Văn mẫu lớp 8: Ý nghĩa nhan đề Mây và sóng của Ta-go gồm 3 mẫu, giúp các em học sinh lớp 8 cảm nhận sâu sắc hơn về nguồn cảm hứng sáng tác, ý nghĩa sâu xa mà nhà thơ muốn gửi gắm.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 8: Ý nghĩa nhan đề Mây và sóng (3 mẫu)
Nhan đề là một trong những yếu tố quan trọng giúp thể hiện tư tưởng của tác phẩm văn học. Mây và sóng là nhan đề giàu ý biểu tượng, ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, gắn bó. Mời các em cùng theo dõi bài viết để hiểu rõ hơn ý nghĩa nhan đề bài thơ Mây và sóng:
Ý nghĩa nhan đề Mây và sóng của Ta-go
Ý nghĩa nhan đề Mây và sóng – Mẫu 1
“Mây và sóng” là một nhan đề giàu ý nghĩa biểu tượng. Trước hết, mây, sóng đều là những hình ảnh thiên nhiên, tượng trưng cho tiếng gọi của thế giới diệu kì, lung linh, hấp dẫn. Tuy nhiên, em bé đã từ chối tiếng gọi hấp dẫn ấy vì em không thể rời mẹ. Vậy nên, em bé đã nghĩ ra một trò chơi để chơi cùng mẹ. “Mây và sóng” giờ đây không còn là hình ảnh thế giới kì diệu nữa mà là hóa thân của em bé trong trò chơi thú vị với mẹ. Em hóa thân thành mây, sóng để được ôm ấp và vỡ tan vào lòng mẹ. Như vậy, nhan đề bài thơ đã gợi mở chủ đề, tư tưởng của tác phẩm: ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
Ý nghĩa nhan đề Mây và sóng – Mẫu 2
“Mây và sóng” là một nhan đề hết sức ý nghĩa, đem đến nhiều cảm xúc cho độc giả. “Mây”,“sóng” đều là từ dùng để chỉ sự vật trong tự nhiên – những thứ quen thuộc luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng ở đây, Ta-go đã biến chúng trở thành thứ tượng trưng cho thế giới kì thú, đầy màu sắc bên ngoài. Thế giới ấy lôi cuốn, hấp dẫn và mới mẻ, khơi gợi được lòng hiếu kì và ham muốn khám phá của đứa trẻ. Vậy mà, em bé đã khước từ sự mời gọi đầy sức hút ấy. Em chọn ở lại với mẹ, tự mình hóa thân thành “mây” và “sóng” để được chơi đùa cùng người mẹ yêu thương. Vậy, nhan đề này chứa đựng nhiều sự liên tưởng. Qua đó, giúp người đọc có những suy ngẫm về tình mẫu tử cao đẹp đối với mỗi người. . Từ đó, đi sâu tìm hiểu kĩ hơn về những tầng nghĩa được tác giả gửi gắm qua tác phẩm.
Ý nghĩa nhan đề Mây và sóng – Mẫu 3
Với nhan đề “Mây và sóng”, Ta-go đã đem đến cho người đọc một câu chuyện vô cùng ý nghĩa về tình mẫu tử. Nếu chỉ nhìn bề mặt, có thể thấy “mây”, “sóng” đơn giản là những sự vật, hiện tượng trong tự nhiên. Nhưng khi tìm hiểu tác phẩm, hình ảnh đó lại là đại diện cho điều kì thú, tượng trưng cho sự gọi mời của thế giới bên ngoài. Những thứ ấy dường như quá sức hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Vậy mà em bé trong tác phẩm lại từ chối chúng, lựa chọn trở về cùng mẹ. Thay vì chạy theo những điều thú vị bên ngoài, em bé đã tự nghĩ ra các trò chơi cho riêng mình. Lúc này, em đã tự mình hóa thân thành “mây”, thành “sóng” để chơi đùa cùng mẹ. Qua đó, có thể thấy chỉ với hai hình tượng thiên nhiên quen thuộc, tác giả đã đem đến bao thông điệp giá trị về sự thiêng liêng, gắn bó của tình mẫu tử.