Viết đoạn văn nghị luận về lòng trắc ẩn gồm 5 đoạn văn SIÊU HAY, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ vai trò, ý nghĩa của lòng trắc ẩn trong cuộc sống để luôn cố gắng, hoàn thiện bản thân.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn nghị luận về lòng trắc ẩn (5 mẫu)
Lòng trắc ẩn chính là sự thương cảm, tấm lòng nhân ái, cảm thông với mọi người xung quanh. Lòng trắc ẩn là một trong những phẩm chất quan trọng của con người, giúp gắn kết mọi người lại với nhau. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để ngày càng học tốt môn Văn 9:
Viết đoạn văn nghị luận về lòng trắc ẩn
Viết đoạn văn nghị luận về lòng trắc ẩn
Lòng trắc ẩn là tấm lòng cao cả, tốt đẹp trong cuộc sống. Hiểu một cách đơn giản, đó là khả năng cảm thông cho bất hạnh của người khác mà không vì mục đích nào cả. Người có lòng trắc ẩn họ sẽ thấu hiểu và giúp đỡ khi gặp những hoàn cảnh khó khăn. Họ sẵn sàng cho đi mà không mong cầu nhận lại bất cứ điều gì. Trong đại dịch Covid 19, có rất nhiều người sẵn sàng quyên góp để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chính nhờ tấm lòng đó đã giúp nhiều người có thêm hi vọng để vượt qua bệnh tật. Vậy nên, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn khi chúng ta biết giúp đỡ lẫn nhau. Lòng trắc ẩn chính là sợi dây gắn kết mọi người. Bởi lẽ, chính tình yêu thương, sự đồng cảm sẽ giúp trái tim đến gần hơn với trái tim. Nếu không có lòng trắc ẩn, con người sẽ trở nên vô cảm, chỉ quan tâm đến bản thân mình. Thực tế cuộc sống, còn một số người còn sống thờ ơ với mọi thứ diễn ra xung quanh. Dần dần, tâm hồn họ trở nên chai sạn, trở nên cô đơn và tách biệt với cộng đồng. Vậy nên, mỗi cá nhân hãy biết sống yêu thương, giúp đỡ mọi người xung quanh để cảm nhận nhiều điều ý nghĩa.
Viết đoạn văn về lòng trắc ẩn
Lòng trắc ẩn là một trong những phẩm chất ai cũng nên có. Hiểu đơn giản, đó là sự thấu hiểu, đồng cảm với mọi người. Trong cuộc sống, ta có thể thấy lòng trắc ẩn hiện hữu ở mọi nơi. Giữa đại dịch Covid 19, có biết bao nhiêu người sẵn sàng quyên góp, ủng hộ cho đồng bào, giúp những người gặp khó khăn có thêm động lực, hi vọng vào cuộc sống. Hay như những đợt lũ lụt hàng năm ở miền Trung, rất nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ của cải, vật chất cho bà con, giúp họ sớm vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Sự cho đi không chỉ giúp mọi người xung quanh có cuộc sống hạnh phúc mà chính bản thân chúng ta cũng sẽ cảm thấy vui vẻ. Khi dành tình cảm cho người khác, ta sẽ nhận lại được sự tin yêu, kính trọng từ cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số người sống vô cảm, thờ ơ, dửng dưng với mọi thứ. Điều đó sẽ khiến cho họ không thể cảm nhận được những điều ý nghĩa xung quanh, từ đó dần tách mình ra khỏi cộng đồng. Vậy nên, ta hãy quan tâm, yêu thương mọi người để cuộc sống thêm hạnh phúc, ý nghĩa.
Đoạn văn nghị luận 200 chữ về lòng trắc ẩn
Mỗi người có một trái tim. Trái tim không những để duy trì sự sống mà còn khiến cho sự sống ấy trở nên đẹp hơn. Một cuộc sống có ý nghĩa là khi ta có lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn là khả năng khơi dậy sự đồng cảm, thương yêu, thấu hiểu giữa con người với nhau. Lòng trắc ẩn thậm chí còn có sức mạnh diệu kì cứu rỗi con người. Trong truyện “Những người khốn khổ” (V.Hugo), chỉ một sự tha thứ của giám mục Mi-ri-en mà đã khiến Giăng – van – giăng đã chọn sống hoàn lương. Albert Schweitzer từng nói: “Lòng trắc ẩn chính là cội nguồn của mọi đạo đức”. Nhờ có lòng trắc ẩn, thế giới này mới trở nên đẹp hơn, văn minh, nhân ái hơn. Nhờ có lòng trắc ẩn, chúng ta có thêm niềm tin vào cuộc sống, vào con người. Ngược lại, nếu mất đi lòng trắc ẩn, xã hội này sẽ chỉ là một tinh cầu giá lạnh, con người đối xử với nhau bằng sự vô tâm, hờ hững, bạo tàn. Bởi vậy, ta hãy luôn thương yêu mọi người, luôn chở che và bao dung lẫn nhau. Song lòng trắc ẩn không có nghĩa là cổ xúy cho việc bao che, tha thứ cho cái xấu, cái ác. Chúng ta biết động lòng nhưng cũng phải biết đấu tranh loại trừ những điều đáng loại trừ.
Đoạn văn nghị luận xã hội về lòng trắc ẩn
Một mảnh ghép khác tạo nên lòng trắc ẩn chính là ý nghĩa của việc thiện nguyện. Ý nghĩa sẽ cung cấp bối cảnh cho mối quan hệ của bạn. Bạn càng chia sẻ với người khác, bạn sẽ nhận thấy mối quan hệ đó sẽ trở nên muôn màu hơn. Tôi muốn chúng ta ngắm nhìn hình ảnh của một cô bé đã cõng bạn đi thi, leo 5 tầng lầu đang lan truyền mạnh mẽ trong những ngày qua để có thêm niềm tin vào lòng trắc ẩn trong cuộc sống. Cũng giống như việc một đứa trẻ bắt đầu bập bẹ tập nói, sau đó nói được trôi chảy thì tập ca hát và làm thơ, lòng trắc ẩn cần phải được mài giũa qua thời gian. Mỗi con người chúng ta ai cũng có lòng trắc ẩn, mặc dù đôi khi nó bị vùi lấp dưới thành kiến và sự ích kỉ. Hãy vượt qua rào cản của những thứ tiêu cực và bắt đầu rèn giũa tâm hồn để lòng trắc ẩn được tỏa sáng và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của chính chúng ta và những người xung quanh.
Nghị luận xã hội 200 chữ về lòng trắc ẩn
Lòng trắc ẩn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống đối với mỗi người. Vậy lòng trắc ẩn là gì? Nó có ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của chúng ta? Lòng trắc ẩn là khả năng khơi dậy sự thương xót, đồng cảm và thấu hiểu giữa con người với con người; là khía cạnh quan trọng nhất của tình yêu đích thực. Giữa những guồng quay chóng mặt của cơm – áo – gạo – tiền, đôi khi sẽ thật khó để ta có thể dành thời gian quan tâm, nhận ra những nỗi buồn, sự vất vả của những người xung quanh. Khi ấy, nếu chẳng thể khơi lên lòng trắc ẩn, chúng ta sẽ ngày một xa nhau, trở nên cô độc và lạnh lẽo. Ngược lại, nếu có được nó, con đường ta đang đi sẽ trở nên sáng sủa hơn, những khó khăn cũng nhẹ đi vì có người san sẻ, những ước mơ sẽ thêm đẹp khi ai đó cùng ta tô vẽ… Có thể nói, lòng trắc ẩn tạo nên phần “người” cho mỗi người, khiến cuộc sống này trở nên đẹp đẽ hơn. Vậy nhưng, vẫn có không ít kẻ vẫn giữ cho mình thói vô cảm, thờ ơ với cảm xúc của những người xung quanh và thậm chí là tạo ra những hành vi phi nhân tính như lái xe tải ở Nam Định cố kéo lê nạn nhân sau tai nạn. Hay một người Thái Lan đã chết khi rơi xuống sông mà những người qua đường không ai chịu cứu… Nói tóm lại, tất cả chúng ta cần khơi dậy lòng trắc ẩn của bản thân qua những hành động hàng ngày như dành thời gian trò chuyện với người thân; giúp đỡ người có tuổi, khuyết tật qua đường; gấp cẩn thận một đồng tiền và đưa nó cho một người hành khất… Bởi đúng như Albert Schweitzer từng nói: “Lòng trắc ẩn chính là cội nguồn của mọi đạo đức”.