Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận khổ 2 bài Nói với con của Y Phương (Sơ đồ tư duy)

Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận khổ 2 bài Nói với con của Y Phương (Sơ đồ tư duy)

Cảm nhận khổ 2 bài thơ Nói với con tuyển chọn 10 mẫu hay nhất, kèm theo 4 dàn ý chi tiết và sơ đồ tư duy, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ tinh thần gắn bó, thủy chung với mảnh đất quê hương của người đồng mình.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận khổ 2 bài Nói với con của Y Phương (Sơ đồ tư duy)

Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận khổ 2 bài Nói với con của Y Phương (Sơ đồ tư duy)

Qua khổ thơ thứ hai Nói với con, tác giả đã mượn lời người cha nói với con, khéo léo ca ngợi những phẩm chất cao quý của người đồng mình, những truyền thống quý báu của quê hương cùng lời dặn dò tha thiết. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9.

Cảm nhận đoạn 2 bài thơ Nói với con của Y Phương

    Sơ đồ tư duy Cảm nhận khổ 2 bài Nói với con

    Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận khổ 2 bài Nói với con của Y Phương (Sơ đồ tư duy)

    Dàn ý cảm nhận đoạn 2 bài Nói với con

    a. Mở bài:

    Giới thiệu khái quát về tác giả Y Phương, bài thơ Nói với con và dẫn dắt vào khổ thơ thứ hai

    b. Thân bài:

    * Lời ca ngợi về đức tính cao đẹp của “người đồng mình”

    – Người đồng mình tuy sống trong vất vả nhưng mạnh mẽ, kiên cường bền bỉ, luôn gắn bó với quê hương dù có phải cực nhọc, nghèo đói:

    • “Người đồng mình”: tiếng gọi thân thương, gần gũi chỉ những người sống cùng một vùng, rộng hơn là người trong một dân tộc, một đất nước.
    • “Cao” và “xa” gợi ra những khó khăn, thách thức mà con người phải trải qua.
    • “Sống như sông, suối” nghĩa là sống thủy chung với quê hương, biết chấp nhận khó khăn và vượt qua khó khăn bằng chính niềm tin, thực lực của mình.

    – Người đồng mình mộc mạc nhưng giàu ý chí và niềm tin, nhỏ bé về con người nhưng không nhỏ bé về tâm hồn và ước muốn xây dựng quê hương đất nước.

    • Hình ảnh “Thô sơ da thịt” ẩn dụ cho phẩm chất mộc mạc, giản dị và chất phác thật thà của người đồng mình nhưng cốt cách không hề “nhỏ bé”.
    • “Đục đá kê cao quê hương” là ý chí xây dựng quê hương của người đồng mình.

    * Mong ước của người cha qua lời tâm tình với con

    • Tiếng gọi “con ơi” tha thiết, tâm tình, nhắn nhủ với con điều lớn lao nhất đó là lòng tự hào dân tộc và niềm tự tin bước vào đời.
    • “Nghe con” lời nhắn chứa chan tình yêu thương, nồi niềm và sự kỳ vọng của cha đối với con.

    * Đặc sắc nghệ thuật

    • Giọng điệu thơ thiết tha, trìu mến: lời gọi cảm thán “người đồng mình yêu lắm con ơi”
    • Hình ảnh mộc mạc, gần gũi giàu chất thơ, vừa cụ thể lại vừa khái quát

    c. Kết bài:

    Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ, nêu cảm nhận của em về khổ thơ thứ hai.

    ….

    Cảm nhận khổ 2 Nói với con ngắn gọn

    Bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương là bài thơ tiêu biểu cho tình phụ tử thắm thiết cũng lời ca ngợi truyền thống của quê hương, vẻ đẹp tâm hồn của những người dân tộc miền núi. Khổ thơ thứ hai của bài thơ đã cho chúng ta thấy được những phẩm chất cao đẹp của những người đồng mình cùng lời dặn dò tha thiết của một người cha với con của mình. Trong đoạn thơ, phẩm chất đầu tiên ta thấy được ở những người đồng mình là ý chí, nghị lực kiên cường:

    “Người đồng mình thương lắm con ơi
    Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn”

    Những người đồng mình phải sống trong gian khổ, vất vả, thế nhưng ai cũng mang trong mình một ý chí, một nghị lực “nuôi chí lớn” để bay cao bay xa trong tương lai. Phẩm chất cao đẹp thứ hai của họ là tình nghĩa thuỷ chung, gắn bó với quê hương:

    Sống trên đã không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung không chê thung nghèo khó
    Sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc”

    Hai điệp ngữ “sống” và “không chê” đã khẳng định sự thuỷ chung một lòng của những người đồng mình với quê hương của họ. Dù quê hương của họ còn nghèo khó với “đá gập ghềnh”, với “thung nghèo khó” nhưng họ vẫn luôn gắn bó với quê hương thân yêu của mình. Phẩm chất thứ ba của người đồng mình là tinh thần tự lập, tự cường, xây dựng quê hương:

    “Người đồng mình tuy thô sơ da thịt
    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
    Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục”

    Hình ảnh “tự đúc đá kê cao quê hương” là hình ảnh ẩn dụ cho tinh thần tự lập tự cường, quyết tâm xây dựng nên quê hương giàu đẹp của những người đồng mình. Cuối cùng của đoạn thơ là lời dặn tha thiết của cha dành cho con:

    “Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con”

    Con đã lớn khôn, đã đến lúc lên đường bước vào một trang mới của cuộc đời. Người cha hi vọng đứa con sẽ vững vàng trên đường đời, tiếp nối, kế thừa những truyền thống vẻ vang của cha ông. Về nghệ thuật, đoạn thơ được viết bằng thể thơ tự do và lối tư duy khoáng đạt của người dân miền núi, giọng điệu thơ linh hoạt, hình ảnh thơ mộc mạc đã làm nên thành công cho khổ 2 bài thơ Nói với con. Khổ thơ đã cho ta thấy được những phẩm chất cao quý của người đồng mình cùng tình cảm gia đình sâu sắc.

