Ca dao gửi gắm nhiều bài học có giá trị. Hôm nay, Download.vn sẽ giới thiệu Bài văn mẫu lớp 7: Đoạn văn chứng minh bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 7: Đoạn văn chứng minh bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng (3 mẫu)
Tài liệu bao gồm 3 đoạn văn mẫu, rất cần thiết cho các bạn học sinh lớp 7. Mời tham khảo nội dung chi tiết sẽ được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.
Đoạn văn chứng minh bài ca dao Bầu ơi thương lấy bí cùng
Đoạn văn chứng minh Bầu ơi thương lấy bí cùng – Mẫu 1
Việt Nam là một dân tộc có nhiều truyền thống tốt đẹp, điều đó đã được thể hiện qua câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Câu ca dao đã mượn hình ảnh cây “bầu” và “bí”, tuy khác nhau về giống nhưng lại cùng “chung một gian” – chung hoàn cảnh sống để nói về con người. Chúng ta có cùng chung nguồn cội, giống nòi thì cần phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Trong quá khứ, dân tộc Việt Nam luôn biết đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương cho một trái tim giàu lòng nhân ái. Cả cuộc đời của Người đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, để đem lại hạnh phúc chung cho nhân dân. Vì tình yêu thương đồng baò mà Bác đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, nềm trải nhiều khổ cực. Đó cũng có thể là hành động của những người chiến sĩ dũng cảm ngã xuống giành lại tự do cho tổ quốc: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Quá khứ vĩ đại là vậy. Còn trong cuộc sống hiện tại nay, tình yêu thương lại thật giản dị, nhỏ bé. Đó là sự giúp đỡ cha mẹ những công việc trong gia đình; hay sự giúp đỡ những người bị nạn, đứa trẻ bị lạc đường… Bản thân mỗi học sinh tình yêu thương có thể là giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của lũ lụt… Có người đã từng khẳng định “Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều”. Và câu ca dao mà ông cha ta đã để lại cho con cháu quả thật là một bài học sâu sắc và ý nghĩa.
Đoạn văn chứng minh Bầu ơi thương lấy bí cùng – Mẫu 2
Con người Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái, bởi vậy mà ông cha ta luôn nhắn nhủ con cháu về điều đó:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Hình ảnh cây “bầu” và “bí” trên gợi cho người đọc liên tưởng về con người dù không cùng một mẹ sinh ra, nhưng vẫn chung sống trong một đất nước, có cùng một nguồn cội. Bởi vậy mà mỗi người cần có tình yêu thương, sự chia sẻ với những người xung quanh. Lịch sử dân tộc đã gọi tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người được nhân dân gọi là “vị cha già kính yêu” có lẽ cũng bởi trái tim giàu tình yêu thương. Vì lòng yêu nước, thương dân mà Người đã không quản ngại khó khăn, khổ cực để ra đi tìm đường cứu nước. Suốt ba mươi năm bôn ba người ngoài, chịu nhiều gian khổ vẫn không sờn lòng. Trong những năm chiến tranh, nhân dân đã cùng đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau để đánh bại kẻ thù, giành lại độc lập và cuộc sống bình yên. Nhiều chàng trai, cô gái đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã cống hiến cuộc đời của mình cho cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Đến ngày hôm nay, chúng ta cũng tiếp tục phát huy được truyền thống tương thân tương ái. Hằng năm, các chương trình thiện nguyên vẫn được tổ chức như ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, hiến máu nhân đạo hay cứu trợ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của thiên tai… Bài ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng” đã đem đến một lời khuyên đúng đắn, giá trị và thể hiện được truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.
Đoạn văn chứng minh Bầu ơi thương lấy bí cùng – Mẫu 3
Bài ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” là một lời răn dạy sâu sắc. Việc sử dụng hình ảnh “bầu” và “bí” đã gợi cho người đọc liên tưởng đến con người dù không cùng một mẹ sinh ra, nhưng vẫn chung sống trong một đất nước, có cùng một nguồn cội. Bởi vậy mà mỗi người cần có tình yêu thương, sự chia sẻ với những người xung quanh. Trong quá khứ, con người Việt Nam luôn sống chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Chắc hẳn chúng ta không thể quên được hình ảnh về một nạn đói khủng khiếp năm 1945 với hậu quả là hơn hai triệu người dân bị chết đối. Nhưng chính trong khó khăn, tinh thần tương thân tương thái mới sáng ngời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Hũ gạo cứu đói” đã được hưởng ứng nhiệt tình đã thể hiện tấm lòng biết san sẻ của nhân dân. Ngày hôm nay, chúng ta vẫn phát huy được truyền thống tốt đẹp đó. Đồng bào miền Trung đã phải hứng chịu liên tiếp những đợt lũ khiến cho của cái, mùa màng mất trắng. Nhưng với tinh thần không ai bị bỏ lại, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều chiến sĩ bộ đội đã phải hy sinh tính mạng trên đường đi giải cứu cho người dân, sự đóng góp của các mạnh thường quân… Tất cả đã thể hiện một tinh thần yêu thương, đùm bọc quý giá của người dân Việt Nam. Còn với học sinh thì có những hành động như giúp đỡ bạn bè trong học tập; quyên góp ủng hộ sách vở cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Bài ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng” thực sự có giá trị đến muôn đời.