Văn mẫu lớp 9: Dàn ý Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh gồm 2 dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 nắm được cấu trúc, biết cách lập dàn ý cho bài văn phân tích 2 khổ đầu Sang thu thật đầy đủ, chi tiết những ý quan trọng.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Dàn ý Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu
Chỉ với 2 khổ thơ đầu Sang thu, mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã tạo nên bức tranh nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Với những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn, sống động. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để chuẩn bị thật tốt kiến thức Ngữ văn 9, ôn thi vào lớp 10 hiệu quả.
Lập dàn ý Phân tích 2 khổ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Dàn ý Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.
2. Thân bài
a. Khổ thơ đầu
Bỗng: chợt giật mình, không có sự chuẩn bị từ trước, cảm giác sững sờ, ngạc nhiên.
Hương ổi: đặc trưng của mùa thu, báo hiệu mùa thu đã về.
Phả: động từ chỉ hành động mạnh mẽ.
Chùng chình: tính từ, tạo cảm giác chậm chạp, lững thững.
Bức tranh mùa thu được tác giả Hữu Thỉnh khắc họa qua hình ảnh, cách nhìn, cảm nhận và cả tận hưởng: hương ổi, gió, sương,… đây là sự kết hợp của nhiều giác quan khác nhau mang qua bốn câu thơ ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm cho bạn đọc hình dung ra những đặc trưng của mùa thu và bức tranh mùa thu nơi quê nhà thanh bình như được hiện ra rõ nét hơn, đẹp đẽ hơn.
b. Khổ thơ thứ hai
Dòng sông: không còn mang dòng chảy vội vã, hối hả mà giờ đây đi chậm lại để cảm nhận, tận hưởng vẻ đẹp yên bình của mùa thu.
Đàn chim: trong mùa thu tươi đẹp này, hình ảnh đàn chim nang nét đối lập với dòng sông. Nếu dòng sông lững thững, dềnh dàng để cảm nhận thời tiết mát mẻ, dịu dàng thì đàn chim lại vội vã, hối hả đi tìm thức ăn và sửa soạn lại tổ ấm của mình để đón chờ mùa đông khắc nghiệt sắp đến.
Đám mây: không còn mang màu xanh biếc của mùa hè oi bức, mây như trở nên dịu dàng hơn, hiền hòa hơn và uốn mình thành một đường cong mềm mại để chuyển dần sang mùa thu.
Động từ “vắt” thể hiện sư nghịch ngợm, dí dỏm của đám mây đồng thời làm cho đám mây như có hồn hơn, hình ảnh chuyển đổi như mềm mại hơn, thú vị hơn. Đám mây mới chỉ “nửa mình sang thu” vì vẫn còn lưu luyến mùa hè rộn rã.
→ Bốn câu thơ đã khắc họa những biến chuyển tinh tế của cảnh vật từ mùa hè sang mùa thu. Mỗi cảnh vật lại có một đặc trưng riêng nhưng tất cả đã làm cho bức tranh mùa thu thêm thi vị hơn.
3. Kết bài
Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của hai đoạn thơ cũng như bài thơ bài thơ đồng thời nêu cảm nghĩ về giá trị của tác phẩm.
Dàn ý Phân tích 2 khổ đầu Sang thu
1. Mở bài:
- Giới thiệu bài thơ: là một tác phẩm hay, độc đáo, mới lạ về đề tài mùa thu.
- Giới thiệu 2 khổ thơ đầu: Cảnh sắc giao mùa khi đất trời chuyển từ mùa hạ sang mùa thu.
2. Thân bài:
a. Những biểu hiện đầu tiên của mùa thu
– Những tín hiệu vô hình trong thiên nhiên:
- Hương ổi: mùi hương bình dị, dân dã đặc trưng của mùa thu miền Bắc khi mùa ổi chín.
- Động từ “phả”: sự lan tỏa, trộn lẫn: gợi tả về một không gian dường như mang cả hương thơm của mùa thu, của sự trong lành
- Gió se: gió hơi lạnh, khô, là gió heo may của mùa thu, không phải cơn gió nam của mùa xuân hay gió bắc mùa đông.
- Sương: hiện tượng ngưng tụ hơi nước khi thời tiết chuyển lạnh vào buổi tối và sáng sớm.
- Động từ “chùng chình”: chuyển động chậm rãi, thong thả, nhân hóa cho hình ảnh, sương như có tâm hồn.
– Cảm xúc của tác giả:
- Giật mình nhận ra mùa thu đang về qua từ “bỗng”
- Câu hỏi tu từ “Hình như thu đã về”: sự ngỡ ngàng, khó tin, tâm hồn thi sĩ cũng như biến chuyển cùng đất trời.
⇒ Tác giả sử dụng những hình tượng vô hình, chỉ cảm nhận được qua khứu giác, cảm giác chứ không nhìn thấy, không cầm nắm được. Đây là một điểm đặc biệt so với việc dùng những hình ảnh quen thuộc để nói về mùa thu như hoa sữa, quả hồng, cốm non,… cho thấy sự tinh tế trong cảm xúc của tác giả.
b. Vẻ đẹp của thiên nhiên trong thời khắc giao mùa
- Hình ảnh đối lập: sông “dềnh dàng” với chim “vội vã”. Dòng sông vào mùa thu bắt đầu chảy chậm rãi, đã qua rồi những cơn bão hè khiến sông cuộn trào. Chim thì lại vội vã bay về phương Nam tránh rét
- Hình ảnh đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu: một hình ảnh liên tưởng sự níu kéo, lưu luyến của mùa hạ, gợi tả vẻ đẹp bầu trời đặc biệt. Một sắc mây không còn nóng bỏng đầy nắng của mùa hè nhưng cũng chưa nhẹ nhàng thanh thoát của mùa thu.
⇒ Thiên nhiên giao mùa đẹp kì lạ, độc đáo
3. Kết bài:
- Hai khổ thơ cho thấy: tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, vẻ đẹp của khoảnh khắc giao mùa.
- Nghệ thuật: sử dụng hình ảnh, nhân hóa, liên tưởng.