    Cảm nhận khổ 2 Nói với con hay nhất

    “Nói với con” là một thi phẩm rất tiêu biểu của nhà thơ Y Phương. Qua khổ thơ thứ hai của tác phẩm, mượn lời người cha nói với con, tác giả đã khéo léo ca ngợi những phẩm chất cao quý của người đồng mình, những truyền thống quý báu của quê hương cùng lời dặn dò tha thiết – hành trang để đứa con bước vào đời. Người đồng mình là những người có ý chí, nghị lực mạnh mẽ “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn”. Người đồng mình còn đang phải chịu cực khổ, gian nan thế nhưng ai ai cũng mang trong mình chí lớn và nghị lực để “nuôi chí lớn” đó. Hai tính từ “cao, xa” đã được nhà thơ sử dụng để so sánh, miêu tả được chí khí của những người đồng mình. Cuộc sống tuy còn nhiều gian lao, nghèo khó nhưng họ luôn gắn bó, thuỷ chung với quê hương của mình. Hai hình ảnh ẩn dụ “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” đã diễn tả sự thiếu thốn, vất vả cực nhọc của những người đồng mình trên quê hương. Nhưng dù có thế nào, họ vẫn bám trụ nơi quê hương ấy, gắn bó, ân nghĩa, thuỷ chung. Hai điệp từ “sống”, “không chê” lặp lại hai lần liên tiếp để khẳng định sự thuỷ chung đó. Không chỉ gắn bó, thủy chung mà người đồng mình còn mang trong mình tinh thần tự lập, tự cường, xây dựng quê hương. Hình ảnh “tự đục đá kê cao quê hương” là hình ảnh ẩn dụ cho ta thấy được ý chí tự lập, tự cường của những người đồng mình. Tự tay họ xây dựng lên quê hương của mình với mong muốn quê hương sẽ ngày thêm vững bền và giàu mạnh. Khép lại bài thơ là lời dặn dò con của cha:

    “Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con”

    Con đã đến tuổi trưởng thành, phải ra đi tìm lấy sự nghiệp cho riêng mình, thế nhưng dù có đi đâu vẫn phải luôn nhớ về quê hương, gia đình, với những phẩm chất cao quý, hãy sống để xứng đáng với những đồng mình trên quê hương. Bằng lối thơ tự do mang sự khoáng đạt của người dân tộc miền núi cùng với những hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi, các biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ, … qua khổ thơ thứ 2 trong tác phẩm Nói với con, nhà thơ Y Phương đã cho chúng ta thấy được những phẩm chất đáng quý của người đồng mình cùng lời dặn dò tha thiết dành cho con. Khổ thơ thứ hai là khổ thơ mang những giá trị biểu tượng của cả thi phẩm Nói với con.

    Cảm nhận khổ 2 bài thơ Nói với con

    Cảm nhận khổ 2 bài Nói với con – Mẫu 1

    “Nói với con” là bài thơ tiêu biểu nhất của Y Phương. Qua khổ thơ 2, mượn lời nhắc nhở con về cội nguồn sinh thành, người cha khéo léo ca ngợi những vẻ đẹp trong phẩm chất cao quý của “người đồng mình”, ngợi ca bản sắc văn hóa của quê hương xứ sở. Những phẩm chất ấy không có gì lớn lao nhưng hết sức đáng tự hào và gìn giữ, là hành trang mà con cần phải mang theo khi bước vào cuộc đời lớn.

    Phẩm chất cao quý của “người đồng mình” cứ hiện dần qua lời tâm tình của người cha. Đó là một cuộc sống tràn đầy niềm vui và lòng lạc quan:

    “Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn”.

    Cách đảo ngữ đầy thú vị khiến cho ý thơ cao vời, thanh thoát. Người miền núi lấy núi, lấy suối, lấy sông làm đơn vị đo. Tập quán ấy đi vào lời thơ Y phương trở nên hết sức ấn tượng. Người đồng mình cũng lắm suy tư (nỗi buồn). Người đồng mình tuy nghèo khó nhưng lúc nào cũng biết “nuôi chí lớn”. Họ mạnh mẽ, kiêu hãnh sinh tồn giữa đại tự nhiên đầy khắc nghiệt và bí ẩn. Chưa bao giờ họ bị khuất phục. Đó chính là phẩm chất đáng tự hào mà Y Phương muốn nói đến.

    Đó còn là tấm lòng thuỷ chung của “người đồng mình” với nơi chôn rau cắt rốn:

    “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung không chê thung nghèo đói”

    Bằng những điệp từ, điệp ngữ, cách so sánh cụ thể, kết hợp với kiểu câu ngắn dài khác nhau, lời tâm tình của người cha đã góp phần khẳng định người miền núi tuy cuộc sống hôm nay còn vất vả, khó nhọc, “lên thác xuống ghềnh” nhưng họ vẫn sống mạnh mẽ, khoáng đạt “như sông như suối”, bền bỉ, gắn bó và tha thiết với quê hương. Từ đó người cha mong muốn con phải có nghĩa tình chung thuỷ với quê hương. Biết chấp nhận và vượt qua những khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin của mình.

    “Người đồng mình” mộc mạc, dung di, giàu ý chí và niềm tin. Họ tuy “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn và ý chí. Họ biết lo toan và mong ước. Họ biết tự lực, tự cường xây dựng quê hương, duy trì truyền thống với những tập quán tốt đẹp của “người đồng mình”:

    “Người đồng mình đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục”

    Câu thơ có 2 lớp nghĩa. Về nghĩa tả thực: Đục đá kê cao quê hương là hành động có thật thường thấy ở miền núi. “Quê hương” vốn là khái niệm trừu tượng, chỉ nơi chốn sinh thành của một người nào đó. Họ thường xây dựng nhà cửa trên những miền đất cao đầy sỏi đá để có cơ ngơi vững chắc, chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt. Từ ngàn năm xưa họ sống với đá, sống trên đá. Đá núi trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của họ, biểu trưng cho ý chí kiên cường, rắn rỏi, không bao giờ bị khuất phục.

    Nghĩa ẩn dụ: Nói đục đá kê cao quê hương. Hình ảnh thơ khái quát về tinh thần tự tôn, ý thức bảo tồn cội nguồn. Tình yêu và niềm tự hào của con và tất cả “người đồng mình” cũng vững bền như đá núi vậy. Đó là một niềm tin vĩnh cửu, không gì thay đổi được. người cha muốn ca nằm lòng điều đó dẫu cuộc sống sau này có thay đổi như thế nào.

    Kết thúc bài thơ là lời nhắn nhủ, dặn dò và hi vọng của người cha mong muốn con mình phải tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương mình. Hãy lấy những tình cảm đó làm hành trang để vững bước trên đường đời rộng lớn”

    “Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con”.

    Hình ảnh người đồng mình “thô sơ da thịt” lặp lại hai lần như muốn con ghi nhớ sâu sắc về hình ảnh con người và quê hương mình. “Người đồng mình” tuy mộc mạc, chân chất nhưng có lẽ sống cao đẹp. Trên đường đời con phải sống cao thượng, tự trọng để xứng đáng với “người đồng mình” đã từng sống, từng yêu như thế. Con là đại diện của người đồng mình, con mang theo những phẩm chất của người đồng mình thế nên “bao giờ nhỏ bé được”, dù con đường phía trước còn đầy chông gai. Con hãy tự tin bước đi, bởi sau lưng con có gia đình, có quê hương, bởi trong tim con sẵn ẩn chứa những phẩm tốt đẹp và quý báu của “người đồng mình” rồi.

    Hai tiếng “nghe con” chứa đựng tấm lòng yêu thương và niềm tin sâu nặng cha đặt nơi con. Hai tiếng ấy khép lại bài thơ để lại một dư âm nhẹ nhàng mà âm vang xao xuyến.

    Với thể thơ tự do, mạch cảm xúc tự nhiên, cách nói giàu hình ảnh vừa mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ, cụ thể mà giàu sức khái quát, bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ, những phẩm chất cao quý của “người đồng mình”, của quê hương nguồn cội. Khổ thơ 2 của bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

    Cảm nhận khổ 2 bài Nói với con – Mẫu 2

    Ai đã đọc qua bài thơ “Nói với con” của Y Phương hẳn sẽ xuất hiện không ít cảm xúc, nỗi xúc động về tình cảm gia đình cũng như tình quê hương thắm thiết. Nổi bật trên nền cảnh núi rừng Tây Bắc là vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” cần cù nhẫn nại, gắn kết muôn đời với quê hương, với cội rễ sinh thành khiến ta thêm trân trọng và mến yêu được thể hiện rõ nét qua đoạn 2 bài thơ.

    Ở đoạn 2 bài thơ “Nói với con”, Nhà thơ Y Phương đã dùng những lời thơ mộc mạc, chân thành để khắc họa hình ảnh “người đồng mình” trong mối liên hệ giữa con người và nguồn cội sinh thành. Tuy cuộc sống khó khăn, gian khổ, nhưng lúc nào họ cũng ngời sáng ý chí vươn lên:

    “Người đồng mình thương lắm con ơi
    Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn”.

    Từ “thương lắm” xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, tri ân những con người đã bao đời làm nên bản sắc của cuộc sống “người đồng mình”. Giữ đại ngàn bao la, “người đồng mình” muôn đời vẫn không thôi ước vọng vươn cao, vươn xa. Cách dùng đảo ngữ tinh tế khiến cho lời thơ thanh thoát lạ thường. Dù biết là khó khăn, nhưng ước mơ không bao giờ vơi cạn. Đó chính là nguồn cội sức mạnh giúp họ sinh tồn và vươn tới cuộc sống tươi đẹp. Y Phương thấu hiểu, trân trọng và lấy điều đó làm bài học dạy con. Một lần nữa, vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” hiện lên thật cao đẹp:

    “Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
    Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung không chê thung nghèo đói”.

    Biện pháp điệp cấu trúc “sống – không chê” và nghệ thuật so sánh vẽ ra hình ảnh cuộc sống của người đồng mình đầy khó nhọc nhưng hào hùng, mạnh mẽ. Cuộc sống có thể gian khổ nhưng tâm hồn lúc nào cũng thanh cao, lạc quan, yêu đời. Họ biết chấp nhận và trân trọng cuộc sống vốn có; biết cải tạo nó theo chiều hướng tốt đẹp và gìn giữ cho muôn đời sau. Càng khó khăn, gian khổ, họ càng biết nương tựa vò nhau, dựng xây một lối sống bao dung, hài hòa với thiên nhiên:

    “Sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc”.

    Với giọng điệu dịu dàng, yêu thương và trìu mến, cùng cách diễn tả mộc mạc, chất phác đúng chuẩn chất giọng dân tộc Tày – quê hương tác giả, ở vùng Cao Bằng cùng với lối ví von, so sánh thường thấy trong trong các bài thơ dịu nhẹ, Y Phương đã chỉ ra được nét đặc sắc qua lời tâm tình của người cha đối với con. Con thường được lớn lên trong sự chở che, nuôi dưỡng của cha mẹ. Với cách tư duy riêng, tác giả đã nói lên sự vất vả ở các vùng quê miền núi khó khăn, “gập ghềnh”, “nghèo đói”. Đó cũng là niềm tự hào, lời ca ngợi vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” mà nhà thơ đã dành tặng cho quê hương, dân tộc mình.

    Tính cách người miền núi lại vô tư, không toan tính hay ích kỉ, keo kiệt, giữ của cho riêng mình cho riêng mình. Họ có gì họ cho nấy. Phép so sánh “Sống như sông như suối” gợi lên vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người đồng mình: đó là sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. Tuy gian nan và cực nhọc, họ vẫn ngập tràn khí phách, tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt như hình ảnh bạt ngàn của sông núi. Tuy mộc mạc và giản dị nhưng lại giàu có về ý chí, tâm hồn. Tình cảm của họ trong trẻo, dạt dào như dòng suối không bao giờ cạn, niềm tin yêu cuộc sống, con người.

    “Người đồng mình thô sơ da thịt
    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”

    Một lần nữa, “người đồng mình” được lặp lại với biết bao trìu mến. Người đồng mình “tuy thô sơ da thịt” nhưng “chẳng mấy ai nhỏ bé”. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, “người đồng mình” cũng luôn đề cao danh dự, nhân phẩm và biết gìn giữ, bảo vệ lấy như chính sinh mệnh của mình. Họ không vì đời sống vật chất mà đánh đổi lương tâm, phản bội núi rừng, phản bội quê hương. Từng hoạt động sống khắc ghi vào đá núi, khắc ghi vào sông suối, khắc ghi vào trí nhớ mỗi con người và biến thành phong tục, cách sống, cách ứng xử của cả cộng đồng:

    “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục”.

    Niềm tự hào về sức mạnh sinh tồn và vẻ đẹp văn hóa “người đồng mình” khiến cho lời thơ càng thêm tha thiết. Tuy đó chưa hẳn là những giá trị lớn lao khi so sánh với những giá trị tương đồng nhưng sẽ là lớn nhất, quý nhất đối với “người đồng mình”. Họ tự hào và kiêu hãnh khi đã dựng nên quê hương trên núi đá, sinh tồn ngay giữa vùng đất dữ dội và chinh phục thế giới xung quanh bằng chính sức mạnh của văn hóa cộng đồng. Họ hiểu rõ, nếu không gìn giữ và phát huy sức mạnh ấy, một ngày nào đó, quê hương của họ sẽ sớm tàn lụi, mọi công sức của cha ông đều tiêu tan trước sức mạnh của tự nhiên vĩ đại. Họ cũng hiểu rõ, ở ngoài kia luôn có những điều tốt đẹp hơn nhưng họ mong muốn mọi thế hệ mai sau không vì sự hẹp hòi, ích kỉ của bản thân mà thay đổi mình:

    “Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con”.

