Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn nghị luận về hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học gồm 2 mẫu hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ thực trạng, hậu quả của việc nói chuyện riêng trong giờ học.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn nghị luận về hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học
Nói chuyện riêng trong giờ học, cười đùa, không tập trung vào bài giảng sẽ khiến chúng ta không tiếp thu, lĩnh hội được những kiến thức thầy cô truyền đạt, lại ảnh hưởng tới những người xung quanh. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để hiểu sâu sắc hơn:
Viết đoạn văn nghị luận về hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học
Đoạn văn nghị luận về hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học
“Tiên học lễ, hậu học văn” được coi là một trong những triết lí hay nhất về giáo dục. Quả thực, trước khi trở thành một người giỏi về kiến thức, học sinh cần được trau dồi về đạo đức, ý thức sống hằng ngày. Chính vì thế, việc giáo dục học sinh biết trật tự, tôn trọng người thầy, tôn trọng tiết học và mọi người xung quanh là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học của học sinh đang ngày càng phổ biến, trở thành một vấn đề nóng hổi. Hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học chính là hành động học sinh trò chuyện, bàn tán những điều ngoài nội dung bài giảng khi chưa có sự cho phép của giáo viên. Đây là hiện tượng phổ biến, diễn ra ở mọi lứa tuổi học sinh ở bất kì ngôi trường nào. Thậm chí, với sự nghịch ngợm của lứa tuổi học trò, nhiều học sinh còn sáng tạo ra các hình thức trò chuyện mới trong giờ như truyền thư tay, nhắn tin. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ấy trước hết xuất phát từ tự vô tư, tinh nghịch và cả ý thức kém của học sinh. Ngoài ra, sự giáo dục của gia đình và nhà trường chưa đủ chặt chẽ cũng là lí do dẫn tới hiện tượng này. Không chỉ vậy, nếu bài giảng của người giáo viên đứng lớp không đủ thu hút học sinh thì học sinh cũng dễ dàng lơ là, đánh mất sự tập trung. Dù có xuất phát đơn thuần từ sự hiếu động, vô tư của học sinh nhưng hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học lại mang tới nhiều tác động tiêu cực. Trước hết, hành động này thể hiện sự thiếu ý thức, không tôn trọng giáo viên và mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, giờ học là khoảng thời gian tiếp thu tri thức mới nên việc bàn tán, chuyện trò còn khiến bản thân học sinh không thể tập trung vào bài giảng, học lực sa sút. Từ đó, tập thể sẽ bị ảnh hưởng. Những học sinh ấy khi trưởng thành sẽ thành những người không biết giữ ý thức trước đám đông. Muốn khắc phục tình trạng trên, bản thân mỗi học sinh cần tự ý thức về trách nhiệm của mình trước tập thể, trau dồi kỷ luật sống. Gia đình, nhà trường và xã hội cũng cần có những biện pháp đúng đắn để giáo dục thế hệ trẻ. Có như vậy, môi trường giáo dục và con người mới có thể phát triển tiến bộ.
Đoạn văn suy nghĩ về hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học
Nói chuyện riêng trong giờ học là một hiện tượng khá phổ biến, gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho việc giáo dục. Đến một giờ học bất kì, rất dễ để bắt gặp cảnh tượng hai hoặc một vài học sinh đang thì thầm, truyền tay những mẩu giấy, ra “ám hiệu” cho nhau khi giáo viên vẫn đang giảng bài phía trên. Sự mất tập trung này diễn ra bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do ý thức người học chưa cao. Họ sẵn sàng lãng phí buổi học với bao nhiêu kiến thức quý báu chỉ vì một vài câu chuyện bên lề. Mặt khác, việc quản lí lỏng lẻo của giáo viên bộ môn cũng là yếu tố khiến hiện tượng tiêu cực kia gia tăng đáng kể. Điều này đem đến vô số ảnh hưởng đối với trường, lớp. Nói chuyện riêng không chỉ khiến người nói không tiếp thu được bài giảng mà còn gây mất tập trung cho các thành viên khác trong lớp. Từ đó, kết quả học tập bị giảm sút, chất lượng buổi dạy cũng đi xuống, ảnh hưởng đến cả thành tích của thầy cô đứng lớp. Vậy, để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần làm gì? Đầu tiên, mỗi cá nhân cần có ý thức tự giác chấp hành nội quy, quy định của trường, lớp. Việc giữ im lặng, tập trung trong giờ không chỉ giúp người học tiếp thu kiến thức tốt hơn mà còn bày tỏ được sự tôn trọng đối với giáo viên. Tiếp theo, gia đình cũng nên bảo ban, dạy dỗ con trẻ, giúp các bạn nâng cao ý thức từ sớm. Và cuối cùng, nhà trường và các thầy cô cần đưa ra hình thức xử phạt thật nghiêm khắc đối với những cá nhân cố tình vi phạm. Chỉ có như vậy, môi trường học đường mới ngày một lành mạnh, văn minh hơn.