TOP 7 bài Cảm nhận khổ thơ đầu Viếng lăng Bác SIÊU HAY, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều thông tin bổ ích, thấy được nỗi xúc động, nghẹn ngào của nhà thơ Viễn Phương khi đứng trước lăng Bác.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Cảm nhận khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác (Dàn ý + 7 mẫu)
Khổ 1 bài thơ Viếng lăng Bác là những dòng thơ ngắn gọn, nhưng vô cùng xúc động, đã tái hiện sống động về những cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng Bác. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm nhiều ý tưởng mới, ngày càng học tốt môn Văn 9:
Cảm nhận khổ 1 bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Dàn ý cảm nhận khổ 1 bài Viếng lăng Bác
1. Mở bài
- Giới thiệu về nhà thơ Viễn Phương và bài thơ Viếng lăng bác.
- Đôi nét về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
2. Thân bài
- Lời thông báo về sự xuất hiện của nhân vật trữ tình.
- Hình ảnh về làng tre trong tác phẩm Viếng lăng bác.
- Lời cảm thán về hàng tre mang đậm dấu ấn Việt Nam.
3. Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm, đặc biệt khổ thơ đầu.
- Ý nghĩa của những cảm xúc chân thành trong bài thơ Viếng lăng bác.
Cảm nhận khổ 1 Viếng lăng Bác ngắn gọn
Viếng lăng Bác là một trong những bài thơ hay nhất của Viễn Phương. Bài thơ được sáng tác năm 1976, khi lăng Bác vừa được khánh thành, nhà thơ là một trong những người con miền Nam đầu tiên được ra thăm lăng Bác. Trong khổ thơ đầu tiên, Viễn Phương đã không giấu được sự xúc động khi đặt chân đến lăng Bác, sắp được gặp lại Bác sau bao ngày xa cách.
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”, câu thơ như một lời thông báo mộc mạc mà chất chứa bao cảm xúc thân thương. Tiếng “con” vang lên vừa gợi ra mối quan hệ gần gũi, thân thiết vừa chất chứa cảm xúc nghẹn ngào của một người con Việt Nam. Ở đây, nhà thơ Viễn Phương đã dùng từ “thăm” mà không dùng từ “viếng” để làm giảm nhẹ đi nỗi tiếc thương, mất mát. Đứng trước lăng, hình ảnh đầu tiên mà nhà thơ nhìn thấy đó chính là hàng tre “bát ngát”.
Hình ảnh hàng tre ở đây trước hết mang ý nghĩa tả thực, đó là những rặng tre xanh ngát được trồng hai bên lăng Bác. Về ý nghĩa biểu tượng “hàng tre xanh xanh Việt Nam” lại gợi liên tưởng đến con người và đất nước Việt Nam, đó là những con người dù phải đối mặt với mọi thăng trầm, “bão táp mưa sa” thì vẫn kiên cường, bất khuất “đứng thẳng hàng”.
Hàng tre xanh còn tựa như những người dân Việt Nam canh giữ quanh lăng để bảo vệ giấc ngủ của Bác. Thán từ “ôi” đã thể hiện được nỗi xúc động của tác giả khi bắt gặp những hình ảnh thân thương, gần gũi trước lăng Bác.
Cảm nhận khổ thơ đầu Viếng lăng Bác
Viếng lăng Bác được nhà thơ viết vào tháng 4 năm 1976 khi nhà thơ lần đầu được ra thăm lăng Bác. Ngay trong phần mở đầu bài thơ, nhà thơ Viễn Phương đã giới thiệu về sự kiện đặc biệt này:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”.
Cách xưng hô con – bác gợi cảm giác gần gũi, thân thiết tựa như những người thân yêu trong gia đình. “Thăm” là cách nói giảm nói tránh những đau đớn, mất mát trước sự thực đau lòng. Mở ra trước mắt nhà thơ là hình ảnh “hàng tre bát ngát” hai bên lăng. Tre là loài cây quen thuộc ở mọi miền quê Việt Nam, đây cũng là loài cây biểu tượng cho sự kiên cường, mạnh mẽ và sức sống bền bỉ của đất nước Việt Nam, dù “bão táp mưa sa” vẫn “đứng thẳng hàng. Hình ảnh “hàng tre” kết hợp với từ láy “bát ngát”, “xanh xanh” không chỉ gợi ra sự tươi tốt của hàng tre quanh lăng Bác mà còn gợi liên tưởng về hình ảnh những con người Việt Nam vẫn ngày ngày đứng bên lăng Bác. Câu cảm thán “ôi” được đặt đầu câu đã bộc lộ được nỗi xúc động mạnh mẽ của nhà thơ khi nhìn thấy lăng Bác và hình ảnh hàng tre.
Khổ thơ đầu đã tái hiện sống động về những cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng Bác, đó là nỗi xúc động, nghẹn ngào của người con miền Nam lần đầu được ra thăm lăng Bác.
Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác
Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời chống Mỹ cứu nước. Thơ ông giàu cảm xúc, sâu lắng, thiết tha. Bài thơ “ Viếng lăng Bác” được nhà thơ sáng tác năm 1976, đã cho thấy niềm xúc động thiêng liêng thành kính, đau xót xen lẫn lòng tự hào của tác giả khi lần đầu ra thăm lăng Bác. Khổ thơ đầu bài thơ là tiếng lòng của Viễn Phương khi đứng trước cảnh vật ngoài lăng.
Bài thơ Viếng lăng Bác được viết vào tháng 4 năm 1976 khi đất nước vừa thống nhất được một năm, lăng Bác vừa khánh thành, nhà thơ Viễn Phương vinh dự có mặt trong đoàn cán bộ chiến sĩ miền Nam ra Bắc viếng Bác. Xúc động, nghẹn ngào, hạnh phúc trào dâng, ông đã viết bài thơ trong những giây phút lịch sử đó.
Mở đầu bài thơ là lời chào, lời gửi thưa:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Lời thơ ngắn gọn, giản dị không hoa mĩ, câu thơ như một lời chào, một lời gửi thưa thành kính. Địa danh “miền Nam” cũng thật giàu sức gợi. Nó không chỉ xác định vị trí địa lí rất xa xôi mà còn có ý nghĩa lịch sử. Trong tim Bác, miền Nam luôn là nỗi đau chia cắt, là biểu tượng anh hùng, là thành đồng Tổ quốc… Trong tâm trạng của người con miền Nam “mong Bác nỗi mong cha”. Đó là niềm mong ước không chỉ của riêng nhà thơ mà còn của biết bao người con miền Nam muốn được gặp Bác, muốn được ở bên Bác. Niềm mong ước ấy giống như cây tìm về cội, sông trở về nguồn, như máu chảy về tim. Đó là tình cảm chân thành, tha thiết của nhà thơ đối với vị cha già dân tộc.
Nhà thơ xưng “con” – “Bác”,“con” – cách xưng hô thật gần gũi, thân thiết, ấm áp thân thương mà vẫn rất mực thành kính thiêng liêng. Trong sâu thẳm lòng mình Viễn Phương coi Bác là người cha nhân hậu, hiền từ như nhà thơ Tố Hữu đã từng bộc bạch:
Bác Hồ là vị cha chung
Là sao bắc đẩu là vầng thái dương.
Nhà thơ sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng”. “Viếng” là đến chia buồn với người thân đã mất, “thăm” là gặp gỡ, trò chuyện với người đang còn sống. Nhan đề dùng từ “viếng” theo đúng nghĩa đen, trang trọng khẳng định sự thật Bác đã qua đời. “Thăm” trong câu thơ ngụ ý nói giảm, nói tránh, giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát, khẳng định Bác vẫn còn sống mãi trong trái tim nhân dân miền Nam, dân tộc Việt Nam. Đồng thời gợi sự thân mật, gần gũi: Con về thăm cha – thăm người thân ruột thịt, thăm chỗ Bác nằm, thăm nơi Bác ở để thỏa lòng khát khao, mong nhớ bấy lâu. Câu thơ giản dị, mộc mạc nhưng lại vô cùng gợi cảm, dồn nén biết bao cảm xúc.
Cái hay của khổ thơ không chỉ ở từ ngữ bình dị mà còn hay ở hình ảnh “hàng tre xanh bát ngát”
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát.
Nhà thơ phải đến xếp hàng từ rất sớm mới thấy trong lung linh sương sớm bát ngát hàng tre. “bát ngát” – từ láy biểu cảm gợi không gian rộng lớn, xanh mát. Câu thơ tả thực “tre” là hình ảnh thân thuộc mà bao năm in vào tâm hồn người dân Việt Nam. Gặp lại hàng tre nhà thơ liên tưởng Bác đang sống gần gũi thân thuộc với làng quê. Hàng tre ấy như bao bọc, ôm lấy hình bóng của Người – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Sự xuất hiện của hàng tre khiến nhà thơ phải thốt lên:
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam.
Thán từ “ôi” tách ra thành câu đặc biệt vừa biểu lộ sự ngạc nhiên, vừa diễn tả nỗi xúc động. “Hàng tre xanh xanh Việt Nam” là hình ảnh ẩn dụ biểu tượng cho con người, dân tộc Việt Nam anh dũng, kiên cường.
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
“Bão táp mưa sa” là thành ngữ, chỉ những khó khăn, gian khổ. Còn tư thế “đứng thẳng hàng” là ẩn dụ chỉ sức mạnh tinh thần, ý chí, bản lĩnh kiên cường, bất khuất. Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục trước kẻ thù, không chịu đầu hàng trước thiên tai bão lũ dù trong khó khăn gian khổ, trong bão táp mưa sa vẫn giữ vững một tấm lòng thủy chung son sắt. Tới đây, tình cha con ruột thịt đã được mở rộng, nâng lên hòa quyện trong tình quần chúng – lãnh tụ cao quý và thiêng liêng.
Như vậy, bằng các biện pháp tu từ ẩn dụ, nói giảm nói tránh, các từ ngữ và hình ảnh chọn lọc, khổ thơ đầu đã diễn tả được một cách sâu sắc nỗi niềm xúc động, nghẹn ngào của nhà thơ khi lần đầu tiên được ra lăng viếng Bác.
Năm tháng cứ đi qua nhưng vẫn vẹn nguyên trong lòng mỗi người niềm xúc động khôn nguôi khi lắng nghe những vần thơ trong “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương. Mênh mang với nhiều cung bậc cảm xúc, Viễn Phương đã thực sự khơi dậy trong lòng người đọc những tình cảm đẹp, để nghiêng mình kính cẩn trước sự vĩ đại, cao đẹp của Bác mà lớn lên vế tâm hồn, nhân cách:
Ta bên Người, Người tỏa sáng bên ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút
(Tố Hữu)
Cảm nhận khổ 1 bài Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Khổ thơ đầu tiên đã thể hiện thật hay dòng cảm xúc của tác giả khi ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài lăng Bác. Cách vào đề thật gần gũi giản dị, nhà thơ đã khéo léo giới thiệu được vị trí không gian quãng đường từ miền Nam xa xôi ra viếng Bác:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”.
Tiếng “con” mở đầu bài thơ cất lên thật gần gũi, thân thương. Đó là cách xưng hô rất mật thiết của người dân Nam Bộ, đã bộc lộ sâu sắc lòng ngậm ngùi thương nhớ của nhà thơ, của đồng bào miền Nam đối với Bác, cách xưng hô ấy đã xóa nhòa đi khoảng cách giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân. Nhà thơ dùng từ thăm thay cho từ viếng như cố ý muốn quên đi cảm giác tiếc thương, đau buồn và hình dung Bác như còn sống mãi với dân tộc Việt Nam. Ấn tượng đậm nét đầu tiên của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác là hình ảnh hàng tre:
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.
Hiện lên trong sương khói quảng trường Ba Đình lịch sử là hình ảnh hàng tre xanh bát ngát – hình ảnh thực chỉ hàng tre thân thuộc chốn làng quê Việt Nam khiến lăng Bác vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi. Câu cảm thán Ôi! đã biểu hiện xúc động pha lẫn niềm tự hào khôn xiết của tác giả. Hình ảnh hàng tre còn mang nét nghĩa ẩn dụ chỉ phẩm chất cốt cách con người Việt Nam, đó là sức sống kiên cường bền bỉ, rời rợi sắc xanh như cây tre luôn tươi tốt giữa đất đai khô cằn sỏi đá. Thành ngữ “bão táp mưa sa” kết hợp hình ảnh nhân hóa “đứng thẳng hàng” đã khắc họa vẻ đẹp kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam trong muôn vàn khó khăn, thử thách.
Tre mang bao phẩm chất của con người Việt Nam: mộc mạc, thanh cao, ngay thẳng, bất khuất. Dấu hiệu hàng tre đầu tiên ở nơi Bác cũng là dấu hiệu của dân tộc Việt Nam, bởi Bác cũng chính là biểu hiện Việt Nam, tiêu biểu cho con người Việt Nam hơn bao giờ hết. Hàng tre xanh ấy được trồng xung quanh lăng Bác như muốn thay cả dân tộc Việt Nam canh giấc ngủ ngàn thu cho Người. Tình cảm của nhà thơ và của đồng bào miền Nam khi về với Bác thật chân thành, xúc động biết bao!
Cảm nhận khổ 1 bài Viếng lăng Bác – Mẫu 2
Ở khổ 1 bài thơ Viếng lăng Bác, tác giả giới thiệu hoàn cảnh Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, đồng thời bộc lộ tâm trạng dồn nén, xúc động, bởi đây là cuộc viếng thăm thiêng liêng, đầy ý nghĩa với cách xưng hô “Con – Bác”. Hình ảnh đầu tiên nhà thơ chú ý là hàng tre thân thuộc, kiên cường, bền bỉ, biểu trưng cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”.
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” không chỉ giới thiệu hoàn cảnh mà còn gợi lên tâm trạng đặc biệt thiêng liêng, đầy ý nghĩa của cuộc viếng lăng Bác. Cách xưng hô thật gần gũi, thân thương. Với muôn triệu người dân VN, Bác mãi “là Cha, là Bác, là Anh. Người không con mà có triệu con” cho nên nhà thơ mới xưng con. Các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi đều xưng con với Bác. Nhưng con ở miền Nam, của Viễn Phương mang một sắc thái thiêng liêng bởi đó là tiếng lòng của đứa con đi xa vắng mặt khi cha mất.
Cụm từ “miền Nam” gợi bao niềm xúc động. Miền Nam là nơi xa xôi, mảnh đất xưa cha ông đi mở cõi. Miền Nam, nơi đi trước về sau. Miền Nam, mảnh đất sinh thời Bác hằng khát khao mong nhớ: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà – Miền Nam mong Bác nỗi mong cha ” (Tố Hữu).
Chữ “thăm” được tác giả sử dụng thật tinh tế và gợi cảm. Nó vừa giảm nhẹ nỗi đau đớn xót xa, vừa như khẳng định trong lòng mình: Bác Hồ, vị cha già kính yêu vẫn còn đó, Người chỉ đang nằm nghỉ đó thôi. Và tác giả như người con đi xa lâu ngày, nay chỉ chờ gặp lại bóng dáng người cha thân yêu.
Cảnh vật đầu tiên mà nhà thơ nhìn thấy ở bên lăng Bác là hàng tre bát ngát. Người con xa lần đầu tiên về với quê cha đã xúc động trước hàng tre xanh quanh nơi ở của Người. Hàng tre có thực bên lăng Bác được nhìn với con mắt liên tưởng nhân hoá và tưởng tượng vì thế thành hàng tre bát ngát, thành màu xanh dân tộc (xanh xanh Việt Nam) thành những chiến sĩ trung kiên bất chấp bão táp, mưa sa (Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng). Như vậy, lăng Bác thật gần gũi, thân thuộc như một làng quê sau luỹ tre xanh. Nhưng ở đây cũng có nét tượng trưng: Tre biểu tượng cho một dân tộc cần cù, hiên ngang, mạnh mẽ, xếp thành hàng cùng với các chiến sĩ vệ binh canh giấc ngủ cho Người.
Những câu thơ ở khổ thơ này không chỉ dừng lại ở việc tả khung cảnh quanh lăng với hàng tre có thật mà còn gợi ra những ý nghĩa sâu xa. Đến với Bác, chúng ta gặp được dân tộc và nơi Bác yên nghỉ đời đời cũng xanh mát bóng tre của làng quê Việt Nam.
Khổ thơ 1 bài thơ Viếng lăng Bác gói gọn tầm nhìn của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác. Có lẽ, tác giả đã đứng lặng rất lâu để ngắm nhìn, suy ngẫm, hồi tưởng trong niềm xúc động mãnh liệt. Đây là lần đầu tiên được ra thủ đô, được viếng Bác, gặp gỡ người cha già vĩ đại của dân tộc. Biết bao tâm sự, biết bao nhớ thương dồn nén bấy lâu giờ sắp được thỏa nguyện. Giây phút trọng đại ấy khiến cho nhà thơ nghẹn ngào, xúc động không thể nói nên lời.
Cảm nhận khổ 1 bài Viếng lăng Bác – Mẫu 3
Trong bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương, nhà thơ đã có những dòng thơ xúc động về hoàn cảnh ra viếng thăm vị cha già kính yêu của dân tộc:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”.
Bài thơ mở đầu bằng câu thơ bộc bạch hoàn cảnh ra viếng lăng Bác của một người con miền Nam “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Cách xưng hô “con-Bác” cho thấy sự gần gũi và kính trọng như của một người con đối với một người cha vĩ đại. Cách xưng hô này làm em liên tưởng đến những dòng thơ:
“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.
Đối với mỗi người dân miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung thì Bác Hồ chính là vị cha già bao dung ôm cả đất nước vào lòng. Nay nhà thơ ra miền Bắc thăm lăng Bác và tác giả dùng từ “thăm” thay vì “viếng” như một cách nói giảm nói tránh. Người đọc có cảm giác giống như một buổi đi thăm người thân, mà ở đây là một người con miền Nam đi thăm vị cha già kính yêu của mình.
Câu thơ thứ ba là một câu cảm thán của tác giả “Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam”. Câu thơ như một tiếng reo hân hoan và niềm tự hào về biểu tượng của dân tộc và con người Việt Nam: tre Việt Nam trồng quanh lăng Bác. Tre Việt Nam là hình ảnh ẩn dụ của con người Việt Nam qua bao thế hệ với phẩm chất “Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”. Bão táp mưa sa chính là ẩn dụ của những năm tháng khó khăn, vất vả lam lũ của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, con người Việt Nam vẫn chính là những cây tre quật cường, anh dũng, nhân hậu với những phẩm chất tốt đẹp và tre xanh Việt Nam cũng giống như vậy. Tóm lại, khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác là những dòng thơ hết sức xúc động về hoàn cảnh đi viếng lăng của nhà thơ.
Cảm nhận khổ 1 bài Viếng lăng Bác – Mẫu 4
Khi nhắc đến hai tiếng Bác Hồ, mỗi người dân Việt Nam chúng ta luôn cảm thấy thân thương và gần gũi hơn bao giờ hết. Vẻ đẹp của một vị lãnh tụ hết lòng vì dân vì nước, một trái tim tràn ngập yêu thương và bản lĩnh phi thường ấy đã trở thành cảm hứng để các nhà thơ sáng tạo nên những tác phẩm song hành cùng thời gian. Viếng lăng Bác của Viễn Phương là bài thơ như thế, đặc biệt khổ thơ đầu của văn bản đã để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ và liên tưởng sâu xa:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”.
Viếng lăng Bác được sáng tác vào năm 1976, khi công trình lăng Bác vừa được khánh thành. Lần đầu tiên từ miền Nam hòa vào dòng người vào lăng viếng Bác, Viễn Phương chất chứa cảm xúc vừa trân trọng, vừa xúc động nghẹn ngào. Đặc biệt, khổ thơ đầu tiên khái quát cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng Bác.
Câu thơ đầu như lời thông báo mộc mạc mà chất chứa biết bao cảm xúc thân thương của người con ở miền Nam lần đầu được vào lăng viếng Bác: ” Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Chữ “con” cất lên sao mà ngọt ngào, ấm áp nhưng cũng không vơi bớt lòng thành kính, trân trọng đến thế. Khoảng cách về không gian địa lí được thu hẹp và khoảng cách giữa lãnh tụ và nhân dân cũng trở nên thân mật như tình cha con một nhà. Nghệ thuật nói giảm nói tránh được Viễn Phương sử dụng rất khéo léo, tác giả không dùng chữ “viếng” mà lại sử dụng từ “thăm” để giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát, đồng thời cũng gợi sự gần gũi, gắn bó giữa Bác với “con”. Bác dường như vẫn còn sống mãi trong muôn triệu trái tim, khối óc của người con đất Việt. Câu thơ đã khái quát được hoàn cảnh và cảm xúc của tác giả, đó cũng là cảm xúc của tất cả người dân Việt Nam dành cho Bác – vị cha già của dân tộc.
Đứng trước lăng Bác, hình ảnh đầu tiên để lại ấn tượng sâu đậm với tác giả đó chính là hàng tre bát ngát:
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”.
Có phải ngẫu nhiên không mà trước bao nhiêu loài cây, loài hoa rực rỡ sắc màu trước lăng Bác, Viễn Phương lại chỉ ấn tượng với cây tre giản dị? Câu trả lời là không, bởi cây tre là hình ảnh thân thuộc gắn với làng quê đất Việt, nó vừa gợi lên sự trang nghiêm nhưng cũng không kém phần gần gũi. Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở nghĩa tả thực, cây tre còn mang ý nghĩa biểu tượng sâu xa. Ẩn dụ “hàng tre xanh xanh Việt Nam” để chỉ con người, dân tộc Việt Nam kết hợp với thành ngữ “bão táp mưa sa” và nghệ thuật nhân hóa “đứng thẳng hàng” biểu tượng cho vẻ đẹp thanh cao, ý chí bất khuất kiên cường của mỗi công dân nước Việt. Dù trải qua bao thăng trầm chống giặc ngoại xâm nhưng nhân dân ta vẫn chung một ý chí quyết tâm chiến thắng, giành lại độc lập cho dân tộc. Hàng tre ấy còn như một đội quân anh dũng đứng canh bảo vệ giấc ngủ của Bác. Thán từ “ôi” ở đầu câu thơ đã trở thành phương tiện chuyển tải cảm xúc xúc động của người con miền Nam xa xôi ra thăm người.
Chỉ với bốn câu thơ ngắn ngủi, người đọc đã hình dung được cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác. Đó cũng là cảm xúc của nhân dân ta khi đứng trước lăng Bác, đứng trước người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam.