Văn mẫu lớp 9: Cảm nghĩ về Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Văn mẫu lớp 9: Cảm nghĩ về Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Cảm nghĩ về Đấu tranh cho một thế giới hòa bình tuyển chọn 4 mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy được mối nguy hại khôn lường của chiến tranh hạt nhân, cùng trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ hòa bình.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Cảm nghĩ về Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Văn mẫu lớp 9: Cảm nghĩ về Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Đấu tranh cho một thế giới hòa bình của G. Mác-két chứa đựng ý nghĩa nhân đạo to lớn, sâu sắc, góp phần không nhỏ vào phong trào bảo vệ hòa bình thế giới. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9.

TOP 4 bài cảm nghĩ về Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

    Dàn ý cảm nghĩ về Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

    Dàn ý ngắn gọn

    A. Mở bài:

    • Giới thiệu tác giả, tác phẩm
    • Nội dung chính: Chiến tranh hạt nhân

    B. Thân bài

    • Cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân
    • Chi phí khổng lồ của chiến tranh
    • Lên án cuộc chạy đua vũ trang
    • Lời kêu gọi mọi người chống chiến tranh hạt nhân

    C. Thân bài:

    • Khẳng định lại giá trị tác phẩm
    • Cảm nghĩ bản thân

    Dàn ý chi tiết

    1. Mở bài

    • Giới thiệu khái quát về tác giả G.G Mác – két (các sáng tác tiêu biểu, đặc điểm sáng tác,…)
    • Giới thiệu khái quát về văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

    2. Thân bài

    a. Nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân trên thế giới – nó là mối nguy hại đến sự sống của con người và vạn vật trên trái đất

    • Để làm bật nổi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, tác giả đã đưa ra những số liệu cụ thể và chính xác.
    • Với số liệu ấy, tác giả Mác-két đã làm bật nổi nguy cơ chiến tranh là rất khủng khiếp, nó là vấn đề cần được quan tâm và đề cao ngay lúc này.

    b. Những hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng, đáng buồn của việc chạy đua vũ trang ở các nước.

    – Chạy đua vũ trang “làm cho tất cả chúng ta mất đi khả năng sống tốt đẹp hơn”.

    • Trong lĩnh vực y tế, giá của mười chiếc tàu mang vũ khí hạt nhân của Ni-mít bằng kinh phí của chương trình phòng bệnh trong 14 năm và phòng bệnh sốt rét cho 1 tỉ người và cứu 14 triệu trẻ em châu Phi.
    • Trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, theo thống kê của FAO, trên thế giới có khoảng 575 triệu người thiếu dinh dưỡng song khối lượng calo cần thiết đủ để cung cấp cho số người này chưa bằng 149 tên lửa MX,…

    – Chạy đua vũ khí hạt nhân “không chỉ đi ngược lại lí trí của con người mà còn đi ngược lại lí trí của tự nhiên”:

    – Chỉ cần một cái bấm nút thôi tất cả mọi những thứ sẽ mãi mãi mất đi.

    c. Nhiệm vụ ngăn chặn chiến tranh thế giới hạt nhân và bảo vệ cuộc sống ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn

    • Mác-két đã kêu gọi mọi người chung tay ngăn chặn chiến tranh hạt nhân.
    • Ông cũng lên tiếng đề nghị mở một nhà băng lưu trữ trí nhớ.

    3. Kết bài

    Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình và nêu cảm nghĩ của bản thân.

    Cảm nghĩ về Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

    Mác-két là một trong số những nhà văn nổi tiếng ở Cô-lôm-bi-a với những cuốn tiểu thuyết và tập truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo, xoay quanh các chủ đề chính như sự cô đơn – mặt trái của tinh thần đoàn kết và sự yêu thương giữa con người với con người. Và có thể nói, văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình trích trong bài tham luận của Mác – két đã thể hiện rõ quan điểm, suy nghĩ và thái độ của ông về nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe dọa đến sự sống trên trái đất.

    Trong Đấu tranh cho một thế giới hòa bình, để làm bật nổi luận điểm chính của bài viết, tác giả Mác – két đã nêu lên ba luận cứ chủ yếu và điều đầu tiên được tác giả nêu lên đó chính là nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân trên thế giới – nó là mối nguy hại đến sự sống của con người và vạn vật trên Trái đất. Để làm bật nổi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, tác giả đã đưa ra những số liệu cụ thể và chính xác “Hôm nay, ngày 8-8-1986, hơn 50000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí trên khắp hành tinh….” Vâng, với những con số cụ thể và sự tính toán chính xác ấy, tác giả Mác-két đã làm bật nổi nguy cơ chiến tranh là rất khủng khiếp, nó là vấn đề cần được quan tâm và đề cao ngay lúc này.

    Đồng thời, trong bài viết của mình, Mác-két cũng đã nêu lên những hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng, đáng buồn của việc chạy đua vũ trang ở các nước. Trước hết, chạy đua vũ trang “làm cho tất cả chúng ta mất đi khả năng sống tốt đẹp hơn”. Để làm bật nổi vấn đề này, tác giả đã nêu lên những dẫn chứng hết sức thuyết phục trên tất cả các lĩnh vực từ ý tế, giáo dục, xã hội đến các lĩnh vực khác nhau trong đời sống của con người. Trong lĩnh vực y tế, giá của mười chiếc tàu mang vũ khí hạt nhân của Ni-mít bằng kinh phí của chương trình phòng bệnh trong 14 năm và phòng bệnh sốt rét cho 1 tỉ người và cứu 14 triệu trẻ em châu Phi. T

    rong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, theo thống kê của FAO, trên thế giới có khoảng 575 triệu người thiếu dinh dưỡng song khối lượng calo cần thiết đủ để cung cấp cho số người này chưa bằng 149 tên lửa MX,… Và như vậy, với rất nhiều dẫn chứng xác thực cùng những con số cụ thể nêu trên, tác giả đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng chạy đua vũ khí hạt nhân làm cho cuộc sống của con người bớt tốt đẹp đi, trở nên thiếu thốn, nghèo nàn hơn. Thêm vào đó, theo Mác-két, chạy đua vũ khí hạt nhân “không chỉ đi ngược lại lí trí của con người mà còn đi ngược lại lí trí của tự nhiên”.

    Chiến tranh hạt nhân không những tiêu diệt, giết chết con người mà nó còn hủy hoại mọi dấu hiệu của sự sống vạn vật trên Trái đất. Nếu như con bướm phải trải qua 380 triệu năm mới biết bay, trải qua 180 triệu năm bông hồng mới nở và con người có thể hát hay hơn chim và mới chết vì yêu sau 4 kỉ địa chất thì chỉ cần một cái bấm nút thôi tất cả những thứ ấy sẽ mãi mãi mất đi, vĩnh viễn không còn tồn tại. Có nêu lên như thế thì chúng ta mới có thể biết được chiến tranh hạt nhân có sức hủy diệt ghê gớm đến cỡ nào.

    Và để rồi, trên cơ sở nêu lên nguy cơ và những hậu quả của chiến tranh hạt nhân, trong phần cuối của bài viết, tác giả Mác-két đã nêu lên nhiệm vụ ngăn chặn chiến tranh thế giới hạt nhân và bảo vệ cuộc sống ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn. Mác-két đã lên tiếng kêu gọi mọi người chung tay ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, ông kêu gọi mọi người rằng “hãy tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng…”. Một lời kêu gọi ngắn gọn nhưng thật ý nghĩa biết bao. Và đồng thời, ông cũng lên tiếng đề nghị mở một nhà băng lưu trữ trí nhớ, có thể tồn tại được sau tai họa hạt nhân, để nhân loại hàng triệu, hàng triệu năm về sau nữa có thể biết rằng có sự sống đã từng tồn tại trên trái đất.

    Tóm lại, với hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ, rõ ràng cùng những dẫn chứng cụ thể, xác thực, Đấu tranh cho một thế giới hòa bình của Mác-két đã làm nổi bật những vấn đề cơ bản của chiến tranh hạt nhân – một vấn đề nóng bỏng cần sự chung tay, góp sức của toàn nhân loại.

