Văn mẫu lớp 9: Dàn ý Nghị luận Ăn quả nhớ kẻ trồng cây gồm 2 mẫu chi tiết, đầy đủ những ý quan trọng, giúp các em học sinh lớp 9 nắm được cấu trúc, nhanh chóng hoàn thiện bài văn Nghị luận Ăn quả nhớ kẻ trồng cây thật hay.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Dàn ý Nghị luận Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” gửi gắm bài học sâu sắc về sự biết ơn, nhớ ơn, kính trọng dành cho các thế hệ đi trước. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9.
Lập dàn ý Nghị luận Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Dàn ý nghị luận Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
I. Mở bài
Giới thiệu vấn đề: Không có gì cao quý hơn lòng biết ơn của một người dành cho ai đó. Bàn về vấn đề này, tục ngữ có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ẩn phía sau hình ảnh và lời nói ngắn gọn là bài học sâu sắc về đạo lí làm người.
II. Thân bài:
1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:
* Về nghĩa đen (là nghĩa trên từ ngữ của hình ảnh):
- “Quả” là sản phẩm của cây, là kết tinh của hoa.
- “Kẻ trồng cây” là người đã trồng cây cho quả ấy.
* Về nghĩa bóng (là nghĩa biểu đạt của hình ảnh).
- “Quả” chính là kết quả, thành quả của sức lao động.
- “Kẻ trồng cây” chính là người đã làm nên, tạo nên kết quả, thành quả lao động ấy.
* Ý nghĩa câu tục ngữ: Mượn hình ảnh quả và kẻ trồng cây, câu tục ngữ muốn nói đến vấn đề khi nhận lấy hoặc thừa hưởng một thành quả lao động từ ai đó thì hãy ghi nhớ công ơn của người đã tạo ra nó. Câu tục ngữ khuyên chúng ta sống phải có lòng biết ơn.
2. Bàn luận về ý nghĩa câu tục ngữ (Tại sao sống phải có lòng biết ơn).
- Sống có lòng biết ơn là việc rất quan trọng trong cuộc sống của con người.
- Sống có lòng biết ơn giúp gắn kết con người lại với nhau.
- Sống có lòng biết ơn là lối sống cao đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay.
- Sống có lòng biết ơn thể hiện lối sống trong sạch, vững mạnh, nhân cách cao quý ở con người.
3. Phê phán những biểu hiện tiêu cực/trái ngược:
- Thế nhưng, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống không có lòng biết ơn. Họ vô ơn đối với những người đã giúp đỡ mình, sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Những người như thế thật đáng chê trách.
4. Rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Bài học nhận thức: Biết ơn người khác không những là một phẩm chất mà còn là một đạo lí làm người của dân tộc ta, rất cần có ở mỗi chúng ta.
- Hành động: là học sinh, chúng ta cần sống có lòng biết ơn, luôn ghi nhớ công ơn của người khác đối với mình và sau này tìm cách báo đáp xứng đáng.
III. Kết bài:
- Khẳng định ý nghĩa của câu tục ngữ: Câu tục ngữ là một lời khuyên sâu sắc. Hiểu được điều đó, chúng ta cần sống cho xứng đáng với những gì mà tỏ tiên đã dày công bồi đắp và để lại cho chúng ta hôm nay.
Lập dàn ý Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
1. Mở bài
- Giới thiệu câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
2. Thân bài
a. Giải thích câu tục ngữ:
- Quả là sản phẩm ngọt lành và là kết tinh tuyệt vời nhất của cây, tượng trưng cho những gì tốt đẹp nhất.
- Muốn có được quả ngọt thì phải có “kẻ trồng cây”, người đã dành công sức trồng trọt, chăm bón. Chính vì thế khi ta ăn một thứ quả ngọt lành thì trước tiên phải nghĩ đến người tạo ra nó đã phải vất vả, dãi nắng dầm sương bao lâu, phải nhớ đến công sức mà những người trồng đã bỏ ra.
=> Câu tục ngữ chính là lời khuyên dạy sâu sắc của cha ông ta đối với mỗi con người về lòng biết ơn, nhắc nhở chúng ta rằng mỗi một thành quả mà chúng ta hưởng dụng ngày hôm nay không phải tự nhiên mà xuất hiện. Mà nó là cả một quá trình phấn đấu, gây dựng của những người đi trước.
b. Biểu hiện:
- Biết ơn cha mẹ, những người có công sinh thành nuôi dưỡng.
- Biết ơn thầy cô những người đã truyền đạt cho ta kiến thức bước vào đời.
- Biết ơn những thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu để cho chúng ta một cuộc sống hòa bình.
c. Ý nghĩa của lòng biết ơn:
- Việc sống với tấm lòng biết ơn sâu sắc khiến cho bạn trở nên hiền hòa, tình cảm, tâm hồn ngày càng trở nên trong sáng, bạn sẽ được mọi người xung quanh yêu quý tín nhiệm vì lối sống tình nghĩa, được bạn bè coi trọng và tin tưởng.
- Việc sống ân tình, ân nghĩa sẽ là tấm gương sáng cho con cái và các thế hệ tiếp nối.
- Nêu cảm nhận chung.
3. Kết bài
- Nêu cảm nhận cá nhân.