Văn mẫu lớp 9: Dàn ý phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương mang tới 3 dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 nhanh chóng lập dàn ý chi tiết bài văn phân tích Nói với con thật chi tiết, đầy đủ những ý quan trọng.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Dàn ý phân tích bài thơ Nói với con (3 mẫu)
Bài thơ muốn nhắn nhủ với những người làm con về công lao, tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái. Vậy mời các em cùng theo dõi 3 dàn ý phân tích Nói với con trong bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Ngữ văn 9.
Dàn ý phân tích bài thơ Nói với con hay nhất
Lập dàn ý phân tích bài thơ Nói với con
1. Mở bài
- Giới thiệu sơ lược về Y Phương và phong cách thơ của ông.
- Nói với con là một trong những bài thơ hay nhất đã làm nên tên tuổi của Y Phương trên thi đàn Việt Nam.
2. Thân bài
* Bốn dòng thơ đầu “Chân phải…tiếng cười”
- Người cha kể cho con nghe về những ngày con còn thơ bé, niềm hạnh phúc trong tình cảm gia đình ấm áp với từng bước đi chập chững, từng tiếng nói giọng cười của con.
- Nhắn nhủ với con về công lao và tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho con cái từ thuở con sinh ra cho đến khi con lớn khôn thành người.
* “Người đồng mình…đẹp nhất trên đời”:
- Mở rộng từ tình cảm gia đình sang tình cảm làng xóm, quê hương với vẻ đẹp của “người đồng mình”: Sự khéo léo, sáng tạo trong lao động, vẻ đẹp của đời sống văn hóa tinh thần.
- Vẻ đẹp trù phú của “rừng cho hoa”, vẻ đẹp đậm tình con người quê hương của “con đường cho những tấm lòng”.
=> Mong con có thể ghi nhớ và khắc sâu vào lòng những gì thân thuộc nhất của quê hương, để khiến con nhận thức được ngoài gia đình thì chính những nét đẹp văn hóa, chính cái nôi của cộng đồng đã nuôi dưỡng con thành người, cho con tiếng nói, cho con những vẻ đẹp tâm hồn quý giá.
* “Người đồng mình…phong tục”:
- Vẻ đẹp kiên cường, ý chí mạnh mẽ của người miền núi, vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
- Lời thơ của tác giả có chút ngậm ngùi xót thương cho những con người miền núi, thế nhưng phần hơn vẫn là niềm tự hào sâu sắc với bản lĩnh và ý chí kiên cường của dân tộc, mong muốn con có thể kế thừa và phát huy truyền thống của “người đồng mình”.
- “Người đồng mình” đã tự tay kiến thiết lên quê hương, làm ra quê hương, rồi chính từ quê hương đã làm ra những phong tục tập quán chung, xây dựng nên một cộng đồng dân tộc thống nhất.
* Đoạn cuối:
- Lời dặn dò thấm thía và đầy thương yêu của người cha dành cho đứa con của mình sau những lời tâm tình, giảng giải về vẻ đẹp của quê hương.
3. Kết bài
- Tổng kết nội dung và nghệ thuật.
Dàn ý phân tích bài thơ Nói với con
1. Mở bài
Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm:
- Tác giả Y Phương: là nhà thơ dân tộc Tày. Thơ của ông đậm đà bản sắc dân tộc, chứa đựng nhiều nét đặc sắc của đời sống tinh thần đồng bào vùng núi.
- Bài thơ “Nói với con”: thể hiện tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái, niềm hi vọng các con tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.
2, Thân bài
a, Hình ảnh em bé lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ
- Hình ảnh đứa trẻ tập đi được miêu tả giản dị, mộc mạc: Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ.
- Tiếng nói, tiếng cười: hình ảnh của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
⇒ tình yêu con của cha mẹ là vô hạn, chăm chút, dõi theo con từ những bước đi đầu đời.
b, Lời cha mẹ dạy con về những đức tính cần có trong cuộc sống
– Sống vui tươi, thân thiện, biết ơn:
- Hồn nhiên, yêu đời, yêu lao động: cài nan hoa khi đan lờ bắt cá, luôn ca hát trong lao động.
- Con người sống dựa vào tự nhiên, biết ơn tự nhiên: “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”.
- Con người không thể sống một mình: ngày cưới của cha mẹ là ngày “đầu tiên đẹp nhất trên đời”, và kết tinh đẹp nhất chính là đứa con.
⇒ Giọng thơ xúc động, vui tươi, cha mẹ vừa nói với con vừa như nhớ lại những kỉ niệm của mình.