    Cảm nghĩ về Đấu tranh cho một thế giới hòa bình lớp 9

    Sau khi đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc (1945), trục phát xít Đức, Ý, Nhật đã tan rã trước sức mạnh của phe Đồng minh Anh Nga, Mĩ… Lịch sử bước sang một giai đoạn mới với nhiều vấn đề trọng đại liên quan đến sự sống còn của toàn nhân loại. Trong đó, chạy đua vũ trang giữa các cường quốc và nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân là mối đe dọa đáng sợ nhất.

    Gác-xi-a Mác-két, nhà văn nổi tiếng của Cô-lôm-bi-a (được trao giải Nô-ben văn chương) đã viết một bài nghị luận lấy tên là Đấu tranh cho một thế giới hoà bình để bày tỏ mối lo ngại sâu sắc của mình trước hiểm họa hạt nhân. Bằng lập luận sắc bén và hệ thống dẫn chứng cụ thể, chính xác, đầy sức thuyết phục, ông đã làm một công việc có ý nghĩa nhân đạo lớn lao là thức tỉnh loài người trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang lơ lửng trên đầu, chẳng khác gì thanh gươm Đa-mô-clét trong thần thoại Hi Lạp, có thể trong nháy mắt hủy diệt toàn bộ sự sống trên trái đất.

    Mở đầu bài viết, tác giả đưa ra một con số khủng khiếp có sức gây chấn động mạnh mẽ đến cả những người có trái tim lạnh lùng, dửng dưng nhất trước vấn đề thời sự nóng bỏng này:

    Chúng ta đang ở đâu? Hôm nay ngày 8-8-1986, hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí trên khắp hành tinh. Nói nôm na ra, điều đó có nghĩa là mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ: tất cả chỗ đó nổ tung lên sẽ làm biến hết thảy, không phải là một lần mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên trái đất.

    Để khẳng định sự phi lí, phi nhân của chiến tranh hạt nhân, tác giả đã sử dụng triệt để phép so sánh và làm cho những khái niệm trừu tượng nhất được cụ thể hoá, trở nên dễ hiểu đối với mọi người, không phân biệt trình độ văn hóa, màu da hay tiếng nói. Các lĩnh vực Mác-Két đề cập đến đều mang tính phổ biến và khái quát cao như giáo dục, y tế, lương thực, thực phẩm và quan trọng nhất là sự sống của con người cùng vạn vật. Luận điểm mà ông đưa ra trong bài viết đều dựa trên cơ sở là nội dung các văn bản và công ước quốc tế xoay quanh những vấn đề thiết yếu của thời đại:

    Năm 1981, UNICEF đã định ra một chương trình để giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất trên thế giới. Chương trình này dự kiến cứu trợ về y tế, giáo dục sơ cấp, cải thiện điều kiện vệ sinh và tiếp tế thực phẩm, nước uống. Nhưng tất cả đã tỏ ra là một giấc mơ không thể thực hiện được, vì tốn kém 100 tỉ đô la. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ gần bằng những chi phí bỏ ra cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mĩ và cho dưới 7.000 tên lửa vượt đại châu.

    Và đây là một ví dụ khác trong lĩnh vực y tế: Giá của 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân… cũng đủ để thực hiện một chương trình phòng bệnh trong cùng 14 năm đó và sẽ bảo vệ cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét và cứu hơn 14 triệu trẻ em, riêng cho châu Phi mà thôi.

    Cảm xúc của nhà văn thể hiện rất rõ trong đoạn nói về nạn đói, nạn suy dinh dưỡng, nạn mù chữ của nhân dân các nước nghèo khổ. Đọc những dòng này, những người có lương tâm không thể không xót xa, thương cảm cho họ và căm phẫn trước những hành động xâm phạm đến quyền sống của con người:

    Một ví dụ trong lĩnh vực tiếp tế thực phẩm: Theo tính toán của FAO, năm 1985, người ta thấy trên thế giới cỏ gần 575 triệu người thiếu dinh dưỡng. Số lượng ca-lo trung bình cần thiết cho những người đó chỉ tốn kém không bằng 149 tên lửa MX… Chỉ cần 27 tên lửa MX là đủ trả tiền nông cụ cần thiết cho các nước nghèo để họ có được thực phẩm trong bốn năm tới.