    Cách diễn đạt của tác giả kèm với biện pháp nghệ thuật đã góp phần khiến bài văn trở nên sinh động và giàu tính nhạc hơn. Việc điệp cấu trúc đã tạo nên nét riêng cho bài thơ giúp độc giả có những ấn tượng sâu sắc hơn mà ít bài thơ khác có thể đi sâu vào lòng người đến vậy. Y Phương dùng cả hai biện pháp trên chủ yếu để nhấn mạnh, nhắc nhở, “khắc cốt ghi tâm” người con rằng tuy có vất vả, gian lao thế nào thì cũng không chê bai, trách móc mà hãy hòa mình vào nó. Có gì ăn nấy, sống thanh thản thoải mái, không chạy đua với cuộc sống thành thị, đua đòi. Nhà thơ đã một phần thay lời cha dặn con phải chịu khó, chung thủy với đất rừng, quê hương, tổ tiên mà mỗi ai cũng cần phải giữ lấy nhưng ít ai làm được.

    Lời thơ tha thiết, thủ thỉ, tâm tình, dặn dò. Lời cha gửi gắm đến con về bổn phận phải biết tự hào, yêu thương, tôn trọng và gìn giữ truyền thống quê hương cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước.

    Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người. Qua vẻ đẹp đời sống và phẩm chất của “người đồng mình” cùng tình cảm thiết tha của nhà thơ Y Phương, đoạn thơ 2 bài thơ “Nói với con” đã giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một người miền núi. Đồng thời gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, quê hương mà bấy lâu nay ta đã chôn vùi.

    Cảm nhận khổ 2 bài Nói với con – Mẫu 3

    Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày. Quê anh ở Trùng Khánh thuộc tỉnh Cao Bằng. Từ người lính thời chống Mĩ, anh trở thành nhà thơ.

    Thơ của Y Phương mang một vẻ đẹp riêng, “thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi”.

    Nói với con của Y Phương là một bài thơ hay, một bông hoa nghệ thuật đầy sắc hương của núi rừng biên giới phía Bắc. Đây là phần thứ hai của bài thơ:

    Người đồng mình thương lắm con ơi
    Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn
    Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
    Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung không chê thung nghèo đói
    Sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc
    Người đồng mình thô sơ da thịt
    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
    Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục
    Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con.

    Ở phần đầu, Y Phương đã viết: “Người đồng mình yêu lắm con ơi”, thì ở phần hai, mở đầu đoạn thơ ông lại nhân giọng. Lời cha nói với con nghe thật ngọt ngào thiết tha: “Người đồng mình thương lắm con ơi”. “Người đồng mình” là đồng bào quê hương mình, là bà con dân tộc Tày, dân tộc Nùng, nơi “nước non Cao Bằng”, nơi “gạo trắng nước trong”. Phải yêu, phải thương “người đồng mình” rất đẹp, rất đáng tự hào. Không bao giờ lùi bước trước mọi thử thách khó khăn. Tâm càng sáng, chí càng cao càng bền, tầm nhìn càng xa càng rộng:

    Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn

    Cha nói với con, dạy bảo con về đạo lí làm người. Trong bất cứ thời gian nào, hoàn cảnh nào “cha vẫn muốn”, cha vẫn mong con biết ngẩng cao đầu và sống đẹp. Quê hương sau những năm dài chiến tranh còn nhiều khó khăn chưa đẹp, chưa giàu. Đường đến các bản còn ”gập ghềnh”, còn nhà sàn vách nứa, thung còn “nghèo đói” thiếu thốn khó khăn. Con nhớ là “không chê không chê…”:

    Sống trên đá không chê đá gập ghềnh Sống trong thung không chê thung nghèo đói.
    Con phải biết sống mạnh mẽ, kiên cường “như sông như suối”. Con phải giàu chí khí và có bản lĩnh, dù phải “lên thác xuống ghềnh” vẫn “không lo cực nhọc”.

    Các điệp ngữ: “không chê… không chê”, “sống trên… sống trong… sống như…” đã làm cho vần thơ phong phú âm điệu nhạc điệu, lời cha dặn con vô cùng thiết tha. Cách ví von, cách vận dụng thành ngữ làm cho lời cha dặn vừa cụ thể mộc mạc, vừa hàm nghĩa, sâu lắng, ân tình:

    Sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc.

    Các từ ngữ, hình ảnh: “thô sơ da thịt”, “nhỏ bé”, “tự đục đá kê cao quê hương” đã thể hiện bản chất, bản lĩnh sống của đồng bào mình, bà con quê hương mình. Ba tiếng “người đồng mình” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đã hiểu lộ niềm yêu mến tự hào quê hương không thể kể xiết. “Người đồng mình” sống giản dị mộc mạc “thô sơ da thịt”, chịu khó chịu khổ, kiên nhẫn trong lao động làm ăn. Chẳng bao giờ “nhỏ bé”, chẳng bao giờ sống tầm thường trong cuộc đời và trước thiên hạ. Cha nói với con là nói về đạo lí làm người, cha nhắc con phải biết sống đẹp, sống mạnh mẽ, sống có nhân cách. Con phải biết nêu cao lòng tự hào, biết giữ lấy và phát huy truyền thống cao đẹp của “người đồng mình”, của quê hương mình:

    Người đồng mình thô sơ da thịt
    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
    Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục.

    Con chuẩn bị lên đường, như cánh chim bay tới chân trời xa (đi học, đi bộ đội, đi làm ăn?). Cha dặn con, cha khích lệ con, “tuy thô sơ du thịt”, nhưng không thể, không được sống tầm thường, sông “nhỏ bé” trước thiên hạ. Bài học làm người mà cha dạy con tuy ngắn gọn mà thấm thía và lay động biết bao:

    Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con.

    Y Phương đã có một cách nói cụ thể, nói bằng hình ảnh mang phong cách dân tộc mình, “người đồng mình”. Lời thơ bình dị, tình cảm chân thành, giọng thơ tha thiết. Cha nói với con, cha dạy con bài học làm người, biết giữ gìn phẩm giá và đạo lí: yêu mến tự hào quê hương, sống có chí khí, sống đẹp như “người đồng mình” đã bao đời nay.

    Nói với con là một bài thơ hay thể hiện tình thương con, niềm tin của người cha đối với đứa con yêu quý. Kết thúc bài thơ là tiếng cha khích lệ con lên đường.

    Đọc thơ của Y Phương, chúng ta bồi hồi nhớ lại lời ru của mẹ hiền thời thơ ấu:

    Con ơi muốn nên thân người,
    Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

    …..

    Cảm nhận ý nghĩa đoạn 2 bài thơ Nói với con

    Y Phương quê ở Cao Bằng, người dân tộc Tày, thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi. Tác phẩm được viết năm 1980, in trong tập Thơ Nam 1945, là lời tâm sự của tác giả với đứa con gái đầu lòng và với chính bản thân. Đặc biệt đoạn 2 của bài thơ: “Người đồng mình thương lắm con ơi… Nghe con” không chỉ là lời dặn dò đơn giản mà còn là tất cả tình cảm trân trọng, ngợi ca, tự hào về con người, về đất nước quê hương.

    Bằng những hình ảnh thơ đẹp, giản dị bằng cách nói cụ thể, độc đáo mà gần gũi của người miền núi, người cha muốn nói với con rằng:vòng tay yêu thương của cha mẹ, gia đình, nghĩa tình sâu nặng của quê hương làng bản. Đó là cái nôi đã nuôi con khôn lớn, là cội nguồn sinh dưỡng của con. Con hãy khắc ghi điều đó.

    Trong cái ngọt ngào của kỉ niệm về gia đình và quê hương,người cha đã tha thiết nói với con về những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình. Điệp ngữ “người đồng mình” có thể nói là điểm nhấn khá quan trọng của thi phẩm này. “Người đồng mình” là cha mẹ, là đồng bào, những người cùng quê hương, dân tộc Tày, Nùng.

    Với lời nói mộc mạc, giản dị, hình ảnh cụ thể, những điệp ngữ, điệp từ, cách sử dụng cụ thể, kết hợp với nhiều kiểu câu ngắn, dài khác nhau, tác giả gợi bao tình yêu thương về người đồng mình. “Người đồng mình” sống vất vả, nghèo đói, cực nhọc, lam lũ nhưng lạc quan, chân chất, yêu đời, mạnh mẽ, khoáng đạt với chí lớn, luôn yêu quý, tự hào và gắn bó với quê hương. Người đồng mình không chỉ là những con người giản dị, tài hoa trong cuộc sống lao động mà còn là những con người biết lo toan và giàu mơ ước: Người cha muốn giáo dục cho con sống phải có nghĩa tình, chung thủy với quê hương, biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng ý chí và niềm tin của mình:

    “Người đồng mình thương lắm con ơi
    Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn”

    Người đồng mình sống vất vả mà mạnh mẽ, khoáng đạt, bền bỉ, gắn bó với quê hương, thủy chung với nơi chôn nhau cắt rốn cho dù quê hương còn cực nhọc, đói nghèo. Biết lấy chiều “cao” (để) đo nỗi khoảng cách “xa” (để) “nuôi chí lớn”, không bao giờ lùi bước trước mọi thử thách, khó khăn, tâm càng sáng, chí càng cao, tầm nhìn càng xa rộng, tràn đầy niềm vui và lòng lạc quan.

    Người đồng mình mộc mạc, dung dị, giàu ý chí, niềm tin. Họ có thể “thô sơ da thịt” – mộc mạc thô sơ trong dáng hình, cử chỉ; trong cách ăn mặc giản dị, cuộc sống thiếu thốn nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn và ý chí. Họ biết lo toan và mong ước: “Cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn”. Họ biết tự lực, tự cường xây dựng quê hương duy trì truyền thống với những tập quán tốt đẹp của người đồng mình. Lấy cái cao, cái xa của đất trời để làm thước đo kích cỡ của nỗi buồn và chí hướng. Những nỗi niềm và khát vọng của họ mang tầm vóc của núi cao sông dài:

    “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung không chê thung nghèo đói
    Sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc”.

    Người đồng mình là thế đấy. Tuy không giàu có nhưng chẳng mấy ai nhỏ bé, chẳng mấy ai cúi đầu khuất phục trước khó khăn, thử thách. Từ đó, người cha mong muốn con phải có nghĩa tình chung thủy với quê hương, biết chấp nhận và vượt qua khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin của mình. Người cha muốn con hiểu và giữ được bản sắc của “người đồng mình” dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhà thơ cũng gợi ra những đức tính, phẩm chất đáng quý của “người đồng mình” như chấp nhận khó khăn, thử thách, hồn nhiên, mạnh mẽ, bền bỉ và phóng khoáng:

    “Sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc”.

    Phép so sánh “Sống như sông như suối” gợi vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người đồng mình. Gian khó là thế, họ vẫn tràn đầy sinh lực, tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt như hình ảnh đại ngàn của sông núi. Tình cảm của họ trong trẻo, dạt dào như dòng suối, con sống trước niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người.

    Đoạn thơ rất dồi dào nhạc điệu, tạo nên bởi điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc câu và nhịp thơ rất linh hoạt, lúc vươn dài, khi rút ngắn, lời thơ giản dị, chắc nịch mà lay động, thấm thía, có tính truyền cảm mạnh mẽ, thái độ rất đỗi tự hào. Để nhắc nhở giáo dục con, người cha nhấn mạnh truyền thống người đồng mình:

    “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục”.

    Câu thơ có hai lớp nghĩa: nghĩa tả thực: “Đục đá kê cao là hoạt động cố thực thường thấy ở miền núi. Quê hương vốn là khái niệm trừu tượng, chỉ nơi chốn sinh thành của một người nào đó; nghĩa ẩn dụ: nói “đập đá kê cao quê hương” là muốn khái quát về tinh thần tự tôn, ý thức xây dựng bảo tồn quê hương, văn hóa, cội nguồn, góp phần tạo nên phong tục, truyền thống đẹp đẽ của quê hương.

    Một loạt các hình ảnh rất quen thuộc trong cuộc sống của con người vùng cao: đá, thung, ghềnh, thác, suối, sông. Đó là không gian gần gũi của họ, đó cũng là những hình ảnh diễn tả những khó khăn chồng chất, là cái nghèo cái khó trong cuộc sống lam lũ của con người quê hương. Những câu thơ với nhiều âm tiết khép, nhiều thanh trắc, cách ngắt nhịp dài ngắn không đều nhau, làm cho giọng thơ khi vươn dài đầy gắng gỏi, khi rút ngắn một cách chắc nịch, vừa gợi lên cải nhọc nhằn gian khó của cuộc sống, lại vừa thể hiện sự cứng cỏi, vững vàng đầy mạnh mẽ của con người quê hương.

    Bên cạnh những hình ảnh diễn tả sự khó khăn chồng chất, điệp từ “sống” đặt lên đầu mỗi câu thơ đã thể hiện cái tư thế kiêu hãnh hiên ngang của con người quê hương. Họ dám chấp nhận tất cả, dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Họ luôn sống mạnh mẽ, cứng cỏi, khoáng đạt như sông như suối, luôn gắn bó bền bỉ, thủy chung với quê hương cho dù đó. còn là một quê hương nghèo khó, vất vả.

    “Đá” xuất hiện trong thơ Y Phương như một hình tượng đầy sức ám ảnh. Gập ghềnh gian khó là đá, cứng cỏi hiên ngang cũng là đá. Câu thơ là một cách nói mang đậm dấu ấn tư duy của người vùng cao. Lời thơ gân guốc, hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa giàu tính khái quát, làm rạng ngời lên vẻ đẹp của con người quê hương: vẻ đẹp của sự cần cù nhẫn nại, ý chí bền bỉ, nghị lực phi thường vẻ đẹp của sức mạnh tự cường, tinh thần tự chủ, bằng bàn tay khối óc, bằng ý chí, niềm tin và khát vọng, họ đã làm nên một quê hương với những truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào.

    Ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người đồng mình, cha mong con sống có tình nghĩa với quê hương, phải giữ đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông từ bao đời để lại. Hơn nữa, con phải biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của mình. Người cha muốn con hiểu và cảm thông với cuộc sống khó khăn của quê hương, tự hào về truyền thống quê hương, tự hào về dân tộc để vững bước trên con đường đời, để tự tin trong cuộc sống.

    Hãy tự hào về quê hương, hãy sống có ý chí và khát vọng, hãy luôn ngẩng cao đầu và bước đi bằng niềm tin, nghị lực của chính mình. Đó là cách để con sống xứng đáng với quê hương, vẫn giọng thơ tha thiết nhưng có cả sự nghiêm nghị, rắn rỏi. Đó là những lời dặn dò ân cần tha thiết, nhưng cũng là một mệnh lệnh: hãy tự tin vững bước trên đường đời dài rộng bằng chí khí mạnh mẽ ‘và tâm hồn lớn lao. Hãy sống xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương.

    Kết thúc bài thơ là lời nhắn nhủ, dặn dò của người cha mong muốn con mình phải tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, hãy lấy những tình cảm đó làm hành trang để “lên đường”, vững bước trên đường đời:

    “Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con”.

    Nếu phần một của bài thơ là một khúc hát nhẹ nhàng, tươi vui với hoa ngan ngát, với những tiếng ríu rít tiếng nói cười, với bao nghĩa tình thơm thảo, thi phần hai là một bản hành khúc vừa tha thiết vừa mạnh mẽ, mang âm hưởng của thác ghềnh, sông suối, mang theo cả hơi thở, cả chí khí, niềm tin, sức mạnh của con người quê hương. Qua đó, người cha muốn trao gửi cho con niềm tin yêu, khát vọng.

    Hình ảnh “thô sơ da thịt” lặp lại hai lần như muốn con khắc ghi người đồng mình tuy mộc mạc, chân chất nhưng có lẽ sống cao đẹp. Trên đường đời con phải sống cao thượng, tự trọng để xứng đáng với họ. Con “bao giờ nhỏ bé được” dù con đường phía trước còn nhiều chông gai. Con hãy tự tin bước đi, bởi sau lưng con có gia đinh, quê hương, bởi trong tim con sẵn ẩn chứa những phẩm chất quý báu của người đồng minh.

    Hai tiếng “Nghe con” chứa đựng tấm lòng yêu thương, kì vọng và niềm tin sâu nặng cha đặt nơi con: mong con biết sống sao cho tốt, cho xứng đáng với tình cảm của cha. Hai tiếng ấy khép lại bài thơ để lại một dư âm nhẹ nhàng mà âm vang xao xuyến: mong con sống có tình nghĩa, biết chấp nhận gian khó, vươn lên bằng ý chí của mình, vững vàng trên đường đời. Điều lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho con chính là lòng tự hào với quê hương và niềm tự tin khi bước vào đời. Nói với con mà chính là cha đã trao tặng cho con. Cha đã vun đắp cho con những tình cảm tốt đẹp, cho con một hành trang quý và đã sẵn sàng tung cánh cho con bay đi khắp mọi nơi.

    Bày tỏ tình cảm trân trọng, ngợi ca, tự hào về con người, về đất nước quê hương không chỉ có tác phẩm Nói với con của Y Phương. Đoạn thơ “Mùa xuân người cầm súng.,. Cứ đi lên phía trước” trích trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải đã thể hiện những cảm xúc đầy ấn tượng.

    Đoạn thơ thể hiện sự liên tưởng của tác giả đến mùa xuân đất nước với một niềm tự hào, xúc động thiêng liêng về lịch sử bốn nghìn năm dẫu “vất vả và gian lao nhưng vẫn lấp lánh, trường tồn, bất diệt. Hình ảnh đất nước nổi bật với không khí náo nức, khẩn trương khi bước vào mùa xuân mới vừa bảo vệ vừa dựng xây Tổ quốc. Hai nhiệm vụ ấy đặt nặng lên vai của “người cầm súng” và “người ra đồng”, những người đã gieo mùa xuân, bảo vệ mùa xuân, tạo nên sức sống mùa xuân trên mọi miền đất nước.

    Khát vọng cống hiến mùa xuân, tuổi trẻ cho đất nước được biểu hiện bằng thể thơ năm chữ nhẹ nhàng, tha thiết, hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát, ngôn ngữ thơ trong sáng, gợi tả, gợi cảm, phát huy triệt để giá trị các hình thức điệp và biện pháp tu từ khác như ẩn dụ, hoán dụ… Hai đoạn thơ đều bày tỏ tình cảm trân trọng, ngợi ca, tự hào về con người, về đất nước quê hương. Cả hai đoạn thơ đều giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, cũng như thấm thía hơn tình cảm của tác giả thể hiện trong bài thơ.

    Đoạn 2 bài thơ “Nói với con” mang giọng điệu thủ thỉ, tâm tình tha thiết, trìu mến hay có sự biến đổi phù hợp với nội dung từng đoạn, dù thể hiện tình yêu thương sâu sắc của cha mẹ dành cho con cái hay những rung cảm tinh tế của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân và khát vọng được cống hiến cho đất nước, cuộc đời; cả hai bài thơ đều đã bộc lộ được niềm tự hào về quê hương đất nước và lời nhắn gửi cũng như lòng tín mãnh liệt vào những giá trị tích cực vĩnh cửu của dân tộc. Điều đó đã khiến hai thi phẩm sau bao nhiêu năm vẫn quyến luyến được thêm nhiều tâm hồn đồng điệu với thi nhân.

    Phân tích khổ 2 bài Nói với con

    Y Phương là một trong những nhà thơ dân tộc Tày nổi tiếng. Những bài thơ của ông thường thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ, lời thơ hay, giàu hình ảnh về những con người miền núi. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông phải kể đến bài thơ “Nói với con”, đây là bài thơ về tình cảm gia đình, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của con người, quê hương đất nước. Một trong những đoạn trích ấn tượng nhất là khổ thứ 2 của bài thơ. Đây là khổ thơ thể hiện lòng tự hào về sức sống mãnh liệt, bền bỉ, những truyền thống tốt đẹp cao cả của quê hương.

    “Người đồng mình thương lắm con ơi
    Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn”

    Tác giả sử dụng cụm từ “Người đồng mình” cho thấy sự gắn bó, yêu thương cội nguồn của người dân nơi đây. Người đồng mình chính là người vùng mình, đây là tiếng địa phương của dân tộc miền núi, tiếng mẹ đẻ hay nói đúng hơn là tiếng của cội nguồn. Lời nói của cha dành cho con mới chân thành, tha thiết và tình cảm làm sao. Với cách gọi thân mật “người đồng mình” cha đang truyền cho con tình cảm, sự yêu thương và nhớ về cội nguồn dân tộc. Người cha cung mong con hãy biết trân trọng, giữ gìn những đức tính tốt đẹp, phẩm chất cao quý của dân tộc mình. Đặc biệt cụm từ “thương lắm con ơi” nghe tha thiết, tình cảm mà chân thành biết bao nhiêu. Khi đọc xong câu thơ này chúng ta có cảm giác như đang được nhìn thấy hình ảnh ánh mắt trìu mến của cha kể về con người, quê hương đất nước. Cảm giác cha dành cho quê hương, người quê mình là tình yêu nồng nàn, tất cả đều đáng yêu và đáng thương, đáng trân trọng. Câu nói “thương lắm con ơi”, tuy mộc mạc mà chân thành, đi vào lòng người.

    Tình yêu của cha dành cho “người đồng mình” còn thể hiện qua sự thấu hiểu thương cảm với những vất vả khó khăn mà mọi người đang phải chịu. Đó là “cao đo nỗi buồn” – nỗi buồn quanh năm của người dân tộc nằm giữa mây đá, núi rừng. Họ thường xuyên phải xa bản làng, bước chân trải dài trên đỉnh non cao nguy hiểm, trắc trở vô cùng để có thể sống và tồn tại. Đó là nỗi vất vả, cái nghèo, cái đói vẫn còn đang bám lấy dân tộc mình. Để rồi, cha lại tự hào “xa nuôi chí lớn” khi nói với con. Người vùng mình tuy vất vả nhưng ai cũng mang trong mình một chí hướng lớn lao, nghị lực muốn bay cao bay xa hơn trong tương lai.

    Chỉ hai câu thơ ngắn đã khẳng định niềm tự hào về phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, tự hào về nghị lực sống của người dân nơi đây.

    “Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
    Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung không chê thung nghèo đói”

    Một lời chia sẻ chân thành tự tận đáy lòng người cha, đó là dù hoàn cảnh có khó khăn vất vả thế nào cha vẫn không “chê” quê hương, cha vẫn sẽ vượt qua. Đây chính là lời khẳng định về sự gắn bó nghĩa tình, thủy chung sâu nặng của “người đồng mình” với quê hương, dân tộc. Ba câu thơ sử từ ngữ rất giàu hình ảnh, gợi lên cho chúng ta một không gian sống đơn sơ, giản dị, nghèo đói. Đặc biệt, điệp từ “sống” và “không chê” cho ta thấy tấm lòng người cha son sắc biết bao nhiêu. Hoàn cảnh dù có nghèo đói, có khó khăn, có gập ghềnh thế nào cha cũng mong con hãy vượt lên tất cả bằng tất cả tình yêu và nghị lực của con.

    “Sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc”

    Phân tích khổ 2 bài nói với con – Đây chính là lời nhắn nhủ, động viên con hãy sống mạnh mẽ như dòng sông, dòng suối, dù cho lên thác xuống ghềnh con cũng sẽ vượt qua mọi gian nan phía trước. Tác giả thật tài tình khi sử dụng những ngôn từ giàu hình ảnh và gắn liền với người dân tộc. Sông, suối, thác ghềnh đều là những hình ảnh quá đỗi quen thuộc đối với người dân tộc miền núi. Sử dụng những hình ảnh này để nói lên sự gian khó, vất vả đồng thời cũng ca ngợi sự kiên trì, nghị lực phi thường của người dân nơi đây. Cuộc sống không hề yên ả như mặt hồ thu, mà nó là “lên thác xuống ghềnh”, nhưng người dân nơi đây vẫn không sợ, họ sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách phía trước. Đây chính là tâm ý mà người cha muốn truyền lại cho con.

    “Người đồng mình thô sơ da thịt
    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
    Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục.”

    Sang đoạn thơ này chúng ta càng thấy được lời khẳng định chắc nịch về người đồng mình. Hình ảnh người đồng mình hiện lên “thô sơ da thịt”, một vẻ đẹp bình dị, rắn rỏi, khỏe khoắn. Hình ảnh của người lao động, băng rừng vượt suối. Ngôn từ mộc mạc, giản dị lột tả đầy đủ vẻ đẹp bên ngoài của người dân tộc. Đặc biệt, hình ảnh bên ngoài đối lập hoàn toàn với bên trong “chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”. Nếu vẻ đẹp bên ngoài thô sơ, không hoàn mỹ thì ngược lại, vẻ đẹp tâm hồn lại được đề cao và lớn lao vô cùng. Người đồng mình ai cũng đều nuôi chí lớn, khát vọng sống một cuộc đời tươi đẹp và đủ nghị lực để thực hiện khát vọng đó. Không có ai là “nhỏ bé” – đó là sự nhỏ bé trong tâm hồn chứ không phải vẻ ngoài. Hai câu thơ được đặt cạnh nhau, đối lập nhau, càng tôn lên vẻ đẹp tâm hồn của người dân tộc miền núi. Họ sống giữa núi rừng bạt ngạt nên trái tim, tâm hồn và khát vọng cũng lớn lao như núi rừng vậy. Để rồi:

    “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục.”

    Họ xây dựng quê hương đất nước bằng chính hai bàn tay của mình. Hình ảnh “đục đá” là một hình ảnh cho thấy một công việc vô cùng nặng nhọc vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại. Đây là hình ảnh ẩn dụ thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức bảo vệ quê hương. Hình ảnh “đục đá” vừa mộc mạc chân thành mà giàu hình ảnh. Qua ý thơ, chúng ta có thể hình dung người dân lao động miền núi với khát vọng “đục đá kê cao quê hương” để tôn tạo lên vẻ đẹp văn hóa dân tộc, vượt qua bao thiên tai bão lũ, bom đạn hung tàn để giữ gìn và bảo vệ dân tộc. Và “Còn quê hương thì làm phong tục” càng khẳng định rằng, khi ta làm giàu cho quê hương, quê hương sẽ sẽ đem đến sự phát triển cho con người về đời sống, tinh thần và vật chất. Đây là hai câu thơ có sự gắn kết qua lại với nhau. Chúng ta xây dựng quê hương tốt đẹp chính là xây dựng cho mình một đời sống tinh thần, vật chất tốt hơn.

    “Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con.”

    Nhịp thơ chậm rãi chân thành, nghe như lời nhắn nhủ tha thiết từ trái tim người cha. Một lần nữa người cha khẳng định người đồng mình “thô sơ da thịt”, đó là hình ảnh đáng trân quý và tự hào. Hình ảnh của sự vất vả, lam lũ nơi núi rừng bạt ngàn. Hình ảnh khỏe khoắn, rắn rỏi của người dân lao động miền núi. Vẻ ngoài tuy không đẹp, tuy thô s, chân chất mộc mạc nhưng người cha nhắn con hãy nhớ, dù đi đâu, con cũng không bao giờ ngừng nuôi chí lớn, hãy luôn tự hào về quê hương dân tộc, hãy sống với khát vọng và đam mê. Người dân quê ta có thể nhỏ bé về vóc dáng, thô sơ về vóc dáng nhưng khí phách, tinh thần thì thật lớn lao. Sự đối lập giữa hình thể và tâm hồn càng khẳng định niềm tự hào về những con người dân tộc miền núi, càng cho thấy được tình yêu thương, tự hào của người cha dành cho quê hương.

    Câu cuối “nghe con” nghe vừa nhẹ nhàng mà vừa dứt khoát như lời nhắn nhủ và khẳng định. Trên đường đời, dù con có đi đâu làm gì cũng hãy tự hào về dân tộc, về những con người của núi rừng, luôn mang trong mình khát khao, nghị lực, khí phách lớn lao.

    Chỉ qua khổ 2 của bài thơ Nói với con chúng ta đã thấu hiểu phần nào những khát vọng lớn lao của người dân tộc miền núi. Bằng biện pháp miêu tả, ẩn dụ, đối lập tác giả đã vẽ lên một bức tranh về cuộc sống của người dân miền núi, khí phách, hiên ngang. Lời thơ giản dị, chân thành nhưng chạm đến trái tim bạn đọc, cảm nhận được tình yêu to lớn của người cha dành cho con hay chính xác hơn là dành cho quê hương đất nước.

    Phân tích khổ 2 bài thơ Nói với con

    Quê hương là đề tài quen thuộc và trở thành nguồn cảm hứng bất tận để người nghệ sĩ thể hiện tình yêu sâu sắc, thấm thía. Nếu nhà thơ Đỗ Trung Quân bày tỏ tình cảm đó bằng những vần thơ tha thiết cùng giai điệu êm dịu “Quê hương là chùm khế ngọt – Cho con trèo hái mỗi ngày…” thì tác giả Y Phương lại giãi bày tình yêu thiêng liêng đó thông qua những lời tâm tình của người cha dành cho người con. Tình cảm cha con, gia đình đã được khái quát thành tình cảm quê hương hết sức tự nhiên. Điều này đã được thể hiện rõ qua khổ thơ thứ hai của bài thơ. Tác giả đã ngợi ca sức sống, những phẩm chất cao đẹp của người miền núi cùng mong ước thế hệ sau nối tiếp, phát huy những truyền thống của dân tộc, quê hương.

    “Người đồng mình thương lắm con ơi
    Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn
    Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
    Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung không chê thung nghèo đói
    Sống như sông như suối
    Lên thác xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc”

    Tác giả vẫn sử dụng lối nói giàu hình ảnh “người đồng mình” – cách xưng hô quen thuộc, trìu mến của người vùng cao để gợi lên sự thân thương, gần gũi nhưng cùng chung một gia đình. Hệ thống từ ngữ chọn lọc, đặc biệt là động từ “thương” kết hợp với từ chỉ mức độ “lắm” để thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia về tinh thần đối với những những khó khăn, vất vả, sóng gió. Để vượt qua những điều đó, con người quê hương đã đo nỗi buồn bằng độ cao của bầu trời vời vợi, lấy xa của đất để làm thước đo đong đếm ý chí con người. “Cao” và “xa” trong không gian đất trời đều là những khoảng không hữu hạn không điểm dừng, gợi liên tưởng đến những dãy núi cao, trùng điệp cùng sự rộng lớn, xa xăm. Sự chọn lọc ngôn ngữ tài tình, điêu luyện của nhà thơ đã thể hiện sự tăng tiến của ý chí con người: khó khăn, thử thách càng lớn thì bản lĩnh “người đồng mình” càng trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua cuộc sống đói nghèo, cơ cực của “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói”. Trải qua mọi thiếu thốn, họ vẫn lạc quan, mạnh mẽ “sống” với tâm hồn phóng khoáng như thiên nhiên: “Sống như sông như suối”. Tác giả đã sử dụng thủ pháp đối lập “lên thác” – “xuống ghềnh” để thể hiện một cuộc sống lam lũ, vất vả chốn núi rừng. Từ đó, nhà thơ đã khái quát những vẻ đẹp truyền thống của người vùng cao:

    “Người đồng mình thô sơ da thịt
    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
    Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục”

    Cách gọi thân thương “Người đồng mình thô sơ da thịt” ẩn chứa niềm tự hào về những con người giản dị, chất phác, thật thà, đồng thời là lời ngợi ca ý chí, cốt cách không hề “nhỏ bé” của họ. Phẩm chất tốt đẹp của người dân miền cao đã được phác họa trong một tầm vóc kì vĩ, lớn lao hoàn toàn đối lập với vẻ ngoài “thô sơ da thịt”. Đặc biệt, cách nói hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” tạo nên một lối nói độc đáo, vừa diễn tả quá trình dựng nhà, dựng cửa làm nên truyền thống của người miền núi, vừa là hình ảnh ẩn dụ diễn tả ý thức tự tôn, tinh thần đề cao, nâng tầm, làm giàu đẹp mảnh đất quê hương. Những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của quê hương chính là điểm tựa tinh thần nâng đỡ và tạo động lực cho con người vượt qua mọi gian nan, thử thách.

    Sau khi nêu bật những phẩm chất của “người đồng mình” bằng giọng điệu ngợi ca, tự hào, tác giả Y Phương đã khép lại bài thơ bằng những lời dặn dò ân cần, trìu mến:

    “Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con.”

    Trong những câu thơ chan chứa tình yêu thương, chúng ta có thấy được niềm tin yêu, hi vọng mà người cha đã gửi gắm. Đó là mong ước khi khôn lớn, trưởng thành, tự tin “Lên đường” sải bước trên đường đời, người con vẫn khắc sâu những phẩm chất của “người đồng mình” và “không bao giờ được nhỏ bé” để bản lĩnh, kiên cường mạnh mẽ bước qua những gian khó, thử thách của cuộc đời. Lời dặn dò vì thế trở thành một bài học quý giá và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ trong mọi thời đại.

    Như vậy, bằng tài năng trong việc sử dụng ngôn từ, hình ảnh, tác giả Y Phương đã làm nổi bật những vẻ đẹp, phẩm chất cao quý của “người đồng mình”. Tất cả đã được thể hiện thông qua thể thơ tự do phù hợp với lối nói, tư duy khoáng đạt của người miền núi cùng giọng điệu thơ linh hoạt cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật.

    >> Tải file để tham khảo các mẫu còn lại!

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *