được với ánh sáng của cách mạng. Quá trình họ gặp gỡ và trở thành vợ chồng cũng chính là quá trình đi ra từ bóng tối đến ánh sáng. Cuộc đời của vợ chồng A Phủ khi gặp được lý tưởng của cách mạng đã thay đổi hoàn toàn. Nhà văn Tô Hoài sáng tác tác phẩm này nhằm phản ánh số phận đau thương và con đường tìm đến tự do của nhân dân Tây Bắc.
Nhan đề “Vợ chồng A Phủ” đem đến cho người đọc những hiểu biết ban đầu về tác phẩm.
Bài làm mẫu 3
Tập truyện “Truyện Tây Bắc” của nhà văn Tô Hoài đạt giải nhất Giải thưởng hội văn nghệ Việt Nam năm 1954 – 1955. Trong đó, “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm tiêu biểu giàu giá trị nội dung và nghệ thuật nhất.
Nhan đề tác phẩm gợi lên nhiều ý nghĩa cho người đọc. “Vợ chồng A Phủ” trước hết được Tô Hoài đặt theo tên của một nhân vật trong tác phẩm: A Phủ – nhân vật đóng vai trò hết sức quan trọng. Còn cụm từ “vợ chồng” chỉ mối quan hệ giữa hai nhân vật chính của tác phẩm (Mị và A Phủ). Trong cuộc sống, “vợ chồng” là những người có mối quan hệ vô cùng gắn bó, tuy không có quan hệ huyết thống nhưng họ cùng chung sống và cùng tạo dựng hạnh phúc. Trong truyện ngắn này, A Phủ và Mị từ hai người xa lạ, cùng chung cảnh ngộ cùng chạy trốn khỏi sự áp bức tù đày để tìm đến với tự do, từ đó họ trở thành vợ chồng. Qua đây, nhà văn muốn phản ảnh được số phận cuộc đời đau thương bất hạnh của những con người ở vùng núi Tây Bắc. Và khẳng định muốn có được cuộc sống hạnh phúc và sự đổi đời, con người phải biết đồng lòng cùng nhau vượt lên số phận. Cũng như vai trò to lớn của chính ánh sáng cách mạng sẽ soi đường dẫn lối cho họ tìm đến với hạnh phúc.
Tóm lại, nhan đề “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài đã giúp cho người đọc có được những ấn tượng ban đầu về tác phẩm.