    Một ví dụ trong Lĩnh vực giáo dục: Chỉ hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới.

    Quả là những con số biết nói làm xúc động lòng người! Nhà văn Mác-két đã lên án chiến tranh hạt nhân bằng cách nhấn mạnh sự tương phản ghê gớm giữa chi phí cho việc duy trì, phát triển sự sống và chi phí cho việc hủy diệt sự sống trên hành tinh. Bất kì ai đọc những dòng này đều phải nghiêm túc suy ngẫm và rút ra ý nghĩa thiết thực từ những so sánh có tính mục đích rõ ràng của nhà văn.

    Theo Mác-két, trái đất là nơi độc nhất có phép màu của sự sống trong hệ mặt trời. Từ đó, ông đi đến kết luận: chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí, Nói cách khác, đó là hành động ngông cuồng đến mức điên rồ của những kẻ hiếu chiến, đi ngược lại khát vọng hòa bình của toàn nhân loại.

    Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc không những đi ngược lại lí trí con người mà đi ngược lại cá lí trí tự nhiên nữa: Từ khi mới nhen nhúm sự sống trên trái đất, đã phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi sáu triệu năm nữa bông hồng mới nở, chỉ để làm đẹp mà thôi.

    Cũng đã phải trải qua bốn kỉ địa chất, con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu. Trong thời đại hoàng kim này của khoa học, trí tuệ con người chẳng có gì để tự hào vì đã phát minh ra một biện pháp, chỉ cần bấm nút một cái là đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém đó của hàng bao nhiêu triệu năm trở lại điểm xuất phát của nó.
    Trình độ hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực kết hợp cùng tình cảm chân thành và mối quan tâm sâu sắc đối với con người, cuộc sống đã thúc đẩy nhà văn G. Mác-két viết nên những dòng chữ tràn đầy nhiệt huyết, làm rung động lòng người.

    Trước hội nghị, ông thiết tha kêu gọi nhân loại hãy đoàn kết lại, đồng thanh cất cao tiếng nói phản đối chiến tranh hạt nhân, đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng. Ông tin rằng sự có mặt của mọi người trong hội nghị này không phải là vô ích.

    Nhà văn Mác-két với những tác phẩm, những bài viết chứa đựng ý nghĩa nhân đạo to lớn, sâu sắc đã đóng góp không nhỏ vào phong trào hòa bình trên thế giới. Vì vậy, ông xứng đáng với giải thưởng Nô-ben cao quý mà ông đã được trao tặng.

    Cảm nghĩ sau khi đọc bài Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

    “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” mang ý nghĩa như một bức thông điệp của Mác-két. người Cô-lôm-bi-a, nhà hoạt động xã hội lỗi lạc, nhà văn được giải thưởng Nô-ben văn học năm 1982, gửi cho các dân tộc trên hành tinh chúng ta.

    Để làm sáng tỏ luận đề “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình”, Mác-két đã đưa ra 3 luận điểm đầy sức thuyết phục: một là nhân loại đang đứng trước hiểm họa hạt nhân; hai là, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là cực kì tốn kém; ba là, lời kêu gọi chống nguy cơ hạt nhân, đấu tranh cho hòa bình.

    Nhân loại đang đứng trước hiểm họa hạt nhân; cái nguy cơ ghê gớm đang đè nặng lên chúng ta như thanh gươm Đa-nô-clét”. Với hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân bố trí khắp hành tinh, mỗi con người đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ. Với số vũ khí hạt nhân ấy có thế hủy diệt 12 lần mọi dấu vết sự sống trên trái đất; có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt trời, cộng thêm 4 hành tinh nữa.. “Mác-két ghê tởm lên án nguy cơ hạt nhân là dịch hạch hạt nhân” vì cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết”…

    Những con số mà Mác-két đưa ra đã nâng cao nhận thức cho mọi người vẻ nguy cơ chiến tranh hạt nhân, và sự hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.

