Ông cha ta đã có câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là một lời khuyên giá trị cho con người. Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Đoạn văn giải thích câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 7: Đoạn văn giải thích câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Tài liệu bao gồm 2 đoạn văn mẫu lớp 7, cung cấp thêm ý tưởng cho học sinh khi làm bài văn của mình.
Đoạn văn giải thích câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Đoạn văn giải thích câu Tốt gỗ hơn tốt nước sơn – Mẫu 1
Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” ngắn gọn nhưng để lại bài học sâu sắc. Xét về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là lớp sơn được phủ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm thẩm mỹ. Khi lựa chọn một sản phẩm làm từ gỗ, chúng ta cần chú trọng đến chất lượng của gỗ hơn là hình thức của sản phẩm. Còn xét về nghĩa bóng, “gỗ” muốn nói tới phẩm chất, nhân cách của con người; “nước sơn” ý chỉ hình thức của con người. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rộng ra lời khuyên từ câu tục ngữ là nên coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua hình thức bên ngoài. Hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ, chúng ta cần tích cực rèn luyện để ngày càng hoàn thiện bản thân.
Đoạn văn giải thích câu Tốt gỗ hơn tốt nước sơn – Mẫu 2
Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” gửi gắm bài học đến mỗi người. Đầu tiên, về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là lớp sơn được phủ bên ngoài để bảo vệ lớp gỗ, cũng như tăng thêm tính thẩm mĩ. Còn xét về nghĩa bóng, “gỗ” muốn nói tới phẩm chất, nhân cách của con người; “nước sơn” ý chỉ hình thức của con người. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp giá trị. Hình thức bên ngoài không tồn tại mãi với thời gian, chỉ có một nhân cách tốt đẹp, một tấm lòng cao cả mới để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người.