Bức thư của thủ lĩnh da đỏ đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa với toàn nhân loại đó là con người cần phải sống hòa hợp với thiên nhiên, phải chăm lo bảo vệ môi trường và thiên nhiên như mạng sống của mình. Tác phẩm được tìm hiểu trong chương trình Ngữ văn lớp 6.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 6: Cảm nghĩ về tác phẩm Bức thư của thủ lĩnh da đỏ
Download.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 6: Cảm nghĩ về tác phẩm Bức thư của thủ lĩnh da đỏ. Mời bạn đọc tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.
Cảm nghĩ về tác phẩm Bức thư của thủ lĩnh da đỏ
Dàn ý cảm nghĩ về Bức thư của thủ lĩnh da đỏ
I. Mở bài
– Giới thiệu về tác phẩm “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ”.
– Cảm nhận chung về tác phẩm “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ”.
II. Thân bài
1. Quan hệ của người da đỏ và thiên nhiên
– Vạn vật đều thiêng liêng, mang ký ức của người da đỏ: “Mỗi tấc đất là thiêng liêng… kí ức của người da đỏ”.
– Mảnh đất là người mẹ, bông hoa là người chị, người em.
– Dòng nước là máu của tổ tiên.
– Tiếng thì thầm của dòng nước là tiếng nói của cha ông.
=> Mối quan hệ gắn bó khăng khít, thể hiện tình yêu thiên nhiên sâu sắc.
2. Sự khác biệt của người da đỏ và người da trắng trong cách sống, cách ứng xử với thiên nhiên
– Đối với người da trắng: “mảnh đất này cũng như mảnh mất khác… dòng tộc của họ”.
– Những lo lắng của người da đỏ nếu như bán đất cho người da trắng:
- Họ sẽ lấy đi trong lòng đất những gì họ cần.
- Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai.
- Họ chẳng để ý đến bầu không khí mà họ hít thở.
=> Thể hiện thái độ bảo vệ đất đai và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.
3. Kiến nghị của người da đỏ
– Phải biết quý trọng đất đai.
– Hãy khuyên bảo chúng đất là mẹ.
=> Khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ đất đai, môi trường.
III. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
Cảm nghĩ về Bức thư của thủ lĩnh da đỏ – Mẫu 1
“Bức thư của thủ lĩnh da đỏ” là một bức thư nổi tiếng từng được nhiều người xem là một trong số những văn bản hay nhất về môi trường và thiên nhiên. Tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Năm 1854, Tổng thống thứ 14 của nước Mỹ là Phreng-klin Pi-ơ-xơ tỏ ý muốn mua đất của người da đỏ. Thủ lĩnh Xi-át-tơn đã trả lời bằng bức thư này. Phần mở đầu của tác phẩm đã đưa ra mối quan hệ giữa người da đỏ và thiên nhiên. Tác giả đã sử dụng các hình ảnh so sánh: “Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối đâu chỉ là những giọt nước mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi”, “Tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông chúng tôi”. Và những hình ảnh nhân hóa “Mảnh đất này – bà mẹ của người da đỏ: dùng để gọi sự vật trong thiên nhiên”, “Những bông hoa ngát hương – người chị, người em của chúng tôi: dùng để gọi sự vật trong thiên nhiên”, và “Những mỏm đá, những vũng nước – thành viên của một gia đình: dùng để tả hiện tượng thiên nhiên”… Việc sử dụng phép nhân hóa và so sánh trong đoạn văn làm cho mối quan hệ của đất với người trở nên gắn bó và hết sức thân thiết, như anh chị em, như người con trong một nhà, như con cái với cha mẹ. Cha ông, tổ tiên của người da đỏ tồn tại trong thiên nhiên, trong những dòng nước, trong âm thanh của côn trùng và nước chảy.
Tiếp đến thủ lĩnh Xi-át-tơn đã cho người đọc thấy được sự khác biệt người da đỏ và người da trắng trong cách sống, cách ứng xử với thiên nhiên. Người da đỏ trân trọng đất đai, gọi đất đai là mẹ, là một phần máu thịt của mình. Còn với người người da trắng, họ xa lạ với đất. Mảnh đất này là kẻ thù của họ và khi họ đã chinh phục được thì họ sẽ lấn tới. Họ đối xử với mẹ đất và anh em bầu trời như những vật mua được, tước đoạt được rồi bán đi. Thậm chí họ sẽ ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc.
Với người da đỏ không khí quả là vô cùng quý gia. Ngọn gió mang lại hơi thở đầu tiên của cha ông chúng tôi và cũng là hơi thở cuối cùng của họ. Còn người da trắng lại chẳng để ý gì đến bầu không khí, muông thú, cây cối. Họ muốn xoá bỏ cuộc sống yên tĩnh, thanh khiết, hoà đồng với thiên nhiên để thay thế bằng cuộc sống thị thành ầm ĩ, ồn ào. Với sự khác biệt này, chúng ta có thể thấy được thái độ bảo vệ đất đai và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.
Cuối cùng, thủ lĩnh Xi-át-tơn đã đưa ra những đề nghị đối với người da trắng: “Nếu có quyết định chấp nhận yêu cầu của Ngài, chúng tôi phải đưa ra một điều kiện – đó là, người da trắng phải đối xử với các muông thú sống trên mảnh đất này như những người anh em”. Điều đó đã khẳng định được sự cần thiết phải bảo vệ đất đai, môi trường.
Sau khi đọc xong “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ”, có lẽ bất kì người đọc nào cũng sẽ đồng ý rằng: “Con người phải sống hòa hợp với thiên nhiên, phải chăm lo bảo vệ môi trường và thiên nhiên như bảo vệ mạng sống của chính mình”.
Cảm nghĩ về Bức thư của thủ lĩnh da đỏ – Mẫu 2
Tác phẩm “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ” đã đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về mối quan hệ giữa thiên nhiên và môi trường.
Mở đầu bức thư, tác giả đã chỉ ra mối quan hệ giữa người da đỏ với đất đai. Đối với thủ lĩnh Xi-át-tơn và đồng bào của ông, không có gì thiêng liêng hơn mảnh đất này, bởi đất chính là “người mẹ” – một phần ruột thịt: “Mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi. Những bông hoa ngát hương là những người chị, người em của chúng tôi. Những mỏm đá, những vũng nước trên đồng cỏ, hơi ấm của chú ngựa con và của con người, tất cả đều chung một gia đình”. Tất cả những gì thuộc về đất đai đều gắn bó với cuộc sống của con người như một gia đình – đó là mối quan hệ bền chặt nhất trong cuộc sống này.
Không chỉ vậy, hình ảnh quê hương còn in hằn vào tâm trí họ: “Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang kí ức của người da đỏ”. Quê hương đối với người da đỏ là những gì thơ mộng, đẹp đẽ nhất.
Tiếp đến vị thủ lĩnh da đỏ đã cho thấy sự khác biệt giữa người da đỏ và người da trắng. Nếu như đối với người da đỏ, đất đai chính là một phần máu thịt, là gia đình. Thị với người da trắng: “Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc”. Họ chỉ muốn tạo ra một thế giới “chẳng có nơi nào yên tĩnh cả, chẳng có nơi nào là nghe được tiếng lá cây lay động vào mùa xuân hay tiếng vỗ cánh của côn trùng”. Và rồi họ “biến đất đai thành vật bán mua, biến nông thôn thành đô thị, nhưng quá quắt hơn, họ biến bầu không khí vốn là của chung, của muông thú, cỏ cây, cả người da trắng cũng cùng sẻ chia “hít thở bầu không khí đó” thành đối tượng chẳng đáng quan tâm.
Cuối cùng, tác giả yêu cầu người da trắng rằng: “Nếu chúng tôi bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải nhớ rằng không khí đối với chúng tôi là vô cùng quý giá và phải chia sẻ linh hồn với tất cả cuộc sống mà không khí ban cho. Ngọn gió mang lại hơi thở đầu tiên của cha ông chúng tôi và cũng nhận lại hơi thở cuối cùng của họ. Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một nơi thiêng liêng cho ngay cả người da trắng cũng có thể thưởng thức được những làn gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ”; “Nếu có quyết định chấp nhận yêu cầu của Ngài, chúng tôi phải đưa ra một điều kiện – đó là, người da trắng phải đối xử với các muông thú sống trên mảnh đất này như những người anh em”…
Như vậy, sau khi đọc “Bức thư của thủ lĩnh da đỏ” đã cho người đọc thấy được tầm quan trọng của thiên nhiên trong cuộc sống của con người. Cũng như hiểu được vì sao bức thư này trở nên rất nổi tiếng, từng được nhiều người xem là một trong số những văn bản hay nhất về môi trường và thiên nhiên.