    Tiếp theo, Mác-két đã chỉ ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là vô cùng tốn kém. Đây là những số liệu cụ thể mà tác giả đã đưa ra: Chi phí bỏ ra cho 100 máy bay ném bom chiến lược B1B của Mĩ và cho dưới 7.000 tên lửa vượt đại châu là 100 tỉ đô-la. Số tiền ấy có thể cứu trợ về y tế, giáo dục sơ cấp, cải thiện điều kiện vệ sinh và tiếp tế thực phẩm, nước uống cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới. Giá 10 chiếc tàu sân bay Ni-mít mang vũ khí hạt nhân đủ để thực hiện một chương trình phòng bệnh trong 14 năm cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét và cứu hơn 14 triệu trẻ em ở châu Phi.

    Số lượng ca-lo trung bình cho 575 triệu người thiếu dinh dưỡng tốn kém không bằng 149 tên lửa MX. Chỉ cần 27 tên lửa MX là đủ trả tiền mua nông cụ cần thiết cho các nước nghèo để họ có được thực phẩm trong 4 năm tới. Chỉ cần 2 chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới.

    Nhà văn được giải thưởng Nô-ben đã nghiêm khắc cảnh cáo: “Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí”, – lí trí con người, cả lí trí tự nhiên. Sự sống trên Trái Đất phải trải qua 380 triệu năm thì con bướm mới biết bay; rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở; trải qua 4 kỉ địa chất (trên dưới 40 triệu năm), con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu. Nhưng chỉ cần “bấm nút một cái” là sẽ “đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém đó của hàng bao nhiêu triệu năm, trở lại điểm xuất phát của nó”, nghĩa là Trái Đất bị hủy diệt hoàn toàn.

    Nghệ thuật lập luận của Mác-két rất sắc bén. Những con số về tiền bạc mà ông nêu lên đã cho thấy ngân sách quân sự, chi phí chạy đua vũ trang hạt nhân là cực kì tốn kém! Tác giả sử dụng lối biện luận tương phản về thời gian: quá trình hình thành sự sống và văn minh nhân loại phải trải qua hàng triệu triệu năm, còn sự hủy diệt Trái Đất chỉ diễn ra trong nháy mắt, “chỉ cần bấm nút một cái” thì tất cả sẽ trở thành tro bụi – ông đã chi cho mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thấy rõ hiếm họa vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang hạt nhân khủng khiếp như thế nào!

    Luận điểm thứ 3 là lời kêu gọi của Mác-két. Ông kêu gọi mọi người “chống lại việc đó” – cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân; hãy “tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng”.

    Ông đề nghị “mở ra một nhà băng lưu trữ trí nhớ, có thể tồn tại được sau tai họa hạt nhân” để cho nhân loại tương lai biết rằng “sự sống đã từng tồn tại”…, để nhân loại tương lai “biết đến” những thủ phạm đã “gây ra những lo sợ, đau khổ” cho hàng tỉ con người, để “biết đến” tên những kẻ “giả điếc làm ngơ trước những lời khẩn cầu hòa bình, những lời kêu gọi làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”…

    Mác-két đã có một cách nói đặc sắc, độc đáo lên án những kẻ hiếu chiến đã và đang gây ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, đe dọa cuộc sống hòa bình yên vui của các dân tộc và nhân loại.

    Văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” thể hiện trí tuệ và tâm hồn của Mác-két. Ông đã sáng suốt và tỉnh táo chỉ cho nhân loại thấy rõ nguy cơ hạt nhân là một hiểm họa đáng sợ- “dịch hạch hạt nhân”. Tâm hồn của ông cháy bỏng một niềm khao khát hòa bình cho nhân loại.

    Mác-két đã có một lối nói, lối viết rất độc đáo. Những số liệu của ông nêu ra có một sức thuyết phục to lớn, làm cho mọi người, mọi dân tộc nhận thức một cách sâu sắc về sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hòa bình là sự sống còn của nhân loại.

    Phân tích bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

    Tác giả Mác-két là người gốc Cô-lôm-bi-a. Ông là một nhà văn đồng thời cũng là hoạt động xã hội vô cùng lỗi lạc. Mác-két từng đạt giải Nô-ben văn học năm 1982.

