Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn phân tích 2 khổ đầu Bài thơ về tiểu đội xe không kính gồm 2 mẫu, giúp các em học sinh lớp 9 thấy được vẻ đẹp của những người lính lái xe hiên ngang, dũng cảm mà cũng rất lãng mạn.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn phân tích 2 khổ đầu Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Qua khổ 1, 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, ta bắt gặp hình ảnh độc đáo là những chiếc xe không kính, nhìn vào đó giúp ta thấy được vẻ đẹp của những người lính lái xe hiên ngang, dũng cảm. Vậy chi tiết mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Đoạn văn phân tích khổ 1, 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đưa vào tác phẩm của mình một chất liệu hiện thực độc đáo: những chiếc xe không kính, qua đó làm nổi bật lên vẻ đẹp của những người lính lái xe. Trong khổ thơ 1,2, nhà thơ không chỉ cho chúng ta vẻ đẹp độc lạ của chiếc xe mà còn làm nổi bật tư thế, tinh thần của những người lính lái xe. Đầu tiên là hình ảnh chiếc xe không kính, đó là chiếc xe độc và lạ vì mất đi lớp kính chắn phía trước buồng lái, vốn được dùng để che chắn mưa gió, cản vật lạ, đảm bảo an toàn co người lái nhưng lại mất đi bởi”Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”. Hiện thực cuộc chiến tranh dữ dội là vậy, điều kiện chiến đấu cũng hết sức khó khăn khi những chiếc xe dần trở nên méo mó, biến dạng, thế nhưng những người lính lái xe vẫn giữ vững một tư thế ung dung, bất chấp mọi khó khăn, thử thách. Đi giữa mưa bom bão đạn nhưng họ vẫn luôn kiên định, quyết tâm, đôi mắt nhìn thẳng về phía trước để tiếp tục hành trình. Hoàn cảnh chiến đấu và thực tế chiến tranh vô cùng gian khổ, nhưng những người lính lái xe vẫn tự tạo cho mình khoảng không gian để bộc lộ sự lạc quan, lãng mạn. Kính xe vỡ cũng có hề chi, với những người lính thì đó không phải những khó khăn mà là điều kiện để họ hòa mình với thiên nhiên, được tiếp xúc với gió, với sao trời, với cánh chim, con đường. Hiện thực khốc liệt của chiến tranh cũng tiếp thêm cho họ sức mạnh, sự kiên định và cả quyết tâm mạnh mẽ cho lí tưởng đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước “Thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Trong hai khổ thơ, vừa có hình ảnh tả thực, vừa có ngôn ngữ và giọng điệu gần gũi, tự nhiên đã giúp làm nổi bật hình ảnh chiếc xe không kính và khắc họa vẻ đẹp người lính lái xe.
Đoạn văn phân tích 2 khổ đầu Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Hình ảnh những người lính lái xe cùng với những chiếc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật tái hiện đầy sinh động trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Trong hai khổ đầu, nhà thơ đã tập trung miêu tả diện mạo của những không kính và người lính lái xe.
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”
Những chiếc xe không kính xuất hiện trong trang thơ với một vẻ ngoài độc đáo, ấn tượng. Khi đưa vào văn thơ, thường những hình ảnh đó sẽ được lãng mạn hóa giống như đoàn thuyền của ngư dân trong “Đoàn thuyền đánh cá” – Huy Cận hay “đầu súng trăng treo” trong thơ Chính Hữu. Nhưng không, nhà thơ Phạm Tiến Duật lại chọn đưa vào tác phẩm của mình hình ảnh những chiếc xe không kính, nó là hiện thân, là nhân chứng rõ ràng nhất cho sự tàn khốc của chiến tranh. Lái chiếc xe không kính nhưng người lính không hề cảm thấy thiếu thốn, e ngại hay lo sợ, ngược lại còn rất ung dung, lạc quan và hiên ngang, mỗi lúc lái xe họ như được hòa mình với thiên nhiên bên ngoài, được nhìn ngắm mọi thứ mà không bị cản trở qua lớp kính ô tô. Ở họ không chỉ có lòng dũng cảm mà còn đó sự lãng mạn của tuổi trẻ, trên tuyến đường huyết mạch, nguy hiểm luôn cận kề nhưng họ hóa giải tất cả bằng chính tâm hồn lãng mạn của mình. Nhìn thấy “gió vào xoa mắt đắng”, thấy “con đường chạy thẳng vào tim” và thấy cả “sao trời và đột ngột cánh chim”, chiếc xe không kính băng băng lao nhanh trên đường mau chóng hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn có thể cảm nhận được mọi thứ xung quanh. Qua khung cửa đã mất đi kính, tất cả từ đất, trời, sao, chim như ùa vào buồng lái tạo nên cảm giác mạnh cho người lính lái xe. Chỉ với hai khổ thơ đầu, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật lên 2 hình tượng trung tâm của bài thơ, đó là những chiếc xe không kính và người lính lái xe.