– Sống kiên cường, hiên ngang, không quản gian khó:
- Mong con học được sự kiên cường của “người đồng mình”: vượt qua những nỗi đau để nuôi chí làm việc lớn.
- Sống phải biết ơn những hi sinh của cha ông đời trước đã xây dựng quê hương, không chê quê hương nguồn cội, không quản gian khó: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”.
- Cha mẹ mong con có đủ sức mạnh thể chất và tinh thần như “người đồng mình”: “thô sơ da thịt”, “chẳng mấy ai nhỏ bé”; có thể “Lên thác xuống ghềnh”, “Không lo cực nhọc”.
– Sống có ích, xây dựng quê hương và luôn ghi nhớ truyền thống, nguồn cội: “tự đục đá kê cao quê hương”, “quê hương thì làm phong tục” đó là mối quan hệ mật thiết giữa con người với quê hương đất nước. Con người xây dựng nên quê hương, tạo ra phong tục tập quán rồi chính quê hương là nơi lưu giữ những phong tục ấy.
⇒ Cha mẹ mong đứa con hãy “Sống như sông như suối”, luôn trôi chảy, luôn phát triển, nhưng những giá trị quan trọng của dân tộc thì không thể quên.
c, Lời dặn dò con về bản lĩnh làm người khi ra cuộc đời
- Lời dặn dò cuối cùng cha mẹ muốn nói với đứa con: “tuy thô sơ da thịt” nhưng khi rời khỏi gia đình, tự lập trong cuộc sống thì “không bao giờ nhỏ bé được”. Con người không phải máy móc, chỉ là da thịt “thô sơ” có thể chịu tổn thương, có thể ốm đau bệnh tật, mệt mỏi, nhưng phải cố gắng sống hiên ngang, không “nhỏ bé” khuất phục cái xấu, cái bất công, không “nhỏ bé” chấp nhận chịu sống cúi đầu, như ông cha ta ngàn đời nay.
- “Nghe con”: câu thơ cuối như tiếng lòng của cha mẹ, đầy yêu thương, hi vọng, lo lắng, mong con sẽ trưởng thành một người sống hạnh phúc, tự do, sống có ích.
d, nghệ thuật bài thơ
- Thể thơ tự do, giọng thơ thân tình, mộc mạc, trìu mến.
- Sử dụng những hình ảnh, ngôn ngữ đặc trưng của người dân miền núi
3, Kết bài
- Bài thơ chứa đựng tâm tư của cha mẹ, những lời nhắn nhủ dặn dò dành cho con. Qua những lời dạy còn thấy được lòng tự hào với sức sống của con người, với truyền thống tốt đẹp của quê hương.
- Bài thơ mang màu sắc tự do, mộc mạc của văn hóa dân tộc miền núi phía Bắc.
Dàn ý phân tích Nói với con hay nhất
A. Mở bài:
Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm:
- Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, nhà thơ dân tộc Tày, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
- Ông nhập ngũ năm 1968, đến năm 1981 chuyển ngành về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng.
- Chủ tịch Hội Văn học nghệ Cao Bằng.
- Thơ Y Phương Văn đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của đồng bào vùng cao Việt Bắc
- Bài thơ ”Nói với con” thể hiện tình yêu thương và ước nguyện tha thiết của các bậc cha mẹ, mong các con nối tiếp xứng đáng và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.
B. Thân bài:
– Con lớn lên trong tình yêu thương, nâng đỡ của cha mẹ, trong cuộc sống cần lao của quê hương:
+ Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là sâu sắc và vô hạn, thể hiện qua hình ảnh giản dị và cách diễn đạt mộc mạc:
”Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”
Đây là hình ảnh của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
+ Thiên nhiên đẹp đẽ, cuộc sống cần lao của con người quê hương góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú cho con, nuôi dưỡng con nên vóc hình:
“Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”
– Ước nguyện tha thiết của người cha đối với con:
+ Mong con chung thủy với quê hương, chấp nhận và vượt qua mọi gian nan, thử thách bằng ý chí và niềm tin vững chắc:
”Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc ”
+ Mong con sống xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc:
”Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”
C. Kết bài:
- Bài thơ thể hiện được điều tâm huyết nhất mà người cha muốn nói với con.Đó chính là lòng tự hào với sức sống bền bỉ, mạnh mẽ, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và niềm tin vững chắc khi bước vào đời.
- Qua bài thơ”nói với con”, người đọc rung động trước tình cảm cha con thắm thiết và tình yêu quê hương sâu nặng của nhà thơ.