    Bài viết “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” là một bài viết hay, mang một ý nghĩa vô cùng to lớn cho toàn thể hành tinh chúng ta. Nó chính là bức thông điệp mà tác giả Mác-két muốn gửi tới toàn thể nhân loại trên hành tinh hình cầu này.

    Tác giả Mác-két đã là nổi bật lên ba luận điểm mà con người trên trái đất đang phải đối mặt đó là họa hạt nhân, chạy đua vũ trang hạt nhân gây tốn kém tiền bạc, thời gian của nhân loại, và cuối cùng là lời kêu gọi chúng ta chống chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình của địa cầu.

    Trái đất đang có nguy cơ bị diệt vong bởi hiểm họa hạt nhân “nguy cơ ghê gớm đè nặng chúng ta như thanh gươm Đa-mô-clet” tác giả đã nói như vậy trong bài viết của mình. Hiện nay trên toàn hành tinh của chúng ta có tới hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân. Nó nằm rải rác khắp nơi từ châu Âu tới châu Á. Mỗi sinh mạng trên trái đất của chúng ta đang ngồi trên một khối thuốc nổ khổng lồ. Số vũ khí hạt nhân này có sức công phá gấp 12 lần sự sống của trái đất. Nói theo cách khác thì chỉ cần số vũ khí hạt nhân này nổ có thể hủy diệt 12 hành tinh giống như trái đất của chúng ta.

    Trong luận điểm thứ hai của mình tác giả Mác-két đã phân tích rõ việc chạy đua vũ trang đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của nền kinh tế của thế giới.

    Phí đầu tư cho 100 chiếc máy bay chiến lược của Mỹ có thể lên tới 100 tỉ đô la. Với số tiền lớn như thế này có thể cung cấp đồ ăn thức uống của 500 triệu người nghèo ở châu phi.

    Chỉ cần lấy số tiền mua hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân chúng ta có thể đủ tiền xóa mù chữ cho toàn thế giới. Chỉ cần với những con số nhỏ thế thôi nhưng chúng ta có thể thấy rằng chi phí cho chiến tranh, cho sản xuất vũ khí hạt nhân là vô cùng lớn. Nó chiếm rất nhiều ngân sách tiền tệ của nhiều nước. Trong khi với số tiền đó chúng ta có thể cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân, giúp rất nhiều trẻ em nghèo được đi học, có lương thực sinh sống.

    Lập luận của Mác-két vô cùng cùng chắc chắn, sắc bén những con số kinh tế mà ông đưa ra khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên giật mình bởi nó quá lớn quá tốn kém, mà những số tiền lớn này lại chỉ phục vụ cho sự phi nghĩa, không nhằm cứu vớt nhân loại, loài người khỏi đói nghèo dốt nát mà chỉ làm hại cho hành tinh chúng ta, đặt nguy cơ hủy diệt lên cao hơn.

    Trong phần kết của mình tác giả Mác-két đã ra lời kêu gọi nhân loại chúng ta chung tay loại bỏ vũ khí hạt nhân, loại bỏ chiến tranh hạt nhân. Tác giả đề nghị mọi người hãy mở ra một nhà băng lưu trữ trí nhớ, để biết được sự sống đã từng tồn tại, để tương lai có thể biết được thủ phạm gây ra hủy diệt cho hành tinh chúng ta chính là vũ khí hạt nhân.

    Bài viết “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” thể hiện tâm tư, tình cảm của tác giả Mác-két. Nó cho thấy ông là người có trí tuệ biết nhìn xa trông rộng, nhìn thấy trước được tương lai của nhân loại và ông cũng là người có trái tim nhân hậu, biết yêu thương người nghèo, luôn mong muốn có một cuộc sống hòa bình cho tất cả mọi người.

    Bài viết của Mác-két thể hiện văn phong độc đáo, nhiều sáng tạo. Những con số thống kê của ông có sức thuyết phục người đọc người nghe vô cùng sâu sắc. Nó thể hiện tác giả đã phải nghiên cứu vấn đề này rất lâu và trăn trở về nó rất nhiều. Nên mỗi câu ông viết đều có sức nặng tựa ngàn cân, có sức lay động lòng người vô cùng to lớn.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *